Những anh hùng thầm lặng giữa tâm dịch Vũ Hán: Là hậu phương vững chắc của đội ngũ y bác sĩ bất chấp tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ
Họ là những người tài xế tình nguyện tham gia cuộc chiến với virus corona để bảo vệ tất cả mọi người khắp Trung Quốc.
Vài giờ sau khi lệnh phong tỏa Vũ Hán được chính phủ áp dụng vào ngày 23/1 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Wan Jiuxiong cùng những đồng nghiệp của mình bắt đầu hành động.
Tài xế 27 tuổi tham gia cùng một nhóm tình nguyện viên để đưa đón các y bác sĩ đi và đến các bệnh viện quá tải, nơi hàng các bệnh nhân nhiễm virus đang chống chọi với bệnh tật.
Nhiệm vụ đầu tiên của Wan là đón một nữ y tá từ nhà cô đến bệnh viện Jinyintan, một trong những khu vực trọng điểm được chính quyền địa phương sắp xếp để chữa trị cho người nhiễm virus.
Khách hàng đầu tiên của Wan vội vã rời đi mà không kịp nói câu tạm biệt hay cám ơn nhưng tất nhiên, anh cũng chẳng hỏi gì những chuyện xã giao thế này giữa lúc tình hình đang loạn lạc.
“Trong thời gian này, người Vũ Hán chúng tôi sẽ tự cứu lấy bản thân mình. Mọi người cần phải làm tốt vai trò của mình” – Wan nói.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát, Wan đã thực hiện một vài biện pháp để tự bảo vệ mình. Mỗi ngày đi làm, anh đều mang theo một xấp khẩu trang, cồn và chất khử trùng. Anh thay khẩu trang mỗi 2-3 giờ và dành nửa tiếng để khử trùng chiếc ô tô mỗi khi hoàn thành một chuyến đi chở nhân viên y tế.
“ Tôi không lo mình bị nhiễm virus nhưng tôi sợ những nhân viên y tế mà mình chở sẽ bị lây nhiễm chéo. Họ còn phải cứu mạng của rất nhiều con người” - Wan nói.
Wan chỉ là một trong hàng trăm tình nguyện viên không ngại nguy hiểm, cùng chung tay bảo vệ quê hương Vũ Hán.
Sau khi thành phố bị phỏng tỏa, hoạt động giao thông bị tạm ngưng. Chính phủ khuyến khích 6.000 tài xế taxi cùng chung tay giúp đỡ chở các thiết bị y tế và đưa đón các bệnh nhân không bị sốt đến bệnh viện. Thế nhưng, mỗi cộng đồng dân cư chỉ được phân bổ 3-4 tài xế taxi nên hầu như không thể đáp ứng nhu cầu khi số lượng người nghi bị nhiễm bệnh ngày càng tăng cao.
Lúc này, người ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người có xe riêng như Wan. Họ được lập thành một nhóm chat online để nhận nhiệm vụ. Wan là thành viên của 1 nhóm chat hơn 100 người, bao gồm các tài xế và nhân viên y tế. Hầu hết công việc được phân công vào buổi tối hôm trước nhưng không ít người trong nhóm sẽ xung phong để giải quyết những tình huống cấp bách.
Mới đây, chính quyền Vũ Hán đã thừa nhận sai lầm của mình là chậm chạp trong việc thông báo dịch bệnh đến người dân. Đồng thời, họ cũng thừa nhận nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế đang rơi vào khủng hoảng nhưng đảm bảo các bệnh viện dã chiến sẽ hoàn công trong thời gian nhanh nhất để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh viêm phổi gây ra bởi virus corona.
Giữa tình hình cấp bách, công dân như Wan nhận thấy bản thân cũng có phần trách nhiệm đối với chính phủ. Họ sẽ làm tất cả mọi thứ để cứu thành phố thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh bất chấp điều đó có thể đẩy họ vào nguy hiểm.
Hồi 4/2 vừa qua, Wan lái xe đến nhà của một người trước đó đăng đàn kêu cứu trên mạng xã hội. Được biết, bố mẹ của người này bị ốm nặng nhưng vẫn đang phải chờ được ứng cứu. Mẹ anh bị chẩn đoán nhiễm virus trong khi bố anh cũng bị cho vào danh sách người bị nghi nhiễm virus.
Về phía Wan, tính đến ngày 6/2, anh vẫn không hề có biểu hiện bất thường nhưng người đàn ông 27 tuổi này cũng không rõ liệu anh có nhiễm virus và lây sang cho bố mẹ hay không. Vậy nhưng, Wan không muốn tiếp tục nghĩ đến hay lo lắng cho những điều chưa xảy ra thế này.
