Những bác sĩ thời dịch bệnh Covid-19
Giữa mùa cao điểm dịch bệnh và khi câu chuyện về những lòng y đức được nói đến nhiều nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) thì những bác sĩ tại Hà Nội vẫn làm việc bằng chính lương tâm với sứ mệnh cứu giúp người…
Bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội khám và tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: H.A)
Những ngày này, các bác sĩ cơ sở 2 của Bệnh viện viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội… vất vả hơn nhiều khi phải theo dõi, chăm sóc người bệnh, cũng như đối diện trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao dịch bệnh…
Nụ cười vượt qua nỗi lo kỳ thị
Xác định đã làm bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thì không được nề hà trong lúc có dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Viết Nam – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải làm việc vất vả hơn ngày thường và không có ngày nghỉ. Những đồng nghiệp tại Khoa cấp cứu của anh cũng đều ngủ lại cơ quan để có thể sẵn sàng đáp ứng những tình huống xấu nhất.
Không riêng gì anh, trong mùa dịch Covid-19 này, tại một số bệnh viện, có y, bác sĩ phải tham gia ứng trực 24/24 giờ chống dịch xuyên đêm, nhiều ngày không thể về nhà, phải gửi các con cho người thân chăm sóc. Không ít bác sĩ đã không về nhà trong mấy tuần để nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, thực hiện nghiêm quy trình cách ly không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Dù không tránh khỏi áp lực kỳ thị của một số người xung quanh, những họ vẫn âm thầm cống hiến cho nghề nghiệp.
Hiện chưa tiếp nhận trường hợp nào nghi nhiễm Covid-19, nhưng tại Bệnh viện Thanh Nhân dịp này, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh lên tới 1.200-1.400 lượt người/ngày. Đặc biệt, tỷ lệ nhóm bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp tăng hơn lên với 400-600 lượt người/ngày và số lượng nhập viện từ 130-150 bệnh nhân/ngày.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã thành lập khu tiếp đón riêng bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tại toà nhà tầng 1 cách biệt với khu khám bệnh thông thường và nội trú cùng với một đội ngũ y tế gồm 6 bác sĩ và 9 điều dưỡng túc trực thường xuyên.
Theo bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện, các bác sĩ phân công đã được tập huấn quy trình sàng lọc các bệnh truyền nhiễm và tuân thủ chặt chẽ quy trình cách ly nguồn bệnh phòng chống lây nhiễm. Họ ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao và những nguy cơ phải đối mặt khi thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh.
“Giữa mùa dịch bệnh, những y, bác sĩ chúng tôi càng cần phải nâng cao văn hóa ứng xử và thái độ phục vụ chuyên nghiệp”, bác sĩ Hà chia sẻ. Chị thường xuyên đưa ra lời khuyên người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, không để tay chạm lên môi hoặc mắt, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ở đông người.
Video đang HOT
Bác sĩ Hà cho hay gần đây mạng xã hội thường xuất hiện thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh. Để bảo vệ bản thân và gia đình, chị khuyến cáo mọi người nên đọc những tin chính thống của Bộ Y tế. Khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở, người bệnh cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không tự chữa, đồng thời hạn chế đi lại, tiếp xúc với nhiều người.
Lương tâm nghề sẽ chiến thắng
Những năm gần đây, việc khám chữa bệnh tại nhà đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân thành phố và ở thời điểm bệnh dịch bệnh giao mùa khi Covid-19 hoành hành như hiện nay, thì công việc của các bác sĩ gia đình gần như quá tải.
Bác sĩ Nguyễn Tá Dũng – Giám đốc Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội cho biết, hàng ngày trung tâm tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân tới khám, trong đó phần lớn là số lượng bệnh nhân gọi bác sĩ tới nhà khám tại nhà. Không chỉ khám bệnh và làm các xét nghiệm chuyên môn, bác sĩ gia đình còn có nhiệm vụ trò chuyện, tư vấn tâm lý, chia sẻ thông tin, giúp có hướng chẩn đoán và điều trị. Qua thăm khám, chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ gia đình còn hướng dẫn để người nhà, cộng đồng phòng tránh, điều trị đúng cách với dịch bệnh. Bởi vậy, những bác sĩ giàu kinh nghiệm như anh luôn trong tình trạng “quá tải” với công việc.
