Những bài học từ thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản
Phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 diễn ra chiều 11/3 tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo, với sự tham dự của Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và nhiều quan khách khác, Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định là một trong những nước bị động đất nhiều nhất trên thế giới, Nhật Bản sẽ không bao giờ quên các bài học từ thảm họa đó.
Nhật hoàng Naruhito (phải) và Hoàng hậu Masako tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, tại Tokyo, ngày 11/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên thực tế, thảm họa kép tháng 3/2011 đã đem lại rất nhiều bài học có giá trị không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho thế giới về công tác quản lý khủng hoảng. Các bài học này vừa có giá trị đối với việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần hay bão lũ, vừa rất hữu ích cho việc xử lý các khủng hoảng khác như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay hay các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.
Theo các chuyên gia, bài học đầu tiên về quản lý khủng hoảng rút ra sau thảm họa này là cần chuẩn bị kỹ càng để đối phó với các khủng hoảng nghiêm trọng, chưa có trong tiền lệ. Những gì diễn ra sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 cho thấy Chính phủ Nhật Bản chưa thực sự sẵn sàng cho việc ứng phó với thảm họa này, đặc biệt là các sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.
Sau khi xảy ra trận động đất có độ lớn lên tới 9, cao nhất trong lịch sử Nhật Bản và cao thứ tư trên thế giới, các đợt sóng thần cao tới 9 mét đã đổ vào bờ, vô hiệu hóa hoàn toàn các máy phát điện khẩn cấp và tổng đài. Theo Giáo sư Kazuto Suzuki, Giảng viên Trường Cao học Chính sách công, Đại học Tokyo, khi đó, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã không lường trước được việc mất toàn bộ nguồn điện xoay chiều (SBO). Thậm chí, lúc đó nhân viên kỹ thuật phải lấy nguồn điện từ ắc quy xe hơi để có thể đọc được thiết bị. Sự thiếu chuẩn bị này dường như đến từ quan niệm “thần thánh hóa sự an toàn tuyệt đối”. Các chuyên gia cho rằng chính sự tin tưởng quá mức vào các biện pháp đảm bảo an toàn được triển khai để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra đã khiến cho cơ quan chức năng Nhật Bản chủ quan và thiếu chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra.
Bất cập này đã lặp lại khi dịch COVID-19 bùng phát. Sau khi du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama, dư luận Nhật Bản không khỏi lo lắng khi năng lực xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của hệ thống y tế nước này chỉ dừng ở mức 300-400 mẫu/ngày. Trước đó, tại một hội nghị đánh giá các biện pháp đối phó với dịch cúm gia cầm năm 2010, giới chuyên gia đã đưa ra các đề xuất tăng cường năng lực xử lý của các cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm PCR, bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh, triển khai nghiên cứu sản xuất vaccine…, nhưng dường như không được lưu tâm.
Thứ hai, việc chuẩn bị để ứng phó với khủng hoảng không chỉ là chuẩn bị sẵn sàng về vật chất và con người mà còn bao gồm cả chuẩn bị trong công tác quản lý khủng hoảng. Sau khi động đất xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt bộ phận ứng phó với khủng hoảng, nhưng không thể nhanh chóng chuyển sang “trạng thái khủng hoảng”.
Video đang HOT
Theo Giáo sư Kazuto Suzuki, trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) vẫn giữ vị trí là cơ quan quản lý nhưng nhân viên giám sát đã rời hiện trường vì cho rằng họ không có trách nhiệm trong giải quyết các sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã miễn cưỡng sử dụng Hệ thống mạng dự báo tác động phóng xạ khẩn cấp (SPEEDI), vốn không được thiết lập để sử dụng cho nhà máy điện hạt nhân. Rõ ràng, Chính phủ Nhật Bản khi đó đã ưu tiên các giải pháp ở trạng thái bình thường hơn là đầu tư tiền bạc và nhân lực cho giai đoạn khủng hoảng.
