Như bộ phim kinh điển “Be With You”, Yuko Takeuchi sẽ mãi sống trong lòng khán giả
Là cô thợ làm bánh với cây sào trộm hồng thấm đẫm vị ngọt mùa Thu. Là những cơn mưa trong trẻo của tình yêu. Yuko Takeuchi là tất cả những vai diễn kinh điển đó, và như thế cô sẽ sống mãi trong lòng mỗi khán giả yêu mình.
Yuko Takeuchi là nữ diễn viên đình đám xứ hoa anh đào. Không chỉ có nhan sắc thanh tú, khí chất, đặc biệt là đôi mắt trong vắt, Yuko Takeuchi còn có diễn xuất đáng nể. Cô có một sự nghiệp diễn xuất đáng ngưỡng mộ khi có nhiều phim ăn khách, không những đạt doanh thu phòng vé mà còn được công nhận ở các giải thưởng. Tiếng tăm của Yuko Takeuchi đã sớm vượt khỏi biên giới Nhật Bản đến các nước châu Á khác.
Không còn Yuko Takeuchi là một nỗi mất mát lớn lao đối với nền điện ảnh Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. (Ảnh: Girlschannel)
Đối với khán giả Việt, Yuko Takeuchi được biết đến nhiều nhất là qua bộ phim truyền hình dài tập Asuka và phim điện ảnh Be With You. Trong Asuka, Yuko Takeuchi đảm nhận vai cô gái trẻ tuổi Asuka theo đuổi nghề làm bánh truyền thống Nhật Bản – vốn là một nghề vất vả trước nay chỉ có con trai theo đuổi. Nhiệt huyết nhưng đôi ba lần nóng vội, sáng tạo nhưng cũng có những lần nông nổi, Asuka đã đạt được nhiều thành công nhưng đồng thời cũng gặp phải những thất bại trên con đường trở thành thợ làm bánh của mình. Mỗi một chiếc bánh là một bài học dành cho Asuka cũng như những khán giả xem truyền hình.
Khán giả hẳn sẽ nhớ mãi chiếc bánh hình cây sào tre mà Asuka đã làm để dự thi, với chủ đề cây hồng. Thay vì làm ra chiếc bánh hình quả hồng hoặc cành hồng, Asuka đã làm ra một cây sào tre, vật thường được dùng để hái những quả hồng ở trên cao. Bởi vì đập quá nhiều, vị ngọt của những quả hồng đã thấm cả vào cây sào tre. Asuka đã đặt tên món bánh của mình là “Kẻ trộm hồng”.
Bộ phim truyền hình “Asuka” từng một thời gây sốt ở Việt Nam. (Ảnh: NHK)
Be With You – hay còn được biết đến với cái tên Em sẽ đến cùng cơn mưa – là một trong những phim hay nhất của điện ảnh Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Hàn Quốc đã remake bộ phim này với sự tham gia diễn xuất của hai ngôi sao lớn là Son Ye Jin và So Ji Sub, cũng đạt được thành công vang dội.
Trong Be With You, Yuko Takeuchi đảm nhận vai Mio – một người vợ, một người mẹ trong một gia đình hạnh phúc nhưng đã sớm qua đời vì sức khỏe yếu. Trước khi mất, Mio nói với chồng và con rằng rồi cô sẽ trở lại vào mùa mưa tới. Như một phép màu kì diệu, khi mùa mưa tới, Mio đã thực sự trở về. Dù lúc này Mio đã mất đi trí nhớ nhưng gia đình nhỏ đã tiếp tục cùng nhau tạo ra những kỷ niệm vui vẻ, bồi đắp thêm hạnh phúc.
Một trong những cảnh phim kinh điển của “Be With You”. (Ảnh: Toho Studio)
Cũng trong mùa mưa ấy, những bí mật về thời tuổi trẻ của Mio, về những lựa chọn và đấu tranh cho tình yêu của Mio cũng được tiết lộ. Be With You trong trẻo và mát lành tựa một cơn mưa rào đổ xuống khi những ngày nắng nóng đã kéo dài quá lâu. Bộ phim làm người ta cảm nhận được những rung động ngọt ngào và dịu dàng của tình yêu, khiến người ta tin vào tình yêu và muốn được yêu.
