Nhức nhối nạn vứt… con (Kì II)
Cảnh nữ công nhân ôm con chờ người yêu, chờ chồng là hình ảnh thường thấy ở các khu nhà trọ. “Mỗi khu nhà trọ đều có 1-2 nữ công nhân có con bị người yêu hoặc chồng bỏ rơi” – một cán bộ phụ nữ ở Bình Dương cho biết
Kì II: Khu trọ “ vọng phu”
“Biết là ở chung với nhau là bị anh ấy đánh không thương tiếc, em hận nhưng vẫn chờ đợi. Giống như em mắc nợ anh ấy vậy. Vừa rồi, em ôm con lặn lội xuống Vũng Tàu tìm anh ấy nhưng không gặp, uổng 500.000 đồng chi phí” – chị N.T.T.P, người lớn tuổi nhất trong khu phòng trọ công nhân (CN) bên hông KCN Đại Đăng – Bình Dương, vừa kể vừa khóc. Cùng khu trọ với chị P. còn có 4 cô CN khác cũng đều sống cảnh ôm con chờ kẻ phụ tình.
Nạn nhân của “họ Sở”
Phải nhờ đến chị Bùi Thị Thanh Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương, dẫn đi, tôi mới tiếp cận được những CN ôm con chờ chồng trong khu phòng trọ bên hông KCN Đại Đăng. Buổi tối, đường đến khu trọ rất heo hút. Hơn 10 phòng trọ hiện ra trong ánh điện chập chờn không đủ sáng. Mỗi phòng rộng chưa tới 10m2. Mỗi nữ CN có con ở một phòng với giá tiền 250.000 đồng/tháng. “Thấy CN bị phụ bạc, con cái nheo nhóc nên chị Hà, chủ khu phòng trọ này, mới lấy giá rẻ vậy” - chị Thanh Phương cho biết.
Trong khu nhà trọ vang lên tiếng khóc, tiếng gọi mẹ của những đứa trẻ. Dù đã tối nhưng 2 phòng của 2 nữ CN có con bị người yêu bỏ rơi vẫn khóa trái vì họ tăng ca chưa về. “CN không chồng mà có con ở khu trọ này là dân tứ xứ, từ Bến Tre, Đồng Tháp đến Hà Tĩnh, Nam Định… Hoàn cảnh hẩm hiu giống nhau nên chúng tôi thương nhau lắm” – chị B.T.T.H, quê Nam Định, vừa bồng con vừa giới thiệu những người bị phụ bạc như mình.
Video đang HOT
H. có khuôn mặt khá đẹp, hiện là CN của một công ty gỗ với mức lương hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Người trong khu trọ đồn đại H. sống với một người đàn ông và bị bỏ rơi khi mang thai nhưng có lẽ do ngại ngùng nên lúc nói chuyện với tôi, cô bảo: “Em thấy không hợp nên bỏ anh ấy rồi ôm con đi”.
Hai nữ công nhân đơn thân nuôi con
Trẻ nhất trong 5 người con gái hẩm hiu này là nữ CN 20 tuổi Đ.T.D.N. Ôm đứa con trai 2 tuổi của mình vào lòng, N. ngượng ngùng kể chuyện tình chớp nhoáng giữa cô và một người đàn ông: “Anh ấy tán tỉnh em rồi hai đứa ở cùng phòng trọ. Em mang thai, anh ấy bảo bố mẹ không chấp nhận. Rồi anh ấy bỏ đi mất tăm, nghe nói là xuống Vũng Tàu làm ăn”.
Đầy rẫy con rơi
Đêm ở khu trọ “vọng phu” bên hông KCN Đại Đăng, chị Thanh Phương và tôi biết được một món ăn mới là hoa huệ luộc. Ngồi thu lu trong góc phòng trọ, mẹ con chị P. lặt từng búp hoa huệ cho bữa ăn cuối ngày. “Hoa huệ mà cũng ăn được sao?” – chị P. ngạc nhiên. Nữ CN bị người tình bỏ rơi cho biết: “Hấp hay luộc ăn đều ngon chị à. Hôm qua là ngày rằm, người ta cúng hoa huệ trên chùa và cắm ngoài đường nhiều lắm. Em vừa xin về để dành ăn”.
