Nhộn nhịp teen mở shop trên Facebook
Lập tài khoản facebook và đặt tên cũng giống như treo biển cửa hàng, add thật nhiều friends rồi tag ảnh đẹp là những bước để marketing hiệu quả nhất cho shop thời trang trên facebook của teens.
Mở shop online ăn đứt shop thường
Mở shop thời trang không còn là việc quá xa lạ với cộng đồng teen năng động, thích kiếm tiền. Thị trường thời trang dành cho teen ngày càng được mở rộng, các xu hướng được cập nhật hàng ngày từ web của Hàn và tạp chí fashion hàng đầu, đó cũng là cơ hội để teen có trong tay các style thời trang hot nhất. Nắm bắt được xu hướng, những ông chủ/bà chủ tuổi teen đã nhanh chóng thiết lập mạng lưới cửa hàng thời trang, phụ kiện mang đậm phong cách teen, giá cả cũng phải chăng và mẫu mã thì cập nhật đa dạng. Kinh doanh đồ cho teen bỗng trở thành một “ngành nghề” đắt giá, hợp thời và nhanh chóng kiếm lãi.
Thế nhưng, để mở một cửa hàng mặt tiền giữa phố thật không dễ chút nào. Kiếm mặt bằng đã khó, thuê được nó còn khó hơn. Thông thường một cửa hàng trên phố cổ sầm uất 10-15m2 không bao giờ có giá dưới 8 triệu/tháng, đặt cọc và bắt buộc phải trả tiền nửa năm/lần. Lắm lúc tiền lãi không đủ để trả tiền thuê cửa hàng, chủ cứ tăng như kiểu ép giá, khiến teen phải tăng giá mặt hàng lên dẫn đến mất khách.
Vì vậy, với sự hỗ trợ của các trang web mua bán trên mạng, và gần đây nhất là “ông lớn” Facebook, những teen máu mê kinh doanh đã có thêm một cách buôn bán cực hữu hiệu. Lập topic trên web Mua rẻ, Rồng Bay hoặc ở các forum dành cho teen, hoặc lập tài khoản trên facebook là teen đã có riêng một “cửa hàng” trên mạng cho mình. Vì không tốn tiền thuê cửa hàng nên giá thành các sản phẩm mua bán trên mạng rẻ hơn rất nhiều, lợi cả người mua lẫn người bán. Có lượng khách trung thành vì làm ăn uy tín, không ít ông/bà chủ tuổi teen đã trở nên nổi tiếng.
Linh (sn1991) máu mê kinh doanh đồ thời trang từ khi cô bạn học lớp 9, nhưng khi đó chưa được bố mẹ tin tưởng giao vốn nên đành “nằm im” chờ thời. Vừa rồi, cộng cả tiền để dành suốt 3 năm, và vay thêm bố mẹ 10 triệu, Linh cùng 1 chị chủ shop khác sang Quảng Châu đánh hàng. Nhờ chịu khó lùng các style thời trang mới nhất trên web Hàn, không khó khăn để Linh chọn mẫu. Về nhà, cô bạn lập một tài khoản facebook, add hết friends của cả bạn bè để quảng cáo sản phẩm rồi tag mọi người vào ảnh. Chỉ trong vòng 1 tuần, Linh đã giao được gần hết số hàng lấy về nhờ giá quá rẻ, trung bình từ 90k-180k/món. Được bạn bè ủng hộ, cô nàng đang lên kế hoạch làm chuyến đánh hàng nữa.
Linh cho biết, cái hay của mua bán qua facebook là nhờ sự tiện lợi, mọi người chỉ lần vào facebook của mình là sẽ thấy ảnh tag vào đó, nếu thích thì hỏi, chủ shop nhanh chóng trả lời mọi thắc mắc về size, giá cả. Không phải tốn thời gian đi lượn lờ, giờ teen chỉ cần ngồi ở nhà và mua đồ đẹp rẻ trên chính trang facebook của mình. Nếu ok, chỉ vài tiếng sau là món hàng sẽ được chủ shop giao tận nơi kèm thêm vài nghìn tiền ship trong nội thành. Khách khó tính có thể đến tận nhà chủ shop xem hàng cho kỹ.
Một shop online trên Facebook (Ảnh minh họa)
Mỹ Hương, teen 11 VĐ là fan trung thành của mua hàng online. Ngày trước, Hương thường lang thang trên các web Mua rẻ, Én Bạc…, nhưng giờ thì chỉ cần vào facebook, hàng tá quảng cáo và update đồ mới sẽ “dính” trên wall (tường), tha hồ chọn. Giá cả vừa phải, cực hợp túi tiền của teen (vì chủ shop không tốn tiền thuê cửa hàng), mẫu mã cập nhận thường xuyên và đều là “hot trend”, kiểu mua bán này đang được khách hàng teen hết sức ưa chuộng.
Cũng không thiếu “ tai nạn nghề nghiệp”
Với các chủ shop,bán được đồ online trước hết phải có tính kiên nhẫn, chịu khó giao đồ tận nơi cho khách nếu có yêu cầu, và phải đặt uy tín lên hàng đầu thì mới mong giữ được khách giữa một “rừng” shop như hiện nay. Ở một vài nơi chuyên oder, nhập nhèm giữa việc nhận tiền của khách, gửi biên lai rồi hàng về chậm hay bị sứt mẻ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chủ shop. Huyền Trang (sn1990) kể, bạn có chị làm tiếp viên hàng không nên mua được mỹ phẩm, nước hoa miễn thuế rẻ hơn ở ngoài, Trang lập topic trên web rao bán đồ nhưng phải oder trước 1 tuần. Có lần hàng về trễ, hộp phấn giao cho khách bị vỡ chút ít do vận chuyển, khách nhất định không nhận hoặc có thì cũng phải giảm nửa tiền. Bán đồ qua mạng thì gặp những chuyện như thế không hề ít. Khi đó đành phải giảm giá để “đẩy” được hàng, không thì tìm khách khác bán lại.
Còn với khách hàng teen, không hẳn cứ bỏ ít tiền hơn mua hàng ở shop bình thường là có được đồ chuẩn. Không ít teen khi nhận được đồ thì guốc dép bị xước gót, quần áo sứt chỉ hoặc sợ hơn là mua phải mỹ phẩm đểu, ví dụ son Tony Tint hay phấn Shisedo giả… Quần áo, phụ kiện còn đỡ, mua nhầm mỹ phẩm giả thì tác hại thật không thể lường trước được. Vì thế, teens nên lựa chọn cẩn thận, không nên vì quá rẻ mà nhắm mắt oder bừa. Tốt nhất nên đặt mua ở những topic hay facebook uy tín, nhiều khách comment tốt và có ghi cả địa chỉ nhà rõ ràng.
Theo PLXH