“Vũ Hán đang bị bệnh và chúng tôi muốn chữa cho nó”
Ngoài việc đưa đón đội ngũ y bác sĩ, một số nhóm tình nguyện khác đảm nhận công việc chở các thiết bị y tế đến bệnh viện. Ngoài ra, họ còn cung cấp chỗ ở và thức ăn cho các nhân viên y tế.
Video đang HOT
Chen Hui, 53 tuổi, hiện đang là quản lý tại một doanh nghiệp vận chuyển ở Vũ Hán, cũng đã tình nguyện đến giúp một tay. Nhiệm vụ đầu tiên của Chen là giao 900 phần ăn từ nhà hàng đến bệnh viện. Từ dạo đó, cô bắt đầu giao hàng trăm phần ăn và trái cây, cũng như thiết bị y tế bao gồm đồ bảo hộ, mặt nạ, mắt kính…
Chen là 1 trong 10 người thuộc group chat. Ngoài ra, cô còn là người đứng đầu tổ chức của hơn 24 chủ xe, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc với các nhà tài trợ và chỉ đạo các tình nguyện viên đi lấy hàng hóa. Mỗi ngày, cô nhận được hàng nghìn tin nhắn, thường xuyên phải thức khuya và dậy sớm để trả lời tin nhắn và điện thoại. Chen là niềm tự hào của nhóm chat, những con người mới chỉ quen biết nhau trong 2 tuần trở lại đây.
“Những người trẻ này thật tuyệt vời. Một ngày nọ, tình nguyện viên tên Yang Jin nói với tôi rằng anh ấy sợ bị nhiễm virus. ‘ Sao tôi không lo cho được? Tôi có con 4 tuổi và sống cùng với bố mẹ. Họ sẽ ra sao nếu như tôi ngã bệnh?’ – anh ấy nói với tôi như thế nhưng lại tình nguyện đi chở hàng hóa mỗi ngày” – Chen nói.
Vì công việc quá bận rộn, Chen nhiều khi phải bỏ bữa và chỉ sống qua ngày nhờ bánh quy và snack.
“Đây là một công việc vô cùng vất vả đối với tình nguyện viên như chúng tôi. Điều giúp chúng tôi tiến lên là tinh thần nhiệt huyết. Vũ Hán đang bị bệnh và chúng tôi muốn góp sức để chữa cho nó” – Chen chia sẻ.
“Chúng tôi sẽ lên đường một lần nữa”
Đội ngũ tình nguyện viên đã lan rộng ra khỏi khu vực Vũ Hán ra các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc.
Fan, một người môi giới bảo hiểm, hơn 30 tuổi, đã trở về quê nhà của mình ở Huỳnh Dương, tỉnh Hà Nam, vài ngày trước khi lệnh phong tỏa yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Trên ứng dụng trò chuyện, anh đã sắp xếp 30 tài xế từ phía Tây Bắc của Hồ Bắc đưa các nhân viên y tế trở về Vũ Hán để giúp đỡ đồng nghiệp của họ ở tâm dịch bệnh.
Hầu hết các tuyến đường cao tốc đều bị chặn bởi cơ quan chức năng để ngăn chặn lây nhiễm virus nên Fan phải xin giấy phép đặc biệt cho các đồng đội của mình dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát để hoàn thành chuyến đi dài.
Mỗi chiếc ô tô đều được khử trùng kỹ lưỡng trước khi lên đường và ngay sau khi hoàn thành chuyến đi đến Vũ Hán. Từ đó, các tình nguyện viên khác sẽ đảm nhận trách nhiệm chở họ đến bệnh viện địa phương.
Từ ngày đầu năm mới, 25/1, đội của Fan đã chở 300 nhân viên y tế trở về Vũ Hán từ các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, hôm 4/2 vừa qua, anh nói rằng không thể tiếp tục công việc này.
“Chúng tôi đã hết khẩu trang” – Fan nóiqua điện thoại.
Trước đây, Fan và mọi người đã tự bỏ tiền túi ra để mua khẩu trang nhưng mọi thứ trở nên khó khăn hơn ngày qua ngày. Fan đã gọi điện cho chính quyền địa phương để yêu cầu được giúp đỡ nhưng không ngờ lại nhận được câu trả lời khiến anh không khỏi tổn thương.
“Họ bảo tôi hãy tự mà lo chuyện của mình và đừng vi phạm chính sách của chính quyền bằng cách ‘buôn người’ Vũ Hán trở về Vũ Hán” – Fan chia sẻ.
