“Nhốt” người yêu!
Ngày 18-7, TAND huyện Tân Uyên-Bình Dương đã đưa vụ án Trần Hoàng Văn, can tội bắt giữ người trái pháp luật ra xét xử, người bị Văn bắt giữ chính là bạn gái của anh ta. Đây là một phiên tòa “lạ”, vì khi kết thúc cả bị cáo lẫn người bị hại đều cười rất tươi!
Bị cáo Trần Hoàng Văn
Trần Hoàng Văn, SN 1975, quê Bà Rịa – Vũng Tàu là tài xế của một công ty đóng tại Hội Nghĩa, Tân Uyên. Từ năm 2009, Văn và Nguyễn Thị Quỳnh P., SN 1988, quê Đắc Lắc có quan hệ tình cảm với nhau, vào cuối năm qua cả hai thuê phòng sống chung như vợ chồng tại khu nhà trọ ở Hội Nghĩa, Tân Uyên.
Video đang HOT
Ngày 28-3-2012, hai người xảy ra cãi vã; bực tức P. dọn quần áo bỏ đi. Văn đã cố gắng liên lạc với P. nhưng không được. Trong thời gian này, P. đến các bạn ở quận Tân Bình, TP.HCM và Biên Hòa, Đồng Nai để tá túc.
Bẵng đi một thời gian, trưa 28-3 Văn nhận được tin nhắn của bạn P. cho biết “hiện P. đang ở Biên Hòa”, ngay lập tức Văn xin nghỉ làm chạy xe máy đi tìm gặp người yêu. Giáp mặt nhau, Văn xuống nước năn nỉ P. quay về chung sống nhưng P. không đồng ý.
Trong lúc nóng giận, Văn đã tát P. sau đó kéo cô lên ngồi phía trước xe máy và điều khiển chạy nhanh về xã Hội Nghĩa, Tân Uyên.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày thì cả hai về đến phòng trọ, Văn kiểm tra điện thoại người yêu thấy có một số tin nhắn đã khiến anh ta nổi nóng, tát P. hai cái. Lúc này họ lại xảy ra đôi co, tuy nhiên vì đến giờ làm việc nên Văn sợ “nếu đi thì P. sẽ bỏ trốn”; vì vậy Văn nảy ý định nhốt người yêu trong phòng, chờ chiều về “xử lý” tiếp! Văn khóa cửa rồi chạy ra cửa tiệm gần đó mua sợi dây xích, quay về xích chân P. vào cây phơi đồ trong phòng trọ.
Đến 14 giờ, Văn khóa cửa phòng lại và vào công ty làm việc. Bị người tình nhốt giữ khiến P. hoảng hốt kêu la; song lúc này những người ở trọ xung quanh đều đi làm nên tiếng kêu của P. trở nên vô vọng. Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi chủ nhà trọ đi bơm nước thì nghe tiếng kêu của P., nên bà đã điện đến công an địa phương trình báo.
Khi lực lượng công an có mặt đã điện yêu cầu Văn về mở cửa phòng và mở xích chân cho P. Sự việc sau đó đã được chuyển đến cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Uyên thụ lý. Ngày 29-3, cơ quan CSĐT Công an Tân Uyên đã ra quyết định khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật đối với Văn và áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại phiên xét xử vào chiều 18-7, trả lời câu hỏi của HĐXX về động cơ phạm tội, Văn cho rằng “vì quá thương P., sợ cô bỏ đi lần nữa nên hành động mà thiếu suy nghĩ”. Bị hại P. cũng cho rằng: Văn hành động như vậy là vì thương và lo cho mình, cô còn cho biết sau khi sự việc xảy ra tình cảm của hai người đã nồng ấm lại như xưa; vì vậy tại phiên tòa này, P. đã khẩn khoản xin HĐXX tuyên mức án nhẹ nhất dành cho Văn.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng Văn 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Phiên tòa kết thúc với nụ cười tươi của bị cáo, bị hại và những người là bạn bè thân thiết của họ đến dự khán.
Theo NLD
Tình tiết mới "kỳ án hiếp dâm"
Cách đây không lâu, Báo ANTĐ đã đăng bài viết "Kỳ án hiếp dâm", xảy ra ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, sau hai lần mở phiên tòa xét xử, HĐXX đã phải tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nhiều tình tiết "mấu chốt" trong vụ án vẫn chưa được đề cập tới.
"Tiền hậu bất nhất!"
