Những anh lính kiên cường dầm mưa đi trao thực phẩm cho bà con
Những ngày qua, Sài Gòn thường đổ mưa bất chợt. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ, vì đằng sau họ là nhiều gia đình đang ngóng trông được nhận lương thực.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 2 anh lính ngồi trên chiếc xe bán tải giữa trời mưa lớn, chỉ có chiếc vải bạt – hành trang thân thuộc – để che tạm.
2 anh lính co ro trên chiếc xe giữa trời mưa. (Ảnh cắt từ clip)
Xuyên suốt quá trình di chuyển, những cơn gió to thổi đến khiến vải bạt tốc mạnh, 2 chàng trai chỉ còn cách giữ chặt mép, không để nước mưa rơi xuống số thực phẩm được gói ghém cẩn thận. Chắc hẳn mưa nắng đến đâu cũng không làm khó được tinh thần người lính, nhưng với họ, đồ ăn của bà con quan trọng hơn cả, phải cố gắng để chúng không bị ướt.
Gió lớn thổi đến, buộc họ phải tìm mọi cách để giữ lấy vải bạt. (Ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh này đã để lại cho mọi người nhiều suy ngẫm và cả sự nghẹn ngào. Đối với các chiến sĩ, vào Sài Gòn chống dịch không chỉ đơn thuần là thực hiện sự giao phó từ cấp trên. Đó còn là tình thương đồng bào, là sự hồi đáp trước mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người.
Những người lính di chuyển giữa mưa lạnh để giao thực phẩm. ( Video: TikTok W.S)
Việc chống dịch chưa bao giờ là dễ, nhưng cũng không phải là điều không thể. Nhất là khi có sự góp sức của lực lượng quân đội, đông đảo người dân đã cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Có lẽ hiểu rõ điều này, anh lính nào cũng tràn đầy quyết tâm, cố gắng góp sức vào “cuộc chiến” với Covid-19. Sức trẻ, nhiệt huyết, nghĩa tình đồng bào, kỉ cương và sức mạnh của quân đội là những hành trang giúp họ vượt qua bao mưa nắng vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chàng trai với đôi mắt hiền lành, trả lời hết sức lễ phép và dễ thương. (Ảnh cắt từ clip)
Trong đoạn clip khác, khi chiếc xe đang tạm dừng bên đường, chủ nhân bài đăng đi đến gần hơn để hỏi chuyện 2 chiến sĩ. Lúc này, cơn mưa nặng hạt hơn, họ vẫn giữ nguyên tư thế, dùng vải bạt che chắn cẩn thận phần sau xe bán tải. Khi được hỏi thăm, 1 người lính trẻ lễ phép giới thiệu tên đơn vị, cho biết bản thân mới được tăng cường về Sài Gòn ít ngày. Kết thúc cuộc trò chuyện, người quay video gửi lời động viên “Ráng nha!” như muốn “tiếp sức”, giúp họ có thêm năng lượng làm việc.
Cuộc trò chuyện với các anh. (Video: TikTok W.S)
Chỉ sau ít giờ đăng tải, cả 2 bài đăng trên đều nhận được lượng tương tác lớn trên mạng xã hội. Phần lớn dân mạng đều bày tỏ sự xúc động trước những nỗ lực, cố gắng của người lính. Dù trời nắng hay mưa, chỉ cần bà con cần, các anh sẵn sàng giang tay giúp sức. Bên cạnh đó, một số người theo dõi lớn tuổi cho biết, họ đã rơi nước mắt khi chứng kiến những chàng trai ở độ tuổi rất trẻ, giống như con cháu trong gia đình họ, nhưng dù nhiệm vụ khó khăn đến đâu cũng không bao giờ lùi bước, bởi tất cả đều gói gọn trong 3 chữ “nghĩa đồng bào”.
“- Nhìn các anh mà thấy thương và yêu vô cùng. Cảm ơn mọi người nhiều lắm! Thà chịu ướt cũng quyết không để đồ ăn hỏng. Tấm lòng người lính thật đáng trân trọng.
- Tình cảm quân dân ở đất nước tôi đó. Các anh ơi, lúc nào người dân cũng yêu mến bộ đội như người thân trong gia đình mình vậy.”