Không chỉ ở khu phòng trọ này, cảnh “vọng phu” đang lan tràn quanh KCN Đại Đăng và nhiều khu trọ khác ở Bình Dương. “Mỗi khu nhà trọ có 1-2 nữ CN có con bị người yêu hoặc chồng bỏ rơi” – chị Thanh Phương cho biết. Như để minh chứng lời mình, chị bấm điện thoại gọi đến người quen ở các khu trọ khác rồi đưa cho tôi nghe. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng một cô gái: “Khu trọ em có CN N.T.L, bị người yêu bỏ rơi vừa ôm con về quê”. Một chủ phòng trọ khác lại cất giọng buồn buồn: “Chỗ tôi có con T., con L. …, đều là CN may, cũng không chồng mà có con”. Một phụ nữ ở khu phố 8, phường Phú Lợi, tiết lộ: “Bên cạnh khu trọ của tôi có con bé mang thai được 4-5 tháng thì bị người yêu bỏ. Bố mẹ từ quê vào thăm biết chuyện, bắt con bé phá nhưng thai lớn quá. Thế là bố mẹ bắt con bé khăn gói về quê”…
Hội LHPN phường Phú Lợi được lãnh đạo Hội LHPN Bình Dương đánh giá là một trong trong những cấp hội hoạt động sôi nổi nhất tỉnh. Phường có 9 chi hội nữ CN nhà trọ với trên 300 thành viên. “Cứ tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần là tụi tôi lại quy tụ chị em CN để chỉ dẫn cách phòng tránh thai, cảnh báo phá thai có thể gây vô sinh, nhắc nhau gìn giữ truyền thống của người phụ nữ VN rằng không nên vứt bỏ con hoặc không chồng mà để có con… Song, đâu phải mình nói gì CN cũng nghe, cũng làm theo!” – chị Phương băn khoăn.
“Né” đăng ký kết hôn N. là cô gái từ miền Tây đến Bình Dương làm CN và trọ tại khu phố 9, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Trong chuỗi ngày mưu sinh ở Bình Dương, N. sống cùng một nam CN quê Ninh Thuận. Đám cưới được tổ chức nhưng N. và người yêu vẫn chưa chính thức thành vợ chồng vì chưa đăng ký kết hôn. Khi N. mang thai 4 tháng, chỉ vì cãi vã chuyện cơm áo gạo tiền mà nam CN kia đã dứt áo ra đi.
Chị Bùi Thị Thanh Phương cho biết tình cảnh như N. khá phổ biến trong giới CN. CN không đăng ký kết hôn vì họ sợ bị đuổi việc khi về quê làm giấy tờ, sợ tốn thời gian, tốn tiền… Cuộc sống lứa đôi của CN vì không đăng ký kết hôn nên không thể ràng buộc về mặt pháp lý. Dù đã có con với nhau nhưng chỉ cần xích mích nhỏ, người đàn ông cũng có thể “quất ngựa truy phong”. “Theo tôi, nếu nam nữ CN có giấy chứng nhận độc thân thì cơ quan chức năng cần tạo điều kiện giúp họ làm giấy kết hôn tại nơi đăng ký tạm trú để phần nào ngăn chặn được tình trạng bỏ rơi con”- chị Thanh Phương nhận xét.
(Còn nữa…)
Theo Người lao động
Nhức nhối nạn vứt... con (Kì I)
Sống xa nhà thiếu thốn tình cảm, ở trọ chung chạ nhau, không có thời gian tìm hiểu... nên công nhân yêu đương khá dễ dãi. Những cuộc tình chóng vánh, sớm nở tối tàn khiến con cái sinh ra trở thành món nợ.
