Nhóm tội phạm gây ra 12 vụ trộm công sở và bài học từ chuyên án
Thực hiện Điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS – CATP) tập trung phát hiện, lập chuyên án đấu tranh mạnh hoạt động của các ổ nhóm tội phạm ngoại tỉnh, hoạt động lưu động trên địa bàn thành phố.
“Triệt tiêu hoạt động của các băng nhóm tội phạm tỉnh ngoài, Phòng CSHS – CATP đã tổ chức điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tổ chức đấu tranh triệt phá. Ổ nhóm tội phạm chuyên đột nhập các công sở phá két trộm cắp tiền và tài sản là một trong những chuyên án vừa được Phòng CSHS triệt phá thành công sau nhiều ngày tổ chức đấu tranh chuyên án”, Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS – CATP Hà Nội cho biết.
Nhóm tội phạm chuyên đột nhập cơ quan, công sở bị CSHS Hà Nội bắt giữ đang thực nghiệm lại hiện trường các vụ trộm
Truy vết tội phạm
Vừa qua, tại trụ sở một số cơ quan, doanh nghiệp, UBND các xã trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra các vụ trộm cắp tài sản với phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm manh động, liều lĩnh. Đối tượng gây án lợi dụng đêm tối, đột nhập vào trụ sở các cơ quan, trụ sở UBND, doanh nghiệp dùng công cụ cạy phá các phòng làm việc, tủ sắt, tủ gỗ, ngăn kéo bàn, két sắt lục lọi lấy trộm tài sản…
“Thực hiện Điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và chỉ đạo của Ban giám đốc CATP trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hình sự, nhất là tội phạm tỉnh ngoài, Phòng CSHS – CATP đã chủ động phối hợp với Công an các quận, huyện tổ chức các biện pháp điều tra, đánh giá đặc điểm đối tượng gây án, quy luât, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm và phối hợp chặt chẽ với công an các tỉnh lân cận rà soát các đối tượng nghi vấn gây án tại Hà Nội” – Trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS – CATP Hà Nội thông tin và cho biết qua công tác điều tra ban đầu về phương thức thủ đoạn gây án và các tài liệu thu thập được, lực lượng CSHS – CATP xác định các vụ án nêu trên do cùng một ổ nhóm đối tượng người tỉnh ngoài gây án.
Đối tượng Hào đang chỉ chỗ cùng đồng bọn phá tủ, két sắt tại 1 trụ sở UBND xã để trộm cắp tài sản
Phòng CSHS – CATP đã báo cáo đề xuất Ban Giám đốc CATP xác lập chuyên án và giao cho Đội 6 nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh triệt phá ổ nhóm tội phạm chuyên đột nhập các công sở trộm cắp tài sản.
Cuối tháng 7-2018, sau một thời gian thực hiện các biện pháp trinh sát, Đội 6 đã bắt giữ nhóm nghi phạm gồm Ninh Văn Hào (SN 1991) và Ninh Văn Quyết (SN 1994), đều ở thôn Bạch Câu, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến hoạt động trộm cắp tài sản.
Video đang HOT
“Cặp bài trùng” với 12 vụ trộm
Lời khai của Quyết và Hào thể hiện do không có việc làm, đã nghĩ cách ra Hà Nội trộm cắp tài sản để có tiền ăn tiêu. Từ năm 2017 đến nay, Hào và Quyết nhiều lần cùng nhau trộm cắp tài sản tại các trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp và UBND các xã, huyện trên địa bàn Hà Nội. Hào được phân công chọn địa điểm để đột nhập trộm cắp và chuẩn bị công cụ như xà cầy, găng tay, mũ, khẩu trang. Trước khi gây án, Hào vào mạng internet tìm các trụ sở UBND có vị trí gần đường quốc lộ để dễ dàng di chuyển bằng phương tiện xe taxi, dễ quan sát. Sau khi chọn được địa điểm, Hào điện thoại cho Quyết hẹn ngày gây án là những đêm mưa gió, không trăng. Khi Hào từ Hải Phòng lên Hà Nội Quyết sẽ đón rồi sau đó các đối tượng phân công nhiệm vụ cho nhau. Quyết cảnh giới còn Hào trực tiếp đột nhập cạy phá các phòng làm việc, phá két sắt lấy tiền.
