Nhức nhối vì… “cát tặc” ở Quỳnh Phụ, Thái Bình
Tuyến sông Luộc, sông Hóa qua huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang bị “cát tặc” cày nát. Rất nhiều hộ dân đang sống, canh tác ven sông đang trong tình trạng báo động “đỏ” bởi ngôi nhà, ruộng vườn bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Luộc, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Xói nhà dân, đất canh tác và đê sạt lở
Sông Hóa và sông Luộc chảy qua huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 35,5km. Không hề có mỏ cát nào trong diện được phép khai thác, song từ đầu năm 2012 đến nay, trên cả 2 tuyến sông này, “cát tặc” đã lộng hành, hoạt động công khai gây ảnh hưởng rất xấu tới các công trình phòng chống lũ, bão và hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã trong huyện.
Theo Hạt Quản lý đê điều huyện Quỳnh Phụ, tại đây thường xuyên có tới 30 tàu, thuyền lớn hút cát trái phép dưới lòng sông. Trong đó, nóng nhất là các tuyến qua địa phận các xã Quỳnh Giao, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa, An Khê, An Ðồng, An Ninh và thị trấn An Bài.
Điều rất rõ ràng, tất cả các phương tiện trên đều không được cấp phép cùng các giấy tờ liên quan đến khai thác khoáng sản. Nhìn từ xa, những chiếc tàu hút cát như một nhà máy thu nhỏ. Phía trên là những phễu lọc cát, sỏi nhô cao, không cần giấu giếm. Còn phía dưới là các “vòi bạch tuộc” thọc sâu xuống lòng sông từ 15m – 30m. Người dân trong khu vực phản ánh, “cát tặc” hoạt động bất kể giờ giấc. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn vào ban đêm. Ban ngày, nếu có lực lượng chức năng kiểm tra, các chủ tàu cát lại cho phương tiện neo đậu hai bên bờ sông. Hậu quả là hết sức nặng nề.
Video đang HOT
Tại các xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa, việc khai thác cát đã làm ruỗng lòng sông, gây sạt lở sâu vào vùng sản xuất từ 10 – 25m, trung bình khoảng 20m phía ngoài đê bối. Riêng, bờ sông khu vực thôn An Lộng, xã Quỳnh Hoàng có chỗ mép nước chỉ còn cách đê bối khoảng 1m, bờ sông gần như dốc đứng, nguy hại trực tiếp đến 360.000m2 đất lúa và hoa màu ở các khu bãi ven sông.
Đáng lo ngại hơn, ở xã An Khê, đã có tới 9.000m2 đất bãi thuộc các thôn Lộng Khê 1, Lộng Khê 2, Hiệp Lực, Ðại Ðồng bị nước cuốn trôi. Tương tự, tại xã An Ðồng, việc hút cát trái phép cũng đã làm sạt lở hơn 11.000m2 đất canh tác nông nghiệp hằng năm. Ngoài ra, các tàu thuyền neo đậu, khai thác cát trái phép còn gây cản trở giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến các công trình phòng chống lũ bão. Đặc biệt, các tuyến đê sông tại đây phải “gánh” gần 40 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, mỗi bãi từ 500-3.000m2. Trong đó, 10 bãi là “đại bản doanh” vừa là nơi kinh doanh của các chủ tàu khai thác cát trái phép. Việc làm trên đã khiến tuyến kè bị xô tụt, đã dẫn tới hiện tượng nứt, vỡ đê…
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Bá Bùi, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, một trong những địa bàn đang điêu đứng vì nạn “cát tặc” cho biết, xã được bao quanh bởi sông Luộc với diện tích đất tự nhiên 420ha. Riêng đoạn đê bối qua địa bàn dài 7,8km trải dài trên 4 thôn. Đầu 2012, các tàu hút cát chĩa vòi sục hút làm sạt lở 140m đê bối ngay trước cửa UBND xã Quỳnh Lâm và trên 100m đê bối khác tại thôn Nghi Phú. 102 hộ dân sinh sống, canh tác ven sông trên địa bàn xã đang đối mặt với nguy cơ sạt lở, xói mòn đất. UBND xã Quỳnh Lâm đã phải kiến nghị di dời 102 hộ dân này vào phía trong đê, đồng thời lập quy hoạch dự án tái định cư cho họ. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.
Không thể để “cát tặc” lộng hành
Được biết, từ cuối năm 2011, huyện Quỳnh Phụ đã xử phạt 123 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Luộc và sông Hóa với tổng hợp các lỗi vi phạm. Số tiền phạt từ 1 – 5 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, hiệu quả răn đe rất thấp. “Cát tặc” sẵn sàng… nộp phạt để rồi tiếp tục hoạt động với cường độ lớn hơn và tinh vi hơn. Một số chủ tàu còn tìm cách tránh né bằng việc liên tục thay đổi điểm khai thác khiến lực lượng chức năng ở các xã – vốn không đủ phương tiện hoạt động, rất khó tiếp cận, xử lý. Việc khai thác cát không chỉ diễn ra ở Quỳnh Phụ mà còn bùng phát tới các huyện lân cận như: Ninh Giang, Thanh Miện (Hải Dương) Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Mỗi khi có đoàn kiểm tra, “cát tặc” lập tức di chuyển sang địa giới hành chính khác.
