Những ám ảnh ở nơi từng là “thủ phủ” ma túy
Lượng Minh đã từng được xem là “thủ phủ” ma túy ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người lâm vào cảnh tù tội, bao nhiêu đứa trẻ mồ côi… Khi cơn lốc ma túy tràn qua, những phận người trở nên bi đát hơn.
Một góc xã Lượng Minh – nơi từng là “thủ phủ” ma túy ở miền Tây Nghệ An
Trở lại Lượng Minh – nơi từng được coi là thủ phủ ma túy, điểm trung chuyển thuốc phiện từ Lào vào Việt Nam ngót 20 năm trước, chúng tôi vẫn thấy gai gai người.
Cách đây hàng thập kỉ, những đồi Pù Lôm, những bản Đửa, bản Xốp Mạt khiến những người lạ không dám đặt chân vào. Nơi đây cũng từng diễn ra những cuộc chiến không khoan nhượng giữa lực lượng chức năng và tội phạm ma túy.
Ông trùm Lô Văn Tuấn (còn gọi là Tuấn “trưởng bản”, kẻ mang 3 lệnh truy nã, cùng đồng bọn tổ chức mua bán 200 kg thuốc phiện, 152 bánh heroin), vợ chồng Trần Đăng Khoa, Vi Thị Thanh… lần lượt bị bắt cũng là khi nhiều bản làng của Lượng Minh đã tiêu điều, xơ xác vì ma túy.
Nghiện ma túy, nhiễm HIV, rồi lại dấn thân vào con đường mua bán ma túy để có tiền, có thuốc thỏa mãn cơn nghiện cứ như cái vòng luẩn quẩn ở đây.
Ông Lương Văn T. (bản Xốp Mạt, Lượng Minh) và đứa cháu nội. 1 người con gái, một người con rể của ông đã chết vì hậu quả của ma túy, một người con rể khác đang đi tù cũng vì ma túy. Hiện ông đang thay con nuôi 3 đứa cháu nhỏ
Cứ bị bắt, bị phạt tù, mãn hạn tù lại quay lại con đường cũ không phải là hiếm. La Thị Hồng (SN 1976, bản Xốp Mạt, Lượng Minh) là một điển hình như thế. Khi chồng “xộ khám” về ma túy thì Hồng cũng bị bắt và lĩnh 13 năm tù, bỏ lại hai đứa con nhỏ, trong đó có 1 đứa bị tật nguyền cho mẹ già chăm sóc.
Năm 2013, Hồng mãn hạn tù thì chỉ sau đó chưa đầy 2 năm, người phụ nữ này tiếp tục bị bắt giữ vì liên quan đến một đường dây ma túy khác. Lần này, Hồng bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù.
Theo số liệu thống kê chưa chính xác, hiện toàn xã có gần 70 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an xã đang quản lí hồ sơ 29 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Có những gia đình vợ chồng, anh chị em lần lượt kéo nhau vào tù cũng bởi thứ hàng hóa siêu lợi nhuận này.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Na Ly – Phó trưởng Công an xã Lượng Minh cho biết, trên địa bàn xã hiện có 148 người nghiện ma túy, phổ biến trong độ tuổi 20-35.
Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết, trong những năm qua, cơ quan chức năng đã đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Nhiều tụ điểm ma túy nhức nhối lần lượt được triệt phá. “Để xóa được tội phạm ma túy trên địa bàn xã Lượng Minh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Sau thời gian công an làm “rát”, tình trạng mua bán ma túy đã giảm xuống đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại phức tạp hơn trước”.
Các điểm nóng mua bán được “hạ nhiệt” nhưng tình trạng nghiện thì vẫn rất nhức nhối. Mở tập hồ sơ dày cộp, Phó trưởng Công an xã Lượng Minh Nguyễn Na Ly đếm: “Theo hồ sơ quản lý của Ban Công an xã thì trên địa bàn hiện có 148 người nghiện ma túy. Bản Đửa là nhiều nhất, 33 người, Minh Thành, Chăm Puông mỗi bản 26 người, bản Côi 25 người, bản Lạ 23 người… So với các năm trước thì giảm nhiều rồi. Người nghiện có ở nhiều lứa tuổi, có cả đàn ông, có cả phụ nữ, phổ biến ở độ tuổi 20 đến 35. Có người mới nghiện, có người nghiện gần 20 năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự trên địa bàn”.
