Nhóm tội phạm tại Campuchia lừa đảo hàng nghìn tỷ của người Việt Nam qua mạng
Các đối tượng người Việt Nam hoạt động tại Campuchia, sử dụng công nghệ cao để thực hiện lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online trên mạng Internet, dụ dỗ bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng.
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát hình sự (Phòng 9) cùng với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng 6) đã phát hiện nhóm đối tượng người Việt Nam hoạt động trong một công ty trá hình do đối tượng người nước ngoài làm chủ đặt trụ sở tại Campuchia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam với quy mô lớn. Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng 9) xác lập chuyên án để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các đơn vị tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, đấu tranh triệt phá.
Cảnh sát Campuchia phối hợp, bắt giữ, bàn giao các đối tượng cho Cảnh sát Việt Nam.
Qúa trình điều tra, các trinh sát của Phòng 9 (Cục Cảnh sát hình sự) và Phòng 6 (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) đã làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tại Campuchia, đó là sử dụng công nghệ cao để thực hiện lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online trên mạng Internet, dụ dỗ bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shoppe, Lazada… hoặc lập tài khoản trên trang Corona đặt cược đánh bạc tài/ xỉu để được hưởng hoa hồng. Các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Đối tượng Nguyễn Hoàng Sang (Trưởng nhóm lừa đảo).
Căn cứ tài liệu chuyên án thu thập được, ngày 7/1, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an các địa phương tiến hành triệu tập, bắt giữ các đối tượng cùng trú tại tỉnh Tây Ninh, gồm: Nguyễn Hoàng Sang (Trưởng nhóm, SN 2001); Lê Trường Thịnh (Trưởng nhóm, SN 1997); Dương Hoàng Tiểu Băng (SN 2002); Nguyễn Hồ (SN 1994); Nguyễn Quang Hiếu (SN 1995); Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1999); Phạm Tuấn Khiêm (SN 2001); Bùi Gia Khiêm (SN 2005) và các đối tượng: Châu Nguyên Bảo (SN 2001), trú tại tỉnh Sóc Trăng; Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 2002), trú tại tỉnh Bình Định; Nguyễn Vũ Luân (SN 1997), trú tại tỉnh An Giang; Nguyễn Ngọc Thảo (SN 1998), trú tại tỉnh Cà Mau; Đặng Xuân Hưng (SN 1994), trú tại tỉnh Thái Nguyên.
Đối tượng Lê Trường Thịnh (Trưởng nhóm).
Điều tra mở rộng, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục bắt giữ các đối tượng: Phan Trung (Trưởng nhóm, SN 1996), trú tại TP Đà Nẵng; Nguyễn Thị Diệp Đan (SN 2001), trú tại tỉnh Bình Dương; Phòng Thị Cẩm Lệ (SN 1997), trú tại tỉnh Bắc Giang; Huỳnh Thị Duyên Thắm (SN 1995), trú tại tỉnh Cần Thơ; Nguyễn Văn Đình (SN 2003), trú tại tỉnh Thái Nguyên; Phan Anh Tú (SN 2003), trú tại tỉnh Thái Nguyên; Đặng Thành Phát (SN 2002), trú tại tỉnh Kiên Giang; Phạm Văn Trường (SN 1998), trú tại tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thị Thành (SN 1996), trú tại tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 2001), trú tại tỉnh Bình Thuận.
Cơ quan điều tra đã thu giữ 25 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Video đang HOT
Các đối tượng thời điểm bị bắt giữ.
Đến nay, Cơ quan điều tra xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng như sau: Từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023, đối tượng tên thường gọi là “Lùn” và “Trắng” (chưa rõ nhân thân, lai lịch; người Trung Quốc) câu kết với các đối tượng người Việt Nam thành lập công ty trá hình đặt trụ sở tại khu Venus, tỉnh Svayrieng, Camphuchia (từ tháng 10/2022, chuyển trụ sở đến khu King Crow, tỉnh Svayrieng, Campuchia) sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam. “Lùn”, “Trắng” đã tuyển được gần 100 nhân viên đưa sang Campuchia làm việc bằng hình thức thông qua các trang mạng xã hội đăng bài viết đưa ra mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn để tuyển nhân viên hoặc khuyến khích các nhân viên đang làm việc lôi kéo thêm bạn bè, người thân sang Campuchia làm việc.
Các đối tượng tham gia lừa đảo.
