Nhộn nhịp mùa ‘xúc’ ruốc biển ở Nghệ An
Những ngày này, từ sáng sớm trên bãi biển các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (TX Hoàng Mai), Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) và các xã ven biển Diễn Châu nhộn nhịp bởi thuyền bè và người khai thác ruốc.
Mùa ruốc ở biển thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch, tập trung nhiều nhất vào tháng 5, tháng 6. Tùy vào con nước mà ruốc xuất hiện nhiều hay ít, những hôm biển sạch, nước trong ruốc xuất hiện gần bờ, đi theo từng luồng rất dày.
Ngư dân có 2 cách khai thác ruốc. Ở gần bờ sử dụng trủ (lưới) đẩy – hình thức này dùng một loại lưới cước miệng rộng, được gắn với các thanh gỗ hoặc tre và đẩy bằng tay ngược theo con nước.
Nhưng nhiều ngư dân trúng đậm ruốc biển. Anh Trương Văn Thái ở Thôn 5, xã Quỳnh Liên cho biết: Anh dậy từ khi 4 giờ sáng, đi biển đến khoảng 9 giờ lại về; mỗi buổi như vậy có thể khai thác được khoảng 2- 2,5 tạ ruốc. Loại ruốc khai thác gần bờ thường nhỏ con nên người dân dùng để chế biến nước mắm.
Dụng cụ khai thác ruốc gần bờ là trủ đẩy – một loại dụng cụ là các thanh tre hoặc gỗ, có miệng rộng và túi lưới để xúc ruốc.
Anh Trương Văn Thái ở thôn 5, xã Quỳnh Liên cho biết một buổi sáng anh có thể xúc được hơn 2 tạ ruốc.
Cách khai thác thứ hai là các tàu thuyền nhỏ dùng lưới văng, đánh bắt xa bờ khoảng 1 – 2 hải lí. Mỗi chuyến như vậy có thể khai thác 4 – 5 tạ, nhiều gấp đôi dùng trủ đẩy.
Ruốc biển khai thác bằng lưới văng con to nên được dùng phơi khô. Hiện mỗi kg ruốc biển tươi loại to được bán với giá 7.000 đồng/kg, mỗi chuyến tàu có thể đạt 3 – 3,5 triệu đồng, lúc nhiều ruốc có thể chạy 2 chuyến/ngày.
Ruốc sau khi phơi khô có giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Video đang HOT
Ngư dân chuyển ruốc vào bờ nhập cho các điểm thu mua.
Ông Hồ Ngọc Tăng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: “Nghề khai thác ruốc biển không phải là nghề chính của người dân nơi đây nhưng vào chính vụ, nhiều bà con tranh thủ dậy sớm đánh ruốc bằng trủ đẩy. Hiện trên địa bàn xã Quỳnh Liên có 3 điểm thu mua ruốc tươi để chế biến, mỗi ngày có thể thu mua hàng chục tấn cho bà con. Nhờ nguồn hàng tươi và dồi dào nên ruốc khô Quỳnh Liên cũng đã có mặt ở nhiều thị trường và được ưa chuộng”.
Ruốc nhỏ được đánh gần bờ có thể dùng chế biến nước mắm và mắm tôm.
Ruốc biển có thể chế biến các món ăn tươi rất thơm ngọt, như: xào, nấu canh, làm gỏi… Với số lượng nhiều, ruốc được phơi khô để bán, bên cạnh đó có số lượng lớn được ngư dân dùng để muối mắm tôm và chế biến nước mắm.
Ruốc biển sau khi đánh bắt được rửa sạch để ráo nước, cho vào chum sành hoặc các bể xi măng đậy nắp kín và phơi ngoài nắng. Trong quá trình phơi, thi thoảng khuấy đều, hong nắng. Nắng càng to thì mắm tôm càng nhanh lên men, phơi khoảng hơn 3 tháng ruốc ngả màu tím là chín, có mùi thơm rất đặc trưng.
Ruốc sau khi phơi khô có giá dao động 80.000 – 100.000 đồng/kg.
Ruốc được rửa sạch, đưa vào bể xi măng để muối làm mắm tôm, nước mắm.
