Những bàn thắng kinh điển làm thay đổi tương lai bóng đá Việt Nam: Vượt qua giới hạn, hạ bệ khắc tinh
Nhiều bàn thắng trong lịch sử các đội tuyển quốc gia không quá đẹp mắt nhưng lại trở thành khoảnh khắc kinh điển đưa bóng đá Việt Nam đi lên một nấc thang mới, thay đổi dòng chảy tương lai.
1. “Bàn thắng vàng” vào lưới Myanmar tại SEA Games 1995
Tiền đạo Trần Minh Chiến là tác giả của bàn thắng vàng trong hiệp phụ. Ngày ấy, bóng đá vẫn sử dụng luật bàn thắng vàng trong hiệp phụ, đội nào ghi bàn trước sẽ kết thúc ngay trận đấu thay vì thi đấu hết 30 phút như hiện nay.
Bàn thắng đẹp mắt của Trần Minh Chiến giúp đội tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 1995. Dù chỉ giành HCB sau khi thua Thái Lan nhưng đây là thành tích ấn tượng nhất của bóng đá Việt Nam kể từ khi hoà nhập trở lại với bóng đá khu vực, mở ra một giai đoạn phát triển mới của bóng đá nước nhà.
Bàn thắng của Trần Minh Chiến đưa bóng đá Việt Nam đến thành tích tốt nhất sau khi tái hoà nhập với bóng đá khu vực.
2. Cơn địa chấn trước đội tuyển Hàn Quốc năm 2003
Năm 2003, đội tuyển Việt Nam từng gây chấn động châu Á khi hạ gục Hàn Quốc 1-0 ở vòng loại Asian Cup 2004. Thời điểm đó, Hàn Quốc vừa kết thúc World Cup 2002 với vị trí thứ 4 chung cuộc. Chưa kể, Việt Nam từng thua trắng 0-6 trước đối thủ ở trận lượt đi.
Bàn thắng xuất phát từ pha phản công nhanh của đội tuyển Việt Nam và người kết thúc là Văn Quyến. Anh tâng bóng tinh tế qua đầu thủ môn đối phương đem về chiến thắng đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam trước đội tuyển Hàn Quốc ở một giải đấu chính thức.
Chiến thắng như lột bỏ phần nào tâm lý nhược tiểu, “chưa đá đã thua” của cầu thủ Việt Nam mỗi lần đối đầu với các đại gia ở châu lục.
Bàn thắng ấn tượng hạ bệ đội tuyển thuộc nhóm “tứ đại anh hào” của Van Quyen. Nguồn: VTC3.
3. Cú đánh đầu ngược để đời của Lê Công Vinh
Từ cú đá phạt chếch bên cánh trái, Minh Phương treo bóng vào vòng cấm địa. Công Vinh chạy cắt mặt và lắc đầu theo bản năng đưa trái bóng đi theo quỹ đạo quá khó. Việt Nam 1-1 Thái Lan. SVĐ Mỹ Đình như nổ tung trong sự phấn khích của hơn 40.000 khán giả. Việt Nam chính thức vô địch AFF Cup 2008 sau khi đã thắng 2-1 ở lượt đi. Ngọt ngào hơn nữa khi chiến thắng trước “ông kẹ” Thái Lan.
Sau thành tích lọt vào tứ kết Asian Cup 2007, danh hiệu lớn đầu tiên ở khu vực đưa cả một thế hệ bóng đá Việt bay cao. Công Vinh từ đó về sau được xem như biểu tượng của bóng đá nước nhà. Hiệu ứng từ chức vô địch AFF Cup 2008 cũng khiến thị trường chuyển nhượng Việt Nam bùng nổ sau đó tạo nên giai đoạn các ông bầu vung tiền không tiếc tay để mua cầu thủ.
Bàn thắng lịch sử của Lê Công Vinh tại AFF Cup 2008. Nguồn: VFF.
4. Biểu tượng “cầu vồng trong tuyết”
Từ AFF Cup 2008, gần 10 năm sau, bóng đá Việt Nam mới tạo nên cú nổ mới nhưng lần này, sức ảnh hưởng được cho là chưa từng có trong tiền lệ.
Cú đá phạt thành bàn của Quang Hải ở trận chung kết U23 châu Á 2018 như tóm gọn cho một hành trình lịch sử của bóng đá Nam ở châu lục. U23 Việt Nam không giành cúp nhưng đã là nhà vô địch với dân tộc Việt Nam. Cơn mưa tuyết ở Thường Châu chỉ càng làm tăng tính kịch tính và chất phim trong một trận đấu bóng đá của U23 Việt Nam. “Cầu vồng trong tuyết” từ đó mà hình thành.