Khoảng 0h30 một ngày cuối tháng 7-2018, Quyết và Hào đến trụ sở UBND huyện Thanh Trì. Hai đối tượng đột nhập vào trụ sở UBND huyện từ cổng sau. Khi vào trong trụ sở UBND huyện, Quyết cảnh giới để Hào cạy phá 9 phòng làm việc và các tủ sắt, tủ gỗ, ngăn kéo bàn, lục lọi lấy tiền và nhiều tài sản có giá trị khác. “Hào phát hiện tại phòng kế toán có1 két sắt loại kích cỡ khoảng 60×50x40cm để ở gầm bàn, đã gọi Quyết vào cùng nhau vần két sắt ra giữa phòng và dùng xà cầy cậy tung cánh cửa két để lấy tiền. Tổng cộng số tiền lấy được là 124,3 triệu đồng, 6 nhẫn vàng, 1 iPad và 1 điện thoại di động iPhone… Tuy nhiên, sau khi mang tài sản trộm cắp được ra ngoài, Hào và Quyết đã sa vào lưới của lực lượng CSHS – CATP đã giăng sẵn” – Trung tá Mai Văn Thuần cho biết.
Đối tượng Quyết tại trụ sở cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội
Mở rộng vụ án, Hào và Quyết khai nhận còn gây ra 11 vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn Hà Nội. Mục tiêu các đối tượng nhằm vào gây án là UBND các xã Kim Thư, Dân Hòa – huyện Thanh Oai; xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín; các xã Trường Thịnh và Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa; xã Đông Hội, huyện Đông Anh và các xã Đa Tốn, Kim Sơn – huyện Gia Lâm. Ngoài ra, các đối tượng này còn đột nhập vào 1 kiốt ở gần chợ Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội để trộm cắp tiền và tài sản trong một đêm đầu tháng 1-2018…
Bài học rút ra từ chuyên án
Trung tá Mai Văn Thuần cho biết: “Các đối tượng gây án thường đột nhập vào các cơ quan, doanh nghiệp, UBND xã, huyện… những ngày cuối tuần và tại nơi xa khu dân cư, vắng vẻ, ít người qua lại, lực lượng bảo vệ mỏng, mất cảnh giác, ngủ say, không tuần tra, kiểm tra ban đêm để trộm cắp tài sản. Tội phạm sử dụng công cụ như xà cầy, tuốc nơ vít, kìm cộng lực để gây án và phần lớn sử dụng taxi để đến địa điểm hoạt động phạm tội. Thời gian chủ yếu của loại tội phạm này thường hoạt động vào nửa đêm tới gần sáng.
Quá trình đấu tranh chuyên án cho thấy, chính quyền địa phương nơi xảy ra các vụ trộm chưa chủ động tăng cường các biện pháp tự phòng ngừa tại trụ sở, bố trí lực lượng bảo vệ vừa thiếu về biên chế, yếu về nghiệp vụ lẫn sức khỏe, tinh thần trách nhiệm… Công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng trộm cắp tài sản đến tất cả các tổ chức xã hội và người dân trên địa bàn để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động tự phòng ngừa tội phạm ở nhiều nơi còn làm chưa đạt hiệu quả…”.
Theo chỉ huy Phòng CSHS – CATP, việc khám phá thành công chuyên án thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc CATP Hà Nội và Ban Chỉ huy phòng CSHS trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng. Cùng với sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đạt hiệu quả cao của các lực lượng tham gia đấu tranh chuyên án và tinh thần, thái độ làm việc, trách nhiệm với công việc, không ngại khó khăn gian khổ của CBCS tham gia phá án để đạt hiệu quả cao nhất trong từng phần việc được giao.