Sau khi tuyển được nhân viên đưa sang Campuchia, “Lùn”, “Trắng” thỏa thuận trả công cho nhân viên 800USD/1 tháng, ngoài ra còn được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo được của các bị hại. Đồng thời, bố trí cho nhân viên ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà, đào tạo nhân viên cách thức lừa đảo bằng cách cho nhân viên đọc các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo và làm việc cùng nhân viên đã làm việc trước để học việc. Sau đó, “Lùn”, “Trắng” quản lý, chia nhân viên theo các tổ, nhóm để cùng nhau hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, nhóm nhân viên telesale khoảng 20 đối tượng có nhiệm vụ gọi điện, nhắn tin qua facebook để dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia làm việc online trên mạng Internet để được trả công từ 100 đến 300 ngàn đồng/1 ngày, bị hại đồng ý thì chuyển thông tin số điện thoại, tài khoản facebook của bị hại cho nhân viên sale tiếp tục thực hiện lừa đảo bị hại. Nhóm nhân viên sale khoảng 80 đối tượng được chia thành 3 nhóm A,B,C, mỗi nhóm chia thành nhiều tổ (mỗi tổ có 3 nhân viên được giao quản lý 1 máy tính, 1 điện thoại gọi là máy 1,2,3).
Hàng ngày, các nhóm trưởng gồm: Nguyễn Hoàng Sang, Lê Trường Thịnh, Phan Trung trực tiếp giao việc cho các nhân viên thực hiện nhiệm vụ lừa đảo, cụ thể: Nhân viên máy 1 tiếp nhận thông tin bị hại từ nhóm telesale, sau đó gọi điện, nhắn tin qua facebook dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia theo dõi, thả tim tiktok, facebook, nghe nhạc MP3 để được trả công, bị hại đồng ý tham gia thì chuyển thông tin cho nhân viên máy 2. Nhân viên máy 2 hướng dẫn bị hại thả tim tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công từ 10 đến 50 ngàn đồng/1 lần, chuyển tiền làm từ thiện làng trẻ em SOS, lập tài khoản trên trang web Corona (từ đầu tháng 11/2022 đến nay, đối tượng liên tục đổi tên miền trang Corona thành Goruur1.com, SX38.com, ua8wglfq.com; trang web này có giao diện giống với các trang web đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, máy chủ đặt tại Campuchia).
Khi bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng thì các đối tượng gửi qua telegram cho bị hại một hợp đồng giả mạo của một công ty tài chính cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn cho bị hại. Sau đó, hướng dẫn bị hại liên hệ qua telegram gặp chuyên gia là nhân viên máy 3. Nhân viên máy 3 hướng dẫn chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để có điểm trong tài khoản đã lập trên trang web Corona (1 điểm bằng 1 ngàn đồng), đọc các lệnh tài/xỉu hoặc chẵn/lẻ cho bị hại thực hiện đặt cược để được hưởng hoa hồng từ 30% đến 60%. Ban đầu bị hại chuyển số tiền nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đặt cược thì được đối tượng trả tiền về tài khoản ngân hàng của bị hại (gọi là nuôi khách). Khi bị hại chuyển số tiền lớn và yêu cầu rút tiền thì bọn chúng đưa ra nhiều lý do như lỗi hệ thống, sai số tài khoản ngân hàng, bị hại chưa hoàn thành nhiệm vụ… không cho bị hại rút tiền, yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để xác minh tài khoản, nếu bị hại không còn khả năng nộp thêm tiền thì chặn liên lạc, khóa tài khoản của bị hại đã lập trên trang web Corona (gọi là giết khách).
Nhóm nhân viên có nhiệm vụ cung cấp số tài khoản ngân hàng cho nhân viên các tổ A,B,C để cho bị hại chuyển tiền, quản lý app Corona chuyển điểm vào tài khoản của bị hại; can thiệp, chỉnh sửa thông tin mật khẩu, số tài khoản ngân hàng hoặc khóa tài khoản không cho bị hại rút tiền, chấm công, tính lương và phát lương cho nhân viên; gửi đường link tiktok lên nhóm nhận nhiệm vụ tiktok, quản lý thẻ cào điện thoại (mỗi thẻ có 1 USD) để nạp tiền phát dịch vụ Internet trên các máy điện thoại của nhân viên, quản lý tài khoản ngân hàng để chuyển trả tiền cho các bị hại thực hiện xong nhiệm vụ ban đầu.
Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo hàng nghìn người Việt Nam với số tiền chiếm đoạt ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can đối với 23 đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là chuyên án đấu tranh với tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Kết quả phá án cơ bản thành công, đã bắt giữ được các đối tượng có vai trò quản lý, tổ chức, đối tượng trực tiếp thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam trên không gian mạng, tổ chức tội phạm này đến nay đã dừng hoạt động.
