Những bác sĩ không mặc áo blouse
Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác khám chữa bệnh (KCB), không mặc trên mình những chiếc áo blouse trắng, nhưng những y, bác sĩ ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn luôn nhiệt huyết, tận tình giúp đỡ, hướng dẫn người bệnh.
Bên cạnh đó, họ còn tích cực, chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát quy trình KCB Bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT cũng như đảm bảo an toàn nguồn quỹ.
Lòng nhiệt huyết không bao giờ vơi
Một buổi chiều giữa tháng 2, ngồi nhâm nhi ly cà phê với những cơn gió Xuân đậm hương lộc non phảng phất, tôi vô tình đọc được một câu nói nổi tiếng của William Arthur Ward – tác giả cuốn Fountains of Faith (Suối nguồn Niềm tin): “ Lòng nhiệt huyết là que diêm thắp lên ánh sáng của ngọn nến thành tựu“. Chợt nhớ đến đề tài được Tòa soạn giao viết về những bác sĩ của ngành BHXH, tôi bắt đầu đi tìm lời giải thích cho câu nói này…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với các bác sĩ của Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT phía Bắc
Mặc dù rất bận nhưng BS.Lê Văn Phúc – Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) vẫn tranh thủ dành cho tôi cuộc trò chuyện về “lòng nhiệt huyết” của những SV ngành Y như ông. Với nụ cười tươi, ông Phúc kể, sau khi kết thúc khóa học ngành Y bên Liên Xô (cũ), ông quyết định về nước và trở thành giảng viên của Trường ĐH Y khoa Thái Nguyên. Sau 5 năm công tác, đến năm 1993, ông chuyển về Hà Nội làm việc tại BHYT Việt Nam. Do mới được thành lập nên công tác giám định thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn.
“ Những cái mới thường rất khó khăn, khi ấy cơ quan BHYT mới thành lập nên có rất ít tài liệu liên quan đến BHYT. Mọi người hầu như không hề biết BHYT hoạt động như thế nào. Đặc biệt, công tác KCB BHYT cũng rất mơ hồ… Cho đến khi cơ quan BHYT bắt đầu ký hợp đồng với các cơ sở y tế, lúc đó cũng là lúc hình thành công việc giám định BHYT. Nhưng khó khăn này chưa hết, khó khăn khác lại tới, công tác giám định chưa được thực hiện lần nào, lại không có một quy chuẩn nào nhất định. Do vậy, mọi người vừa làm, vừa phải học hỏi…”- ông Phúc chia sẻ.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: “ Giám định chi phí KCB BHYT là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan BHXH nhằm quản lý quỹ BHYT hiệu quả, bền vững; đồng thời bảo đảm công bằng cho người dân trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, tương xứng với độ mở ngày càng lớn của chính sách BHYT. Những đóng góp đáng tự hào của các y, bác sĩ, dược sĩ đang công tác trong ngành BHXH đã góp phần to lớn vào sự phát triển chung của BHXH Việt Nam cũng như sự nghiệp an sinh xã hội đất nước…“.
Cũng theo ông Phúc, thời gian mới thành lập, nhân lực của cơ quan BHYT rất thiếu. Lực lượng chủ yếu là các y, bác sĩ trẻ chuyển từ các BV sang hoặc mới ra trường, kiến thức về công tác giám định hoàn toàn không có. Chính vì thế, công việc gặp rất nhiều khó khăn, từ việc đối chiếu hồ sơ bệnh án, cho đến việc giám định trực tiếp các đối tượng nghi vấn mượn thẻ BHYT. Điều đó đòi hỏi cán bộ giám định không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, CNTT mà còn phải mềm dẻo trước các tình huống…
“ Vậy động lực nào để ông và các y, bác sĩ giám định thời kỳ đó vượt qua khó khăn để bám nghề cho đến tận hôm nay?“- tôi hỏi. Vẫn nụ cười ấy, ông Phúc đáp: “ Chắc có lẽ do lòng nhiệt huyết cháy bỏng. Chỉ có những người tâm huyết, thực sự yêu nghề mới có thể bám trụ với nghề đến hôm nay. Hầu hết mọi người đều có trách nhiệm, không ngại va chạm và rất sáng tạo. Tôi nhớ như in những năm đầu, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng cho mượn thẻ BHYT, có những trường hợp còn bóc, thay đổi ảnh trên CMND để “qua mắt” giám định viên. Tuy nhiên, tại Quảng Bình, một nữ cán bộ giám định đã nghĩ ra cách đối chiếu bằng cách lăn vân tay nên đã từ chối được rất nhiều trường hợp vi phạm…“.
