Nhộn nhịp mua bán cát Campuchia trên sông Tiền
Chỉ một đoạn sông Tiền chừng 300 mét ( xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) nhưng có gần cả trăm sà lan, xáng cạp mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành Nam Bộ và cả một số tỉnh phía Bắc neo đậu ken cứng để chờ mua cát Campuchia.
Các xáng cạp múc cát từ sà lan Campuchia sang sà lan Việt Nam – Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhờ có chuyện mua cát Campuchia này nên nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Xương đã ăn nên làm ra từ việc cho thuê nhà, bán nước giải khát.
Cát Campuchia làm huyên náo vùng quê yên tĩnh
“Đến thời điểm này đã có khoảng chục hộ dân cho thuê nhà với giá từ 7 – 12 triệu đồng/tháng. Chủ yếu là người từ TP.HCM và các tỉnh miền Bắc vào đây thuê nhà để thu mua cát từ Campuchia. Có ba công ty thuê nhà dân để lập văn phòng đại diện tại Vĩnh Xương, An Giang này” – một cán bộ xã Vĩnh Xương nói.
Ông Tr. – Công ty T.H., mới lập văn phòng đại diện cặp bờ kè Vĩnh Xương – cho hay tháng trước thấy nhiều người ồ ạt mua cát Campuchia về bán lại nên ông cùng bạn bè thuê căn nhà của một hộ dân cặp bờ kè với giá 9 triệu đồng/tháng và đổ vốn vào đây mở văn phòng.
Anh T., cán bộ xã Vĩnh Xương, cho hay gần cả tháng nay nhiều người dân sống bên bờ kè sông Tiền đã trở thành “cò” cát ngoại cho những đại gia về đây mua cát.
“Hiện nay có ít nhất năm người dân khu vực này đã làm “cò” mua bán cát ngoại nhập về. Chủ yếu là họ bắt mối và tranh thủ giúp những người mua có cát sớm để hưởng hoa hồng. Nhờ vậy, nhiều người cũng có thêm thu nhập” – anh T. chia sẻ.
Video đang HOT
Theo ông P., chủ một doanh nghiệp khai thác có trên 20 năm kinh nghiệm, cát nhập khẩu từ Campuchia về chủ yếu là cát vàng. Đây là loại cát tốt nhất trong các loại cát sông.
Cát vàng có nhiều loại nên có nhiều mức giá khác nhau. Giá dao động khoảng 170.000 đồng/m3 đối với cát loại 1,4mm, còn cát loại 2,2 – 2,5mm có giá 270.000 – 280.000 đồng/m 3.
“Theo tôi được biết, Campuchia không có năng lực khai thác cát, mà chủ yếu là do các doanh nghiệp người Việt Nam sang đó bắt tay với một số người ở Campuchia khai thác. Sau đó, các công ty này đã bán cát cho các doanh nghiệp trong nước” – ông P. chia sẻ.
Khuyến khích nhập khẩu cát Campuchia
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết trước đây cát Campuchia chỉ tạm nhập ở An Giang rồi xuất sang nước thứ ba. Sau đó, Campuchia đã ký kết với Việt Nam không xuất khẩu cát sang nước thứ ba.
“Tôi khẳng định cát từ Campuchia nhập vào Việt Nam từ đó đến giờ không bao giờ bị cấm, vẫn nhập bình thường.
Hiện nay trong nước đang khan hiếm cát nên chúng tôi càng khuyến khích nhập cát. Vì An Giang gần như không còn cát vàng nữa, chủ yếu là cát đen dùng để san lấp”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang nói.
Ông Phan Văn Tâm – phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang – cho hay từ tháng 6 đến nay, cát nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam rất nhiều.
Đến nay, có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, với trên 2,5 triệu m 3 cát. Chủ yếu là hai doanh nghiệp lớn: Công ty Tịnh Phát và Công ty Đông Dương.
Giá cát bán tại Campuchia được kê khai trong tờ khai hải quan là 6 USD/m 3 (tương đương 140.000 đồng/m 3 – PV). Sau khi nhập khẩu cát về, phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%.
