Những bác sĩ miệt mài “gieo” mùa xuân
Bệnh nhân bật khóc vì không đủ khả năng đóng khoản tiền làm thụ tinh ống nghiệm (TTON), khiến bác sĩ cũng rớm nước mắt, nghẹn lời. Liên miên, căng thẳng với lịch, khám bệnh dày đặc, nhưng thành công của những cặp vợ chồng hiếm muộn lại tiếp thêm động lực cho các bác sĩ.
Vui, buồn cùng bệnh nhân hiếm muộn
Từ sáng sớm tiếp nhận, giải quyết cả trăm hồ sơ của bệnh nhân khắp nơi đổ về. Sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi lại bắt tay vào công tác chuyên môn: chọc hút trứng, chuyển phôi hàng chục ca. Đến tối mịt lại thay nhau trực đêm tại viện hoặc về nhà nghỉ ngơi ít tiếng rồi tiếp tục vùi đầu nghiên cứu tài liệu, trao đổi, cập nhật thông tin về những kỹ thuật mới nâng cao kiến thức chuyên ngành…
Đó là nhịp sinh hoạt dường như đã quá quen thuộc đối với TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y 103 và đội ngũ bác sỹ đang làm việc ở đây.
Có đến tận khu vực khám bệnh ở Trung tâm mới thông cảm với sự vất vả của các bác sỹ cũng như tình trạng gia tăng của những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong quá trình mang thai, sinh nở những năm trở lại đây.
Do đặc thù của chuyên khoa, tại đây, số bác sỹ trực tiếp khám, chữa bệnh đếm chưa hết trên đầu ngón tay. Ngược lại, những hàng ghế đón tiếp dù đã được nối dài, kê thêm nhiều mà vẫn không đáp ứng hết chỗ ngồi cho bệnh nhân. Có lẽ, ít có nơi đâu bệnh nhân lại có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự về sự khó khăn trong cuộc sống hay hạnh phúc riêng tư đến vậy. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng, nhưng tất cả đều mang hy vọng và mong mỏi, nhờ tới sự tới sự tác động của y học hiện đại giúp họ có được đứa con khỏe mạnh, xinh xắn, gắn kết mái ấm gia đình.
Video đang HOT
“Bệnh nhân từ khắp nơi tìm về. Ai cũng mang tâm trạng mong mỏi minh sớm được khám chữa bệnh ngay, nhiều khi bệnh nhân “quên” cả việc phải xếp sổ, đợi khám theo thứ tự. Vậy là bác sĩ ngoài việc chuyên môn phải kiêm luôn nhiệm vụ giữ trật tự, kiểm soát trình tự khám. Nhiều khi tôi phải dùng cách điều hành kiểu “nhà binh” mới đủ thời gian để khám cho tất cả bệnh nhân trong buổi sáng”, TS Lâm kể.
Tại Trung tâm, dù số hồ sơ phải giải quyết ngày càng nhiều, khối lượng công việc của các bộ phận tăng chóng mặt mỗi ngày. Nhưng sau mỗi phác đồ điều trị, niềm vui thành công hay nỗi buồn thất bại của mỗi bệnh nhân đều được bác sỹ chia sẻ, động viên và cập nhật thường xuyên.
Còn nhớ hoàn cảnh của một nữ bệnh nhân đã lớn tuổi, lặn lội từ vùng quê xa xôi mong khám, chữa bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị bị tắc cả hai vòi trứng, chỉ có thể làm TTON mới có con. Nhưng sau khi được bác sỹ thông báo, khoản tiền để làm TTON lên tới trên 40 triệu đồng, chị ngồi bần thần rất lâu rồi bật khóc, bởi với hoàn cảnh khó khăn hiện nay, đó là số tiền vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình. Nhìn bệnh nhân sụt sùi, BS cũng rớm nước mắt, nghẹn lời…
“Trên thực tế, rất nhiều khoản khám, chữa bệnh của Trung tâm đều thực hiện theo quy định của Bộ Y tế cả chục năm nay chưa thay đổi. Tuy nhiên, có những khoản đặc thù mà bệnh nhân tự trả theo giá dịch vụ mà không được bảo hiểm gánh đỡ. Đối với những bệnh nhân nghèo, đó thực sự là khoản tiền lớn khó xoay xở”, TS Lâm băn khoăn.