Từ kết quả điều tra khám phá chuyên án đã giúp cho chính quyền cơ sở và lực lượng công an địa phương nhận ra những tồn tại cần khắc phục trong công tác quản lý đối tượng và công tác phòng ngừa các loại tội phạm trên địa bàn được giao, làm tiền đề để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng ngừa, đấu tranh với phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, góp phần làm giảm phạm pháp hình sự nói chung và giảm các vụ trộm cắp tại các cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS – CATP Hà Nội:để chủ động phòng ngừa tội phạm, Phòng CSHS – CATP tiếp tục tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về các mặt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội. Xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm cụ thể tại từng địa bàn cơ sở để nhân dân cùng tham gia phòng ngừa, phát hiện tội phạm. Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động cụ thể để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến mọi người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng, đặc biệt là thủ đoạn trộm đột nhập vào nhà dân, vào các cơ quan, doanh nghiệp, trường học…; tội phạm trộm cắp hoạt động trên tuyến, địa bàn công cộng để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác đối tượng,ổ nhóm tội phạm trộm cắp tài sản.
Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trộm cắp tài sản. Làm tốt công tác nghiệp vụ,chủ động rà soát, bổ sung đối tượng hệ trộm cắp tài sản, đặc biệt đối với các đối tượng tỉnh ngoài vào Hà Nội, dựng các ổ nhóm tội phạm trộm cắp tài sản để xây dựng kế hoạch triệt phá. Chủ động kiểm soát tốt tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn.
Duy trì hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp tài sản. Thực hiện tuần tra kiểm soát hàng ngày để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động của các loại tội phạm.
Theo anninhthudo
(CẢNH GIÁC) Nhiều phụ nữ ở Tây Nguyên bị lừa bán sang Trung Quốc
Vài năm trở lại đây, tại những khu vực vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tan cửa nát nhà. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là thông qua mạng xã hội, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những cô gái trẻ để rủ rê, ngỏ lời yêu đương hoặc tuyển dụng làm việc lương cao...rồi lừa bán nạn nhân qua bên kia biên giới.
Từ trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vượt qua quãng đường rừng gần 20 cây số, leo qua mấy quả đồi dốc trơn trượt giữa mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi mới có mặt tại thôn Ea Rớt để gặp cô gái người Mông - Lò Thị V., (17 tuổi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cư Pui) vừa được Công an tỉnh Đắk Lắk giải cứu từ Trung Quốc trở về.
Trong căn nhà lá xập xệ nằm chót vót trên đỉnh đồi chẳng có gì ngoài chiếc phản gỗ đơn chiếc để cả gia đình ngủ, ông Lò Seo Sình (57 tuổi) bố của em V., nhớ lại, vào thời điểm nhận được tin Vân bị lừa bán sang Trung Quốc, gia đình báo chính quyền, Công an xã nhưng không có kết quả. Trong nhà, không khí lúc nào cũng u ám vì thương con.
Qua lời kể của ông Sình, chúng tôi tự chắp ghép câu chuyện của gia đình thời điểm cách đây gần 1 năm về trước. Đó là một buổi chiều giữa tháng 10-2017, vợ chồng ông Sình ngồi trong nhà nôn nóng đợi mãi nhưng không thấy cô con gái của mình đi học về. Nghĩ có chuyện chẳng lành, ông tìm đến trường thì nghe bạn bè V., kể lại, buổi chiều hôm đó, có 2 thanh niên lạ mặt đến rủ đi chơi thác rồi mất tích. Vài hôm sau, gia đình ông nhận cuộc gọi của con gái bảo đang ở Lào Cai, sắp bị bán sang Trung Quốc.
Chuyện ông Sình kể bị cắt ngang khi người vợ từ rẫy lặng lẽ về nhà. Người đàn bà khắc khổ vội lùa đàn con vào trong, đóng sầm cửa, đuổi khách!. Có lẽ cái cảm giác bị mất con trước đó là nỗi ám ảnh quá lớn đã khiến tâm trạng của bà đâm ra tiêu cực với khách lạ.
