Những bác sĩ quốc tế quên mình đổ về tâm dịch Ebola
Giống như lính cứu hỏa lao vào tòa nhà đang cháy sau mỗi cuộc gọi khẩn cấp, bác sĩ Aileen Marty sẵn sàng hồi đáp các cuộc gọi sẽ đưa cô vào một trong những điểm nóng của dịch Ebola hiện nay.
Tuần trước, Marty nhận được thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO rằng cô nằm trong danh sách của mạng lưới đáp ứng và báo động dịch bệnh toàn cầu (GOARN) để kiểm soát virus Ebola lây lan nhanh chóng ở Tây Phi.
“Nhiệm vụ này cần phải được tiến hành ngay bởi những người có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện nó một cách nhanh chóng hiệu quả. Nếu tôi được giao nhiệm vụ, tôi sẽ đi “, Marty quả quyết. Cô là giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa Herbert Wertheim, Đại học Quốc tế Florida, Mỹ.
Các bác sĩ tại vùng dịch Ebola. Ảnh: dailynewsen
Hơn 30 năm hành nghề y, trong đó 25 năm làm bác sĩ hải quân, Marty đã đi khắp thế giới, đến 50 quốc gia, điều trị các bệnh như bệnh phong, bệnh sốt xuất huyết và sốt rét. Từng có kinh nghiệm làm việc tại Châu Phi, Marty biết những gì mong đợi khi cô đến.
Quyết định chấp nhận nhiệm vụ này, đồng nghĩa với việc cô sẽ đối diện nhiều hiểm nguy bủa vây. “Tôi biết mức độ đáng sợ của virus Ebola và tôi sẽ khó có thể triển khai tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết”, Marty nói. Cô đã yêu cầu WHO gửi cô đến Nigeria, quốc gia đông dân nhất Châu Phi và nằm trong danh sách khu vực báo động ngày càng tăng nạn nhân Ebola.
Dịch Ebola nguy hiểm bùng phát trở lại ở Tây Phi từ tháng 3 với mức độ lây lan nhanh, đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Nhiều bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã tình nguyện về Châu Phi để hỗ trợ chống dịch, bất chấp dịch bệnh tồi tề nhất trong lịch sử này đã và đang khiến nhiều nhân viên y tế mất mạng.
Catherine Houlihan và Mauricio Ferri là hai trong số bác sĩ quốc tế đầu tiên có mặt trong cuộc chiến chống dịch tại Châu Phi. Đây là lần đầu tiên Catherine Houlihan, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm từ Vương quốc Anh đối diện với một dịch bệnh lớn. Bác sĩ Mauricio là một chuyên gia chăm sóc đặc biệt người Brazil đã làm việc 7 năm ở nhiều bệnh viện tại Canada. Hai người đã có 3 tuần ở Kenema, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhất của Sierra Leone kể từ khi bùng phát dịch.
“Thật tuyệt vời khi Mauricio và tôi đến trong cùng một ngày. Ban đầu chúng tôi cảm thấy bị sốc bởi những thách thức đặt ra là quá lớn và chúng tôi phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện làm việc khó khăn”, Catherine Houlihan chia sẻ.
“Trước khi đến đây, tôi đã phải thuyết phục rất nhiều vợ tôi mới đồng ý”, bác sĩ Mauricio tươi cười.
Mauricio và Catherine dành 7 giờ mỗi ngày bên trong các trung tâm điều trị dịch Ebola. Ảnh: WHO
Tại Guinea, Liberia và Sierra Leone hiện có hàng trăm chuyên gia bác sĩ quốc tế được triển khai thông qua mạng lưới đáp ứng và báo động dịch bệnh toàn cầu. Khi WHO gửi email tới những hiệp hội y tế khác nhau yêu cầu tình nguyện viên để giúp đỡ tại các ổ dịch Ebola ở Tây Phi, cả Catherine và Mauricio đều đồng ý ngay lập tức. “Tôi cảm thấy đây là nơi cần tôi và tôi cần đến”, Catherine cho biết.
