Những bài học sâu sắc từ chiến thắng Điện Biên Phủ trong ký ức của lãnh đạo TP Saint Petersburg
Phóng viên TTXVN tại Nga có cuộc trò chuyện với ông Evgeny Grigoriev – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại LB Nga. Ảnh: TTXVN phát
70 năm qua, Điện Biên Phủ đã trở thành danh từ phổ biến được quốc tế biết đến, với một chiến công của bên yếu trước bên mạnh nhờ vào chính nghĩa, mưu trí và quyết tâm. Ông Evgeny Grigoriev – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg của LB Nga đã đến Việt Nam công tác khi còn là nhà ngoại giao trẻ. Và cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu thanh niên đã trở thành một kỷ niệm khó quên. Phóng viên TTXVN tại Nga đã có cuộc trò chuyện với ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học chung cũng như bài học cho riêng cá nhân ông từ chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong chuyến công tác tới Việt Nam khoảng năm 1990, ông Grigoriev có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp gỡ của Đại tướng với đại biểu thanh niên. Cho đến giờ, ông vẫn gọi đây là dịp may hiếm có. Ông Grigoriev được gặp vị anh hùng của Quân đội Việt Nam, lắng nghe Đại tướng trả lời các câu hỏi thú vị của đại biểu thanh niên và cảm nhận ông là một nhân cách lớn.
Ông Grigoriev chia sẻ, chính từ ấn tượng về Đại tướng mà ông bắt đầu đọc và tìm hiểu sâu hơn về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đầu tiên mà ông cảm nhận đó là bài học về sức mạnh của ý chí. Ông Grigoriev nhắc lại câu nói hóm hỉnh của Đại tướng khi được hỏi về tổn thất của hai bên trong chiến dịch. Khi đó, Đại tướng nói: “Chúng tôi không thiệt hại một chiếc xe tăng nào cả, vì chúng tôi không có xe tăng, nhưng chúng tôi có ý chí”. Và sau này khi nói về chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói: “Chúng tôi không mất một chiếc B-52 nào cả, vì chúng tôi không có B-52, nhưng chúng tôi có ý chí”.
Một quân đội không có xe tăng đã chiến thắng đội quân hiện đại có cả không quân. Điều đó chỉ có thể giải thích bằng sức mạnh của ý chí. Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của thành phố Saint Peterrsburg khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy không có khó khăn nào không thể vượt qua nếu có quyết tâm, có ý chí. Ý chí và quyết tâm, sự ủng hộ của nhân dân đã làm được những điều mà ngay cả tiền bạc, vũ khí hay sức mạnh không thể làm được.
Ông Grigoriev cũng chỉ ra rằng tinh thần Điện Biên Phủ đã được tiếp nối ở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ đội Việt Nam đã dùng xe đạp và cõng trên lưng qua đường mòn Hồ Chí Minh vận chuyển vào chiến trường miền Nam vũ khí, đạn dược, xe máy, lương thực, thực phẩm. Ông Grigoriev gọi đây là điều không tưởng và đây chính là sức mạnh giúp Việt Nam chiến thắng.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Saint Petersburg so sánh trận đánh Điện Biên Phủ với trận chiến Leningrad (tên gọi cũ của Saint Peterburg) trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi người dân thành phố vượt qua hàng trăm ngày đêm bị phong tỏa để đánh bại đội quân phát xít, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến. Nhắc đến sự tương đồng này ông Grigoriev nói, mỗi dân tộc đều có cuộc chiến của mình. Và bên tham chiến nào cũng đều có kế hoạch, phương tiện, lực lượng…, song có thắng được hay không thì phụ thuộc vào việc dân tộc đó có ý chí chiến thắng hay không.
Video đang HOT
Một bài học khác của chiến thắng Điện Biên Phủ với ông Grigoriev là bài học quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khích lệ các dân tộc, trước hết là các nước lân cận, đứng lên giành độc lập, vững tin vào sức mạnh ý chí và khát vọng độc lập để chống lại chủ nghĩa thực dân đô hộ. Sau này, ông Grigoriev đã có nhiều chuyến công tác đến các nước khác ở khu vực như Lào và Campuchia, gặp gỡ nhiều lãnh đạo ở đây. Qua trò chuyện, ông hiểu thêm rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng để chiến thắng ở những nước này.