“Là dịch vụ tư nhân, nhưng bác sĩ của chúng tôi cần phải trở thành những người bạn, người thân quen của người bệnh. Làm bác sĩ gia đình, cái quan trọng ngoài chuyên môn cần có sự đam mê, thấu hiểu, nếu chỉ nhìn vào kinh tế thì không thể làm tốt được hình thức khám bệnh này”.
Cũng bàn về câu chuyện lương tâm ngành y, bác sĩ Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng không ít người chỉ nhắc đến vấn đề y đức xuống cấp, sự cố y khoa hay “chuyện phong bì” mà thường quên đi những gì ngành y đã làm. Ông cho biết ở thời điểm dịch Covid-19, Bệnh viện đã đưa thông báo không bắt buộc nhân viên y tế lao vào tâm dịch mà tình nguyện đăng ký. Thế nhưng, danh sách đăng ký vào vùng dịch ngày càng dài hơn và nhìn danh sách tình nguyện đó, ai cũng thấy ấm lòng…
“Khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình như thế nào. Họ sẵn sàng bỏ lại gia đình phía sau để dấn thân, tất cả vì bệnh nhân. Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sống chết trong gang tấc, bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có phương tiện bảo hộ nào. Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hy sinh. Có thể bác sĩ biết rõ họ có thể lây nhiễm bệnh, mang bệnh về cho gia đình nhưng họ luôn làm hết mình vì trách nhiệm với cộng đồng”, bác sĩ Dương Đức Hùng nói.
Theo baoquocte
Hơn cả lời tri ân
Hôm qua, bệnh nhân mắc Covid-19 cuối cùng của Việt Nam được xuất viện. Niềm vui ấy hơn vạn lần những bó hoa tươi thắm, như lời chúc mừng ngọt ngào nhất đến đội ngũ y bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Không có lễ kỷ niệm hoành tráng nhưng sự sẻ chia và biết ơn của bệnh nhân và cộng đồng dành cho họ tựa lời tri ân sâu sắc.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa KV Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - Ảnh:Trà Hương
Lặng lẽ nơi tâm dịch
Huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành tâm dịch Covid-19 và xã Sơn Lôi của huyện bị cách ly toàn bộ trong 20 ngày trở thành thông tin chấn động với xã hội lúc đó, bởi khi ấy không nhiều người hình dung được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Đó cũng là thời điểm nhiều ý kiến băn khoăn rằng, tại sao lại phải tiến hành cách ly y tế cả một cộng đồng và tại sao lại là xã Sơn Lôi?
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, sau này kiêm thêm chức Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về dịch Covid-19 cắm chốt tại xã Sơn Lôi cho biết, đó là quyết định cân não và dũng cảm để nguồn bệnh không lây lan ra những vùng xung quanh. Khoanh vùng 1 xã có tới hơn 10.000 nhân khẩu không hề đơn giản khi ở đây đã có nhiều bệnh nhân dương tính và người tiếp xúc với nguồn bệnh.
Có mặt tại xã Sơn Lôi giữa những ngày Covid -19 gây bão, tôi được tận thấy tâm thế bình an của người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Thái, xóm Ngọc Bảo, xã Sơn Lôi hôm ấy vào Trạm Y tế xã nhận thuốc chữa bệnh thông thường. Khẩu trang che kín nửa khuôn mặt nhưng trong câu chuyện với chị có thể nhận thấy niềm vui từ đôi mắt khi nhắc về những nỗ lực của các y bác sĩ để cuộc sống người dân vùng tâm dịch thực sự an yên. Không chỉ hằng ngày kiểm tra nhiệt độ, các biểu hiện triệu chứng bệnh cho rất nhiều người dân, họ còn khám chữa các bệnh khác ngoài Covid - 19.
GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi T.Ư điều riêng 1 xe cứu thương trực sẵn tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi với mục đích ngoài vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid -19 lên Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên) còn đưa bệnh nhân khác đi cấp cứu.
Ban ngày vất vả với vài chục bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19, nhiều đêm mới thiu thiu ngủ, những nhân viên y tế và bác sĩ tại Trạm lại nhận được cuộc gọi của người dân kêu cứu vì có bệnh nhân đột quỵ, đau bụng cấp, đau ruột thừa và nhiều nhất là các ca trở dạ sinh con của sản phụ phải chuyển lên tuyến trên.
