Nhức nhối ATVSTP: Nhiều tư thương cố tình mua hóa chất công nghiệp
TP.HCM vẫn là điểm nóng về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Năm 2018 số tiền phạt trong lĩnh vực này lên tới gần 17 tỷ đồng. Thực phẩm, thức ăn chứa hóa chất công nghiệp, chất cấm sử dụng để chế biến thực phẩm vẫn là vấn đề nan giải.
2.780 cơ sở bị xử phạt vẫn là số ít
Đại diện phòng Thanh tra thuộc Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, năm 2018, các đoàn kiểm tra ATTP trên địa bàn đã kiểm tra 41.032 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 11.395 trường hợp (tỷ lệ 27,8%); phạt tiền 2.780 trường hợp với tổng số tiền phạt 16.991.884.000 đồng. Một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, buộc ngưng hoạt động sản xuất.
Điển hình như Công ty TNHH Hotel Students (sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo) bị xử phạt 114.500.000 đồng; DNTN Chí Cường (Bình Chánh, chuyên sơ chế sản xuất ớt) bị phạt 38.500.000 đồng…
Cùng với đó, các Đội quản lý ATTP còn phối hợp với đoàn kiểm tra của nhiều địa phương tiến hành kiểm tra 1.158 cơ sở. Tuy nhiên, theo đánh giá thì số lượng cơ sở bị xử phạt vẫn còn ít và chưa triệt để. Việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa triệt để, chủ yếu là nhắc nhở. Nhiều chủ cơ sở khi có đoàn đến kiểm tra thì đối phó, che dấu hành vi vi phạm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Nhiều tiểu thương cố tình mua hóa chất công nghiệp (Ảnh: Ban QLATTP)
Nhiều tiểu thương cố tình mua hóa chất công nghiệp
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, để đảm bảo VSATTP dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội mùa xuân 2019 trên địa bàn, Ban đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Thời gian bắt đầu từ 17.1 – 21.3.2019.
Vừa qua, đoàn đã kiểm tra tại các chợ Kim Biên, Bình Tây, cửa hàng tiện lợi Co.op Food tại Khu căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình và Siêu thị Lotte trên địa bàn quận 7… Đây là những nơi tập trung lượng lớn hóa chất, phụ gia thực phẩm công nghiệp cũng như các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt… phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân.
Video đang HOT
Ghi nhận tại chợ Kim Biên, về mặt pháp lý, 16 hộ kinh doanh đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các hương liệu, phụ gia thực phẩm kinh doanh thuộc danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, được công bố theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; có sổ theo dõi nguồn nhập và xuất hàng hóa.
Siêu thị là một trong những địa chỉ thực hiện tốt ATVSTP (Ảnh: Đoàn kiểm tra test mẫu thịt)
Ban quản lý ATTP đã kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. Tuy nhiên, theo Ban quản lý, khó khăn lớn nhất đối với chợ hoá chất Kim Biên là một số người mua lẫn người bán vẫn cố tình vi phạm, mua hóa chất công nghiệp, đối phó với đoàn kiểm tra nên rất khó kiểm soát.
Một tiểu thương ở chợ Kim Biên cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm lâu năm ở chợ. Hàng hóa của gia đình đều có nguồn gốc xuất xứ, không phải là chất cấm dùng trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Vì vậy những hộ nào cố tình vi phạm, đề nghị nhà nước xử lý thật nặng, tránh ảnh hưởng đến các hộ chấp hành tốt quy định”.
Tăng mức phạt để ngăn chặn
Đoàn kiểm tra test mẫu mứt lấy ngẫu nhiên tại chợ Bình Tây, kết quả âm tính với hóa chất công nghiệp.
Hiện nay, vấn nạn mua bán, sử dụng phụ gia, hóa chất công nghiệp dùng trong thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối tại TP.HCM. Chợ Kim Biên là một trong những “kho” hóa chất với 16 hộ buôn bán, việc thanh tra, kiểm soát khó khăn ở tận đầu mối cung cấp cũng như các hộ, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Kim Yến, phường 11 quận 10 cho biết, người ta bày bán phụ gia thực phẩm, hóa chất tràn lan tại các chợ truyền thống và siêu thị với giá thành không quá đắt, đa số khách hàng đến mua tại chợ là khách hàng lâu năm và mua với số lượng lớn để nấu cho các hàng quán. Bởi vậy ăn uống đường phố và các hàng quán không thể đảm bảo VSATTP.