Trước khi chia tay, ông Phúc không quên nói thêm: “ Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác KCB hàng ngày tại cơ sở y tế, không mặc trên mình những chiếc áo blouse trắng nhưng họ là những y, bác sĩ thầm lặng với lòng nhiệt huyết cháy bỏng, ngày ngày cần mẫn giúp đỡ, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện quy trình KCB BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như đảm bảo an toàn nguồn quỹ BHYT…“.
Video đang HOT
Không chỉ là trách nhiệm…
Để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của những bác sĩ – giám định viên BHYT, tôi quyết định bắt xe về Quảng Ninh để tìm hiểu. Do hầu hết cán bộ của Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh) đều “ cắm chốt” tại các bệnh viện nên tôi đến thẳng bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long) – nơi có số lượng bệnh nhân khá đông. Tại phòng dành cho giám định viên BHYT, một người phụ nữ nhỏ nhắn đang miệt mài bên chiếc máy tính và chồng hồ sơ bệnh án dày cộp. Sự có mặt của tôi khiến cho căn phòng nhỏ như sôi động hẳn lên.
Vừa gõ máy tính, chị Mai Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Quảng Ninh) vừa mỉm cười bảo: “Chắc phóng viên về tìm hiểu công việc của giám định viên hả?“. Rồi chị vừa làm vừa kể, nghề giám định luôn bận rộn với những con số, nhất là phải đảm bảo chính xác đến tuyệt đối. Bởi mỗi số liệu liên quan đến quyền lợi hàng nghìn con người, đến nguồn quỹ BHYT. “ Nghề này quan trọng nhất là kiểm tra các chỉ định, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của bác sĩ tại các cơ sở y tế nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tránh trục lợi quỹ. Vì vậy, khối lượng công việc của giám định viên rất lớn, hằng ngày phải giám định hồ sơ, đối chiếu giá dịch vụ, thuốc, làm báo cáo thống kê, tổng hợp… Thậm chí, bắt buộc phải nhớ tên, giá của hàng trăm loại thuốc, hàng nghìn biệt dược và hàng trăm loại dịch vụ y tế để có những quyết định chính xác…”- chị Huyền chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Y đa khoa, chị Huyền từng mong ước trở thành một bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, khi chị tốt nghiệp ĐH cũng là thời điểm cơ quan BHYT vừa thành lập nên rất cần nhân lực là các bác sĩ trẻ. “ Có cơ hội làm việc tại một số BV lớn nhưng không hiểu sao lúc đó mình lại chọn gia nhập đội ngũ cán bộ giám định BHYT. Chắc có lẽ mình muốn thử sức ở một lĩnh vực mới mẻ, đồng thời cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé trong mục tiêu xây dựng trụ cột chính của an sinh xã hội nước nhà“- chị Huyền cho biết về hành trình đến với nghề BHXH của mình.