Hiện nay, số lượng ruốc di chuyển vào gần bờ rất thuận lợi cho việc khai thác của ngư dân có tàu thuyền công suất nhỏ. Riêng địa bàn thị xã Hoàng Mai có gần 100 tàu thuyền khai thác ruốc. Với thời tiết đang thuận lợi cho người đi biển, sản lượng ruốc khai thác được dự đoán sẽ còn tăng trong thời gian tới. Nhờ bội thu từ khai thác ruốc, nhiều hộ ngư dân ở biển Quỳnh có nguồn thu nhập khá để cải thiện đời sống.
Theo Thanh Thủy (Báo Nghệ An)
Mùa ruốc muộn mang tiền tỷ cho ngư dân Quảng Ngãi
Với thu nhập lên đến cả trăm triệu/ngày, mùa ruốc muộn năm nay đã mang lại tiền tỷ cho hàng trăm gia đình ngư dân ở Quảng Ngãi.
Những ngày gần giữa tháng 3 năm nay, cũng là thời điểm ngư dân ở làng chài thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bước vào đỉnh điểm của vụ khai thác ruốc.
Theo đó tại vùng biển nơi đây, cứ vào gần cuối giờ chiều, hàng trăm ghe, thuyền máy hành nghề đánh bắt ruốc lại trở về bến.
Số ruốc một đại lý thu mua được của ngư dân, sau chuyến đánh bắt đầy ắp ghe thuyền.
Ngư dân Bùi Tấn Hải (41 tuổi), bộc bạch: "Bình thường vụ khai thác ruốc hàng năm của ngư dân Quảng Ngãi thường diễn ra từ tháng 11 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 3 âm lịch năm sau thì chấm dứt. Tuy nhiên năm nay do thời tiết thay đổi nên vụ đánh bắt ruốc của ngư dân nơi đây muộn hơn so với những năm trước. Nhưng bù lại, ruốc vụ này xuất hiện ở gần bờ hơn nên việc khai thác khá thuận lợi".
Với địa điểm đánh bắt chỉ nằm cách bờ chỉ khoảng 20 hải lý nên cứ tầm 3- 4 giờ chiều là ngư dân ra khơi, đến khoảng 16-17 giờ cùng ngày đã trở về bến. Do vị trí đánh bắt gần như vậy nên phương tiện hành nghề chỉ là ghe, tàu gắn máy nhỏ, với công suất từ 20-60 CV.
Ruốc - hải sản mang lại tiền tỷ cho ngư dân Quảng Ngãi.
Bình quân mỗi tàu, ghe ra khơi thường có từ 4-8 người, với số lượng ruốc đánh bắt được từ 1-3 tấn/chuyến/ngày.
Với giá bán ruốc tươi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; 80.000 - 10.000 đồng/kg ruốc khô, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trung bình 10 triệu/ngày. Cá biệt có ghe đạt 50 triệu/chuyến/ngày.
Đưa ruốc đánh bắt được vào bờ để bán.
Việc mua bán ruốc diễn ngay trên bãi biển.
"Tính ra thu nhập bình quân cho số tham gia đánh bắt ruốc dao động 700.000 đồng -1,5 triệu đồng/người/ngày, cao gấp 2-4 lần so với đi đánh bắt cá", ngư dân Nguyễn Tấn Luông cho biết.
Lão ngư Nguyễn Tùng (54 tuổi, xã Bình Châu) khoe: "Từ Tết đến nay, số lượng ruốc tươi đã khai thác được hơn 5 tấn, thu về hơn 55 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và chia phần cho các ngư dân đi cùng, tôi còn được 30 triệu đồng".
Chuẩn bị đưa ruốc tươi đi tiêu thụ .
Phơi ruốc khô để chở đi nơi khác tiêu thụ.
Được biết toàn bộ số ruốc đánh bắt được của ngư dân Quảng Ngãi phần lớn được các đại lý chở sang các tỉnh bạn để bán.
Nhẩm tính với số lượng tham gia khai thác ruốc ở các vùng biển gần của tỉnh Quảng Ngãi lên đến con số hàng ngàn, số tiền thu về từ ruốc của ngư dân trong tỉnh phải tính bằng tiền tỷ.
Theo Danviet