“Tôi biết là sẽ rất khó khăn nhưng không hình dung lại nhiều thách thức đặt ra đến vậy khi mà trang thiết bị, các biện pháp phòng chống nhiễm trùng thiếu thốn. Tuy nhiên sau cú sốc ban đầu, tôi bắt đầu nhìn thấy những khó khăn là cơ hội để cải thiện mọi thứ”, bác sĩ Mauricio nói.
Video đang HOT
Mauricio và Catherine dành 7 giờ mỗi ngày bên trong các trung tâm điều trị, mặc đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, chăm sóc cho từ 40 đến 50 bệnh nhân mỗi ngày. WHO đã cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân để nhân viên y tế đáp ứng với dịch Ebola. Tất cả mọi người từ nhân viên bảo vệ, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế chuyên nghiệp đều được đào tạo sử dụng đúng trang thiết bị bảo hộ cá nhân để có thể tiếp tục làm công việc một cách an toàn.
Mỗi bệnh nhân đều để lại dấu ấn sâu sắc với các bác sĩ. “Trong những ngày đầu tiên, tất cả các bệnh nhân lần lượt qua đời. Vào ngày thứ tư, tôi được chứng kiến bệnh nhân đầu tiên xuất viện. Đó là trải nghiệm vô cùng lớn lao mà tôi không thể nào quên”, Catherine kể lại. Đối với Mauricio, câu chuyện một cậu bé 4 tuổi sống sót kỳ diệu trong dịch Ebola đã để lại ấn tượng sâu đậm. Trước đó, cả gia đình cậu bé đều thiệt mạng vì đại dịch khủng khiếp này.
Mối lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên y tế đang chiến đấu với virus Ebola tăng lên sau khi một bác sĩ hàng đầu tử vong ở Sierra Leone tuần trước. Một y tá người Nigeria điều trị cho bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh ở quốc gia này cũng chết vì virus nguy hiểm này. Hai chuyên gia y tế người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia vẫn đang giành giật sự sống tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.
“Nhất định”, cả hai bác sĩ gần như đồng thanh nói khi được hỏi về việc có ở lại Sierra Leone hoặc chấp nhận đến những nơi dịch bệnh khác nếu có nhu cầu. “Đây là một kinh nghiệm độc đáo. Chúng tôi không chỉ được đóng góp công sức vào các nỗ lực để ngăn chặn lây truyền dịch Ebola toàn cầu mà còn là dịp để học tập, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp”.
“Trước khi đến Kenema, tôi đã sợ hãi, lo lắng về sự an toàn của riêng tôi nhưng khi đến nơi rồi, chứng kiến những gì đang xảy ra với bệnh nhân, tôi biết tôi cần phải làm gì và sẽ kiên quyết ở lại chống dịch đến cùng”, bác sĩ Mauricio nói.
Lê Phương (Theo WHO, Miami Heral)
Cách phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola
Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola... để phòng lây lan bệnh.
Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Để tránh bệnh lây lan sang Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo cách phòng ngừa Ebola như sau:
Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào
Virus Ebola lây truyền tư đông vât sang ngươi khi tiếp xúc gần với máu, chât tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Thế giới đang đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng. Ảnh: AFP.
Người có nguy cơ cao nhiễm virus này
Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virusEbola.
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng.
- Cán bộ y tế.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.
- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.
- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Khi nào nên đi khám
Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Làm gì để phòng nhiễm virus Ebola
Hiện chưa có văcxin phòng bệnh do virus Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện nay là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong.
Do virus Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh:
- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
- Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, cách tiêu hủy phương tiện sau khi sử dụng.
- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
- Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn... tại khu vực có rừng nhiệt đới.
- Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
- Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Lê Phương
Theo VNE
Những lý do khiến virus Ebola nguy hiểm hơn cả virus HIV Những người mắc HIV có thể sống nhiều năm nếu được dùng thuốc nhưng bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì gần như nhận bản án tử. Không giống các loại virus khác như viêm gan A, B, C... có thể ở trong cơ thể người nhiễm suốt 15 năm mà không có bất cứ triệu chứng nào,...