Nhộn nhịp “chợ đen” bán máu
Một số người vì trong bệnh viện không có nguồn máu hoặc trong nhà không ai hợp nhóm máu với bệnh nhân nên đành ra ngoài tìm mua. Chính vì vậy đã tạo nên một “ chợ đen” về máu và thế giới “cò” sẵn sàng cung ứng mọi nguồn máu.
Một lần đến thăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khi tôi còn đang ngẩn ngơ trước cổng bệnh viện với hàng chục người xô lấn chen chân mời gọi đi xem ôm, taxi, nhà trọ… , thì một anh chừng 40 tuổi tiến sát lại tôi, hỏi thì thầm: “Có cần mua máu không?”. Nhanh như cắt, anh nhét vào tay tôi một mẩu giấy ghi tên và số điện thoại, kèm theo lời nhắn “nếu cần máu thì gọi nhanh” rồi biến mất trong chớp mắt.
Mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của 1 “cò”
Tờ giấy được anh cắt rất nhỏ gọn, ghi những dòng chữ rõ ràng. Nhìn những mảnh giấy này, ai cũng đoán được nó được chuẩn bị từ trước, như một chiếc card để trao cho người khác.
Cấm tờ giấy ghi tên anh và số điện thoại, tôi nhấc máy gọi, nhanh chóng nhận được tín hiệu trả lời. Nghe tôi nói muốn cần 2 đơn vị máu, anh hẹn sẽ đến ngay và điểm hẹn tại phía sau Bệnh viện Phụ sản Trung ương để trao đổi cụ thể việc mua bán.
Cổng Bệnh viện Việt Đức luôn có sẵn một nhóm “cò” máu
Tôi trình bày có người anh trai bị tai nạn đang cấp cứu tại khoa Phẫu thuật Thần kinh trong bệnh viện, chiều mai mổ và cần 2 đơn vị máu, nhưng do người nhà ở xa và không đủ sức khỏe để cho máu nên cần mua máu bên ngoài. “Tôi trông anh khỏe mạnh là tôi yên tâm hơn rồi” – tôi hồ hởi khen ngợi.
Video đang HOT
Người đàn ông này tên Th. thú thực: Không phải chính anh bán máu mà chỉ là người môi giới, dẫn người đến để bán máu. Việc mua máu thường dành cho những gia đình bệnh nhân ở xa không có người cho máu hoặc những gia đình có điều kiện khá giả.
Anh động viên tôi: Tội gì mình phải cho máu, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là sẽ có người đến cho, để sức mà trông coi người nhà. Anh lấy dẫn chứng nhiều gia đình vì tiếc tiền mua máu vừa trông nom người bệnh vừa cho máu đến khi kiệt sức lại phải đi cấp cứu, còn đắt quá mua ngoài vào.
1 đơn vị máu giá 1 triệu đồng
Thấy tôi băn khoăn về “nguồn máu” cung cấp, anh quảng cáo: “ Phần lớn người hiến máu đều là sinh viên, khỏe mạnh lắm, chúng nó cần tiền nên mới phải bán máu. Cần máu con trai cũng có, con gái cũng có, các nhóm máu đều có”.
Sau khi trao đổi rõ xuất xứ, nguồn gốc của máu, anh đi thẳng vào vấn đề giá cả. Một người hiến máu tương đương với 1 đơn vị máu có giá là 1 triệu đồng. Gia đình có trách nhiệm cung cấp tên bệnh nhân, khoa điều trị.
Việc bán máu diễn ra rất bí mật, ai có nhu cầu chỉ cần hỏi nhỏ cánh xe ôm là có ngay người cung cấp
Ngoài ra, người mua máu còn phải đặt cọc trước 400 nghìn đồng/người. Ngược lại, người mua máu sẽ được cầm chứng minh thư của “cò” làm tín vật. Việc mua bán sẽ diễn ra trước 1 ngày khi bệnh nhân vào phòng mổ.
Tiền làm xét nghiệm trong bệnh viện gia đình bệnh nhân phải lo, một lần xét nghiệm là 60 nghìn đồng/người. “Nếu sau khi xét nghiệm máu không đủ tiêu chuẩn như bị các bệnh truyền nhiễm, viêm gan B, HIV thì chúng tôi sẽ hoàn lại tiền đặt cọc và tiền xét nghiệm cho gia đình, nhưng chưa bao giờ rơi vào cảnh phải hoàn tiền vì người hiến máu đã qua tuyển chọn” - anh Th. khẳng định như vậy.