Mới đây, nhiều người đã hết sức bức xúc trước việc một nữ công nhân (CN) 19 tuổi vừa vượt cạn xong liền vứt con ở mương nước thuộc phường Phước Long B, quận 9 - TPHCM. Đây không phải trường hợp hiếm hoi. Ngược lại, nạn vứt bỏ con mới sinh diễn ra ngày càng nhức nhối, nhất là ở những khu nhà trọ CN quanh các KCN.
Sinh ra từ... thùng mì
"Nó vừa sinh ra đã bị mẹ vứt ngoài bãi rác, kiến bu đỏ người. Nếu những người đàn bà đi lượm bao ni lông không kịp nhặt lên thì đứa bé này đã bị kiến cắn chết rồi" - ông Phan Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, huyện Dĩ An - Bình Dương, chỉ một đứa trẻ bị bỏ rơi, rùng mình kể.
Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nằm gần nhiều KCN như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Bình Chuẩn... nên "hứng" không ít đứa trẻ bị mẹ là CN vứt bỏ.
Đứa bé vừa nêu trên có phúc mới thoát khỏi vòng vây của bầy kiến nên ông Bảy đặt tên cho nó là Phúc. Hơn 7 năm làm việc tại trung tâm, ông Bảy không nhớ mình đã "sáng tác" bao nhiêu cái tên để đặt cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. "Có đứa tôi phát hiện bị người ta bỏ trong thùng mì Hảo Hảo rồi vứt ngoài ngã ba đường. Tôi mang về và đặt tên cho nó là Hảo. Hảo giờ khôn lắm" - ông Bảy cho biết.
Một ngày khác khi vừa mở cổng, phát hiện một em bé đỏ hỏn nằm chơ vơ, ông Bảy nhặt vào và đặt tên là Cổng. Người ta nói tên Cổng nghe kỳ quá nên ông đổi thành Công... Ông Bảy đưa cho tôi xem những cái tên khác trong sổ hộ khẩu của "gia đình" có hàng trăm đứa con này, rồi lý giải nguồn gốc những cái tên mà ông còn nhớ.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi quanh các khu nhà trọ công nhân gần những KCN ở Bình Dương
Trước hôm tôi đến vài ngày, trung tâm lại nhận thêm một đứa bé bị mẹ vứt bỏ. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 332 trẻ bị bỏ rơi. Tôi ứa nước mắt khi ông Bảy dẫn vào phòng dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi mới nhặt về.
Trong một chiếc nôi lớn, 4 em bé chưa đầy 3 tháng tuổi nằm kế nhau. Có bé còn khá non yếu, đôi mắt chưa thể mở to nên thỉnh thoảng mới he hé mi nhìn khách. Có bé thiếu vắng bàn tay người mẹ nhưng vẫn nằm im ngậm bình sữa tự bú hàng giờ liền.
Khi tôi vô tình đánh rơi quyển sổ xuống nền nhà gây tiếng động, một bé đang ngủ giật mình khóc thét. Thế là gần 10 bé trong phòng nối nhau "oe oe" inh trời. "Bọn trẻ cùng bị bỏ rơi nên khóc thì cùng khóc một lượt như "hát đồng dao" vậy đó, khó dỗ cho nín lắm" - chị bảo mẫu nói. Tôi bâng khuâng tự hỏi liệu trên đời này có còn "khúc đồng dao" nào ẩn chứa bất hạnh và tội lỗi hơn thế không?
Lửa gần rơm
Quanh trung tâm, có rất nhiều khu nhà trọ CN. CN vốn chọn những nơi trọ với giá tiền càng rẻ càng tốt. Giá tiền thuê càng thấp thì khu trọ càng ẩm thấp, chật chội. Chúng tôi vào một khu trọ ọp ẹp có khoảng 15 phòng, trong đó 5 phòng có nhiều nam, nữ CN sống cảnh chung chạ.