Quá trình phá án được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về phòng ngừa, ngăn chặn người Việt Nam bị dụ dỗ xuất cảnh sang Campuchia để làm “việc nhẹ, lương cao”, tình trạng người Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản đã có chuyển biến, giảm về số lượng. Tuy nhiên, qua điều tra khám phá các vụ án thời gian gần đây cho thấy nhiều người Việt Nam sang Campuchia do tự nguyện làm việc tại các cơ sở lừa đảo chiếm đoạt tài sản tập trung ở một số tỉnh như Svayrieng, Sihanouk Ville…nơi có nhiều công ty và tập trung hàng nghìn người làm việc. Các đối tượng được trả lương hàng tháng và có thưởng nếu làm việc hiệu quả, ngược lại bị phạt tiền nếu chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao. Quá trình làm việc, các đối tượng vẫn được phép về Việt Nam và tiếp tục quay lại làm việc khi có nhu cầu.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi có người lạ liên lạc, giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng, Hải quan…yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra, nhận bưu phẩm; không truy cập vào các đường link lạ, có dấu hiệu giả mạo các trang web chính thức của cơ quan nhà nước, ngân hàng và cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng; cảnh giác khi các đối tượng dụ dỗ tham gia thực hiện các nhiệm vụ đặt đơn hàng, theo dõi tiktok, nghe nhạc… để được trả tiền công để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cơ quan Công an cảnh báo việc xuất cảnh sang nước ngoài làm việc nhưng thực chất là tham gia vào các đường dây đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, trực tiếp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính người Việt Nam là vi phạm pháp luật. Người phạm tội vẫn bị bắt giữ và xử lý hình sự theo pháp luật của Việt Nam. Các gia đình có con em đang sinh sống, làm việc tại Campuchia cần hiểu rõ và chấp hành pháp luật.
Người dân cần cảnh giác "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng về các vùng quê ở Quảng Bình rủ rê, lừa đảo nhiều người qua Campuchia làm việc với công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao.
Tin vào lời đường mật của các đối tượng lừa đảo, không ít người khi đến Campuchia đã bị đưa vào làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, bị cưỡng ép lao động từ 12-16 giờ/ngày. Nhiều người còn bị đánh đập, bị yêu cầu liên lạc về gia đình để nộp tiền chuộc...
Trong số 300 người Việt Nam vừa chạy thoát ra ngoài cơ sở làm việc ở Campuchia và bị lực lượng chức năng tại đây bắt giữ, trục xuất về nước có nhiều người ở Quảng Bình đang tìm đến cơ quan chức năng trình báo. Cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình đang có thông báo, khuyến cáo đến người lao động cần cảnh giác với hứa hẹn việc nhẹ lương cao để tránh tiền mất tật mang.
Sập bẫy lừa đi lao động từ mạng xã hội
Ngồi trước mặt tôi là mẹ anh H.N.T (SN 1993), trú tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình với khuôn mặt lo lắng pha lẫn buồn tủi. Kể từ khi nhận được điện thoại và biết tin con trai đang bị "giam giữ" làm việc ở Campuchia và khi anh T muốn về thì các đối tượng đòi tiền chuộc làm mẹ anh T càng đứng ngồi không yên. Người làng bảo, cả tháng nay mẹ T già và gầy đi trông thấy.
Được biết, đầu năm 2022, khi đang có công ăn việc làm ổn định thì anh H.N.T đã làm quen và kết bạn với tài khoản facebook "Mai Kiều Anh". Trong câu chuyện tin nhắn qua lại hàng ngày "Mai Kiều Anh" đã rủ rê, hướng dẫn T cách thức để xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động để làm việc nhẹ nhàng và có thu nhập cao. Ngày 5/6, H.N.T đi từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh và được một đối tượng tên Mạnh chở đến một nhà nghỉ gần cầu An Sương, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Sau đó, H.N.T được chở đến tỉnh Long An bằng ôtô, cùng đi còn có 5 người Việt Nam. Tại đây, nhóm 6 người này được một người đàn ông không rõ danh tính dùng thuyền chở qua sông và vượt biên trái phép sang Campuchia.
Sau khi sang đến Campuchia, anh T và những người Việt Nam khác được chở đến khu kinh tế của người Trung Quốc và ở tại tòa nhà China Town thuộc tỉnh Sihanouville để làm việc. Tại đây, anh T được giao lập các tài khoản facebook ảo, soạn thảo sẵn những đoạn tin nhắn có nội dung lừa đảo với yêu cầu tốc độ đánh máy tính phải đạt 30 chữ/phút để lừa những người Việt Nam khác sang lao động tại Campuchia, nếu không sẽ không được trả lương và bị phạt tiền.