Một số những bộ phim khác gắn liền với tên tuổi Yuko Takeuchi còn có thể kể đến Ringu, Spring Snow, Lunch no Joou, Miss Sherlock… Yuko Takeuchi có thể trở thành một thiếu nữ đầy nghị lực, cũng có thể trở thành một phụ nữ thật dịu dàng, thậm chí là một nữ thám tử cá tính. Yuko Takeuchi có khả năng biến hóa đa dạng vai, và sự nghiệp của cô hứa hẹn còn nhiều đột phá, tỏa sáng hơn nữa.
Yuko Takeuchi cá tính trong “Miss Sherlock”. (Ảnh: HBO Asia)
Ngày 27/09/2020 có lẽ là ngày buồn nhất đối với những ai yêu mến Yuko Takeuchi, bởi cô đã ra đi mãi mãi. tử thi của cô được tìm thấy trong nhà riêng, dù đã được đưa vào viện cấp cứu nhưng vẫn quá muộn. Yuko Takeuchi qua đời khi chỉ mới 40 tuổi, đứa con mới sinh đầu năm nay còn chưa tròn một tuổi. Truyền thông Nhật đề cập đến nghi vấn tự tử, và nguyên nhân rất có thể là do trầm cảm sau khi sinh.
Một vì sao xinh đẹp và tài năng đã tắt đi ánh sáng của mình. Nhưng cũng giống như những bộ phim và những vai diễn kinh điển cô đã đóng, khán giả sẽ mãi mãi nhớ đến Yuko Takeuchi với những ký ức đẹp nhất.
Ma nữ trong 'Ringu' từng được tạo ra như thế nào?
Hình ảnh hồn ma Sadako chui ra khỏi màn hình vô tuyến trong "Ringu" đã trở thành kinh điển với dòng phim kinh dị. Đằng sau ác linh váy trắng cũng là một câu chuyện ly kỳ.
Danh tính nhân vật Yamamura Sadako - thân thế của ma nữ trong Ringu (tên tiếng Anh: The Ring) khi còn sống - có nhiều sai khác giữa nguyên tác tiểu thuyết và bản chuyển thể điện ảnh ra mắt năm 1998.
Tuy nhiên, về cơ bản, những sự kiện chính xảy ra với nhân vật vẫn được kể lại đầy đủ trên màn ảnh, và còn được nhắc lại nhiều lần nữa trong các hậu truyện, hay bản làm lại của các quốc gia khác sau này.
Sadako là con của bác sĩ Heichachiro Ikuma và mẹ là Shizuko Yamamura. Từ khi ra đời, cô đã là đứa trẻ dị biệt với những năng lực tâm linh di truyền từ mẹ.
Cô gái từng có quãng thời gian ngắn ngủi trở thành nữ diễn viên trước khi bị giết và vứt xác xuống giếng. Sadako vẫn sống sót sau vụ mưu sát, mắc kẹt trong lòng giếng, dùng năng lực tâm linh tạo ra cuộn băng giết người trước khi chết.
Tạo hình mang đậm văn hóa, tín ngưỡng Nhật Bản
Theo cây bút Jacob Shelton, nhân vật Shizuko Yamamura - mẹ đẻ của hồn ma Sadako - được tác giả Suzuki Koji xây dựng dựa trên một nhân vật có thật.
Chizuko Mifune, sinh năm 1886 tại vùng Kumamoto, được dân gian đồn đại là có năng lực tâm linh. Khi cố gắng biểu diễn năng lực của mình trước công chúng vào năm 1910, bà đã bị đám đông cười nhạo và đổ tội lừa đảo. Một năm sau, Mifune tự kết liễu bằng độc dược.
Cuộc đời Mifune và Yamamura có rất nhiều điểm tương đồng, trừ chi tiết hư cấu liên quan đến cuộn băng chết người, vụ mưu sát trên trang sách, và một cô con gái tên Sadako.
Hình ảnh hồn ma Sadako trên phim được kết hơp từ nhiều yếu tố trong văn hóa Nhật. Ảnh: IMDb.
Khi cuốn tiểu thuyết của Suzuki Koji được chuyển thể thành phim, Shizuko chỉ được mô tả là người phụ nữ truyền thống, nép mình trước thói gia trưởng của chồng.
Nhưng khi xây dựng hình ảnh hồn ma Sadako - cô con gái bất hạnh của Shizuko, nhà làm phim đã dày công nghiên cứu, kết hợp nhiều yếu tố văn hóa và tín ngưỡng dân gian của Nhật.
