Nhức nhối với cơn “sóng ngầm” lô – đề
Lô – đề, một loại hình thức đánh bạc biến tướng thời gian qua đã và đang diễn tiến phức tạp. Những hệ lụy do cơn “ sóng ngầm” cờ bạc này gây ra luôn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường không chỉ cho xã hội mà còn cho chính bản thân dân chơi. Thực tế này đòi hỏi một liệu pháp đặc trị hơn nữa từ phía các đơn vị chức năng.
Tinh vi và liều lĩnh
Thời gian gần đây, tình trạng đánh bạc biến tướng dưới hình thức chơi lô – đề diễn ra khá nhức nhối. Tại Hà Nội, PV Báo CAND sau nhiều ngày thâm nhập thực tế đã nhận ra rằng, vấn nạn lô – đề đã và đang có chiều hướng gia tăng và “tấn công” nhiều dân chơi.
Chỉ cần mở sạp xổ số, quán nước cóc, hay thậm chí chỉ cần một chiếc ghế nhựa, dân làm “số” – ghi, đặt cược lô – đề đã có thể tổ chức hoạt động đánh bạc với dân chơi. Nói vậy lẽ vì, tìm đến phố Trần Phú (quận Ba Đình – Hà Nội) vào đầu giờ chiều 5/8, tôi dễ dàng được chị chủ điểm kinh doanh xổ số có độ tuổi ngoài 50 ở đây cung cấp dịch vụ ghi lô – đề của mình.
Theo đó một “điểm lô” có giá 23 ngàn đồng. Nếu đánh lớn, hơn 100 “điểm” thì mức giá trên sẽ xuống chỉ còn 22,5 ngàn đồng/”điểm lô”. 14h-18h hằng ngày – là thời điểm mà chủ dịch vụ ghi lô – đề núp bóng dưới hình thức bán vé xổ số thanh toán tiền ăn thua cho dân chơi. Không chỉ tuyến phố Trần Phú, tại một số tuyến đường như: Thụy Khuê, Quán Thánh… tình trạng núp bóng sạp kinh doanh xổ số để ghi lô – đề cũng xuất hiện…
Video đang HOT
Sạp kinh doanh vé xổ số “kiêm” cung cấp dịch vụ ghi lô – đề trên phố Trần Phú. Ảnh: Trần Huy.
Tình trạng ghi lô – đề diễn ra tinh vi. Nhiều đường dây đánh bạc dạng này hiện ngoài cáp – phơi, ghi lô đề trực tiếp còn sử dụng hệ thống điện thoại di động, mạng Internet (hộp thư điện tử) để tổ chức gá độ. Chỉ cần một cú điện thoại, một tin nhắn hay một bức thư điện tử, dân chơi cũng có thể được “nhà cái”… ok!
Theo như Hoàng, một dân chơi lô – đề có thâm niên ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, để đánh lô – đề được qua điện thoại di động, dân chơi phải có chữ tín đối với “nhà cái”. Và tất nhiên, mọi dữ liệu từ: con số lô, đề đặt cược cho đến số “điểm” đánh đều được lưu giữ lại trong chiếc máy điện thoại, hòm thư điện tử của “nhà cái”. Đây chính là nguồn chứng cứ ngầm mặc định giữa “nhà cái” với dân chơi.
Không chỉ xuất hiện phức tạp tại các thành phố lớn, một số tỉnh, thành trong thời gian trở lại đây cũng manh nha “nạn” chơi lô – đề, khiến lực lượng chức năng phải luôn căng mình trong cuộc chiến phòng, chống sự lây lan của vấn nạn này.
Đại úy Lê Khắc Minh, Đội trưởng Đội Tệ nạn xã hội – Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nạn cờ bạc chơi lô – đề, cá độ bóng đá… gần đây luôn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp trên địa bàn. Các đối tượng tổ chức hoạt động cờ bạc dạng này luôn sử dụng những thủ đoạn tinh vi như: thường xuyên di chuyển địa điểm, ghi độ qua hệ thống điện thoại di động, thiết lập các chân rết ở nhiều nơi… nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm.