Bản danh sách thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn xã cuối năm 2017. Ngoài ra, toàn xã có khoảng gần 70 người đang thụ án trong các trại giam về các tội danh liên quan đến ma túy
Xốp Mạt là cái tên gợi nhiều ám ảnh nhất khi nhắc tới ma túy ở xã Lượng Minh. Năm 2016, bản Xốp Mạt được di dời đến nơi khác nhưng hệ lụy ma túy thì vẫn nguyên như cũ. Vượt qua dốc cao, chúng tôi đến nhà ông Lương Văn T. Ông từng là cán bộ bản, trên vách gỗ là những tấm giấy khen của các cấp về đóng góp của ông, trong đó có cả thành tích phòng chống ma túy. Thế nhưng, cũng chính ma túy đã phá nát gia đình ông.
Lương Thị H. (SN 1990) con gái ông lấy chồng, chồng nghiện ma túy rồi nhiễm HIV, lây sang cho vợ. Rất may đứa cháu ngoại không bị nhiễm mầm bệnh chết người này từ bố mẹ. Con rể chết, ít lâu sau con gái cũng bỏ ông đi. Hai vợ chồng già còm cõi nuôi nấng đứa cháu mồ côi.
Lương Thị M. – đứa con gái khác của ông bà lấy chồng mãi tận Tuyên Quang. Làm ăn khó khăn, vợ chồng M. dắt díu 2 đứa con về quê ngoại. Một thời gian sau thì anh con rể nghiện rồi đi buôn ma túy kiếm lời. Năm 2015, con rể ông T. bị tuyên phạt 4 năm tù. Gửi 2 đứa con nhỏ cho bố mẹ, Lương Thị M. ra Bắc Ninh làm thuê. Chả biết lương thưởng thế nào nhưng cả năm qua, M. chỉ gọi được 5 cú điện thoại và gửi về cho bố mẹ 1,5 triệu đồng để nuôi cháu rồi bặt vô âm tín.
Bản Lạ – nơi có 23 người nghiện ma túy ở xã Lượng Minh
“Hai ông bà già, 3 đứa trẻ nhỏ, không biết bấu víu vào đâu để sống. Nhà có nương sắn đó nhưng sức mình yếu rồi, cũng không làm được mấy. Lần trước con rể gửi thư về, nhắn bảo vợ nộp tiền án phí, gửi cho nó ít triệu nhưng vợ nó tôi cũng không liên lạc được thì biết nhắn cho ai. Chỉ thương các cháu, chúng còn nhỏ quá mà ông bà thì nghèo…”, ông buông một tiếng thở dài.
Tiếng thở bất lực như rơi tỏm trong cái âm u của căn nhà cũ kỹ, trong đôi mắt ngơ ngác của những đứa cháu tội nghiệp.
Hoàng Lam
(còn nữa)
Hàng trăm phụ nữ biến mất: Chính nạn nhân "ngã giá" để... tự bán mình?
Theo Trung tá Trần Phúc Tú, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân, cùng với đó là tư tưởng lười lao động, thích hưởng thụ. Không hiếm những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người "ngã giá" để tự bán mình sang Trung Quốc với giá từ 35-80 triệu đồng.
Hàng trăm phụ nữ ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) bỗng dưng "biến mất" đã để lại nhiều hệ lụy cho an ninh, trật tự, xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết được tận gốc rễ vấn đề này vẫn đang là điều khiến những cơ quan liên quan đau đầu.
Phụ nữ và trẻ em gái miền núi có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người
291 phụ nữ hiện không có mặt tại địa phương, nằm trong nhóm nguy cơ không an toàn, đặc biệt, họ có thể là nạn nhân của nạn mua bán người. Khoảng 40 đứa trẻ là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú của các cô gái trốn sang Trung Quốc lấy chồng rồi đưa con về Việt Nam sinh sống. Chỉ có hơn một nửa trong số đó đã được đăng kí khai sinh. Tất cả đều mang họ mẹ, phần khai dành cho bố trong giấy khai sinh được để trống. Đó là thực trạng đang xảy ra tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An).
Gần 300 phụ nữ "biến mất", trong đó có 173 người được xác định là đang ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số phận của những phụ nữ này như thế nào hiện vẫn là một câu hỏi lớn đối với ngành chức năng địa phương.
Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm đến chính bản thân các phụ nữ, trẻ em gái bởi nguy cơ bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc hay bị bán vào các động mại dâm bên kia biên giới mà còn gây nhiều hệ lụy đến tình hình an ninh trật tự, xã hội đặc biệt là khi xuất hiện những người đàn ông Trung Quốc khi sang Việt Nam tìm con.
Nhóm đối tượng mua bán người bị Công an huyện Tương Dương bắt giữ
Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, thắt chặt công tác quản lý nhưng những phụ nữ, trẻ em gái vẫn tiếp tục trốn đi Trung Quốc tìm "miền đất hứa". Trong năm 2017, Công an huyện Tương Dương đã phá 3 vụ án, bắt 3 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân đang trên đường được đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi lẽ, số lao động này rời địa phương nhưng không thực hiện bất kỳ một thủ tục nào về cư trú hay báo cáo với chính quyền cấp xã.
Trên thực tế, nhiều vụ án mua bán người, mua bán trẻ em chỉ được điều tra và đưa ra xét xử khi các nạn nhân vỡ mộng "giấc mơ Trung Quốc", trở về Việt Nam và tố cáo người đưa mình đi. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, sau khi theo lời dụ dỗ lương cao, việc nhẹ của các đối tượng để đi sang Trung Quốc, họ bị bán làm vợ, phải chịu sự kìm kẹp, quản lý của gia đình chồng, hoặc tệ hơn là bị bán vào các cơ sở mại dâm, bị đối xử như các nô lệ tình dục.
Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng phụ nữ rời địa phương sang Trung Quốc đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất nhức nhối
Theo Trung tá Trần Phúc Tú, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân, cùng với đó là tư tưởng lười lao động, thích hưởng thụ. Không hiếm những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người "ngã giá" để tự bán mình sang Trung Quốc với giá từ 35-80 triệu đồng.
Bởi vậy, ngoài việc ngăn chặn các nguy cơ từ bên ngoài bằng việc giám sát, quản lý các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn thì việc thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là thông tin về các nguy cơ có thể gặp phải khi sang Trung Quốc được xác định là vấn đề then chốt.
"Chỉ mỗi các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện vào cuộc quyết liệt thôi chưa đủ. Trên thực tế, tôi thấy chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, thôn bản chưa nhận thức đúng về vấn nạn này", Trung tá Trần Phúc Tú thẳng thắn chỉ rõ.
Trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có khoảng 40 trẻ em là kết quả của cuộc hôn nhân không giá thú giữa phụ nữ địa phương và đàn ông Trung Quốc. Các cháu được mẹ đưa về, gửi ông bà chăm sóc, chỉ hơn một nửa trong số đó đã được khai sinh theo họ của mẹ
"Trước đây, có khoảng hơn 1.000 phụ nữ huyện Tương Dương không có mặt tại địa phương, chủ yếu là đi sang Trung Quốc. Các lao động nữ này đều đi bằng con đường bất hợp pháp. Những năm gần đây, nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan chức năng nên tình trạng này đã giảm rõ rệt", bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết.
Trong năm 2017, thông qua Hội LHPN huyện, Phòng LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị, xã hội khác, đã có 435 phụ nữ được tổ chức đi làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trong nước. 34 người được hỗ trợ học nghề và chi phí xuất cảnh khi xuất khẩu lao động sang Ả rập. Hầu hết số lao động này làm việc chân tay đơn giản, không đòi hỏi quá cao về tay nghề.Giải quyết việc làm được xác định là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng lao động nữ rời địa bàn. Trong khi tạo việc làm tại chỗ khó khăn thì xuất khẩu lao động là hướng đi khá mới mẻ tại địa phương này.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thì tạo việc làm, giúp phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn làn sóng "di cư ngầm" sang Trung Quốc của phụ nữ miền núi
Nhiều mô hình phòng chống mua bán người, phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế cũng đã được xây dựng và bước đầu có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bà Oanh cũng cho rằng, tình trạng phụ nữ rời địa phương, sang Trung Quốc làm việc khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Và một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng "di cư ngầm" của một bộ phận phụ nữ huyện Tương Dương vẫn đang tiếp tục diễn ra, bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Loạn thần sau chơi ma túy đá, con không nhận ra bố mẹ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới (ma túy đá). Nhiều bệnh nhân không chỉ loạn thần, ảo giác, không nhận ra người thân mà còn có không ít người đã tử vong vì co giật, loạn nhịp tim. Gia tăng bệnh nhân ngộ độc ma túy đá Bệnh...