Hiện, những hình ảnh trên vẫn đang lấy được nhiều xúc cảm của cư dân mạng. Sài Gòn thời gian tới có thể vẫn phải đón nhiều cơn mưa, chỉ hi vọng các chiến sĩ bộ đội cùng lực lượng chức năng, nhân viên y tế… giữ gìn sức khoẻ và luôn lạc quan để có “sức mạnh” đánh bại virus.
CĐM bức xúc vì 2 câu chuyện: Truyện cười kém duyên "Đi chợ giúp dân" và xin cứu trợ lố
Trước những sự việc này, không ít người dân đã phải lên tiếng thể hiện sự bức xúc và phẫn nộ của mình.
Dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát đã có không ít câu chuyện, hình ảnh nhân ái làm hàng triệu người cảm thấy được an ủi, ấm lòng. Nhưng ở đâu đó trong cộng đồng vẫn len lỏi sự việc gây bức xúc khiến nhiều người phản ứng.
Mới đây, một số tài khoản Facebook lan truyền "truyện cười" về câu chuyện "Bộ đội đi chợ hộ người dân Sài Gòn" vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Họ cho rằng "truyện cười" mà không hề vui, hoàn toàn sai sự thật, có nhiều sự ẩn dụ gán ghép chế giễu người lính nói ngọng, lạc hậu, không biết đường sá...
Truyện cười kém duyên "Đi chợ hộ" gây ra nhiều bức xúc một phần vì xuất hiện không đúng thời điểm.
"Thực tế, bộ đội đi chợ hộ hoặc đi phát túi dân sinh, thăm F0 luôn có dân quân tự vệ và cán bộ phường hỗ trợ, chứ làm gì có ai lóng ngóng đi nhầm đường. Chưa kể quy trình đi chợ hộ là từ tổ dân phố phát phiếu mua theo các combo. Tổ dân phố gom phiếu và tiền, báo lên cho bộ phận phụ trách rồi bộ phận đó sẽ phân loại hàng hóa theo từng tổ, sau đó mới phát xuống. Làm gì có chuyện bộ đội gọi điện cho từng nhà hỏi đậu đen với ba rọi?
Hơn nữa phụ trách mua sắm, đi chợ thay dân được giao cho các đơn vị của Quân khu 7 từ Đồng Nai, Tây Ninh hoặc Trung đoàn Gia Định. Bạn nghĩ họ không biết đường thật sao?, tài khoản C.N.Y bức xúc.
Không chỉ vậy, rất nhiều KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) và cá nhân đã lên tiếng thể hiện sự bức xúc, khó chịu khi đọc "truyện cười" trên.
Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu viết: "Khi cả nước yêu thương hướng về Sài Gòn tang tóc. Trong lúc này, người Sài Gòn cần lắm những tấm lòng, vòng tay sẻ chia khổ nạn. Thương lắm những con người phương xa, gởi lại sau lưng mình sự sống chấp nhận đương đầu với sinh tử, dấn thân vào "cuộc chiến" khốc liệt hơn cả súng bom. Xin được một tỷ lần cảm ơn tất cả những người anh hùng ấy.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu bày tỏ nỗi niềm. (Ảnh chụp màn hình)
Buồn thay, vẫn còn đó những con sâu Facebook đục khoét cắn phá những chiếc lá lành đang ra sức đùm bọc, vá xíu những chiếc lá (Sài Gòn) đang tả tơi trước cơn dông bão. Có thể những "con sâu" ấy không nói ngọng nhưng chắc chắn bọn chúng không có trái tim người".
Facebooker Nguyễn Hoàng Hà bày tỏ: "Chửi cha không bằng pha tiếng. Không nên đùa bỡn vào lúc này. Đó là thái độ coi thường và miệt thị!
Nhiều người sẵn sàng xóa bạn bè nếu chia sẻ và cười cợt câu chuyện này. (Ảnh chụp màn hình)
Tôi quê Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình, tôi khẳng định quê tôi không nói ngọng như rất nhiều vùng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên trong lúc này khi các sĩ quan và chiến sĩ bộ đội vào Nam tăng cường chống dịch và phục vụ nhân nhân thì nhiều thái độ coi thường và dè bỉu, nhại giọng một số cán bộ chiến sĩ bộ đội miền Bắc".