Có thể thấy, vấn nạn khai thác cát trái phép tại Quỳnh Phụ, Thái Bình đang là “điểm nóng” không chỉ về an toàn tính mạng, tài sản của người dân về tình trạng xâm hại công trình đê điều, đất đai sản xuất nông nghiệp. Vấn đề quan trọng hơn là tình trạng coi thường kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đang diễn ra công khai, trằng trợn trong suốt một thời gian khá dài. Để ngăn chặn, đẩy lùi “cát tặc” ở Quỳnh Phụ, không còn cách nào khác cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, cấp trên địa bàn huyện. Nhiều người dân địa phương rất bức xúc cho biết, “cát tặc” sở dĩ tồn tại là do chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe đối với các chủ tàu, thuyền vi phạm. Thay vào đó, phải tập trung điều tra, xử lý về hình sự một số đối tượng cầm đầu, vi phạm có hệ thống, từng gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, cơ quan quản lý chức năng cần mạnh tay, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính, kể cả tịch thu phương tiện vi phạm…
Theo xahoi
Phê bình một chủ tịch huyện để "cát tặc" lộng hành
Trước tình trạng "cát tặc" lộng hành tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), UBND tỉnh này đã có buổi kiểm tra đột xuất và phê bình Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành trong công tác quản lý đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với trưởng công an huyện.
Trước tình trạng khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông diễn ra phức tạp ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ngày 23/10, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình khai thác, tập kết cát sỏi lòng sông tuyến đê sông Đuống thuộc địa bàn xã Đình Tổ (Thuận Thành), Lãng Ngâm (Gia Bình).
Ông Nguyễn Nhân Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu đoàn kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.
Tại tuyến sông địa phận xã Đình Tổ, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra nhiều phương tiện vận tải, thậm chí trọng tải lớn vẫn ngang nhiên ra vào các bãi và chở vật liệu đi dọc tuyến đê. Tại xã Lãng Ngâm không có hiện tượng hút cát nhưng cũng có nhiều phương tiện vận tải hoạt động. Khi đoàn kiểm tra đến, một số phương tiện vận tải bỏ chạy.
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác khẳng định, thực tế "cát tặc" đang lộng hành trong hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông tại huyện Thuận Thành và huyện Gia Bình. Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã phê bình ông Lê Đình Thanh - Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành - trong công tác quản lý khai thác, tập kết cát sỏi trái phép trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến an toàn đê.
Một điểm tập kết cát trái phép tại huyện Thuận Thành - Bắc Ninh.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng công an huyện kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch UBND xã Đình Tổ và chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Đình Tổ kiểm điểm trách nhiệm công an xã Đình Tổ.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Công an huyện xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động không đúng quy định tại xã Đình Tổ, giao Sở Tài nguyên môi trường thông báo đến công ty TNHH Hiệp Thành dừng công việc chuyển cát ra khỏi khu vực này tính đến hết ngày 30/10/2012.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đình Thanh - Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết: "Trước ý kiến phê bình của UBND tỉnh Bắc Ninh, cá nhân tôi và UBND huyện Thuận Thành cùng các cơ quan chuyên môn tiếp thu một cách cầu thị. Việc xử lý trước mắt, chúng tôi đã xử phạt hành chính các đối tượng tập kết cát trai phép và các chủ tàu thuyền vận chuyển".
Trước đó Dân trí đã đưa tin về tình trạng "cát tặc" hoành hành suốt nhiều năm tại Tam Đa - Yên Phong - Bắc Ninh, "bức tử" cụm di tích nghìn tuổi đền Phấn Động và đền Miễu. 2 ngôi đền này trước đây nằm vững chãi trên mội doi đất vươn ra sông Cầu nhưng chỉ trong vòng vài năm, "cát tặc" tua vòi luồn sâu vào di tích hút rỗng cát, tạo ra những cái "hàm ếch" khổng lồ, khiến cả doi đất có nguy cơ đổ sập, kéo cả di tích nghìn tuổi xuống lòng sông.
Theo Dantri
Nam Định: "Cát tặc" ngang nhiên lộng hành trên sông Ba Lạt Thời gian gny, chính quyềnịa phng huyện Giao Thủy và c cng liên quan tỉnh Nam Địnhang "đauu"rớcnh trạng cá tặcc cử (Sông Hồng) trênịa bàn huyện Giao Thuỷ. Tại khu vực cử thuc xãn - Giao Thuỷ - Nam Định, theo ghi nhận của PV Dn trí, mỗi ngày có rấ nhiều tàu hú cáng mang bin hiệuc cng chop lunh ngang...