Sau một hồi thuyết phục, V., cũng bằng lòng kể lại cho chúng tôi câu chuyện em bị lừa bán như thế nào. Theo lời V., thông qua mạng xã hội, V., kết bạn với một người tên P., và sau một thời gian nhắn tin yêu đương qua lại, P., ngỏ lời yêu và muốn cưới V., làm vợ. "P., có hứa với em sẽ lo cho em cuộc sống sung sướng, giàu sang sau khi kết hôn nên giữa tháng 10-2017, P., hẹn gặp em nói để trao nhẫn cưới.
Những đối tượng trong các đường dây buôn bán người tại cơ quan Công an.
Tuy nhiên, khi gặp em, P có đi cùng với một người bạn và rủ em đi Lào Cai chơi. Vì quá tin vào lời P., em đã nhận lời. Khi vừa ra đến Lào Cai, cả hai đã tìm cách vượt biên, bán em vào một động mại dâm tại Trung Quốc", V., nhớ lại.
Sau khi lưu lạc vào một nhà thổ, V., được một người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Không đồng ý, V., bị chủ nhà thổ bỏ đói, sử dụng gậy gộc đánh đập tàn nhẫn. Sau một thời gian bị bắt tiếp khách, trong một lần V., bị bọn buôn người đưa về nhà một người đàn ông để làm vợ thì cả bọn bị lực lượng Công an Trung Quốc kiểm tra và giải cứu.
V., chỉ là một trong số hàng chục trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc ở cái thôn nhỏ bé này trong vài năm trở lại đây. Ông Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt cho hay, thời gian gần đây, tình trạng các em nữ đang độ tuổi đi học trong thôn "bỗng nhiên mất tích" xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù địa phương đã có nhiều lần tuyên truyền, thông báo cho bà con về các thủ đoạn của bọn buôn người nhưng hiệu quả chưa cao.
"Phần lớn người dân trong bản là đồng bào phía Bắc di cư vào sinh sống, vì cuộc sống khó khăn nên hằng ngày, người dân thường lên nương rẫy làm việc, để con ở nhà hoặc tự đến trường. Từ đây, nhiều em gái bị dụ dỗ theo những đối tượng lạ rồi bị đưa sang Trung Quốc bán", ông Vàng Seo Măng nói.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đối tượng buôn người không từ bất cứ một thủ đoạn nào để dụ dỗ, đưa người bán sang Trung Quốc để lấy những đồng tiền dơ bẩn. Sau khi chúng móc nối đường dây buôn bán người tại Trung Quốc, các đối tượng về Việt Nam, lân la đến các thôn, buôn vùng sâu, sử dụng mạng xã hội tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn lấy làm vợ hoặc tuyển dụng "việc nhẹ lương cao". Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng bán họ vào động mại dâm, sang tay cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ đưa ra nước ngoài để làm vợ bất hợp pháp và cung cấp cho các đường dây hoạt động mại dâm ở nước ngoài diễn biến phức tạp.
"Chỉ tính riêng từ giữa năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 14 cô gái bị bán sang Trung Quốc, trong đó đã đấu tranh làm rõ 5 vụ với 8 đối tượng. Hiện còn nhiều cô gái xấu số vẫn đang phải sống cảnh khổ cực, lưu lạc nơi đất khách quê người... Một số cô gái khi được giải cứu về Việt Nam cũng không hiểu vì sao mình lại nhẹ dạ, cả tin đến như vậy", Đại tá Phạm Minh Thắng nói.
"Trước thực trạng này, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động, kịp thời phát hiện, phòng ngừa loại tội phạm này. Cạnh đó, Công an cũng tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, có kế hoạch hỗ trợ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Tạo công ăn việc làm cho những nạn nhân của các vụ mua bán người nhằm giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống", Đại tá Phạm Minh Thắng thông tin.
Văn Thành
Theo cand
Đề cao vai trò thực thi công vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, hàng giả Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Ban Chỉ đạo phòng...