Theo ông Phan Văn Tâm, năm 2010 Campuchia đã cấm xuất khẩu cát sau khi xảy ra sạt lở. Đến năm 2022, họ mở cửa nên nhiều doanh nghiệp sang Campuchia tham gia khai thác cát rồi bán lại cho các doanh nghiệp trong nước.
“Lúc đó, cát Campuchia đi qua Việt Nam dạng tạm nhập tái xuất. Còn hiện nay, tất cả cát nhập khẩu vào chỉ sử dụng trong nội địa và không được xuất khẩu sang nước thứ ba, nếu xuất phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Tôi nghĩ do hiện nay trong nước khan hiếm cát nên nhiều người đã đổ xô nhập khẩu cát về bán” – ông Tâm nói thêm.
Một cán bộ hải quan tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho biết nhiều doanh nghiệp đã lên Vĩnh Xương tìm hiểu giá cát để nhập về, thậm chí để so sánh trước khi nhập. “Chi phí thuê sà lan là 300 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống và dầu nhớt. Do đó, các doanh nghiệp đã lên đây mở văn phòng đại diện rồi thăm dò để tham gia mua bán cát ngoại khi cát trong nước đang khan hiếm” – vị này nói.
Campuchia chỉ cấp phép khai thác trên sông Mekong
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ung Dipola – tổng cục trưởng Tổng cục Quặng mỏ (Bộ Quặng mỏ và Năng lượng, Campuchia) – cho biết Campuchia có thế mạnh về tài nguyên cát, nhất là theo lưu vực sông Mekong, có thể hỗ trợ cho nước láng giềng Việt Nam để cung cấp cho các công trình giao thông, xây dựng.
Tuy nhiên, Campuchia quản lý nguồn tài nguyên này rất chặt chẽ để đảm bảo khai thác cát không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến cuộc sống của người dân cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Campuchia.
“Chúng tôi chỉ xem xét cấp phép khai thác cát trên sông Mekong (vào Việt Nam là sông Tiền – PV), chưa có chủ trương cấp phép khai thác cát trên sông Bassac (vào Việt Nam là sông Hậu – PV)”, ông Ung Dipola nói.
Khan hiếm cát san lấp: Bộ đề nghị 6 tỉnh, thành miền Tây hỗ trợ tìm cát đắp nền cao tốc
Để chủ động nguồn cát đắp cho các dự án đường cao tốc sắp triển khai trong khu vực, ngày 14-9, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi 6 tỉnh, thành miền Tây hỗ trợ điều tra, khảo sát nguồn cung cát.
Sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền (đoạn xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) để chờ lấy cát - Ảnh: BỬU ĐẤU
Công văn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy ký gửi UBND TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng cho biết tháng 2-2022, bộ đã phê duyệt các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường cho hai dự án trên khoảng 18 triệu m 3.
Nhằm chủ động nguồn cung cấp vật liệu, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất cung cấp cát đắp cho các dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, do các địa phương đang ưu tiên nguồn để phục vụ công trình trong tỉnh nên hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết cấp khoảng 1,1 triệu m 3 từ việc tăng 50% công suất các mỏ.
Đối với việc cấp phép các mỏ mới để khai thác phục vụ nhu cầu của các dự án, cả hai tỉnh đều chưa khẳng định.
Qua làm việc với các địa phương về nguồn cát đắp nền đường, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết ngoài việc khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng, đơn vị này đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng cung ứng đối với các mỏ cát đã có trong quy hoạch chưa được cấp phép, các mỏ tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các mỏ cát biển...
Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ và chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương:
Phối hợp, tạo điều kiện cho Ban quản lý Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn trong quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.
Đối với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác.
Cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m 3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.
Tìm kiếm công nhân mất tích sau tai nạn sập sàn phụ trợ thi công cầu Mỹ Thuận 2 Vụ sập sàn công tác phụ trợ thi công cầu Mỹ Thuận 2 khiến 3 công nhân rơi xuống sông Tiền, 2 người được cứu còn 1 người mất tích. Ngày 1.10, lực lượng chức năng vẫn đang phối hợp với đơn vị thi công cầu Mỹ Thuận 2 (bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang) tìm kiếm công...