Những bài học quý trong phim hậu đại dịch
Phim đề tài hậu đại dịch luôn được nhà làm phim gửi gắm thông điệp nhân văn, truyền năng lượng tích cực, mang đến sự yêu thương, niềm tin giữa con người
Ngoài những phim khai thác câu chuyện mang tính dự báo, tiên đoán về các đại dịch bùng phát quy mô thế giới được công chúng quan tâm, các phim về cuộc sống xã hội sau đại dịch cũng được khán giả chọn lựa xem lại trong thời gian này.
Khủng hoảng sau đại dịch
Phim đang được khán giả tìm kiếm xem lại nhiều nhất là “ I am legend” ( Tôi là huyền thoại), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Richard Matheson ( Francis Lawrence đạo diễn), ra rạp năm 2007, Will Smith đóng vai chính. Nội dung phim kể về thế giới bị tấn công bởi một loại virus là biến thể của virus sởi với nghiên cứu ban đầu có thể chữa được ung thư. Nó giết chết 90% (5,4 tỉ trong số 6 tỉ người) dân số thế giới, gây đột biến gien 588 triệu người thành darkseekers – dạng ăn thịt người, dễ bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời. Còn lại 12 triệu người miễn dịch với virus và là con mồi của darkseekers. Ba năm sau khi dịch bệnh bùng phát, nhà virus học của quân đội Mỹ tên Robert Neville (Will Smith đóng) cùng chú chó Sam vẫn bám trụ New York, tìm cách nghiên cứu thuốc chống virus, cứu chữa cho loài người. Thời điểm Covid-19 đang hoành hành TP New York như hiện nay (hơn 114.000 ca nhiễm và hơn 3.500 ca tử vong), khán giả xem phim dễ liên hệ giữa bối cảnh trong phim và thực trạng đang diễn ra ở thành phố nổi tiếng này. Will Smith cũng tỏ ra ngạc nhiên khi vai diễn cách đây gần thập kỷ của mình gây sốt trở lại.
Will Smith diễn xuất ấn tượng trong “I am a legend”. Ảnh: SMPSP
Ngoài “I am legend”, các nhà làm phim cũng cho ra nhiều viễn cảnh sau đại dịch khác, đa dạng và cuốn hút. Trong đó, phim “It comes at night” (Màn đêm buông xuống), ra mắt năm 2017, mô tả về sự mất mát, nỗi sợ hãi lây nhiễm, đau buồn, thiếu niềm tin giữa con người với con người sau dịch. Phim “ The Cured” ( Xác sống) ra mắt năm 2017 lấy mốc thời gian một năm sau khi virus Maze càn quét châu Âu, biến con người thành xác sống. Thế giới đã bào chế được loại thuốc chữa trị, biến người nhiễm bệnh trở lại thành người bình thường. Nhưng do kỳ thị, những người khỏi bệnh bị miệt thị, đối xử không tốt. Thêm vào đó, bản thân người bệnh còn đối mặt vấn đề tâm lý bởi ký ức kinh khủng giai đoạn mình bị biến thành xác sống.
