Nhu cầu mua nhà gặp thách thức, đà tăng giá bất động sản hạ nhiệt nửa cuối 2022?
Theo VNDirect, nhu cầu bất động sản có thể gặp nhiều thách thức hơn trong nửa cuối 2022 do lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.
Lượng tiêu thụ phục hồi mạnh ở cả TP.HCM và Hà Nội
Theo báo cáo ngành bất động sản nhà ở mới đây của Chứng khoán VNDirect, nhóm phân tích nhận thấy lượng tiêu thụ phục hồi mạnh ở cả TP.HCM và Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, do lượng mở bán mới tăng mạnh, trong khi giá bán hạ nhiệt.
Cụ thể, tại TP.HCM, theo CBRE, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng vọt 189% so với cùng kỳ lên 16.412 căn từ 13 dự án mở bán mới, số lượng tiêu thụ tăng 70% so với cùng kỳ lên 12.506 căn, tương đương giai đoạn 2018-2019.
Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ trong nửa đầu năm đạt 76%, thấp hơn nhiều so với mức 100-130% trong giai đoạn 2018-19 do tín dụng hạn chế, lãi suất tăng và nguồn cung mới chủ yếu từ phân khúc cao cấp vốn có tỷ lệ hấp thụ thấp hơn.
Nhóm phân tích cũng chỉ ra rằng, vào cuối quý 2/2022, giá căn hộ sơ cấp ở phân khúc hạng sang và cao cấp hạ nhiệt do thắt chặt tín dụng vào bất động sản cao cấp tại TP.HCM.
Đưa ra dự báo về thị trường căn hộ giai đoạn 2022-2023, VNDirect cho rằng, nguồn cung mới phục hồi vào năm 2022-2023 từ mức nền thấp năm 2020-2021. Nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM sẽ đạt khoảng 22.000 căn (tăng 52% so với cùng kỳ)/30.000 căn (tăng khoảng 40% so với cùng kỳ) vào năm 2022-2023 từ mức nền thấp năm 2020-2021.
VNDirect dự báo nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ xuống còn 5.000-6.000 căn trong nửa cuối năm 2022 (so với 16.500 căn mở bán trong 6 tháng đầu năm), tuy nhiên lượng tiêu thụ đi ngang ở mức 7.300 căn, do có 4.000 căn chưa tiêu thụ hết trong nửa đầu năm nay.
Phân khúc cao cấp có thể sẽ dẫn dắt thị trường và chiếm 60-80% tổng nguồn cung căn hộ trong bối cảnh nguồn cung phân khúc trung cấp ngày càng thu hẹp. Giá căn hộ sơ cấp tại các khu vực ngoại thành TP.HCM như Bình Chánh, Bình Tân vượt mức 2.000 USD/m2, do giá nhà ở các khu vực này đã tăng mạnh trong hai năm qua. Trong bối cảnh các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản bị thắt chặt và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các chủ đầu tư sẽ thận trọng trong điều chỉnh tăng giá bán để thúc đẩy bán hàng nhằm cải thiện dòng tiền.
Video đang HOT
Với thị trường nhà liền thổ, nguồn cung mới nhà liền thổ xây sẵn của TP.HCM tiếp tục khan hiếm trong năm 2022 do quỹ đất hạn chế và tiến độ pháp lý chậm. Nguồn cung mới chủ yếu đến từ các vùng ngoại thành TP.HCM như Thủ Đức, Quận 12 và Bình Chánh. Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản đầu cơ được giám sát chặt chẽ cùng với kiểm soát quản lý đất đai tại các khu vực sốt đất, VNDirect kỳ vọng giá đất tại Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối 2022; đặc biệt là Củ Chi sau khi giá đất đã tăng đột biến 72,7% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.
Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới trong nửa đầu năm tương đối ổn định ở mức 8.165 căn (tăng 2,7% so với cùng kỳ). Phân khúc cao cấp và trung cấp lần lượt đóng góp 55%/45% tổng lượng mở bán mới. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở phía Tây và phía Đông do cơ sở hạ tầng cải thiện. Lượng tiêu thụ tăng 33,6% so với cùng kỳ lên 10.788 căn do nhu cầu cao ở phân khúc trung cấp. Tỷ lệ hấp thụ nửa đầu năm 2022 tăng 30,5 điểm % so với cùng kỳ lên 132,1%.
Tương tự như TP.HCM, giá phân khúc cao cấp tại Hà Nội giảm 14,2% so với đầu năm trong 6 tháng năm 2022. Trong khi đó, phân khúc trung cấp tăng 12,3% so với đầu năm do nhu cầu cao. Giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 17,3% so với đầu năm đạt 1.872 USD/m2 trong 6 tháng do tỷ trọng đóng góp của phân khúc cao cấp cao hơn.
Nguồn cung nhà liền thổ mới giảm 68% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 523 căn. Trong khi lượng tiêu thụ tiếp tục vượt xa nguồn cung mới, tăng 67% so với cùng kỳ lên 1.565 căn. Do vậy, tỷ lệ hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 299%, cho thấy nhu cầu mua nhà liền thổ tại Hà Nội vẫn đang mạnh mẽ. Giá sơ cấp nhà liền thổ tiếp tục duy trì đà tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, giá nhà phố tăng 10% so với đầu năm và biệt thự tăng 29% so với đầu năm.
Dự báo về thị trường căn hộ cuối năm, kỳ vọng nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội tăng lần lượt 50%/20% so với cùng kỳ lên 25.600 căn/30.000 căn vào năm 2022 và 2023, đóng góp chủ yếu từ các dự án lớn ở phía Tây và Đông Hà Nội như Imperia River View, Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park… Tỷ lệ hấp thụ có khả năng cải thiện đáng kể đạt 100-105% trong năm 2022-2023 do cầu bị dồn nén, cao hơn mức 75-90% trong giai đoạn 2018-2019, tương đương với 27.000-30.000 căn hộ được tiêu thụ mỗi năm.VNDirect đưa ra dự báo giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội duy trì mức tăng ổn định, trung bình tăng 4-6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó phân khúc trung cấp có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 9% so với cùng kỳ do nhu cầu cao.