Viện KSND huyện Bình Xuyên cáo buộc, vào 0h45 ngày 7-8-2011, Nguyễn Văn Bộ dùng vũ lực, khống chế giao cấu trái ý muốn với chị Lê Thị Q (SN 1978, ở thôn Bờ Đáy, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), tại bãi cỏ ven đường khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên. Khi Bộ đang thực hiện hành vi phạm tội, thấy có người đi xe máy đến Bộ liền quay sang cướp chiếc điện thoại hiệu Nokia 6030i của chị Q và bỏ về nhà. Do chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại, biên bản khám xét dấu vết trên thân thể bị hại và biên bản khám nghiệm hiện trường, Viện KSND huyện Bình Xuyên đã cáo buộc Bộ phạm vào 2 tội "Hiếp dâm" và "Cướp tài sản". Khi vụ án được đưa ra xét xử, đối chiếu chứng cứ trong hồ sơ vụ án với lời khai của bị cáo, bị hại, nhân chứng... tại phiên tòa lại luôn "vênh" nhau.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, bị cáo Bộ một mực khẳng định: "Đây là một vụ va chạm giao thông xảy ra tại một ngã tư ở KCN Bình Xuyên. Chị Q bị ngã và chửi bị cáo. Do bực tức, bị cáo đã tát chị Q 2-3 cái chứ không hề có chuyện dùng vũ lực để hãm hiếp chị Q".
Còn tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (diễn ra từ 6 đến 11-6 vừa qua), cả bị hại Lê Thị Q và nhân chứng là bà Trần Thị Vân - y sỹ của Trạm Y tế (TYT) thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đều khai: Ngày 7-8-2011, sau khi chị Q bị Bộ dùng vũ lực, vật lộn, cắn vào ngực nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm thì chị Q không hề đến TYT thị trấn Hương Canh khám. Nhưng bị luật sư "vặn" lại, nếu không đến khám thì sao lại có "Giấy điều trị", có chữ ký của y sỹ và Trạm trưởng TYT là sao? Bà Vân trả lời: "... tôi mới làm bệnh án này cho hợp lệ...". Và cũng chỉ sau 2 tiếng đồng hồ nghỉ trưa, đến chiều, khi HĐXX tiếp tục làm việc thì cả nhân chứng và bị hại xin khai lại: chị Q có đến TYT thị trấn khám. Điều này đã khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về sự trung thực trong lời khai của cả nhân chứng và bị hại.
Trong hồ sơ vụ án mà VKS đưa ra truy tố, nhiều tài liệu cho thấy, cùng một khoảng thời gian, bị hại đã xuất hiện tại 3 địa điểm để làm việc với 3 nhóm người khác nhau. Tương tự, bị cáo cũng như vậy khi cùng lúc có mặt ở 2 nơi để ký vào hai biên bản làm việc. Nguy hiểm hơn, khi cơ quan tiến hành tố tụng, khám nghiệm hiện trường nhưng không có bị hại. Vậy cơ sở nào để khẳng định địa điểm mà cơ quan tố tụng tiến hành khám nghiệm đúng là hiện trường vụ án? Ngoài ra, cũng không có kết luận của cơ quan giám định xem dấu vết để lại hiện trường có phù hợp với lời khai của chị Q về việc bị ngã xe ở đây hay không?
Liên quan đến việc truy tố bị cáo Bộ phạm vào tội "Cướp tài sản", là chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia 6030i, nhưng trong hồ sơ vụ án, chưa có văn bản nào thể hiện đã thu hồi hay xác định chiếc điện thoại này được bị cáo sử dụng, cất giấu hay bán, cho ai?
Khai báo gian dối có thể bị phạt đến 7 năm tù
Đánh giá về sự thật khách quan trong mỗi vụ án hình sự là điểm mấu chốt để tránh oan cho người vô tội hay bỏ lọt tội phạm, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách&Cộng sự (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng: Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần và tài sản do tội phạm gây ra, còn người làm chứng là người biết được tình tiết liên quan đến vụ án.
Trong thực tế, người bị hại thông thường được pháp luật bảo vệ bởi vì họ đã bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp và có những trường hợp tính mạng bị xâm hại. Tuy nhiên, có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà người bị hại có thể trình bày các tình tiết không khách quan, không đúng sự thật, không phù hợp với vụ án dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn, việc truy tố và xét xử có thể không chính xác dẫn đến bị oan sai hoặc tổn hại cho tổ chức, cá nhân.
Pháp luật hình sự đã trao cho người làm chứng, người bị hại quyền đồng thời cũng quy định những nghĩa vụ, chế tài đối với họ. Nếu người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 308-BLHS. Còn nếu người làm chứng khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 307-BLHS.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla (Đoàn LSTP Hà Nội), tại Điều 122-BLHS quy định, người nào bịa đặt, loan truyền nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền và sẽ bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Theo ANTD
Ám ảnh nỗi kinh hoàng "đập gậy" Thủ đoạn cướp "đập gậy" không mới, nhưng luôn mang lại bao nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho những người bị hại bởi tính chất manh động, liều lĩnh và tàn bạo của các đối tượng gây án. Công an Hà Nội kiểm tra, thu giữ hung khí của các vụ cướp, trong đó có gậy gỗ Lật lại hồ sơ các vụ...