Khi tôi băn khoăn về nhóm máu O rất khó tìm, anh khẳng định: “Em chưa truyền máu bao giờ sao?, nhóm máu nào cũng được, chỉ cần có máu thôi, người ta có lấy máu trực tiếp truyền cho bệnh nhân đâu mà phải qua thời gian cửa sổ 6 tháng, họ lấy bù đắp vào phần máu cung cấp cho người nhà mình”.
Người đàn ông này bật mí: Việc mua bán này rất bí mật, các sinh viên truyền tai nhau và tự tìm đến họ nhờ họ. Một vụ làm ăn thành công họ cũng được một khoản “tất nhiên là hơn hẳn cuốc xe ôm” – người đàn ông tên Th. hài hước.
Theo Bee
Bi hài chuyện khám bệnh lúc... nửa đêm
Tại đây có cảnh phiếu "chợ đen" lộng hành, rất nhiều người, đặc biệt là người bệnh ở quê lên, phải mua phiếu "chợ đen" để được khám sớm.
Suất khám nửa đêm về sáng
Đó là phòng mạch chuyên khoa da liễu của bác sĩ Võ Thị Bạch Sương tại 193D Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TP.HCM. Lúc này là 20g.
Soi da thì không mất tiền cò Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một cách khác để người bệnh đến khám tại phòng mạch của bác sĩ Sương không phải đưa phiếu là đăng ký soi da tại phòng mạch với giá 90.000đ. "Người bệnh chỉ việc bỏ ra 90.000đ để soi da, soi da một lần rồi lần sau đến là khám luôn không cần phải chờ đợi, cũng không cần phải mất tiền mua phiếu chợ đen" - một nữ bệnh nhân cho biết.
Bảng lưu ý trước phòng mạch ghi: số phiếu từ 1-30 khám từ khoảng 17g30-24g, từ số 31 trở lên vui lòng có mặt từ 23g45 chờ khám theo thứ tự. Tuy nhiên, chồng bà Sương - người trực tiếp phát phiếu - cho hay: "Số phiếu từ 1-40 được ưu tiên khám trước 23g30. Ai có số phiếu này ít phải chờ đợi, còn số phiếu từ 40 về sau vui lòng có mặt từ 23g15. Ở đây thường thì ca khám cuối cùng cũng phải 3g-4g sáng hôm sau".
Chúng tôi vào phòng mạch đưa phiếu số 66 vừa bốc trên xâu số treo trước cổng, chồng bà Sương nói: "Phòng mạch hết chỗ rồi, số lớn ra ngoài chờ đến sau 23g vào nằm chờ đến sáng để được khám". Đành ra ngoài cùng nhiều bệnh nhân khác chờ đến để được vào phòng mạch khám suất nửa đêm về sáng. Trong số đó có nhiều người dân từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Kiên Giang... lặn lội đến đây.
Đúng 23g, chúng tôi vào bên trong thì phòng mạch đã trải chiếu. Gần 40 người đến khám bệnh nằm ngồi chen chúc với mấy manh chiếu trong căn phòng nhỏ hẹp. Do thiếu chỗ nên nhiều người phải ngồi ở dãy ghế ngoài cổng hoặc lề đường.
Đúng "giờ trải chiếu" 23g, những người khám bệnh đến nằm chờ chen chúc để được khám suất nửa đêm về sáng (ảnh chụp lúc 0g56 ngày 22-11)
Cùng ngồi chờ khám có anh L.X.L., quê ở Phan Rang, Ninh Thuận. Anh kể: " Tôi bị rụng tóc, nghe mấy người ở quê giới thiệu nên bắt xe đò vào đây điều trị. Đây là lần tái khám, tôi khám lần đầu cách đây hơn một tháng phải chờ đến 3g sáng mới khám được. Hôm nay bốc số 81 nên chắc cũng phải chờ tới giờ đó".