Một ca phẫu thuật lấy tinh tử để nuôi cấy tinh trùng.(Ảnh: Lê Vũ)
Đem hạnh phúc làm bố đến nam giới không có tinh trùng
“Thống kê cho thấy, nguyên nhân gây vô sinh do vợ hoặc chồng là 50-50. Có cặp, anh chồng rất đẹp trai, to cao, rất tự tin với sức khỏe của mình, nhưng kết quả tinh dịch đồ lại hoàn toàn “trắng tinh”. Nếu vài năm trước, gặp những ca này, y học cũng đành “bó tay”, nhưng hiện nay với phương pháp kỹ thuật nuôi cấy tinh tử hiện đại nhất, Trung tâm có thể giúp họ toại nguyện giấc mơ vẫn có con”- TS Lâm cho hay. Các giai đoạn được tiến hành khi tinh tử còn ở giai đoạn trước khi phát triển thành tinh trùng, nghĩa là chỉ có dạng hình tròn, chưa có đuôi và chưa thể chuyển động được. Để tinh tử trở thành tinh trùng, các BS tại Trung tâm phải tiến hành nuôi cấy. Những trường hợp không có tinh trùng đến thực hiện phương pháp nuôi tinh tử đều được cho uống thuốc kích thích sinh tinh trong thời gian ba tháng. Khi sinh tinh, các BS sẽ thực hiện sinh thiết phần tinh hoàn. Sau đó, mảnh tinh hoàn này sẽ được thực hiện tách tế bào dưới kính hiển vi nuôi cấy tinh tử.
Sau thời gian nuôi cấy khoảng 3 ngày, BS sẽ chọn những tinh tử có hình thái đẹp, khỏe (tức đã phát triển thành tinh trùng có đuôi để di chuyển) để bơm vào trứng của người vợ đã được lấy sẵn. Quá trình tiếp theo tiến hành như thụ tinh trong ống nghiệm kinh điển. Hiện, Việt Nam là một trong số ít các nước thực hiện được phương pháp trên.
Và trong những năm qua, kỹ thuật nuôi cấy tinh tử đã giúp những ông bố không có tinh trùng vẫn có con. Những em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những gia đình tưởng như sắp tan vỡ.
Mỗi buổi sáng, tại Trung tâm cảnh tượng thường thấy là những dãy ghế chật kín bệnh nhân, bên cạnh những ánh mắt căng thẳng, lo âu chờ đợi lại có những khuôn mặt người vợ rạng ngời hạnh phúc chờ siêu âm thai. Đó là kết quả có được sau quá trình được bác sĩ điều trị hỗ trợ theo phác đồ thích hợp. Mùa xuân thực sự đã đến với những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Thanh Trầm
Theo Dân trí
Cơ hội đổi đời cho các cặp hiếm muộn
Không lâu nữa, một loại test mới - soi được chất lượng phôi từ lúc còn rất nhỏ - sẽ được các nhà khoa học Anh đưa ra thị trường, nhờ đó làm tăng đáng kể khả năng đậu thai của những cặp vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm.
Theo quy trình này, người ta có thể kiểm tra các phôi được tạo ra trong phòng thí nghiệm, xem chúng có phát triển khỏe mạnh hay không, có bất thường nhiễm sắc thể hay không, từ đó lọc ra phôi tốt nhất để cấy vào tử cung người mẹ.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford hy vọng đột phá này sẽ làm tăng cơ hội có thai nhờ thụ tinh ống nghiệm từ 30% như hiện nay lên gần 100%.
"Hầu hết các phôi được dùng trong kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm hiện nay trên thế giới không được kiểm tra gene, và 85% trong số đó không phát triển thành thai nhi bình thường", Dagan Wells, tác giả công trình cho biết.
Theo guardian, test mới của Dagan Wells và cộng sự có thể tìm ra bất thường nhiễm sắc thể (một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến thụ tinh ống nghiệm thất bại) ở các phôi 5 ngày tuổi. Các phôi mang khuyết tật gene như vậy thường bị cơ thể đào thải qua hiện tượng sảy thai.
Dự kiến test mới có thể sử dụng để phát hiện dị tật cả ở các trứng, cũng như phôi và có giá khoảng 2.000 bảng Anh. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm tại Oxford vào cuối năm nay và đưa thành quy trình rộng rãi đến các bệnh viện vào nửa cuối năm sau.
T. An
Theo vnexpress
Căng thẳng chuyện sinh quý tử ở thành phố Cứ tưởng cái tư tưởng kiếm thằng cu chống gậy chỉ có ở các làng quê, không ngờ giữa thủ đô, thành phố lớn hiện đại cũng lắm chuyện bi hài quanh nó. Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông thành đạt, có học thức, có địa vị, có tiền... Nói chung cuộc sống của anh hiện tại có thể gọi là...