Nhộn nhịp Lễ hội hoa sở Bình Liêu
Cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) hơn 100km về phía Đông Bắc, Bình Liêu mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, bình dị.
Cây sở cao từ 5 – 10 m có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, là loài cây thuộc giống chè còn có tên gọi khác là trà mai, trà mai hoa hay trà dầu.
Đến Bình Liêu mùa này, du khách gần xa sẽ không khỏi trầm trồ, ấn tượng khi được thưởng lãm sắc trắng tinh khôi, mộc mạc của những cánh rừng hoa sở nở bạt ngàn núi rừng trùng điệp.
Có một lễ hội độc đáo mà du khách nên ghé thăm đó là lễ hội hoa sở, nơi du khách được vui chơi, giải trí, giao lưu và tìm hiểu phong tục văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây.
Cứ vào tháng 12 hàng năm, những cánh rừng hoa sở ở Bình Liêu lại khoác lên mình một màu trắng tinh khôi, mộc mạc khiến du khách gần xa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Năm nay, Hội hoa sở Bình Liêu thu hút khách với nhiều hoạt động nghệ thuật mang đậm bản sắc các dân tộc của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ…
Video đang HOT
Lễ hội được tổ chức tại thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm) nơi có hoa sở nở rộ nhất, đẹp nhất.
Nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm cùng người dân bản địa trong lễ hội.
Du khách nghỉ ngơi, thư giãn dưới những tán cây hoa sở và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Đông đảo người dân đến xem các tiết mục múa, hát trong lễ hội.
Thiên Thanh
Theo giaoducthoidai.vn
Có một Bình Liêu níu chân người...
Từ một địa danh nghe đã thấy xa xôi, hẻo lánh... mấy năm trở lại đây, Bình Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Chiến lược phát triển du lịch đang thực sự tạo nên sức hút lớn cho Bình Liêu - huyện miền núi biên giới ở cực Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Từ Nghị quyết nhiều nghi ngại...
Ngày 31/7/2015, Ban chấp hành Đảng bộ huyện ủy Bình Liêu ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU về phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 01). Khi đó, không ít người nghi ngại với mục tiêu của Nghị quyết này, bởi xưa nay Bình Liêu gắn liền với những khó khăn, thiếu thốn, xa xôi, cách trở. Để đưa Bình Liêu phát triển, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Bình Liêu mới tính chuyện xóa đói, giảm nghèo, chứ chưa chuẩn bị tâm thế cho việc khơi dậy vẻ đẹp tự nhiên vốn có của vùng đất giáp biên heo hút.
Bình Liêu đang là sức hút mới của du lịch Quảng Ninh
Chọn cho Bình Liêu hướng đi mới, ông Cao Tường Huy - Bí thư huyện ủy Bình Liêu lúc bấy giờ (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) nung nấu quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Liêu. Theo đó, nhiều mục tiêu, giải pháp cho vấn đề phát triển du lịch Bình Liêu nêu trong Nghị quyết 01 đã được huyện ủy Bình Liêu chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; tiếp đó Lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu; thành lập Ban chỉ đạo phát triển dịch vụ huyện...
Ngay sau khi Nghị quyết 01 được ban hành, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao ở Bình Liêu được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các chuyên trang du lịch uy tín... Song song với các hoạt động này, công tác đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch cũng được Bình Liêu đặc biệt chú trọng; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được phổ biến rộng rãi tới các thôn bản.
Tại Quảng Ninh, Bình Liêu là địa phương sở hữu nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc
Với việc triển khai Nghị quyết 01, huyện miền núi biên giới Bình Liêu như có thêm luồng sinh khí mới; phát triển du lịch đã được các cấp, các ngành, các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ Mặt trận tổ quốc, các lãnh đạo chủ chốt, các ban ngành đoàn thể... mà ngay cả nhân dân các thôn bản, khu phố cũng hiểu hơn về những tiềm năng du lịch mà quê hương đang sở hữu; từ đó ý thức hơn về việc cùng chung tay tạo dựng môi trường du lịch để đón khách gần xa.