Còn nguồn cung mới nhà liền thổ xây sẵn tại Hà Nội năm 2022 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các dự án khu đô thị lớn. Nguồn cung mới có thể sẽ đi ngang ở mức 2.500 căn trong năm 2022, chủ yếu từ các khu đô thị mới như Vinhomes Wonder Park, Vinhomes Cổ Loa và mở bán giai đoạn tiếp theo từ các dự án EcoPark, Gamuda City. Kỳ vọng giá đất tại Hà Nội sẽ tăng chậm lại trong nửa cuối 2022, trừ các dự án biệt thự/nhà liền kề cuối tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, các vị trí này đã tăng 5% so với quý trước trong quý 1/2022 theo Savills.
Thị trường bất động sản gặp nhiều sóng gió hơn cơ hội
Nhóm phân tích VNDirect nhận thấy, thị trường bất động sản gặp nhiều sóng gió hơn cơ hội trong 2023. Nhu cầu mua nhà của người dân có thể gặp nhiều thách thức hơn do chịu ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.
Tính đến cuối tháng 7/2022, lãi vay mua nhà thế chấp của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân tăng lần lượt 7 điểm cơ bản lên 9,2% và 30-40 điểm cơ bản lên 9,8%, so với mức cuối năm 2021, sau khi lãi suất huy động tăng trở lại.
VNDirect dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối 2022. Ngoài ra, trong bối cảnh tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân có thể tăng lên 10,0-10,5%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức 11-11,5%/năm trước đại dịch.
Ngoài vấn đề lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, ngành bất động sản đang đối mặt với thách thức về việc thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý 4/2023.
Điểm tích cực duy nhất trong nửa cuối năm nay theo công ty chứng khoán này đó là giá vật liệu xây dựng đang dần hạ nhiệt. Đơn vị kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần trong nửa cuối 2022 và năm 2023, điều này sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xây dựng và phát triển bất động sản, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công cũng như giúp kìm hãm đà tăng của giá nhà.
Đà Nẵng giải bài toán nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp
Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân khu công nghiêp, các thiết chế văn hóa, dịch vụ phục vụ người lao động trong khu công nghiệp.
Giải quyết chỗ ở cho công nhân
Thống kê sơ bộ, Đà Nẵng hiện có hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN). Trong đó, phần lớn người lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ gần các KCN để tiện cho việc đi làm. Theo khảo sát nhu cầu của công nhân tại các KCN do Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng thực hiện, dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 là 62.433 người.
Để giải quyết bài toán lao động cho công nhân tại các khu công nghiệp, thời gian qua TP. Đà Nẵng đã triển khai và đưa một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực các KCN trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh với 1.404 căn hộ, khối thể dục thể thao - dịch vụ có diện tích 1.040m2 và trường mẫu giáo 300m2. Hiện nay, 6 block của dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 2 block còn lại đang xây dựng.
Hay dự án nhà ở CN KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng do LĐLĐ TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 27.755 m2, gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Diện tích các phòng dao động từ 15,75 m2 đến 46,03 m2; giá cho thuê bình quân 18.500 đồng/m2 (đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành), dao động từ 320.000 -1.300.000 đồng/phòng.
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng còn có dự án nhà ở xã hội, dịch vụ thương mại và chung cư chất lượng cao thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside với 3.358 căn hộ, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành giai đoạn 1 vào năm 2022.
Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh. (Ảnh: Thành Vân)
Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đang tiếp tục được triển khai để ưu tiên bố trí cho công nhân các KCN đang thu hút đầu tư như: Nhà ở xã hội tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu), nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ).
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thông tin, trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung mà Thủ tướng đã phê duyệt, Sở đang rà soát, đánh giá và quy hoạch lại một số khu vực nhằm bảo đảm định hướng phát triển nhà ở xã hội đi đúng hướng, góp phần giải quyết căn cơ vấn đề nhà ở cho người lao động.
Tăng cường đầu tư nhà ở cho công nhân
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến làn sóng người lao động ở Đà Nẵng về quê do lo sợ dịch bệnh. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân KCN, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế đang được xã hội quan tâm.
Trước vấn đề này, mới đây, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã đề xuất các cơ quan quản lý nguồn lao động và chủ đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng KCN cần khảo sát thực trạng, đánh giá nhu cầu, dự báo trong tương lai về nhà ở cho công nhân tại các KCN và lao động ở khu vực lân cận khi định hướng phát triển đô thị công nghiệp theo hình thức KCN - đô thị - dịch vụ.
Cùng với đó, Ban Quản lý cũng kiến nghị thành phố cần quy hoạch quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở xã hội; gắn liền với các dịch vụ dân sinh, các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, qua đó có thể thu hút, giữ chân lao động giỏi.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân KCN, các thiết chế văn hóa, dịch vụ phục vụ người lao động trong KCN.
Trong đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chức năng có trách nhiệm tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Xây dựng điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021- 2030 để phù hợp với quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
"Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp", công văn nêu rõ.
UBND TP. Đà Nẵng cũng giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng có trách nhiệm thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động tại các KCN hiện hữu và các KCN dự kiến đầu tư xây dựng; gắn trách nhiệm đầu tư nhà ở công nhân với việc đầu tư kết cấu hạ tầng KCN khi lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên đà phục hồi chậm sau dịch, do tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản. Do đó, cần lành...