Cũng theo chị Huyền, công tác giám định BHYT trong giai đoạn hiện nay vô cùng khó khăn và phức tạp, do quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, nhiều danh mục dịch vụ kĩ thuật được phiên tương đương về giá hoặc tương đương về quy trình kỹ thuật… Đặc biệt, các thông tư, nghị định liên quan và phương thức thanh toán theo phần mềm đổi mới liên tục, đòi hỏi mỗi cán bộ giám định phải luôn cập nhật, nâng cao trình độ ngoại ngữ và CNTT để bắt kịp…
Không chỉ hăng say trong công việc, các giám định viên còn luôn hết lòng vì người bệnh. Trước từng có trường hợp một bệnh nhân người dân tộc thiểu số bị ngã xe máy nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Gia đình bệnh nhân cực kỳ nghèo, không có cả tiền ăn. Khó khăn nảy sinh, đó là chế độ BHYT lúc bấy giờ quy định nếu bị tai nạn giao thông sẽ không được thanh toán trợ cấp nên gia đình bệnh nhân đã đề nghị rút ống thở… Trong tình thế cấp bách, chị Huyền đã quyết định kiến nghị để trường hợp bệnh nhân này được hỗ trợ từ quỹ BHYT.
Chia sẻ về trường hợp này, chị Huyền bảo, bệnh nhân hoàn toàn tự ngã và phía cảnh sát giao thông cũng xác nhận đây không phải một vụ tai nạn giao thông nên chị quyết định như vậy nhằm mang lại những hy vọng dù là nhỏ bé cho bệnh nhân. “ Con người ai cũng có quyền được sống, dù là hy vọng nhỏ bé nhất. Rất may mắn, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân này đã bình phục và có thể đi lại…”- chị Huyền kể với niềm tự hào của một bác sĩ đầy tâm huyết với nghề giám định.
Hoài Anh
Theo congluan
Ngày thầy thuốc không lời chúc của bác sĩ điều trị HIV/AIDS
Với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng 55 tuổi, ở Bệnh viện 09 Hà Nội, ngày 27/2 chỉ vỏn vẹn trong sân viện và không khác gì bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng công tác hơn 20 năm tại Bệnh viện 09, Thanh Trì, Hà Nội, hiện là Trưởng khoa Nội Tổng hợp. Ngày 26/2, từ ban công tầng 2 bệnh viện, bác sĩ Hưng tóc húi cua, da ngăm đen, hít hơi thật sâu rồi chia sẻ về nghề. Tự nhận mình là "bác sĩ dũng cảm", anh luôn nhắc nhở bản thân "đã làm ngành y, nhất là chuyên về bệnh truyền nhiễm thì cần phải học cách đương đầu".
"Tôi thấy mình giống như anh lính cứu hỏa, thấy có lửa thì lao vào dập chứ không bận tâm có an toàn hay không", anh tâm sự.
Trước đây, Bệnh viện 09 là trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện, chuyên chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có hoàn cảnh đặc biệt.
Năm 2005, đại dịch HIV lan rộng. Trung tâm 09 ra đời theo nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội. Năm 2010, trung tâm đổi tên thành Bệnh viện 09. Bác sĩ Hưng là một trong những bác sĩ đầu tiên làm việc tại viện.
Bệnh viện có 100 giường bệnh và gần 200 y bác sĩ. Thành phần bệnh nhân khá phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái "bán hoa" đến những người bị gia đình, xã hội bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV.
Bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Hưng nói rằng "chưa từng nhận được một lời chúc hay bó hoa nào từ người bệnh". Ngày 27/2 với các y bác sĩ tại đây chỉ vỏn vẹn diễn ra trong sân viện và những lời động viên từ đồng nghiệp với nhau.
"Ngày thầy thuốc với bác sĩ điều trị HIV chẳng khác gì ngày thường", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09. Ảnh: Thùy An
Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện 09 là nơi tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân trước khi chuyển xuống khoa phù hợp để điều trị. Đa số bệnh nhân tại viện gặp những vấn đề trong cuộc sống, hận đời, hận gia đình và trút nỗi đau lên người thầy thuốc. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi dẫn đến hoảng loạn có thể đâm, chém vô cớ.
Viện 09 còn là môi trường lây nhiễm vi khuẩn, virus khổng lồ nên được mệnh danh là "trận địa ác liệt nhất trong mọi trận chiến". Hàng năm, bệnh viện đều phát hiện nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị phơi nhiễm HIV do dẫm phải kim hoặc lây truyền qua đường hô hấp.