Đoàn kết là sức mạnh
Tương tự như bao tác phẩm điện ảnh, truyền hình khác, phim chủ đề hậu đại dịch dù là đại dịch xác sống, đại dịch ma cà rồng hay đại dịch nào khác cũng đều được nhà làm phim gửi gắm thông điệp nhân văn, truyền năng lượng tích cực, mang đến sự yêu thương, niềm tin giữa con người. Phim truyền hình “Rain” (Cơn mưa chết chóc) chiếu trên Netflix (2018-2019) khai thác nạn đói, sự nghi ngờ lẫn nhau giữa những người sống sót sau những cơn mưa mang đầy virus chết người. Nhóm nhân vật chính là những người trẻ trải qua bao biến cố kinh hoàng đã tin tưởng, hỗ trợ nhau để tìm “chìa khóa” giải đáp mọi vấn đề. Đoàn kết là sức mạnh nhưng niềm tin, sự dũng cảm cũng quan trọng không kém để giúp con người vượt qua mọi khó khăn sau biến cố. Phim “The Cured” (Xác sống) khai thác một khía cạnh mới lạ và sáng tạo hơn các phim về xác sống khác. Đó là sự kỳ thị, khinh miệt và phân biệt đối xử dành cho những người hồi phục sau khi nhiễm bệnh. Nó phản ánh chân thật hiện thực bởi ngay cả trong đại dịch Covid-19, những người đã khỏi bệnh cũng đôi lúc phải chịu sự kỳ thị từ một số người khác. Chính vì những điều này đã tạo mầm mống khiến nhân vật Conor (Tom Vaughan – Lawlor đóng) trong phim muốn phá hủy thế giới, tái lây nhiễm dịch bệnh. Phim có chiều sâu, phản ánh chân thật nhiều xung đột về giai cấp, địa vị trong xã hội, đồng thời cũng đưa ra thông điệp về tình người, cảnh báo chống lại nạn kỳ thị, phân biệt đối xử, tránh tạo nên những bi kịch xã hội. Ngoài những bài học giá trị, đậm tính nhân văn khác thì sự hy sinh, tinh thần một người vì mọi người vẫn tiếp tục được đề cao trong các phim hậu đại dịch. Ở “I am legend”, nhân vật Robert Neville chấp nhận hy sinh bản thân để đổi lấy hy vọng sống cho mọi người. Chú chó Sam cũng xả thân cứu chủ thoát khỏi tình huống khó khăn. Đồng thời, nhân vật Robert Neville cũng là đại diện sự lạc quan, nguồn hy vọng và sức mạnh của con người khi có thể tồn tại trong thành phố ma, với niềm tin rằng vẫn còn người sống trên trái đất này. Tình cảm thiêng liêng như tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình cũng được khai thác đầy xúc động trong phim “Cargo” (Lối thoát hậu tận thế) ra rạp năm 2018. Đó là hành trình người cha Andy (Martin Freeman đóng) cố gắng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho con gái Rosie sau khi đã bị nhiễm virus, chỉ còn 48 giờ hoàn thành tâm nguyện trước khi bị biến đổi. Nỗi sợ hãi và cảm xúc giao hòa tạo nên sức hút riêng cho phim.
Sự sáng tạo thường không có giới hạn, viễn cảnh hậu đại dịch được các nhà làm phim thể hiện muôn hình muôn vẻ, mang giá trị khác nhau, không dự báo thì cũng truyền đi một bài học, một thông điệp nào đó cho khán giả. Để từ đó, họ mong sẽ có cách ứng xử nhân văn hơn, giàu tình người hơn ở đời thực sau những đại dịch.
Minh Khuê
Giật mình với bộ phim Mỹ 13 năm trước cảnh báo về đại dịch
Nhiều khán giả liên tưởng giữa thực tại và những gì Hollywood đã đưa vào phim 'I Am Legend" (Tôi là huyền thoại) ra rạp năm 2007.
Trailer phim "I Am Legend"
Cả thế giới đang oằn mình chống lại sự lan tràn của đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19 khiến cuộc sống của hơn 3 tỷ người bị cô lập. Chưa bao giờ người ta thấy cảnh "đóng băng" ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới như vậy khi tất cả đóng cửa, người người được kêu gọi ở yên trong nhà để tránh lây lan dịch bệnh.
Đây là thực trạng của năm 2020 nhưng với Hollywood, những hình ảnh này đã được đề cập đến ở rất nhiều bộ phim đề tài hậu tận thế, mà gần nhất chính là bộ phim "I Am Legend" công chiếu năm 2007, lấy bối cảnh thành phố New York thời dịch bệnh.
Will Smith trong vai TS virus học Robert Neville.
Trong phim, Will Smith vào vai TS. Robert Neville. Sự xuất hiện của dịch bệnh lạ đã cướp đi mạng sống của tất cả cư dân trên trái đất, biến New York hoa lệ thành thành phố ma với cỏ hoang mọc đến tận quảng trường Thời đại. Robert Neville không hiểu vì phép màu nào đó mà anh sống sót trong dịch bệnh, nói cách khác anh là người bất tử duy nhất.
Ngày ngày Robert Neville cùng với con chó của mình lang thang khắp nơi trong thành phố hoang không bóng người, đi săn trong thành phố và nói chuyện với những ma nơ canh. Anh đối diện với nỗi sợ hãi lan tràn mà không cách nào thoát ra, trong khi dịch bệnh biến con người thành kẻ ăn thịt máu lạnh.
Nhân vật chính do Will Smith thủ vai đi săn trong thành phố.