Bố mẹ và những người hàng xóm trong làng đã động viên Fan. “Họ nói tôi không phải làm việc này cho chính phủ mà cho đồng bào của mình. Vậy nên ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục công việc của mình” - Fan nói.
Những ngày gần đây, không ít tình nguyện viên đã ngã bệnh. Theo The Paper đưa tin, He Hui, 1 tình nguyện viên, đã qua đời vào ngày 3/2 vì bị nhiễm virus corona. Vị tài xế 54 tuổi này đã tham gia công tác chở nhân viên y tế đi và đến Vũ Hán.
“ Tin tức này khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Ban đầu, tôi không nghĩ quá nhiều về điều mình đang làm nhưng sau cái chết của người đó, tôi đã quyết định dừng công việc tình nguyện của mình lại. Tôi không có sự lựa chọn bởi vì tôi không thể đảm bảo sự an toàn cho những người khác, bao gồm sức khỏe của các tình nguyện viên và đội ngũ y tế” – Fan nói.
Tuy nhiên, gần đây, Fan cho biết anh sẽ khởi động lại dịch vụ của mình nếu như cung cấp đủ khẩu trang và mắt kính được cho các tình nguyện viên trong đội. Quyết định này được đưa ra sau khi Fan hay tin về một nữ bác sĩ trẻ đã đạp xe hơn 300 cây số để trở về Vũ Hán làm việc. Cuộc hành trình của cô kéo dài 4 ngày.
“ Tôi đã rất cảm động với việc làm của nữ y tá. Tôi quyết định sẽ trở lại làm tình nguyện, đưa nhân viên y tế trở về Vũ Hán. Ngay khi chúng tôi được hỗ trợ đầy đủ các thiết bị bảo hộ, chúng tôi sẽ lại lên đường một lần nữa” – Fan nói.
(Nguồn: CNN)
Theo nhipsongviet
Những người tiến vào tâm dịch Vũ Hán: "Anh hùng chống SARS" 84 tuổi trở lại cuộc chiến với virus, nhà báo vượt qua nỗi sợ để đưa tin
Những chuyến bay, chuyến tàu tiến vào Vũ Hán lúc này chỉ chở theo một số rất ít hành khách. Hoặc là họ mạo hiểm trở về nhà, hoặc là đang tiến vào vùng dịch với các sứ mệnh vô cùng đặc biệt.
Nhà khoa học 84 tuổi vẫn đến Vũ Hán phòng chống dịch bệnh xuyên Tết
Trong khi hàng triệu người vội vã lên tàu cao tốc trở về nhà đoàn tụ dịp Tết, ông Zhong Nanshan - một chuyên gia về bệnh hô hấp - đã bắt tàu từ hôm thứ bảy (18/1) để tiến vào Vũ Hán, nơi bùng phát virus corona.
Ông Zhong, 84 tuổi, dẫn đầu một nhóm chuyên gia từ Ban Sức khỏe Quốc gia để thực hiện các nghiên cứu về bệnh dịch ngay tại tâm điểm bùng phát. Theo China Daily, chính Zhong là người đầu tiên xác nhận trên truyền hình về việc virus corona mới có thể lan truyền từ người sang người.
Chuyên gia virus Zhong Nanshan thảo luận về tình hình ở bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán hôm 19/1 (Ảnh: China Daily)
Trước đó, năm 2003, ông Zhong đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện bệnh SARS và ngăn chặn dịch lan rộng.
Được biết năm đó ông Zhong 67 tuổi, phụ trách dẫn đầu một nhóm chuyên gia để đương đầu với bệnh dịch ở quê nhà Quảng Đông. Đến tháng 2/2003, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc đã kết luận mầm bệnh gây SARS là đến từ một biến thể của vi khuẩn chlamydia. Tuy nhiên Zhong và một số cộng sự đã tỉnh táo chất vấn khẳng định trên. Ngày 12/4/2003, Zhong lại tách thành công virus corona từ mẫu xét nghiệm của bệnh nhân. Vào 4 ngày sau, WHO chính thức thông báo chủng virus đó là tác nhân gây bệnh SARS.
Bác sĩ Zhong Nanshan trong ảnh chụp trước đây (Ảnh: China Daily)
Nhờ sự phát hiện kịp thời virus gây bệnh và công tác phòng chống hiệu quả sau đó, Zhong Nanshan trở nên nổi tiếng trong giới y học Trung Hoa và được mến mộ gọi là "anh hùng chống SARS". Hiện giờ dù đã 84 tuổi, ông vẫn dấn bước vào cuộc chiến ngăn chặn virus corona mới ở Vũ Hán.