Chung tay đẩy lùi vấn nạn nhức nhối
Thực tế cho thấy, hệ lụy đi kèm với vấn nạn lô – đề là rất khôn lường cả về tính chất lẫn mức độ. Đã “dấn thân” vào con đường này, cả nhà cái lẫn dân chơi đều khó tránh khỏi sự… ân hận. Những hậu quả do nó đem lại không thể kể xiết.
Nói như Thượng tá Nguyễn Quang Trung – Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Công an tỉnh Thanh Hóa) thì lô – đề, cá độ bóng đá rất dễ làm phát sinh hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Và rồi, khi dân chơi đã rơi vào “vòng xoáy” cho vay nặng lãi, tín dụng đen, việc bị các đối tượng tổ chức đòi nợ, siết nợ, khủng bố tinh thần là điều khó tránh khỏi. Ở mức độ cao, khi không có tiền thanh toán khoản nợ do lô – đề đem lại, dân chơi khó tránh khỏi suy nghĩ nông nổi, có những hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo, trộm cắp, cướp giật tài sản… thậm chí còn gây ra án mạng.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 24/7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh hoạt động xổ số kiến thiết gắn với sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 29/12/2008 của UBND TP Hà Nội về đấu tranh phòng, chống tệ nạn số đề, cá cược trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ năm 2009 đến tháng 4/2012, lực lượng chức năng của thành phố đã bắt giữ, xử lý hơn 3.000 vụ cờ bạc với gần 16.000 đối tượng. Đáng kể, trong khoảng thời gian này TAND của TP Hà Nội cũng đã thụ lý gần 2000 vụ với hơn 10.000 bị cáo.
Trả lời báo giới, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết, tội phạm cờ bạc, lô đề… đang diễn biến phức tạp. Các đường dây cá độ bóng đá, lô đề… đã lôi kéo không ít hệ thống làm đại lý chân rết cho mình. Nhiều đối tượng do không có nghề nghiệp nên dù đã từng bị bắt vẫn tái phạm, manh động gây án để trả nợ…
Để ngăn chặn vấn nạn lô – đề, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giúp người dân hiểu rõ những hệ lụy đi kèm với “thú” chơi lô – đề; phát động rộng rãi phong trào tố giác vi phạm trong quần chúng nhân dân…, các cơ quan chức năng mà đi đầu là lực lượng Công an phải thắt chặt hơn công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô – đề.
Chưa hết, các vụ vi phạm liên quan đến vấn nạn này cần đưa ra xử điểm, để tạo sức răn đe trong xã hội.
Theo Điều 248, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên… còn bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Theo CAND
Tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược: Phức tạp và nhiều hệ lụy
Ba năm tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược bóng đá trên địa bàn, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã tích cực vào cuộc, thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tệ nạn này vẫn rất phức tạp, chưa có lời giải hữu hiệu.
Ngày 29-12-2008, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược bóng đá trên địa bàn. 3 năm qua, số vụ việc và số đối tượng chơi cờ bạc, số đề, cá cược bóng đá bị cơ quan chức năng khám phá, bắt giữ thuộc loại lớn nhất trong các loại hình tội phạm. 3.002 vụ được khám phá với 15.869 đối tượng. Trong đó, cơ quan chức năng đã truy tố 1.899 vụ với 10.596 đối tượng. Thế nhưng, những con số trên được ví chỉ như phần nổi của "tảng băng chìm" tệ nạn này.