Tương tự, khi đối mặt với dịch COVID-19, thông tin lan truyền phổ biến khi đó là COVID-19 có đặc điểm tương tự với bệnh cúm mùa thông thường nên Nhật Bản đã không ứng phó với dịch bệnh này theo Luật các biện pháp đặc biệt phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới. Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 đã không phát huy được vai trò và chức năng tháp chỉ huy, trong khi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), cơ quan ở tuyến đầu ứng phó với dịch COVID-19, được đánh giá là “quá ôm đồm nhiều nội dung mà lẽ ra thuộc thẩm quyền của các địa phương”.
Thứ ba, không chỉ có chính phủ, các địa phương cũng cần phân công quan chức chuyên trách xử lý khủng hoảng. Kết quả thăm dò dư luận gần đây của hãng tin Kyodo cho thấy vẫn còn 20,5% số địa phương không có các quan chức chuyên trách ứng phó với thảm họa và 14,1% chỉ có 1 quan chức phụ trách vấn đề này. Theo Kyodo, trong số 1.469 địa phương tham gia cuộc thăm dò này, có 41,5% cho biết họ có từ 2 đến 5 quan chức chuyên trách ứng phó với thảm họa, 15,4% có từ 6 đến 10 người làm nhiệm vụ này, và 8,2% có ít nhất 11 quan chức phụ trách ứng phó với thảm họa.
Thông thường, các quan chức chuyên trách ứng phó với thảm họa được bố trí ở các phòng chuyên về quản lý khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có các phòng như vậy mà thường giao cho những bộ phận tổng hợp đảm nhiệm nhiệm vụ này. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều địa phương thiếu sự chuẩn bị về việc quản lý khủng hoảng. Do vậy, các địa phương cần phải cải thiện công tác quản lý khủng hoảng và xây dựng một hệ thống ứng phó một cách hiệu quả hơn với thảm họa, nhất là khi Nhật Bản là một nước thường xuyên phải hứng chịu thiên tai.
Thứ tư, một vấn đề khác tại Nhật Bản là do thiếu sự chuẩn bị cho công tác điều hành và quản lý khủng hoảng nên hệ thống luật pháp và các thủ tục liên quan trong giai đoạn bình thường lại được sử dụng để đối phó với khủng hoảng. Do đó, các cơ quan quản lý như NISA và MHLW đã không thể tách biệt vai trò quản lý theo chức trách nhiệm vụ của họ ngay sau khi khủng hoảng xảy ra. Mỗi cơ quan chỉ đóng vai trò hoạt động độc lập mà không thể cùng tham gia vào cuộc chiến tổng lực. Giáo sư Suzuki cho rằng điều còn thiếu trong quản lý điều hành khủng hoảng ở Nhật Bản là không dự báo được những tình huống xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng, từ đó chuẩn bị sẵn hệ thống pháp lý tương ứng, huấn luyện thành thục để xác nhận tính hiệu quả của các quy trình xử lý…
Tuy nhiên, không phải không có những bài học tích cực trong công tác khắc phục hậu quả thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Hai trong những bài học như vậy là sự hợp tác hiệu quả giữa các khu vực công-tư và tăng cường hợp tác quốc tế trong nỗ lực tái thiết khu vực bị tàn phá bởi thảm họa cách đây 10 năm.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Ishinomaki, Nhật Bản, ngày 9/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 10 năm qua, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân với khu vực công đã góp phần đẩy nhanh quá trình khôi phục kinh tế của các địa phương ven biển, trong đó ngành thủy sản được xem là tiên phong. Trước khi xảy ra động đất, ngành thủy sản có quy mô lớn thứ hai trong cơ cấu kinh tế Nhật Bản. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa nhưng đến nay, ngành này đã khôi phục lại vị trí ban đầu. Thành công này xuất phát từ sự phối hợp hài hòa giữa đối tác công-tư và liên thông từ ngành đánh bắt hải sản đến ngành du lịch.