Tác giả sách Trang Hà Trang và nhiếp ảnh gia Na Sơn bày tỏ ý kiến về câu chuyện Đi chợ hộ. (Bình luận của hai người trên trang facebook cá nhân Trang Hà Trang)
Đầu tháng 8/2021, mạng xã hội Zalo đã ra mắt tính năng mới với tên gọi Zalo Connect - giúp người dân sống trong tâm dịch như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực thực phẩm, thuốc men hoặc kết nối nhanh với y bác sĩ để được tư vấn y tế từ xa.
Nhiều người đã và đang "trải nghiệm" đánh giá đây là một tính năng hữu ích, kênh thông tin kết nối giữa người muốn giúp với hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Đồng thời, nó đã cứu trợ bao gia đình không đủ cái ăn thức uống giữa đại dịch COVID-19!
Song tính năng này lại bị không ít cá nhân dùng để trêu đùa, đăng thông tin phản cảm gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Điển hình như tài khoản Bun Bun - hiện sống tại phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) "cầu cứu": "Em sinh viên năm cuối do giãn cách nên không về quê, không đi làm được. Mong mọi người giúp đỡ em gạo ST25, trứng cá hồi, thịt bò Kobe, tôm hùm Alaska để sống qua ngày. Hoặc anh chị nào ở xa có lòng thì donate cho em qua STK XXX. Em xin chân thành cảm ơn".
Tài khoản Bun Bun xin cứu trợ đã khiến bao người bức xúc.
Hay một cô gái sống tại Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) mong muốn hỗ trợ cả về tinh thần lẫn thể xác khi COVID-19 kéo dài: "Tôi mong muốn được hỗ trợ một con vịt nướng, 2 cân rong nho, 3 quả sầu riêng, 4 hộp me thái, 5 cân ốc ngao sò và cuối cùng là một anh người yêu". Thậm chí có người còn bỡn cợt rằng bản thân cần tiền mặt vì chơi cờ bạc thua hết sạch...
Mặc dù việc tạo những bài viết này không vi phạm pháp luật nhưng ít nhiều ảnh hưởng, gây mất thời gian và khó khăn đối với các mạnh thường quân có tấm lòng nhân ái. Vì thế cộng đồng mạng coi đó là hành vi đáng lên án trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Rất nhiều cá nhân có hành vi sử dụng tính năng cứu trợ không nghiêm túc.
Chị Minh Châu (30 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: "Mình thấy mọi người nhắc đến tính năng đó khá nhiều nên cũng vào xem có giúp đỡ được ai hay không? Quả thực mình hơi bất ngờ khi có một vài bạn đăng tin kiểu đùa cợt như cần người yêu, xin cứu trợ tôm hùm, cua... Mình biết họ rảnh rỗi muốn trêu đùa nhưng gây ức chế vô cùng. Nó khiến mình thay đổi suy nghĩ ban đầu, từ giúp người khó khăn thành liệu có thể tin tưởng hết hoàn cảnh ở trong này. Mình hi vọng những "con sâu" này sớm bị quét khỏi tính năng để người thực sự cần giúp đỡ sẽ được cứu trợ".
Đồng quan điểm với chị Minh Châu, anh Vũ Long (35 tuổi, Đống Đa) cho biết, anh cảm thấy bất bình khi có vài cá nhân ngang nhiên sử dụng tính năng Zalo Connect như một trò đùa vui. "Có lẽ họ là người trẻ chưa trưởng thành, không hiểu sự đời nên đùa cợt. Ngày nào đó họa ập vô thân, không ai cứu giúp mới biết ăn ăn hối lỗi thì đã quá muộn màng. Đừng bao giờ đem dịch bệnh ra đùa trên nỗi khổ cực của bao người khác", anh Long bày tỏ.
Công nhân ráp 200 xe rùa tặng TP.HCM: Bà con cần là chúng tôi góp sức Trong quá trình tiếp tế lương thực cho bà con, xe rùa có thể giúp người lính giảm bớt nặng nhọc, vất vả khi vận chuyển lương thực. Hiểu rõ điều này, mới đây, một doanh nghiệp đã huy động nhân viên cấp tốc lắp ráp hàng trăm chiếc xe gửi tặng Sài Gòn. Quá trình lắp ráp được tiến hành khẩn trương....