Nhức nhối nạn bạo hành phụ nữ: Cần giải pháp thực tế
Những giải pháp ngăn ngừa, đấu tranh với vấn nạn bạo hành phụ nữ cần thực tế, đồng bộ
Kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Liên Hiệp Quốc mới công bố chỉ rõ 58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành.
Bạo lực thân thể chiếm tỉ lệ cao
Theo thống kê của cơ quan xét xử thuộc địa bàn TP HCM, trong khoảng 10 năm qua, cơ quan này giải quyết hơn 2.400 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ với phần lớn hình thức là bạo hành thân thể; kế đó là bạo hành về tinh thần, kinh tế, tình dục.
Còn theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM, 10 năm qua, toàn TP xảy ra 1.877 vụ bạo lực gia đình. Đáng chú ý, 1.400 vụ việc xảy ra ở khu vực nội thành, số nạn nhân nữ trong các vụ bạo hành chiếm tới 86%. Sở VH-TT TP nhận xét số vụ bạo hành có giảm về lượng nhưng tính chất, thủ đoạn có xu hướng ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Trong các loại bạo lực gia đình, bạo lực thân thể chiếm tới 61,4% với 1.152 vụ, bạo lực tinh thần chiếm 30,8% với 578 vụ.
Phát biểu hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, cho biết TP đã lồng ghép Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào công tác tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với nhiều chương trình cụ thể; UBND TP đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, thu thập, thống kê dữ liệu cũng như thanh kiểm tra, xử lý việc thực hiện pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại 24 quận, huyện. Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến can thiệp, hỗ trợ và xử lý nhưng tình hình bạo hành tại TP HCM vẫn diễn biến khá phức tạp. Có những vụ cực kỳ nghiêm trọng, gây ra những tổn hại lớn về thể chất và tinh thần của nạn nhân bị bạo hành.
Một phụ nữ bị người yêu tạt hóa chất được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)Ảnh: Phạm Dũng
Nghiêm khắc hơn
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, quy trình giải quyết vụ việc bạo hành theo pháp luật hiện hành gây khó khăn cho đơn vị xử lý, các bên liên quan. Đơn cử, cơ quan chức năng chỉ can thiệp khi có đơn thư nạn nhân gửi đến. Hay thông tư do Bộ Y tế ban hành về tiếp nhận, chăm sóc y tế không đề cập rõ đến vấn đề hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành mà chỉ nêu chi phí khám và điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ BHYT chi trả đối với người có thẻ BHYT. Trường hợp không có thẻ BHYT thì nạn nhân tự chi trả. Như vậy, luật pháp cần quy định rõ và nghiêm khắc hơn với những người có hành vi bạo hành phụ nữ cũng như có phương án hỗ trợ cụ thể những nạn nhân yếu thế.
Còn theo bà Trần Việt Thái, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp TP HCM, TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể đề nghị bổ sung những hành vi bạo lực trong quan hệ vợ chồng (ép phụ nữ sinh nhiều con, lựa chọn giới tính thai nhi…); không phân biệt bạo lực gia đình với những loại hình bạo lực khác; cần có luật về phòng chống bạo lực nói chung (trong đó có bạo lực gia đình) để đồng bộ với Luật Hình sự, Luật Hành chính cũng như nhiều quy định có liên quan.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam tăng cường hơn nữa chính sách và các khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn nạn bạo hành phụ nữ. Nạn nhân bạo hành cần hưởng nhiều dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ và điều trị sẵn có, dễ tiếp cận, giúp họ tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng không thể lơ là công tác ngăn ngừa thông qua nhiều hoạt động nhằm cải thiện, nâng cao nhận thức người dân trước vấn đề trên. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh hệ thống giáo dục phải đưa vấn đề bạo hành vào chương trình giảng dạy để định hướng ngay từ đầu về bình đẳng giới, bạo lực gia đình.
Song song đó, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhấn mạnh bản thân phụ nữ không nên nhẫn nhịn, chịu đựng mà cần bổ sung kỹ năng tự vệ cũng như kiến thức pháp luật. Có như vậy, nạn bạo hành mới không còn “đất sống”.
Thời xưa đã xử nghiêm
Thời phong kiến, xã hội trọng nam khinh nữ nhưng các bộ hình luật vẫn có những điều luật tiến bộ nhằm bảo vệ phụ nữ.
Bộ Hình luật đầu tiên của nước ta ban hành từ thời Lý, do đã thất lạc, nên không còn khảo sát được.
Đến thời Lê, giai đoạn niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), bộ “Quốc triều hình luật” (hay còn gọi “Bộ Luật Hồng Đức”, “Lê triều Hình luật”) được ban hành, có 722 điều, được chia làm 13 chương, trong đó có chương Thông gian, quy định xử nặng các trường hợp cưỡng dâm, gian dâm. Điều 401 thuộc chương Thông gian quy định: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết… Quyến rũ gái chưa chồng cũng xử như tội gian dâm. Kẻ bắt mối bị xử tội đồ (đánh trượng và bắt làm việc công ích trong một thời gian) hay lưu”. Về tội cưỡng dâm, điều 403 quy định: “Cưỡng dâm thì xử tội lưu đày hay tội chết và phải nộp tiền hơn tiền tạ”. Với quan chức mà phạm các tội này thì sẽ bị nặng hơn dân thường.
Luật hình thời Lê có điểm tiến bộ là bảo vệ các em gái nhỏ. Điều 404 ghi: “Gian dâm với em gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái đó thuận tình, cũng xử tội như tội hiếp dâm” (lưu hay tử hình).