Những lao động bị các đối tượng lừa đảo qua Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" đang trình báo sự việc với cơ quan chức năng Quảng Bình.
Do không muốn làm và không đạt yêu cầu nên anh T bị các đối tượng giam lỏng. Chúng cũng yêu cầu anh T trong 3 ngày phải liên lạc về cho gia đình và gửi sang 3.000 USD "tiền chuộc" mới được thả về, nếu không sẽ bị bán. Người nhà anh T sau đó đã chuyển 50 triệu đồng để chuộc nhưng do chưa đủ tiền nên các đối tượng đã chuyển anh T đi chỗ khác và bắt anh phải làm việc để trả hết số tiền còn thiếu. Cũng giống như anh T, hiện có một số người bị lừa qua lao động, không muốn làm những công việc trái với luật pháp nên cũng bị các đối tượng dọa dẫm, điện về gia đình đòi tiền chuộc.
Đến lời đường mật từ gái massage
Sau khi chạy thoát khỏi ổ nhóm của các đối tượng chuyên sử dụng các ứng dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến, thiết lập các tài khoản facebook ảo kết bạn, nhắn tin kêu gọi, dụ dỗ, lừa gạt người Việt Nam, anh N.V.P (SN 1995), trú phường Hải Thành, TP Đồng Hới, Quảng Bình đã đến cơ quan Công an trình báo.
Một ngày đầu tháng 4/2022, anh N.V.P đi massage ở một khách sạn trên địa bàn TP Đồng Hới và quen với một cô gái làm nghề massage tên là Linh. Sau đó anh P và Linh vẫn thường xuyên giữ liên lạc bằng cách nhắn tin qua ứng dụng messenger. Ngày 5/4/2022, Linh rủ anh P vào TP Hồ Chí Minh đi chơi. Anh P đồng ý và đón xe khách vào gặp Linh. Tiếp đó, ngày 7/4/2022, Linh lại rủ P đến Long An tổ chức ăn nhậu, vui chơi. P đi với Linh đến Long An và gặp nhóm 5 người bạn của Linh chờ sẵn gồm 4 nam, 1 nữ, tuổi đời đều khoảng 30 tuổi. Khi tiệc nhậu đang vui, nhóm bạn của Linh đã khống chế, trói tay P và yêu cầu anh P làm theo lời bọn chúng. 2 đối tượng dùng xe máy đã tháo biển số chở P đi trong đêm theo đường mòn qua Campuchia, đến nơi chúng bán anh P cho một cơ sở do một người Trung Quốc làm chủ.
Hàng ngày anh P bị canh giữ cẩn thận, chúng ép buộc, yêu cầu anh phải thiết lập các tài khoản facebook ảo kết bạn, nhắn tin kêu gọi, dụ dỗ, lừa gạt người Việt Nam nạp tiền vào các ứng dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến, làm cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada để chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 5/2022, tại cơ sở nơi anh P làm việc, nhiều nhân viên đã đoàn kết phản đối ông chủ và dẫn tới bạo động, nhiều người phá tường rào, vòng vây chạy thoát ra ngoài trong đó có P. Sau đó, P bị cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ, trục xuất về Việt Nam và P tìm đến cơ quan Công an trình báo.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện đã có hàng chục công dân Quảng Bình xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc. Điển hình, có 10 người sang làm việc tại casino Jingang International, tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia được các cơ quan chức năng nước sở tại giải cứu, sau đó bị trục xuất về nước ngày 29/4/2022 qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang.
Hiện Công an Quảng Bình đã tiếp nhận đơn trình báo của các nạn nhân, đồng thời đề nghị người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn như các lời mời, dụ dỗ kêu gọi qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao", không mất chi phí đi lại của các đối tượng trên mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây môi giới, lôi kéo, lừa đảo, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, cần kịp thời thông báo cho gia đình, người thân và trình báo cho cơ quan Công an. Đồng thời, người lao động nên tham khảo ý kiến của các cơ quan có chức năng môi giới, xuất khẩu lao động ở địa phương và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Cảnh báo từ những trường hợp sập bẫy "việc nhẹ, lương cao" Ngày 6/7, Thượng tá Lê Đồng Úy, Phó trưởng Công an thị xã, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có thông báo gửi các xã, phường nội thị về thủ đoạn lừa đảo "việc nhẹ, lương cao"...