Những bài thơ thách thức thời gian trên núi đá
Núi Non Nước – Dục Thúy Sơn nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy hiện vẫn còn khắc gần 100 bài thơ, văn, phú.
Toàn cảnh núi Non Nước mờ ảo trong sương sớm, nhìn từ xa giống như một đóa sen nổi trên mặt nước. Trong bài thơ Dục Thúy Sơn, Nguyễn Trãi đã gọi nơi đây là “tiên san” – núi tiên.
Núi xưa kia là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh núi trải qua 72 bậc đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện để nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan.
Xưa kia, đây vốn là cửa biển, nay biển đã lùi ra xa hơn 30 km. Dấu tích sóng biển vỗ vào vách núi vẫn còn rất rõ, đó là hiện tượng “hàm ếch”.
Trên vách núi, hàng chục bài thơ chữ Hán của những tao nhân mặc khách khi xưa vẫn thách thức với thời gian. Những chữ Hán “đại tự” gần như nguyên vẹn, bất chấp nắng mưa, năm tháng. Một số bài thơ, phú khắc trên vách núi đã bị bào mòn, không còn đọc rõ.
Danh sĩ Trương Hán Siêu là người đầu tiên lưu bút tích cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá.
Video đang HOT
Bên cạnh những bài thơ chữ Hán, có cả những bài thơ chữ quốc ngữ cũng được khắc ở đây.
Nghênh Phong Các – Lầu đón gió, tòa lầu được Trương Hán Siêu, một vị quan lớn trải qua 4 triều vua Trần cho xây dựng trên đỉnh núi, trên nền tháp Linh Tế được xây từ thời Lý. Đây là nơi ông cùng các tao nhân mặc khách tọa đàm ngâm thơ.
Đền thờ danh nhân Trương Hán Siêu ngay dưới chân núi. Tương truyền, sau khi cáo quan về quê, ông về đây sống. Đền kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Dưới chân núi phía bờ sông Đáy, chùa Non Nước nép mình thanh tịnh, yên ả dưới những tán cổ thụ. Ngôi chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 2006, chùa được tu bổ khang trang.
Núi Non Nước từng là trọng điểm đánh phá ác liệt thời chống Pháp và chống Mỹ. Đây là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của Ninh Bình khi năm 1929, người anh hùng Lương Văn Tụy của quê hương Ninh Bình đã vượt qua bom đạn, cắm lá cờ búa liềm ủng hộ Liên Xô. Đây cũng là nơi anh hùng Giáp Văn Khương chiến đấu đến cùng và nhảy từ đỉnh núi xuống dòng sông Đáy chứ quyết không chịu sa vào tay giặc trong chiến dịch Quang Trung 1951.
Trên núi Thúy, vẫn còn rất nhiều lô cốt kiên cố được Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông đường bộ và đường thủy Nam – Bắc.
Theo VNExpress
Ngọn núi đẹp nhất Ngũ Hành Sơn nhìn từ bầu trời
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là một thắng cảnh của Đà Nẵng, trong đó nổi tiếng nhất là ngọn Thủy Sơn có độ cao 106 m, rộng 7 ha.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền.
Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất. Núi cao 106 m, rộng 7 ha có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây cũng là nơi có nhiều hang động, chùa nhất. Ngũ Hành Sơn nằm trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Có hai con đường lên động và chùa ở Thủy Sơn: Cổng phía tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai, cổng phía đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng. Đa số du khách đều lên núi theo cổng phía tây và đi xuống bằng cổng phía đông.
Sử sách ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất, vào các năm Minh Mạng thứ 6 (1825), 7 (1827), và 18(1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng.
Ngọn cao nhất 106 m ở phía tây bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai, gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham. Ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai, gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.
Mấy năm trở lại đây, ban quản lý di tích Ngũ Hành Sơn đã khai trương hệ thống thang máy với chiều cao 43 m và bề rộng đủ cho 2 cabin hoạt động lên xuống, sức tải 1,35 tấn, với tốc độ 1,75 m/s. Lồng thang hình bán nguyệt bao bọc bằng kính trong suốt để du khách vừa lên núi, vừa có thể ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Bên cạnh có một cầu thang bộ thoát hiểm. Mỗi lượt thang máy có thể đưa được 20 khách. Giá vé đi thang máy tham quan du lịch tại ngọn Thủy Sơn là 30.000 đồng vé hai chiều
Tuy nhiên, một số du khách vẫn chọn cách đi bộ để thư giãn. Với lựa chọn này, mọi người sẽ có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình xung quanh, hòa mình vào phong cảnh tuyệt đẹp tại Đà Nẵng.
Ngoài việc thăm quan du lịch trên ngọn Thủy Sơn, du khách còn có thể ngắm những tuyệt tác làm từ đá Non Nước. Đây là một loại đá dùng để chế tác các linh vật, tượng Phật có tiếng ở Đà Nẵng.
Mùa du lịch, ngọn núi Thủy Sơn đón rất đông du khách từ mọi miền đất nước.
Theo Zing News
Điểm đến lý tưởng cho chuyến nghỉ dài ngày dịp lễ 2/9 Sông nước miền Tây, núi đồi vùng Tây Bắc hoặc các nước Đông Nam Á là những nơi sẽ cho bạn quãng thời gian nghỉ ngơi lý thú, thư giãn. Mộc Châu: Không gian văn hóa Tây Bắc cùng những cung đường uốn lượn, những dải chè bát ngát, đàn bò sữa gặm cỏ... sẽ giúp bạn hòa mình vào thiên nhiên, thư...