Thời Nguyễn, năm 1815, vua Gia Long ban chiếu công bố chính thức bộ luật với tên gọi “Hoàng Việt luật lệ”, dân gian thường gọi Luật Gia Long, gồm 398 điều chia thành 22 quyển. Bộ luật này quy định: “Người nào dùng lời thô tục dâm đãng làm cho người đàn bà xấu hổ mà tự tử thì phải xử đến hình giảo giam hậu” (phạt thắt cổ nhưng chưa thi hành án ngay).
Điều 501 quy định cưỡng dâm không dùng hung khí mà làm người ta bị thương thì dù đã thành hay chưa đều chiếu theo bản luật mà nghị tội, không được giảm nhẹ. Nếu dùng các loại hung khí sắc nhọn làm người đàn bà bị thương, nếu đã thành, nghị xử trảm giam chờ, chưa thành nghị xử giảo giam hậu.
Luật nhà Nguyễn quy định chặt chẽ việc bảo vệ trẻ em gái dưới 12 tuổi. Nếu cưỡng dâm con gái dưới 12 tuổi đến chết, dụ dỗ con gái chưa đến 10 tuổi đưa đi cưỡng bức làm chuyện dâm ô, chiếu theo luật xử bọn côn đồ, trộm cướp, xử trảm. Cưỡng dâm trẻ em 12 tuổi trở xuống, 10 tuổi trở lên, nghị xử trảm, giam hậu.
Lê Tiên Long
Theo nld.com.vn
Tra tấn tàn bạo con 5 tuổi ở Vĩnh Phúc: Công an chưa triệu tập được người bố
Công an đã đến nhà Nguyễn Chí Công nhiều lần để triệu tập làm việc về hành vi đánh con, nhưng vẫn chưa gặp được người này.
Tra tấn tàn bạo con 5 tuổi ở Vĩnh Phúc: Công an không triệu tập được người bố. (Nguồn: VS)
Liên quan đến sự việc người đàn ông do tranh cãi với vợ cũ đã lôi con trai 5 tuổi ra tát đôm đốp, tối 21/3, trả lời VTC News, ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, từ hôm qua đến hôm nay, lực lượng công an xã đã đến nhà anh Nguyễn Chí Công (31 tuổi, trú tại xã) để triệu tập lên làm việc về hành vi đánh con trai. Tuy nhiên, người này vẫn chưa đến trụ sở xã.
"Hôm nay, chúng tôi đã báo cáo và phối hợp với công an huyện để triệu tập nhưng vẫn chưa gặp được anh Nguyễn Chí Công", ông Minh cho hay.
Cháu bé ôm mặt khóc nức nở khi bị bố cho cú tát trời giáng. (Hình ảnh cắt từ clip)
Ông Minh cho biết, khi lực lượng công an đến nhà, người thân chỉ nói là anh Công đi vắng và cũng không biết là đi đâu.
Về thông tin anh Công đang bị xã hội đen đe dọa, vị Chủ tịch nói: "Chúng tôi không thấy anh em công an báo cáo về việc này nên tôi cũng chưa nắm được".
Liên quan đến vụ việc, sáng nay (21/3), chị Nguyễn Thị V. (26 tuổi, trú tại xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) - vợ cũ của anh Công đã gửi đơn kiện người chồng cũ có hành vi bạo hành con trai đến Công an huyện Tam Đảo.
Chị V. và anh Nguyễn Chí Công (31 tuổi, trú tại xã Hồ Sơn, Tam Đảo) lấy nhau vào tháng 7/2010 và sinh được cháu Nguyễn Tấn D. Trong quá trình chung sống, vợ chồng chị thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Sau đó, cả hai ly dị vào tháng 6/2017 tại Tòa án nhân dân huyện Tam Đảo và anh Công được quyền nuôi con.
Anh Công thường xuyên hành hạ cháu D. "Vào ngày 19/3, anh Công có mang con trai lên chỗ tôi sinh sống và đánh cháu trước mặt tôi và mọi người. Tôi có quay được đoạn video. Vậy tôi viết đơn này tới Công an huyện Tam Đảo cho tôi được quyền nuôi con và kiện anh Công về hành vi hành hạ trẻ em và bạo hành trẻ em", chị V. nêu trong đơn.
Ngày 19/3, mạng xã hội đăng tải clip ghi lại hình ảnh người bố bạo hành cậu con trai nhỏ tuổi, khiến dư luận phẫn nộ. Clip dài khoảng 28 giây, ghi lại nội dung cuộc cãi vã giữa người đàn ông và vợ cũ.
Đáp lại lời nói của người phụ nữ, người đàn ông liền vung tay tát liên tiếp 2 cái vào cậu con trai đứng bên cạnh rồi lớn tiếng thách thức: "Đây này". Cái tát của người đàn ông khiến cháu bé khóc nức nở rồi lấy tay ôm mặt.
Thấy vậy, người phụ nữ to tiếng thách thức lại. Người đàn ông bế đứa bé lên và nói "Bố xin lỗi" rồi chỉ tay về phía người mẹ tiếp tục quát.
MẠNH ĐOÀN
Theo VTC
Vụ camera ghi lại cảnh giúp việc tát , quật ngã bé trai 2 tuổi ở Hà Nội: "Tôi đối xử với bà ấy không thiếu thứ gì" "Quan điểm của tôi, người giúp việc có thể đánh con bằng roi vào mông, vào tay để răn đe, dạy bảo tuy nhiên hành động ném, tát và vật con tôi như vậy là không thể chấp nhận được", anh Hiếu bức xúc. Bà giúp việc chỉ dừng lại khi nghe loa camera phát ra tiếng cảnh báo Liên quan đến vụ...