"Tiết kiệm tiền trọ, 4-5 CN cả nam lẫn nữ hùn lại sống chung là chuyện thường ở đây. Ở lâu thì sinh tình cảm, ông bà ta đã nói "lửa gần rơm" mà" - ông Bảy nhận xét.
Ông Bảy cho biết ông từng xin việc cho một người quen vào làm bảo vệ một công ty lớn ở KCN. Công ty này xây 2 dãy phòng trọ cho CN lưu trú. Nhiệm vụ duy nhất của người bảo vệ này được ban giám đốc giao phó là từ 21 giờ đến sáng phải ngồi canh không cho CN nam léng phéng qua phòng CN nữ! "CN thường ở tuổi yêu đương, khó giữ mình lắm. Chỉ một phút không biết giữ mình là có thể vài tháng sau, ngoài vỉa hè, bãi rác lại có thêm một đứa trẻ bị vứt bỏ" - ông Bảy chua xót.
Theo ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, hiện tượng CN làm việc trong các KCN "trót lỡ" rồi bỏ con khá phổ biến. Bình Dương có đến 24 KCN đang hoạt động với khoảng 200.000 CN.
Trong đó, trên 60% là nữ, chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18-25 tuổi). Sống xa nhà thiếu thốn tình cảm, nhiều nữ CN tranh thủ kiếm bạn tình mà không cần chọn lọc.
Ngoài ra, tình trạng tăng ca liên tục khiến CN bị cuốn trong guồng máy công nghiệp, không đủ thời gian hẹn hò, tìm hiểu. Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc tình sớm nở tối tàn, con cái sinh ra trở thành món nợ, đành phải vứt bỏ.
Gần Tết, trẻ bị bỏ rơi càng nhiều "Tháng gần Tết, CN phải về quê nên ai mới sinh thường bỏ rơi con. Nhiều lắm, năm nào gần Tết chúng tôi cũng nhận 5-7 trẻ bị vứt bỏ" - ông Bảy bức xúc.
Tìm hiểu từ giới CN, tôi được biết nhiều nữ CN không ngần ngại phá bỏ bào thai đã thành hình để kịp về quê ăn Tết.
Người nào không chồng mà sinh con, để cha mẹ, người thân ở quê không nghi ngờ, họ buộc phải vứt bỏ trước khi về quê.
Ông Bảy đưa tôi xem hình ảnh 2 thai nhi do một người đàn ông tâm thần lôi ra từ một sọt rác vào dịp gần Tết năm rồi.
Ngoài những thiên thần mang khuôn mặt sáng trong, tôi còn gặp nhiều đứa bé mù, bại não, tay chân dị dạng... bị bỏ rơi.
Hai đứa trẻ bại não nằm áp má xuống sàn nhà đang nhướng mắt nhìn tôi với vẻ mặt không biết đang cười hay khóc.
Chị bảo mẫu cho biết 2 bé được nhặt gần một KCN ở Bình Dương. "Những đứa trẻ với hình hài không bình thường là một thứ của nợ đối với nhiều CN nghèo.
Có lần, chúng tôi phát hiện một đứa bé bị vứt ngoài đường, một bên đầu bị móp. Để cứu sống bé, chúng tôi phải đưa đi cấp cứu, điều trị hơn 80 triệu đồng" - ông Bảy nhớ lại lần nhặt trẻ bị bỏ rơi tốn kém nhất.
Theo Người lao động
Giới trẻ có nên sống thử? Chúng ta nên sống với nhau bằng đam mê tình yêu, dù cuối cùng chuyện tình có kết thúc bằng một đám cưới hay không? Thật ra, Cosmo chẳng thích dùng từ "sống thử" tẹo nào. Lý do à? Người ta dọn về sống thật, trải nghiệm thật đấy chứ, có thử gì đâu. Bạn và chàng cùng thử "gần gũi", sẻ chia...