Sau giải đấu ấy, bóng đá Việt Nam đi liền một mạch đến các thành công khác ở ASIAD, AFF Cup và Asian Cup. Thành quả ấy tác động sâu rộng đến giá trị cầu thủ, giải VĐQG, các cấp độ đội tuyển và vị thế của nền bóng đá ở khu vực và châu lục. Bàn thắng ấy cũng chính thức mở ra thời kỳ thành công nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Cú đá phạt đẳng cấp của Quang Hải vào lưới U23 Uzbekistan ở chung kết U23 châu Á 2018. Nguồn: AFC Hub.
5. Chiến thắng đầu tiên trước người Nhật
Quang Hải vẫn là tác giả của bàn thắng duy nhất giúp Olympic Việt Nam vượt qua Olympic Nhật Bản với tỷ số tối thiểu ở vòng bảng ASIAD 2018. Dù cho đại diện tới từ xứ sở mặt trời mọc chỉ mang theo đội hình U20 nhưng đó là lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam vượt qua người Nhật trong lịch sử.
Giống như bàn thắng vào lưới Hàn Quốc của Văn Quyến năm 2004, bàn thắng của Hải “con”, chiến thắng của Olympic Việt Nam biến hình ảnh Nhật Bản bớt ám ảnh với người hâm mộ Việt.
Trận thua 0-1 trước đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2019 nối tiếp cho dấu ấn trước người Nhật của thầy trò HLV Park Hang-seo. Không chiến thắng nhưng tinh thần của các cầu thủ Việt Nam, lối chơi khó chịu trình diễn trước “những chiến binh samurai” là một bước tiến rất dài so với quá khứ.
Bàn thắng của Quang Hải vào lưới Olympic Nhật Bản tại vòng bảng ASIAD 2018.
6. “Từ nay, bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải sợ Thái Lan nữa”
Đó là tuyên bố của HLV Park Hang-seo sau chiến thắng 1-0 trước chủ nhà Thái Lan ở King’s Cup 2019. Bàn thắng của Anh Đức ở phút cuối cùng được cho có yếu tố may mắn rất cao nhưng chiến thắng vẫn là chiến thắng. Đội tuyển Việt Nam lần đầu vượt qua người Thái kể từ AFF Cup 2008.
Sau hàng loạt chiến tích, chiến thắng trước Thái Lan là khoảnh khắc người hâm mộ mong chờ nhất ở thế hệ được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo. Trước đó, U23 Việt Nam hạ U23 Thái Lan 2-1 ở M150 Cup 2017, 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020.
Tuyên bố của HLV Park Hang-seo như một cái kết đẹp nhất cho thước phim hạ bệ người Thái, như một lời hịch cho thế hệ sau này và xoá bỏ nỗi ám ảnh trước đối thủ truyền kiếp ở Đông Nam Á.
Anh Đức tỏa sáng, Việt Nam đả bại Thái Lan ngay trên sân nhà tại King’s Cup 2019. Nguồn: VFF Channel.
HIẾU LƯƠNG
Từ các cầu thủ Việt Nam có triệu đô vẫn trắng tay mới thấy lứa Công Phượng may mắn
Bóng đá mang lại rất nhiều tiền cho cầu thủ nhưng không phải ai cũng biết giữ gìn, trong đó có người kiếm cả triệu đô vẫn trắng tay vì thiếu sự chỉ dẫn trong cuộc sống.
Trong cuộc chia sẻ với Saostar, cựu hậu vệ Huỳnh Quang Thanh đã tiết lộ cả sự nghiệp kiếm được hơn 20 tỷ. Anh còn chắc chắn kiến hơn so với con số đó, vì ngoài tiền lương và lót tay thì có thêm những khoản thưởng cao ngất ngưởng, bởi Quang Thanh gặt rất nhiều thành công trong cả sự nghiệp. Có thể nói, Quang Thanh là một trong những cầu thủ Việt Nam kiếm được cả triệu đô nhờ đá bóng, dù anh đến với môn thể thao Vua trong bối cảnh đến đôi giày cũng không có tiền mua.
Tuy nhiên, Quang Thanh cũng không tích lũy được gì nhiều sau khi giải nghệ. Quang Thanh đã tiêu xài phung phí trong thời điểm đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Anh kể có ngày tiêu đến 200 triệu đồng vào mua sắm, đi bar...
Phung phí tiền bạc vào các cuộc chơi là một trong những sai lầm của Quang Thanh. Anh khuyên các đàn em bây giờ đừng sa ngã, hãy chơi bóng thật tốt.
Một cầu thủ nổi tiếng khác thời của Huỳnh Quang Thanh là trung vệ "thép" Vũ Như Thành còn tích lũy được số tiền "khủng" hơn so với người đồng đội. Thành "kếu" có trong tay đến 50 tỷ trong thời gian đầu những năm 2000. Vũ Như Thành có những khoản lót tay ngất ngưởng, kinh doanh bất động sản ở Bình Dương và TPHCM. Sở hữu 50 tỷ ở thời điểm đó, Vũ Như Thành có thể nói là một trong những cầu thủ giàu nhất Việt Nam.