Nhiều người rợn gáy khi nhận thấy I Am Legend phản ánh khá đúng thực trạng hiện tại. "Cách đây vài năm khi xem bộ phim I Am Legend, tôi cứ bị ám ảnh mãi cảnh thành phố hoang tàn vì đại dịch. Người đàn ông duy nhất chưa bị nhiễm bệnh lang thang trên đường phố không một bóng người, trò chuyện với người gỗ ở cửa hàng quần áo, ngang qua rạp chiếu phim có những áp phích bạc màu và mẻ bỏng ngô nổ dở dang...
Sự tuyệt vọng, kiên cường, chịu đựng và hy vọng cùng hoà trộn trên gương mặt anh ấy. Thế giới của chúng ta ngày hôm nay, thật kinh ngạc, cứ như bối cảnh của 1 bộ phim trước giờ cơn bão ập tới", chị Thùy Vân, một người làm lâu năm trong lĩnh vực phát hành phim chia sẻ về bộ phim I Am Legend.
Cảnh hoang tàn của thành phố New York xuất hiện trong phim.
Thực ra bộ phim viễn tưởng 'I Am Legend' được làm dựa trên tiểu thuyết cùng tên phát hành từ năm 1954 của Richard Matheson. Hãng Warner Bros. bắt đầu phát triển dự án phim này từ năm 1994 và từng mời rất nhiều đạo diễn, diễn viên tham gia. Tuy nhiên do vướng mắc ở kịch bản nên tới năm 2006 nó mới được bấm máy tại New York. Khi đó hãng này đã chi tới 5 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng) chỉ để quay cảnh phim ở cầu Brooklyn.
Ngay khi ra mắt, đề tài hấp dẫn của phim cộng với tên tuổi của Will Smith đã giúp I Am Legend đạt doanh thu cao nhất Bắc Mỹ ở tuần mở màn vào dịp gần Giáng sinh năm 2007 và sau đó thu về tổng cộng 585 triệu USD trên toàn cầu. Tác phẩm cũng được giới phê bình đáng giá cao và nhận định bám sát tiểu thuyết.
Đại dịch cướp đi hàng tỷ mạng sống, chỉ duy nhất 1 người sống sót.
Khi I Am Legend ra mắt nhiều người nghĩ đó chỉ là câu chuyện viễn tưởng trên phim nhưng thời điểm này nó khiến nhiều người giật mình. Hình ảnh TP. New York xa hoa biến thành nơi đổ nát, đường phố không bóng người trong cơn đại dịch và ánh mắt sợ hãi của nhân vật của Robert Neville khi đi trên đường phố ma hay ẩn nấp trong chiếc bồn tắm trong nhà... khiến nhiều người xem bị ám ảnh. Thời điểm Covid-19 đang lan tràn, những chuyện phản ánh trên phim I Am Legend khiến người xem dễ liên tưởng.
Nam diễn viên 52 tuổi bày tỏ sự lo ngại vì virus corona đang lan tràn chóng mặt
Giữa đại dịch Covid-19, khi được nhắc lại về tính 'dự báo' của bộ phim, Will Smith nói thời điểm đóng phim anh đã tìm hiểu rất nhiều để vào vai nhà virus học Robert Neville. Nam diễn viên cho biết việc đọc nhiều nghiên cứu khoa học khi đó giúp anh có tâm lý vững vàng trước đại dịch hiện tại.
Will Smith nói: "Sự hiểu biết cơ bản về virus cũng như các mầm bệnh giúp tôi thay đổi cách nhìn thế giới và cuộc sống của chính mình. Có những khái niệm cơ bản mà mọi người không hiểu". Tuy nhiên Will Smith bày tỏ sự quan ngại rằng nền hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Mỹ sẽ "vỡ trận" nếu mọi người không thực hiện tốt việc cách ly xã hội như cách để làm giảm tốc sự lan tràn của virus corona.
Mỹ Anh
Dịch bệnh lên phim đáng sợ ra sao? Thông qua chủ đề dịch bệnh, các nhà làm phim muốn gửi gắm cho khán giả mối nguy hiểm của những loại virut chết người xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng cùng với đó chính là bài học về cách phòng ngừa, ý thức của sự đoàn kết trước nghịch cảnh. Outbreak (1995) Bối cảnh: Một người phụ nữ trở về nhà...