Bài học thứ ba đối với cá nhân ông Grigoriev đến từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã khiến nhà ngoại giao Nga nhớ đến câu nói ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”. Ông Grigoriev hoài niệm: “Tôi còn nhớ lần đó tôi đã rất ấn tượng về Đại tướng. Thật khó tin người đàn ông thấp nhỏ, có vẻ bề ngoài hiền lành giống như một người làm nông ấy lại là người chỉ huy quá trình chuẩn bị và rồi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954″.
Ông Grigoriev kể lại rằng hôm đó Đại tướng có những nhận định rất sắc, rõ ràng, thể hiện tư duy rất minh mẫn dù tuổi đã cao. Và sau này khi đã nghiên cứu sâu hơn, ông hiểu mình đã gặp một người dành trọn cuộc đời để đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc và dân tộc.
Về ý nghĩa của việc giáo dục lịch sử cho thanh niên, ông Grigoriev nhắc lại rằng chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhấn mạnh, không bao giờ được quên lãng lịch sử và phải giáo dục cho thanh niên điều đó.
Riêng cá nhân ông trong hợp tác với Việt Nam sau này cũng luôn nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó nói rằng trong kinh tế quân sự có giới hạn, song không có giới hạn trong quan hệ con người, trong tình cảm con người và trong nhân dân.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh có câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến hết mình để làm nên tự do ấy. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg kết luận như vậy về vị Đại tướng kính mến của Việt Nam.
Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo
Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nhà sử học Anh John Callow. Ảnh: Hải Vân/TTXVN
Nhà sử học người Anh John Callow đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh về ý nghĩa của chiến thắng này.
Nhà sử học John Callow cho biết chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi một mạng lưới ban đầu là các nhóm du kích không chính quy thành một quân đội tiêu biểu có khả năng đánh bại các lực lượng phương Tây dày dạn kinh nghiệm, được trang bị kỹ càng và được huấn luyện bài bản trong một trận chiến được bày binh bố trận.
Ông John Callow chỉ ra rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ có tầm nhìn xa, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lý luận quân sự, giúp tôi luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng một đội quân cách mạng có khả năng giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập, thoát khỏi ách thống trị của các thế lực chính quyền và kinh tế nước ngoài.
Ông nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ chiến tranh là phương sách cuối cùng. Tuy nhiên, nếu không đấu tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ không bao giờ nhượng bộ.
Do đó phải có cách tiếp cận mới về đấu tranh vũ trang, theo đó khi tiến hành chiến tranh cách mạng" thì "phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng không đánh".
Ông John Callow cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ và sau này là việc thống nhất đất nước là kết quả của quá trình hoạch định cẩn thận, kiên định về nguyên tắc và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Marx vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa Marx, bắt nguồn từ bối cảnh công nghiệp phương Tây, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm phong phú hơn rất nhiều, với việc áp dụng cốt lõi của chủ nghĩa Marx vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc Việt Nam và chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp, vốn bị chi phối bởi chế độ địa chủ và chủ nghĩa đế quốc và bóc lột thuộc địa, thành một nhà nước hiện đại, nơi địa vị của những người nông dân vừa và nhỏ được nâng cao và thành quả của lao động sản xuất được chia sẻ vì lợi ích của tất cả mọi người, đảm bảo quyền về nhà ở, y tế, việc làm và phúc lợi xã hội.
Kết quả là Đảng trở thành nơi mở rộng nhận thức của người dân, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của họ, đồng thời giữ vai trò lãnh đạo trung ương, đảm bảo ý chí chính trị tuyệt đối, có khả năng đương đầu với chủ nghĩa đế quốc. Ông John Callow nhấn mạnh, chiến thắng không chỉ mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà của cả dân tộc Việt Nam. Ông chỉ ra rằng, bằng cách này, Đảng Cộng sản có khả năng đảm nhận vai trò tiên phong trong các cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng nền hòa bình dựa trên độc lập dân tộc thực sự và xã hội hóa kinh tế và nhà nước một cách tiến bộ.
Đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới tại thời điểm đó, nhà sử học John Callow khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã phá vỡ sự thống trị thuộc địa của phương Tây (dù là về quân sự, văn hóa hay kinh tế) và mở ra tầm nhìn giải phóng dân tộc cho các dân tộc trên toàn cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng trực tiếp cho những chiến sĩ đấu tranh chống lại thực dân Pháp ở Bắc Phi, khơi dậy phong trào kháng chiến ở Algeria và đưa ra chiến lược chính trị kết hợp quân sự, giúp cung cấp thông tin cho Cách mạng Cuba và các cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng Frelimo ở Mozambique và nhóm MK (hay còn gọi là Ngọn giáo quốc gia) ở Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Một mặt, chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh với tầng lớp cai trị của các cường quốc thuộc địa cũ như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ, rằng cán cân quân sự đã thay đổi và họ không thể nắm giữ cũng như giành lại các đế chế, các hình thức thống trị, bóc lột mà họ từng thực hiện trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mặt khác, chiến thắng truyền cảm hứng hành động cho nhiều thế hệ những người đấu tranh cho tự do như Ben Bella, Samora Machel, Che Guevara, Angela Davis, Thomas Sankara và Chris Hani.
Ông Callow cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu trên cơ sở công bằng hơn.
Bàn về sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 1944, nhà sử học người Anh cho rằng sự ra đời của Việt Minh với tư cách là một Quân đội nhân dân thể hiện tinh thần đấu tranh và hy vọng của toàn dân tộc, đặt nền móng cho những thành công sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người đàn ông và phụ nữ trong hàng ngũ quân đội không khác biệt với nhân dân mà là một phần quan trọng của nhân dân. Họ chiến đấu vì lý tưởng, tự do, vì sự đoàn kết dân tộc và vì một tương lai xã hội chủ nghĩa mang lại phẩm giá, bình đẳng và công lý cho tất cả mọi người.
Ông John Callow chỉ ra đây chính xác là điều mà các chỉ huy Pháp như tướng Navarre và đại tá De Castries không hiểu được. Họ không thể hình dung được nỗ lực chung của cả một dân tộc nhằm tạo ra các tuyến tiếp tế và vận chuyển đạn dược, pháo hạng nặng, gần như hoàn toàn bí mật, để có thể bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Họ không thể tưởng tượng được sự kết hợp giữa sức mạnh và lòng nhân đạo đã tạo nên Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo ông Callow, chính điều này đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông chỉ ra rằng, những tội ác chiến tranh như vụ thảm sát ở Mỹ Lai, những đợt ném bom các thành phố và vùng nông thôn, rải chất độc da cam lên những cánh rừng và vùng đất nông nghiệp Việt Nam đã hằn sâu vào ký ức của cả dân tộc, song những khổ đau và hy sinh đó được đổi lại bằng việc hiện thực hóa một xã hội tốt đẹp hơn.
Ông John Callow cũng cho rằng việc giải phóng Campuchia khỏi chế độ Pol Pot vào năm 1979 ngay sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng là bằng chứng mạnh mẽ về chủ nghĩa quốc tế và cam kết của Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với nhân quyền phổ quát. Chính sự liên kết giữa người lính và những người họ phục vụ đã tạo nên sự khác biệt và mang lại vinh quang lâu dài cho Quân đội Việt Nam.
Đánh giá về thành tựu của Việt Nam, nhà sử học John Callow cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, Việt Nam vẫn là "ngọn hải đăng" cho các quốc gia đang phát triển, cũng giống như thời kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn dựa trên quan điểm về tinh thần dân tộc, độc lập và tôn trọng luật pháp và các hiệp ước quốc tế, cũng như nhờ vào những nỗ lực không ngừng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong các quyết định của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là chống tham nhũng và bất bình đẳng; duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đình trệ; và phát triển các thành tựu văn hóa và chính trị đạt được thông qua lao động cả đời của tất cả những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà sử học John Callow, cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, là một người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một người bạn lâu năm của Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương 2024: Giới trẻ Việt ở Saint Petersburg tiếp nối giá trị truyền thống Ngày 13/4, cộng đồng người Việt tại thành phố Saint Petersburg (Nga) đã tổ chức lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng trong khuôn khổ Ngày Quốc tổ Việt Nam (mùng 10 tháng 3 âm lịch) toàn cầu. Lễ tế trang nghiêm do ban hành lễ của cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg thực hiện. Theo phóng viên TTXVN...