Những bang đóng vai trò quyết định trong bầu cử tổng thống Mỹ
Việc giành chiến thắng tại những bang “chiến địa” được coi là vô cùng quan trọng với hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã bước vào những tuần cuối cùng.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ. (Ảnh: Midnight Sun)
Trong số 50 tiểu bang của Mỹ, một số bang đã bắt đầu đi bầu cử sớm và đây cũng là lúc hai ứng viên tổng thống dốc sức tận dụng cơ hội cuối cùng để vận động sự ủng hộ từ các bang được coi là mang tính quyết định tới cuộc bầu cử để có thể giành tối thiểu 270 lá phiếu đại cử tri.
Thông thường, trong các kỳ bầu cử, mỗi ứng viên đều nắm chắc phần thắng ở một số bang được coi là “lãnh địa” của đảng mình để giành được toàn bộ số phiếu đại cử tri ở bang đó. Ngược lại sẽ có những bang dao động giữa ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia, đây sẽ được coi là các bang “chiến địa”.
Năm nay các bang được coi là quan trọng gồm có Florida, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin, New Hampshire, Minnesota, Iowa Michigan, Nevada, Colorado, và North Carolina.
Trong các kỳ bầu cử gần đây, các ứng viên đắc cử tổng thống đều giành chiến thắng ở cả bang Florida và Ohio. Đây là hai bang lớn thứ 3 và lớn 7 của Mỹ với số đại cử tri lần lượt là 29 người và 18 người.
Kể từ năm 1960, kết quả bỏ phiếu ở Ohio luôn phản ánh kết quả bầu cử toàn quốc, trong khi đó kết quả ở Florida chỉ phản ánh chệch so với kết quả bầu cử toàn quốc 1 lần duy nhất. Do đó, Florida và Ohio được coi là hai bang “chiến địa” cạnh tranh khốc liệt giữa hai ứng viên.
Video đang HOT
Theo các phân tích, Ohio là nơi ông Trump có vẻ chiếm ưu thế hơn, tuy nhiên đảng Dân Chủ cũng từng nhiều lần giành chiến thắng ở bang này, ví dụ Tổng thống Barack Obama từng hai lần chiến thắng ở Ohio. Tương tự, đảng Cộng hòa thường chiếm ưu thế ở Florida hơn, nhưng năm nay cử tri ở đây có vẻ nghiêng về đảng Dân chủ.
Cùng với Florida và Ohio, các bang “chiến địa” khác cũng có ý nghĩa quan trọng khi theo quy tắc bầu cử Mỹ, ở hầu hết các tiểu bang, ứng cử viên nào giành được 50,1% số phiếu phổ thông sẽ được trao 100% số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. (Chỉ Maine và Nebraska không tuân theo nguyên tắc “winner takes all” – người chiến thắng giành tất cả này). Ví dụ, một bộ phận cử tri ở bang Minnessota có thể bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng nếu đa số cử tri ở đây bỏ phiếu cho bà Clinton thì toàn bộ 10 đại cử tri của bang này sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton. Kết quả là hàng triệu lá phiếu của cử tri sẽ trở nên vô nghĩa.
Kết quả thống kê cho thấy, ứng viên Cộng hòa luôn giành được sự ủng hộ từ 13 bang giống nhau trong 6 kỳ bầu cử liên tiếp, nhưng chủ yếu là các bang nhỏ nên chỉ nhận được 102 lá phiếu đại cử tri. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ luôn giành chiến thắng ở 19 bang trong giai đoạn đó với tổng số phiếu cử tri là 242 phiếu. Như vậy, để giành tối thiểu 270 lá phiếu đại cử tri, ứng viên Cộng hòa càng phải nỗ lực giành chiến thắng tại các bang “chiến địa”.
Giới chuyên gia nhận định, đường vào Nhà Trắng năm nay của ứng viên Cộng hòa Donald Trump thậm chí còn trắc trở hơn trước bởi ông có thể mất sự ủng hộ tại một số bang vốn được coi là “lãnh địa” của đảng Cộng hòa.