Theo kế hoạch, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, hóa chất công nghiệp, chất cấm vào sản xuất, chế biến thực phẩm, đảm bảo VSATTP dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Ban quản lý ATTP TP.HCM tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.
Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 115 từ 80 đến 100 triệu đồng, đối với doanh nghiệp là gấp đôi số tiền phạt. Trường hợp gây thiệt hại nặng sẽ không giới hạn tiền phạt mà tính theo giá trị của mặt hàng thậm chí xử lý hình sự.
Theo Danviet
An toàn thực phẩm cuối năm: "Đánh" thẳng túi tiền của người vi phạm
Không còn nhắc nhở hay cảnh cáo, việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định trong Nghị định 115/2018 đã đánh thẳng vào túi tiền của đối tượng vi phạm để kéo giảm và ngăn chặn tình trạng này.
Nhiều chế tài nặng
Nghị định 115/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20.10.2018) có những điểm thay đổi rất lớn so với Nghị định 178/2013 là quy định phạt tiền và tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Sẽ tăng mức phạt tiền với những cơ sở, đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm. ảnh tư liệu
Với những lỗi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đối tượng hoặc doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, với những hành vi vi phạm không có quy định phạt tiền cụ thể mà phạt theo phần trăm giá trị hàng hóa thì mức phạt sẽ tăng lên gấp hai lần tổng giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, tại Điều 4 của Nghị định 115, vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 5 - 7 lần giá trị sản phẩm trong trường hợp áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung tiền phạt nhưng còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm. Như vậy, quy định phạt tiền này tại nghị định mới đang gấp đôi mức phạt cũ.
Theo Nghị định 115, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có cảnh cáo. Tăng mức phạt tiền ở các hành vi, tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước chỉ 3,5 lần). Chẳng hạn, hành vi sử dụng động vật chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y để sản xuất, chế biến thực phẩm thay vì bị phạt tiền bằng 80-100% tổng giá trị, tăng lên 2 lần và bỏ mức trần 100 triệu đồng. Khung phạt tiền với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng là 80-100 triệu đồng, thay cho mức 70 triệu đồng.
Nghị định mới cũng quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Ngoài ra cơ sở vi phạm bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm. Cơ sở vi phạm cũng bị buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, tiêu hủy thực phẩm, chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm. Đơn vị phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn...
Nghị định 115 có thêm quy định về hậu kiểm nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tăng cường hậu kiểm
Lý giải về những quy định mới trong Nghị định 115, PGS- TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, quyền của doanh nghiệp lớn hơn thì trách nhiệm của doanh nghiệp cũng phải lớn hơn. Các địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm. Nếu phát hiện doanh nghiệp tự công bố an toàn thực phẩm không đúng mức giới hạn thì phải buộc doanh nghiệp tự thu hồi toàn bộ sản phẩm và phạt tiền. Tất cả những hoạt động đó phải làm quyết liệt, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm được sức khỏe của cộng đồng.
"Các địa phương cần tập trung vào các sản phẩm, lĩnh vực do ngành y tế quản lý, chú trọng đến các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, thức ăn đường phố... đặc biệt trong thời điểm gần kề Tết âm lịch" - ông Phong nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, các quy định luật pháp đưa ra không chỉ nhằm xử phạt mà còn tăng cường khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm an toàn, bảo vệ cho người dân. Trong suốt những năm qua, Nghị định 178/2013 đã tạo cơ sở rất nhiều cho quá trình thanh kiểm tra, nhưng tình hình thực tế ngày càng biến đổi, những vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, nghiêm trọng hơn trong khi mức xử phạt chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe.
Những quy định mới sẽ giúp cơ quan quản lý bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm, tăng mức xử lý vi phạm, tuy nhiên khi áp dụng cần linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể chứ không thể cứng nhắc.
Theo Danviet
Hoàn tất việc hút 26 tấn axit từ sự cố tàu chìm trên sông Đồng Nai Đến trưa 19.11, chủ tàu chở hóa chất bị chìm trên sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết đã hoàn tất việc đưa 26 tấn axit clohydric độc hại lên bờ. Các cơ quan đang trục vớt và bơm hoá chất từ dưới sống lên bờ. Ảnh: H.A "Tàu có hơn 26 tấn hóa chất và chúng tôi đã rút hết....