Theo đó, sinh thời, tóc của người phụ nữ sẽ luôn được búi cao gọn gàng. Chỉ đến khi họ qua đời, mái tóc mới được gỡ ra khi khâm liệm. Thi hài khi ấy cũng sẽ được cho mặc một bộ kimono trắng, tượng trưng cho tâm hồn thuần khiết của họ.
Về cơ bản, Ringu (1998) đã đảo ngược hai hình ảnh ấy khi xây dựng ngoại hình Sadako, ám chỉ thứ chui lên từ dưới giếng không phải hồn ma bình thường, mà là một ác linh với mái tóc xõa tung che kín mặt, và chiếc váy trắng cũ nát vấy bẩn.
Không chỉ gây ám ảnh bằng ngoại hình tà ác, hành tung của nhân vật Sadako cũng khiến cho khán giả nổi da gà. Con ma tìm đến nạn nhân để đoạt mạng sau 7 ngày kể từ khi họ xem cuốn băng chết chóc.
Khi thời khắc đã điểm, TV sẽ bắt đầu chiếu cảnh cái giếng nằm giữa rừng. Sadako trồi lên từ trong lòng giếng, tiến về phía màn hình rồi chui ra ngoài. Cách di chuyển của Sadako trong cảnh phim được lấy cảm hứng từ một loại hình biểu diễn dân gian của Nhật Bản có tên Butoh.
Butoh ra đời sau Thế chiến II, là một loại hình biểu diễn đặc trưng bởi sự vô định và khó đoán biết của động tác. Trước khi lên sân khấu, người nghệ sĩ sẽ tô trắng mặt và vận trang phục trắng. Những động tác chậm rãi trên tiếng nhạc nỉ non trong tiết mục Butoh gây ám ảnh đối với người xem vì cảm giác ghê rợn.
Những cảnh phim có Sadako được ghi hình như thế nào?
Rie Inou, nữ diễn viên vào vai Sadako khi ấy, là sinh viên kịch Kabuki. Do đó, không khó để cô vận dụng các kỹ thuật được học vào việc tạo ra những bước di chuyển kỳ quái cho nhân vật.
Tuy nhiên, để lột tả trọn vẹn sự rùng rợn trong cảnh Sadako khi chui ra khỏi lòng giếng, nhà sản xuất đã sử dụng tới thủ thuật quay dựng ít ai ngờ.
Trên phim trường, thay vì chui ra khỏi giếng và tiến về phía khán giả, Rie Inou đã bắt đầu từ vị trí giữa khung hình, rồi đi giật lùi về phía cái giếng trước khi chui vào trong nó.
Khi về phòng dựng, đoạn nháp được tua ngược lại và ghép vào bộ phim. Nhờ vậy, trên bản phim chính thức, khán giả được thấy cảnh Sadako chậm chạp tiến về phía màn hình bằng những chuyển động giật cục, thiếu tự nhiên và ma quái.
Ringu (1998) chiêu đãi khán giả những thước phim được thực hiện một cách kỳ công. Ảnh: IMDb.
Bên cạnh cảnh phim Sadako chui ra khỏi giếng, quá khứ của ma nữ được tái hiện trong những thước phim đen trắng cũng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho khán giả.
Tuy nhiên, chính đạo diễn Hideo Nakata lại không đưa ra quá nhiều tiết lộ về cách đoạn phim được thực hiện. Trong bài phỏng vấn với Offscreen, ông thừa nhận: "Các cảnh ấy được quay bằng phim 35 mm, sau đó gửi tới phòng in tráng để làm hiệu ứng. Nhưng kỹ thuật viên không chịu tiết lộ phương pháp họ đã sử dụng. Do đó, tôi không chắc chắn họ đã làm thế nào để ra được chất phim đen trắng cũ kỹ ấy".
Bi kịch đằng sau bộ phim kinh dị rùng rợn bậc nhất thế giới Phiên bản truyền hình được coi như tiền truyện của "Ju-On" (2000) đã cho khán giả thấy góc khuất đầy bạo lực gây ra bởi những con người đã bị tha hóa tận cùng. Ju-On, cùng Ringu là hai trong số những series phim kinh dị của Nhật được yêu thích trên toàn thế giới. Dù ra mắt từ đầu thập niên 2000,...