Một số hình ảnh ghi lại ông Zhong chợp mắt trên tàu, sau đó đến làm việc tại bệnh viện Jinyintan (Vũ Hán) khiến người dùng mạng hết lời khen ngợi, ngưỡng mộ. (Ảnh: China Daily)
Nhà báo Gao Yu: "Chúng tôi ở lại Vũ Hán khi những chuyến tàu cuối cùng rời đi"
Khi virus Vũ Hán bùng phát, rất nhiều báo đài đã có mặt đưa tin. Trong đó có nhà báo kỳ cựu Gao Yu - phó tổng biên tập trang tin Caixin (Trung Quốc). Đến hôm 23/1 khi chính quyền đi tới quyết định đóng cửa thành phố, nhiều phóng viên buộc phải rời đi nhưng không phải tất cả. Dươi đây là tâm sự của Gao Yu, giải thích lí do ông và một vài cộng sự quyết định bám trụ ở Vũ Hán "khi những đoàn tàu cuối cùng đã rời xa".
Đến ngày 25/1, Vũ Hán và 13 thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc đã đóng cửa (Ảnh: The Guardian)
"Sau khi tiễn các đồng nghiệp rời khỏi Vũ Hán vào rạng sáng thứ năm, tôi biết mình sẽ đối mặt với lệnh đóng cửa thành phố kéo dài, có thể là đến 2 tháng.
Một nhóm phóng viên của Caixin, bao gồm tôi, đã đến Vũ Hán 2 ngày trước - nơi đang chứng kiến chủng virus mới hoành hành có thể gây chết người. Nhiều người trong chúng tôi quyết định bám trụ để tiếp tục ghi lại các diễn biến về bệnh dịch.
'Cái im lặng và vô hình của virus thật vô cùng đáng sợ' - đồng nghiệp Xiao Huy nói với tôi. 'Nhưng bổn phận và nhiệm vụ của một phóng viên đã bảo tôi ở lại'.
Trong suốt 2 ngày qua, tôi đã chứng kiến các bác sĩ bị đẩy tới ngưỡng cảm xúc và nhiều bệnh nhân càng hoài nghi hơn. Ở tỉnh Hồ Bắc, xung quanh Vũ Hán, hàng tá ca nhiễm bệnh mới đang được báo cáo mỗi ngày.
Các bác sĩ khẩn trương điều trị ở bệnh viện Trung tâm Vũ Hán (Ảnh: Reuters)
Là tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại loại virus corona mới, thành phố này cần phải được cách ly trên diện rộng để kiềm chế dịch bệnh. Virus mới đang lây lan với tốc độ kinh khủng. Chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề nên làm rõ và cần sự có mặt của các nhà báo.
Quá trình chuyển biến của virus Vũ Hán nhắc mọi người về tai họa SARS năm 2003, cướp đi sinh mạng của gần 800 người và kéo dài hàng tháng trời hoảng loạn. Tương tự là dịch cúm lợn châu Phi vào năm ngoái, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Lần này, giữa khủng hoảng, hàng triệu người dân Vũ Hán vẫn chiến đấu quyết liệt với dịch bệnh, nhưng nhiều người trong số họ sẽ phải trả cái giá đắt nhất. Tôi hi vọng cuộc chiến này và những gì chúng ta học được từ đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, để không ai phải chết vô ích.
Là một nhà báo, hi vọng chúng tôi có thể phản ánh chân thực những gì xảy ra, bất chấp hoàn cảnh có thuận lợi hay không. Những gì chúng tôi đang làm là ghi chép lại sự thật để phục vụ cho tương lai".
Sáng ngày 25/1 tức mùng 1 Tết, BBC dẫn nguồn giới chức Trung Quốc xác nhận đã có 1.287 ca nhiễm virus 2019-nCoV ở nước này, trong đó 41 người tử vong. Tại nhiều nơi khác cũng tăng lên số ca mắc bệnh, bao gồm 5 ở Hong Kong, 5 ở Thái Lan, 3 ở Đài Loan, 3 ở Singapore và 2 ca ở mỗi nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ. Ngoài ra bệnh đã tiếp tục lan sang các nước khác là Nepal (1 trường hợp), Pháp (3) và Úc (1).
Theo helino.ttvn.vn/China Daily, Caixin
Sinh viên nước ngoài mòn mỏi đợi chính phủ giải cứu khỏi Vũ Hán: 'Xin cứu chúng tôi' Sinh viên nước ngoài mắc kẹt tại Vũ Hán đang phát động các chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi chính phủ đưa họ rời khỏi vùng tâm chấn của dịch corona càng sớm càng tốt. Khi con số thiệt mạng do dịch viêm phổi cấp lên tới 170, các quốc gia trên thế giới đang vật lộn để đưa công dân...