Chị Phạm Thị Huệ, thôn Ái Văn chia sẻ: "Lúc mới có thông tin dịch bệnh, dân làng tôi đi mua rau cũng bị làng khác đuổi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bị khinh bỉ và xua đuổi như thế. Lúc ấy buồn lắm, cảm thấy cô độc. Nhưng sau đó chính các anh chị bên y tế đi vận động, tuyên truyền cho mọi người biết về cách phòng tránh cũng như tư vấn cái gì mà dần dần mọi người không kỳ thị dân làng chúng tôi nữa. Giờ đây thay vì phải đứng từ nhà này gọi với sang nhà kia khi cần, chúng tôi có thể sang nhà nhau nhưng giữ khoảng cách và đeo khẩu trang như các anh chị bên y tế hướng dẫn".
Vượt lên chính mình
Trong 12 năm công tác ngành Y đây là lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Lôi đi xa nhà lâu thế. Khoảng cách chỉ 3km từ nơi làm việc đến nhà ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chưa bao giờ hun hút đến vậy khi cô không thể trở về nhà để ôm hai đứa con bé bỏng vào lòng. Hằng ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Hương gọi về cho con.
Trong nỗi nhớ thương gia đình vời vợi, chợt nghe đứa con mới 4 tuổi nức nở qua điện thoại: "Mẹ ơi mẹ về đi, mẹ đừng làm bác sĩ nữa, con nhớ mẹ lắm" lòng cô lại chùng xuống, bản tính yếu đuối của phụ nữ có lúc xâm chiếm khiến cô chỉ muốn lao ngay về nhà với con.
Nhưng rồi lời căn dặn của chồng "Em nhớ giữ gìn sức khỏe, bảo hộ bản thân cho tốt để chữa bệnh cho dân và về sớm với ba bố con, muốn ăn gì nói anh mua gửi vào cho nhé" lại như liều thuốc tinh thần giúp cô vượt qua những phút yếu lòng để chuyên tâm vào công việc.
Bác sĩ Hương phát thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: Thái Hà
Cắm chốt tại xã Sơn Lôi từ ngày 12/2, khi lệnh "giới nghiêm" được thiết lập, bác sĩ Trần Văn Tiến và 4 đồng nghiệp của anh tại Bệnh viện Quân Y 109 vẫn chưa được về gia đình ngày nào. Họ ở tại tâm dịch, cùng ăn, cùng ở và cùng chống dịch với người dân nơi đây.
Mỗi ngày có 40-50 ca khám bệnh cũng khiến mọi người quay như chong chóng, đôi lúc chạnh lòng nhớ nhà, nhớ tiếng cười con thơ, nhớ bữa cơm sum vầy của gia đình nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua đi bởi họ hiểu hơn ai hết những hy sinh đó của mình sẽ giúp cho cả chục nghìn người dân xã Sơn Lôi được bình yên.
Những bệnh nhân mắc Covid -19 lần lượt được chữa khỏi nhưng với những chiến sĩ khoác áo blouse thì cuộc chiến chưa có hồi kết vì dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Đây là lần đầu tiên 7 nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi chứng kiến một vụ dịch lớn như vậy tại ngay chính nơi mình sinh sống và làm việc.
Bỡ ngỡ và thiếu chút kinh nghiệm là không thể tránh khỏi. Nhưng với sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp tuyến trên theo phương thức "cầm tay chỉ việc" khiến mọi sự dần đi vào quỹ đạo. Họ đang từng ngày chắt chiu thêm kiến thức về bệnh học và cũng trang bị thêm cho mình kỹ năng ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.
Tôi thấy phía góc sân nơi có vườn cây thuốc của Trạm Y tế xã một bóng dáng quen quen đứng trầm tư. Anh là bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) được tăng cường về nằm vùng tại xã Sơn Lôi.
Là người có thâm niên phòng chống nhiều loại dịch nguy hiểm nên anh hiểu rõ nguy cơ nhiễm bệnh mà anh cùng các đồng nghiệp tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi có thể mắc phải. Sống và làm việc giữa tâm dịch, tiếp xúc mỗi ngày với vài chục trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, vậy nhưng hỏi họ có lo lắng, có sợ không, câu trả lời mà tôi nhận được là câu hỏi ngược về mình: "Nếu chúng tôi vì sợ mà buông bỏ thì ai lo cho dân?". Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao bà con xã Sơn Lôi đã nhanh chóng ổn định cuộc sống dù đang giữa vùng dịch được đánh giá là nguy hiểm nhất nước...
THÁI HÀ
Theo Tiền phong
Lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/02 Kỷ Niệm 65 năm ngày 27/2. Nhưng ít ai biết được lịch sử và ý nghĩa ngày này được chọn làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cách đây đúng 65 năm, ngày 27/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được xem...