Phiếu khám... "chợ đen"
Rất nhiều người đến khám, đặc biệt là những người ở quê lên, vì không thể chờ đợi thâu đêm suốt sáng nên đành nghe theo lời "cò" đi mua phiếu "chợ đen" với giá cắt cổ. Ba mẹ con chị N.T.H. đến từ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai chờ đến khuya vẫn chưa được khám. Nghe lời "cò", chị ra nhà giữ xe hỏi mua phiếu. Bà K., chủ nhà xe, chào giá: "Phiếu số 1,2,3 thì giá 130.000đ, vào khám liền, phiếu số 12,13 thì 80.000đ nhưng phải hai tiếng sau mới khám được". Nấn ná mãi chị H. mua phiếu số 12 với giá 80.000đ...
Vợ chồng anh T. mua phiếu số 4 với giá 130.000đ tại quán nước của bà Y. ở đối diện phòng khám. Anh nói: "Dù biết mất tiền nhưng thà vậy còn hơn để con đứng chen chúc chờ đợi".
Ở "chợ đen" này, nhiều "cò" quan sát trạng thái của "con mồi" để chào giá, ai lớ ngớ có khi mua phiếu số 1, 2, 3 với giá tới 300.000đ. Các "cò" không những bán trực tiếp phiếu cho người bệnh mà còn cho họ đặt trước số theo ngày tháng. Phần lớn khách đặt phiếu trước thường là khách quen từ xa đến. Khi chúng tôi ngỏ ý đặt hai phiếu cho người nhà vào hai ngày sau thì "cò" Y. cầm quyển sổ đặt chỗ ra dò một lúc rồi nói: "Phiếu ngày đó đã đặt hết rồi".
Theo bác sĩ Sương: "Lúc 3g sáng phòng mạch sẽ phát phiếu công khai tại cửa". Chồng bà Sương nói: "Nhưng đừng đến giờ đó mà khổ vì đến cũng không nhận được phiếu số nhỏ đâu...".
2g45g sáng 19-11 và 23-11, có mặt tại đây chúng tôi thấy khoảng 10 người nằm ngồi chờ đợi, đó là những người mồi chài bán phiếu "chợ đen" cho người bệnh.
3g15, bóng điện phòng khám lóe sáng họ gọi thêm hơn 10 người nữa ùn ra nhận phiếu. Một lát sau chồng bác sĩ Sương xuất hiện với bọc phiếu trên tay. Người đứng nhận phiếu xếp thành hai hàng ngang, các "cò" vé đứng dồn về một hàng, chỉ có vài người tách ra đứng ở hàng có người bệnh và "khống chế" không cho người bệnh đứng đầu. Chúng tôi dù đến từ rất sớm nhưng cũng bị một đám "cò" đuổi khỏi hàng và bắt xếp đứng sau.
Trong ánh đèn mập mờ, phiếu được phát một lượt cho những người đứng ở hàng "cò" trước, sau đó các "cò" đút phiếu vào túi quần rồi đi vòng lại nhận phiếu lần hai. Những người bệnh chỉ biết đứng nhìn mà không ai dám lên tiếng. Như có một luật ngầm: khi đến lượt phát phiếu cho một vài người bệnh xếp ở hàng sau thì đã hết phiếu số nhỏ. Người bệnh chỉ được nhận phiếu từ 41 trở lên, đồng nghĩa với việc họ vẫn phải đến chờ khám sau 23g.
Không cấm Thời gian hoạt động của các phòng mạch tùy thuộc vào giấy phép đăng ký hoạt động trong giờ hay ngoài giờ. Ở nước mình chưa có quy định rõ ràng là cho hoạt động từ 17g đến mấy giờ nên có nhiều phòng mạch vẫn hoạt động từ 17g hôm nay đến 3g-4g sáng hôm sau. Điều này tùy thuộc vào sức khỏe của bác sĩ và sự đồng ý của bệnh nhân. Ông Lê Minh Hải (trưởng phòng quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ
Vé tàu chợ đen vào mùa "săn" khách Đội quân bán vé tàu Tết chợ đen hoạt động tấp nập quanh khu vực ga Sài Gòn, ai có nhu cầu thì đặt tiền cọc trước, còn vé đến gần ngày đi mới có. Khoảng 10 giờ ngày 16-11, thấy chúng tôi lảng vảng trước cổng ga Sài Gòn, lập tức có hơn mười phụ nữ chạy đến mời mua vé tàu...