... Đến một Bình Liêu khởi sắc
Trở lại Bình Liêu sau 4 năm Nghị quyết 01 đi vào đời sống, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với những tuyến đường tuần tra biên giới và đường lên các cột mốc của Bình Liêu được trải nhựa uốn lượn quanh những rừng quế, rừng hồi, rừng thông xanh mướt. Dọc theo các con đường, biển chỉ tuyến, chỉ dẫn đường đến danh thắng Khe Vằn, Khe Tiền, sống lưng khủng long... được bố trí bắt mắt, dễ nhận biết. Ngay cả ở các thôn, bản cao nhất, những cung đường biên xa xôi nhất, sóng di động cũng đã được phủ đến.
Đi sâu vào các thôn bản, du khách dễ dàng có được những trải nghiệm thú vị với hoạt động tham quan rừng sở, vườn củ cải, miến dong; chứng kiến quy trình sản xuất của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ tại xưởng sản xuất tinh dầu; xưởng sản xuất miến dong. Và nếu đến đúng dịp đầu năm mới, du khách còn có cơ hội tham gia vào lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ và Hội Kiêng gió độc đáo, hiểu thêm về đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Thay vì 1 nhà nghỉ ở thị trấn và 5 nhà nghỉ quy mô nhỏ ở cửa khẩu Hoành Mô (năm 2015), đến nay, số cơ sở lưu trú trên địa bàn Bình Liêu đã lên tới 18 cơ sở với 197 phòng nghỉ. Cùng với đó là một số homestay hoạt động khá hiệu quả như: Homestay A Dào, homestay Sông Mooc (xã Đồng Văn), homestay Hoàng Sằn (xã Hoành Mô)... Khác với không khí vắng vẻ trước đây, những ngày cuối tuần, thị trấn Bình Liêu nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của nhiều đoàn khách du lịch.
Vẻ đẹp hoang sơ, bình dị và sự cởi mở, chân tình của người Bình Liêu trở thành sức hút níu chân du khách
Bàn về câu chuyện du lịch, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, người con gái dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Bình Liêu - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu - chia sẻ: Năm 2015, Bình Liêu đón khoảng 33.000 lượt khách, với 3.500 lượt khách lưu trú; 7 tháng năm 2019, số khách đến với Bình Liêu đã là 53.046 lượt, trong đó khách lưu trú là gần 10.000 lượt. Doanh thu toàn xã hội về hoạt động du lịch đạt khoảng 20 tỷ đồng. "So với mục tiêu "giai đoạn 2015-2020 du lịch đóng góp trên 20% vào tăng trưởng kinh tế huyện" mà Nghị quyết 01 đặt ra thì Bình Liêu chưa đạt, nhưng Bình Liêu đang có nhiều yếu tố để kỳ vọng", bà Hạnh cho biết thêm.
Đó là khi cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) được công bố là cặp cửa khẩu song phương vào tháng 1/2020, hoạt động du lịch biên giới sẽ được khai thông; thị trường khách Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó là các dự án đang được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư như: Dự án du lịch cộng đồng xã Lục Hồn; dự án du lịch sinh thái thác Khe Vằn; dự án trồng hoa trên thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô. " Với sự quyết tâm của doanh nghiệp và việc tạo điều kiện tốt nhất của chính quyền địa phương, đây sẽ là những điểm đến thu hút khách tham quan trong thời gian không xa" - Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết Hạnh tin tưởng.
Đường đến Bình Liêu nay không còn xa nhờ hệ thống đường giao thông được nâng cấp, xây mới. Thiên nhiên Bình Liêu vẫn giữ được những nét riêng, hoang sơ và bình dị. Đi qua những mùa hoa còn đó một Bình Liêu để du khách dừng chân nghỉ ngơi, trải lòng với thiên nhiên tươi đẹp và con người Bình Liêu cởi mở, chân tình.
Mai Quỳnh
Theo congthuong.vn
Chợ nổi: Không gian văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam Bộ Tây Nam Bộ là vùng châu thổ phù sa. Nơi đây trước kia là vùng hoang vắng, trũng thấp, là vùng đất mới nổi, rất nhiều đầm lầy, kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc, nhiều lượng phù sa do sông Mê Kông cung cấp. Nhờ vậy, đồng ruộng phì nhiêu, cây trái tốt tươi, trĩu quả. Chợ nổi Cái Răng nằm...