Ảnh: Đàm Duy
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP cho biết, tội phạm cờ bạc, lô đề, cá cược bóng đá đang phát triển rất nhanh. Các đường dây cá độ bóng đá, lô đề không chỉ dừng lại ở phạm vi liên tỉnh nữa mà đã hình thành những mạng lưới xuyên quốc gia, lôi kéo hệ thống đại lý chân rết đến từng thôn, xóm, ngõ ngách, cả người già và trẻ em tham gia. Nhiều đối tượng vì không có nghề nghiệp sau khi bị bắt giữ, xử lý lại "ngựa quen đường cũ" khiến cho việc đấu tranh ngày càng khó khăn. Chưa kể, liên quan đến tệ nạn này mới đây còn xuất hiện hệ thống tín dụng đen cho vay chơi cờ bạc, số đề, cá cược sau đó xiết nợ gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng. Có trường hợp con bạc vì quá quẫn bách đã dẫn đến làm liều, vi phạm pháp luật, gây trọng án... Ngoài lô đề, cá cược bóng đá là hai loại hình cờ bạc chính, trên địa bàn TP còn phổ biến các loại hình cờ bạc khác như đá gà, xóc đĩa, tá lả, đánh chắn, tôm cua cá...
Bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính - cơ quan có nhiệm vụ quản lý hoạt động vui chơi có thưởng - cũng chung nhận định cho rằng: "Tệ nạn số đề, cá cược đang lan truyền mạnh và phát triển ngày càng hiện đại, tinh vi hơn. Đối tượng sử dụng công nghệ cao để tổ chức thực hiện hành vi đánh bạc và thông tin cho nhau qua internet, điện thoại thế hệ mới, fax không dây... Việc chứng minh hành vi vi phạm để xử lý đối tượng là rất khó khăn".
Để hạn chế, tiến tới kiểm soát tệ nạn này, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần phải tăng cường trấn áp kết hợp với tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại của tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược bóng đá. Dù bắt và xử lý số lượng lớn vụ việc và đối tượng, nhưng hiệu quả răn đe đối với tệ nạn này chưa cao. Vì theo Sở Tài chính, hình thức chủ yếu là xử phạt hành chính. Một số ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng thiếu sáng tạo, chậm đổi mới, chưa tạo chuyển biến về nhận thức trong người dân. Theo Phó trưởng CA quận Hà Đông Nguyễn Duy Hùng, cả hình thức và nội dung tuyên truyền phòng chống tệ nạn này vẫn nhạt nhòa, ít hiệu quả. Ai cũng biết tác hại, nhưng người ta vẫn chơi.
Đặc biệt, khi tìm giải pháp đối với vấn nạn này, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên hợp pháp hóa các loại hình cờ bạc, cá cược do tư nhân tổ chức, từ đó quản lý tốt hơn hoạt động này. Song song là quy định các chế tài mạnh để răn đe các hoạt động ngoài khuôn khổ, phạm vi cho phép. Có một thực tế là giống như tệ nạn mại dâm, dù không được thừa nhận, hoạt động cờ bạc, lô đề, cá cược bóng đá vẫn diễn ra. Nếu không chấp nhận thì nhà nước phải cấm hẳn và xử lý thật nghiêm khắc tệ nạn này để triệt tiêu. Nếu có thể chấp nhận, cần thiết phải tạo hành lang pháp lý để đưa vào vòng quản lý, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Có thể nói, tệ nạn cờ bạc, số đề, cá cược trái phép đang diễn ra phức tạp gây nhiều hệ lụy xấu. Để giải quyết tình trạng này bên cạnh sự vào cuộc của các ngành, các cấp, rất cần một chế tài hợp lý để có thể xử lý kiên quyết hiện tượng này góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Theo HNM
Tín dụng đen - sóng ngầm phát sinh tội phạm Chỉ cần gõ google trong vài giây, có thể dễ dàng tìm được các kết quả có liên quan đến vỡ nợ tín dụng đen: bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ; đòi nợ thuê chém trọng thương con nợ, đánh cả cảnh sát; bắt cóc sinh viên để đòi nợ hàng trăm triệu đồng; kinh hoàng truy sát để đòi...