Minh Phương
Theo Danviet
Bầu cử Mỹ: Hillary Clinton kỳ vọng thắng lớn tại các bang quyết định
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đang kỳ vọng sẽ giành chiến thắng lớn ở các bang quyết định như Florida và Ohio trong cuộc bầu cử sớm tại Mỹ, nhằm nới rộng khoảng cách với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đang kỳ vọng giành chiến thắng lớn tại các bang quyết định trong các cuộc bỏ phiếu sớm.
Bầu cử sớm đã bắt đầu tại nhiều bang ở Mỹ khi chỉ 2 tuần nữa là cuộc tổng tuyển cử diễn ra. Bà Clinton và Trump đang tiếp tục ganh đua với nhau để giành chiến thắng ở các bang quan trọng, có vai trò quyết định người thành kẻ bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tại Mỹ, khoảng 37 trong số 50 bang tổ chức bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức 8.11 và chấp nhận hình thức bỏ phiếu vắng mặt qua thư điện tử hoặc đường bưu điện.
Các cử tri ở Chicago, Charlotte, Miami, Cleveland và Las Vegas đã chuẩn bị sẵn sàng để đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu sớm. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy có sự đột biến trong việc đi bỏ phiếu sớm của các cử tri đảng Dân chủ.
Trong năm 2012, bỏ phiếu sớm chiếm khoảng 1/3 trong tổng số phiếu bầu, theo Cục điều tra dân số Mỹ. Ước tính, năm nay số lượng phiếu bầu đến từ các cuộc bỏ phiếu sớm sẽ còn lớn hơn nhiều. Theo chuyên gia bầu cử thuộc Đại học Florida, Giáo sư Michael McDonald, ước tính khoảng 6 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu.
Bà Hillary Clinton chụp ảnh với người ủng hộ.
Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang nỗ lực huy động các cử tri trung thành lẫn cử tri còn băn khoăn chưa quyết định bầu cho ai đi bỏ phiếu sớm, đặc biệt là ở các bang dao động Florida, Nevada và North Carolina.
Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ phú Trump kém cựu Ngoại trưởng Clinton vài điểm ở Florida. Vị tỷ phú New York đã tổ chức 2 cuộc mít tinh tại bang này hôm 24.10 còn bà Clinton sẽ tới đây vận động hôm nay (25.10) và ngày mai (26.10) - đúng vào sinh nhật lần thứ 69 của bà.
Vận động tranh cử cho bà Clinton ở Las Vegas hồi cuối tuần, Tổng thống Barack Obama đã mạnh mẽ kêu gọi cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu sớm: "Mọi người nên đi bỏ phiếu sớm. Đó là cách giúp chúng ta giành chiến thắng năm 2008 và năm 2012. Đó cũng sẽ là cách giúp chúng ta giành chiến thẳng năm 2016".
Tổng thống Obama trong một cuộc vận động tranh cử cho bà Clinton.
"Giờ không cần phải đắn đo nữa. Lá phiếu của tôi đã ở trong hòm", bà Hannah Widlus, 61 tuổi, bỏ phiếu cho bà Clinton tại điểm bỏ phiếu sớm Chicago chia sẻ. Tại điểm bỏ phiếu này sáng nay có rất đông cử tri tới bỏ phiếu.
Bà Widlus chia sẻ, bình thường bà khong đi bỏ phiếu sớm, nhưng năm nay quyết định làm như vậy vì "tình thế của cuộc bầu cử hiện nay". Các lá phiếu tại các điểm bỏ phiếu sớm sẽ không được đếm cho tới Ngày bầu cử chính thức. Tuy nhiên, khảo sát những cử tri đi bỏ phiếu sớm cho kết quả, bà Clinton đang giành được lợi thế, đặc biệt là ở bang Nevada và Florida, bang vốn dĩ thường nghiêng về đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sớm.
Theo Danviet
Lí do Trump mời anh trai Obama tới cuộc tranh luận lần 3 Cũng giống như lần thứ hai, việc Trump mời những khách mời có chủ đích tới phiên tranh luận cuối cùng nhằm vào một ý đồ sâu xa. Malik Obama có mặt trong khán đài buổi tranh luận lần 3. Malik Obama thuộc lớp người mà Trump muốn loại bỏ khỏi nước Mỹ: người Hồi giáo. Anh trai Obama đến từ Kenya nơi...