Bởi vậy, phía sau cánh cửa bệnh viện không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có tiếng thở dài của y bác sĩ, những người làm công tác điều trị. Có người bỏ việc, người thuyên chuyển công tác, người xem bệnh viện là "chốn tạm thời". Riêng với bác sĩ Hưng, 09 là một mối lương duyên đặc biệt.
Năm 1995, anh Hưng tốt nghiệp trường Đại học Y và làm việc tại Ninh Bình. Sau đó anh mang hoài bão của một chàng trai trẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Năm 2005, anh nhận công tác tại bệnh viện 09 và gắn bó đến ngày nay. Cũng chính nơi đây, anh tìm được hạnh phúc của đời mình.
Những ngày đầu làm việc ở viện, anh thấy chạnh lòng khi bị hỏi về công việc bởi thời điểm đó thông tin về HIV/AIDS còn hạn chế. "Nhắc đến HIV, đồng nghĩa với án tử", bác sĩ Hưng kể. Về sau có nhiều cơ hội "đổi viện", nhiều bệnh viện ngỏ lời mời làm việc, anh vẫn kiên định với mái nhà 09.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", anh chia sẻ.
Bác sĩ Hưng thăm hỏi bệnh nhân. Bệnh viện đặc biệt nên bệnh nhân ít, khác với nhiều viện khác luôn quá tải giường bệnh. Ảnh: Thùy An
Trong môi trường làm việc khốc liệt, anh được tôi luyện sự dũng cảm và bản lĩnh đối đầu đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn. Anh nói mỗi bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tập trung tất cả các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vừa là bác sĩ điều trị, vừa là bác sĩ tâm lý, anh Hưng thuyết phục bệnh nhân điều trị vừa nắn chỉnh hành vi giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Hưng cũng cho rằng mình may mắn khi được bố mẹ tôn trọng sự lựa chọn. Bạn bè sau này vơi đi ít nhiều, anh luôn biết ơn những vất vả trong công việc giúp bản thân ngày thêm trưởng thành.
"Tôi sống bằng giá trị trí tuệ cúa một người bác sĩ nên không có gì để hổ thẹn", anh trải lòng. Niềm hy vọng lớn nhất của anh bấy giờ là tìm được loại thuốc đặc trị để đẩy lùi HIV/AIDS và xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người bệnh.
Phòng làm việc của bác sĩ Hưng và đồng nghiệp. Ảnh: Thùy An
Hơn 20 năm làm nghề, bác sĩ Hưng hiểu rõ 09 là trạm dừng chân duy nhất để người bệnh HIV nương tựa đến cuối đời. Anh luôn nỗ lực giúp bệnh nhân không cô độc. Anh khiến người bệnh hiểu dù còn nhiều khó khăn họ vẫn có các y bác sĩ sẵn sàng đồng hành, chăm sóc giảm nhẹ, giúp vơi bớt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
"Chữa bệnh là nhiệm vụ vẻ vang, chưa bao giờ tôi hối hận vì sự lựa chọn này", anh nói.
Theo bác sĩ Hưng, hiện nay HIV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có nhiều loại thuốc thế hệ mới giúp hạn chế tác dụng phụ. Người bệnh cần lưu ý để cách ly và sử dụng thuốc đều đặn. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đi khám thường xuyên, nhất là quá trình chuyển dạ để phòng tránh lây nhiễm và dự phòng cho con.
Anh khuyên mọi người sống lành mạnh để tự bảo vệ mình đồng thời trang bị kiến thức đầy đủ về căn bệnh. "Sự chung sức, chung tay của cộng đồng vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Thùy An
Theo VNE
Kon Tum: Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u nặng 2kg Sáng 26-12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã phẫu thuật thành công loại bỏ khối u nặng 2kg cho bệnh nhân Phan Thị L. 47 tuổi (trú tại phường Thống Nhất, TP. Kon Tum). Đây là khối u xơ tử cung lớn nhất từ trước đến nay mà các bác sỹ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kon Tum thực hiện phẫu...