Nhưng thời điểm thi đấu cho Ninh Bình ( 2010-2012), Vũ Như Thành từng có lúc bị đòi nợ. Nguyên nhân là tiền bạc rủng rỉnh, Vũ Như Thành "đốt" vào vũ trường và cá độ. Từ một cầu thủ có trong tay vài triệu đô, sở hữu những chiếc xe sang như Porsche hay Lexus, Vũ Như Thành gần như trắng tay so với chính mình, đó thực sự là một điều đáng tiếc cho trung vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam.
Trong số những cầu thủ từng vô địch AFF Cup 2008, Đoàn Việt Cường là cầu thủ nhận cái kết buồn nhất. Việt Cường được ví như "công tử miền Tây". Anh kiếm được nhiều tiền từ bóng đá nhưng có thời điểm đi cai nghiện. Việt Cường nghỉ bóng đá một thời gian thì trở lại thi đấu cho CLB TPHCM, sau đó bị thanh lý vì lý do "bỗng dưng mất tích".
Cả Vũ Như Thành và Huỳnh Quang Thanh đều có một nhận định chung cho chính mình về chuyện tiêu xài hoang phí, đó là quản lý tiền bạc kém và thiếu người hướng dẫn đi theo con đường đúng, còn sự cám dỗ xung quanh trái bóng tròn lại rất lớn, từ những cuộc ăn chơi đến chân dài, hay chuyện cá độ... Thế nên, họ từng là những cầu thủ tài năng sở hữu triệu đô nhưng lúc giải nghệ phải hối tiếc. Phần lỗi không chỉ riêng ở họ mà còn đến từ sự chỉ dẫn của những người có trách nhiệm.
Nhắc đến câu chuyện các cầu thủ Việt Nam kiếm triệu đô vẫn trắng tay vì thiếu người dẫn dắt, chỉ bảo trong cuộc sống, tôi nhớ đến câu chuyện các cầu thủ HAGL được bầu Đức dạy bảo. Những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... thực sự may mắn khi bầu Đức tận tình "trồng người" từ văn hóa, với chuyện học tập được xem là yếu tố hàng đầu, sau đó mới tính đến chuyện đá bóng. Bầu Đức xác định cầu thủ Học viện HAGL phải tốt nghiệp đại học, biết ngoại ngữ.
Bầu Đức đích thân dạy dỗ các cầu thủ trẻ của Học viện HAGL - JMG.
Bầu Đức còn dạy cho các cầu thủ HAGL về chuyện quản lý tiền bạc. Ở độ tuổi 17 - 18, những cầu thủ HAGL từng hưởng mức lương đến 15 - 20 triệu đồng, con số cao hơn rất nhiều nếu độc giả từng đọc được câu chuyện Phan Văn Đức trên Saostar với tiền trợ cấp 700 nghìn/tháng trước khi lên đội I, sau đó tiền lương chỉ vài triệu đồng. Bầu Đức cho tiền nhiều nhưng phần lớn được gửi thẳng về cho gia đình, các cầu thủ HAGL chỉ được giữ lại một phần nhỏ để chi tiêu.
Bầu Đức nhận định tiền bạc có thể khiến các cầu thủ đi sai hướng nên nhất định phải gửi về cho gia đình quản lý. Vì các cầu thủ HAGL thời điểm đó còn rất trẻ, họ được HAGL lo chẳng thiếu điều gì thì cầm nhiều tiền trong tay là điều không tốt. Nhất là ở độ tuổi 17- 18 nên tập trung phát triển chuyên môn, tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống.
Bóng đá hay cuộc sống thì yếu tố giáo dục vô cùng quan trọng. Câu chuyện về những người hùng AFF Cup 2008 để lại bài học lớn cho bóng đá Việt Nam. Điều may mắn là bầu Đức đi tiên phong trong đào tạo trẻ đã nhìn thấu hiểu được vấn đề này để góp công lớn thay đổi tư tưởng cho cầu thủ Việt Nam ở hiện tại.
Văn Nhân
Ai là tiền vệ hay nhất Việt Nam 25 năm qua? Cuộc chiến giữa những tiền vệ hay nhất tuyển Việt Nam 25 năm qua chắc chắn không thể thiếu vắng những cái tên như Hồng Sơn, Minh Phương, Quang Hải... Sau cuộc bình chọn "Tiền đạo hay nhất đội tuyển Việt Nam 25 năm qua", Zing với sự hỗ trợ của các HLV, BLV uy tín tiếp tục gửi tới độc giả cuộc...