Mặt khác, một cá nhân, một địa phương hay một quốc gia không thể không có “bạn đồng hành” trong những lúc hoạn nạn. Sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, nhiều nước trên thế giới đã đồng hành với quá trình tái thiết của Nhật Bản. Sáng kiến “Tomodachi” (Những người bạn) được khởi xướng sau thảm họa này là một minh chứng cho tư duy hợp tác đó.
Có thể nói, trận động đất-sóng thần tàn khốc ở Nhật Bản cách đây 10 năm đã một lần nữa nhắc nhở loài người rằng thảm họa và thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào và mọi quốc gia đều phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng đó. Tinh thần chủ động và sẵn sàng sẽ là chìa khóa để tránh rơi vào hỗn loạn khi thảm họa xảy ra.
Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/3, tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, với sự tham dự của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako, Thủ tướng Yoshihide Suga và nhiều quan khách khác.
Nhật hoàng Naruhito (phải) và Hoàng hậu Masako tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, tại Tokyo, ngày 11/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào đúng 14 giờ 46 phút, những người tham dự đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Suga nói "nhiệm vụ tái thiết ở các khu vực thảm họa đang bước vào giai đoạn cuối" khi nhiều ngôi nhà đã được xây dựng lại và nhiều thị trấn đã được phục hồi. Nhấn mạnh rằng vẫn còn khoảng 2.000 người vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm, ông cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng lại cuộc sống cho các nạn nhân của thảm họa này. Bên cạnh đó, Thủ tướng Suga khẳng định là một trong những nước bị động đất nhiều nhất trên thế giới, Nhật Bản sẽ không bao giờ quên các bài học từ thảm họa đó.
Trong bài phát biểu sau đó, Nhật hoàng Naruhito bày tỏ cảm thông chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại trong các nỗ lực tái thiết.
Trận động đất cách đây một thập kỷ có cường độ lên tới 9 độ đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản (Tohoku), khiến 19.729 người thiệt mạng và 2.559 người mất tích (tính đến tháng 10/2020). Thảm họa kép này là tác nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Theo thống kê của Cơ quan Tái thiết, động đất đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã hủy hoại hoàn toàn hơn 121.996 ngôi nhà và phá hủy một phần hơn 1 triệu ngôi nhà khác, đồng thời gây hư hại cho hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương trong khu vực này.
Một thập kỷ sau thảm họa, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Cơ quan Tái thiết cho biết trong 10 năm qua, Nhật Bản đã chi khoảng 31.300 tỷ yen cho hoạt động tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa kép năm 2011. Trong 10 năm qua, số người phải sơ tán sau thảm họa đã giảm từ mức đỉnh 470.000 vào tháng 3/2011 xuống còn khoảng 40.000 vào tháng 4/2020, trong khi số lượng các nhà tạm tiền chế đã giảm từ gần 123.723 vào tháng 8/2012 xuống còn 1.078 vào tháng 8/2020.
Riêng đối với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, cho đến thời điểm này, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại. Tháng trước, TEPCO đã hoàn thành việc dỡ bỏ tất cả 566 thanh nhiên liệu từ bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng số 3 của nhà máy này. Đây là lần đầu tiên TEPCO hoàn thành việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu ở một lò phản ứng tại nhà máy này sau các sự cố hồi tháng 3/2011. Tuy nhiên, TEPCO vẫn đang phải đối mặt với vô vàn thách thức trong việc dỡ bỏ các lò phản ứng này, trong đó vấn đề cấp bách nhất là xử lý nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại.
Trước lễ tưởng niệm hai ngày, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về công tác tái thiết. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết tới năm 2031, đồng thời khẳng định giai đoạn 5 năm kể từ tháng 4/2021 là giai đoạn 2 của quá trình tái thiết và phục hồi. Kinh phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi trong giai đoạn 2 ước tính lên tới 1.600 tỷ yen.
Nhiều học sinh Nhật Bản muốn chia sẻ trải nghiệm về thảm họa động đất, sóng thần Khoảng 90% học sinh trung học tại 6 ngôi trường ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn những trải nghiệm của mình sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân hồi tháng 3/2011 sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai với hy vọng họ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm. Đây...