Nhóm người chặn xe cứu thương không cho đưa tử thi ra khỏi viện
Một gia đình khi đưa thi thể người nhà bằng xe cấp cứu qua cổng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã bị nhóm thanh niên ngăn cản.
Một gia đình khi đưa thi thể người nhà bằng xe cấp cứu qua cổng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã bị nhóm thanh niên ngăn cản.
Nhiều người chứng kiến sự việc kể lại, khoảng 20h ngày 23/3 khi chiếc xe cấp cứu chở thi thể cháu Trần Cao Sang (5 tuổi) đi ra cổng bệnh viện để về quê mai táng thì có một nhóm thanh niên khoảng 2-3 người đến đe dọa tài xế.
Nhóm người này yêu cầu tài xế phải đưa tiền mới được ra khỏi cổng bệnh viện.
“Dù họ biết trên xe có thi thể cháu và gia đình tôi đang đưa cháu về quê để mai táng nhưng vẫn ngăn cản”, anh Trần Hương Trà (SN 1988, trú tại khối 1B, thị trấn Anh Sơn, Nghệ An – bố của cháu bé vừa mất) bức xúc kể.
Cũng theo các nhân chứng, sự việc càng đẩy lên cao khi tài xế không đồng ý đưa tiền cho nhóm thanh niên kia.
“Tài xế không chấp nhận đưa tiền thì chúng đã hành hung, tài xế phản kháng lại. Người nhà của cháu bé đã mất đang ngồi trong xe do rất bức xúc nên giúp sức cùng tài xế.
Thấy vậy, nhóm thanh niên này mới chịu bỏ chạy khỏi hiện trường”, một người chứng kiến kể.
Theo ghi nhận của phóng viên vào lúc 20h40 phút, chiếc xe chở thi thể cháu bé vẫn nằm trong khuôn viên Bệnh viện Việt Đức.
Rất nhiều người vẫn chưa hết bức xúc và đang lo sợ vì chiếc xe chưa thể di chuyển.
Chiếc xe chở thi thể cháu Trần Cao Sang.
Sau đó khoảng 15 phút, một tổ công tác công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có mặt và đưa tài xế về trụ sở để làm rõ. Tuy nhiên, thi thể cháu Sang vẫn để trong xe chờ được đưa về gia đình.
Vụ việc vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Video đang HOT
Tài xế chiếc xe chở thi thể cháu Sang tại trụ sở công an phường Hàng Bông.
Theo Tri Thức Trẻ
"Cắm chốt" bảo vệ tại các bệnh viện: Tội phạm cũng phải... chờn
Đã có một thời gian dài, tội phạm hoạt động trọng bệnh viện không chỉ là nỗi lo lắng, sợ hãi của người bệnh mà còn là bức xúc của các bệnh viện. Thôi thì đủ các loại phạm tội, đủ các mánh khóe, đủ các trò "hai ngón" để móc túi, moi tiền của những người đang khốn khổ vì bệnh tật.
Thôi thì đủ các trò lừa đảo, cò mồi, đưa những người đau ốm vào "bẫy", vào "tròng" để kiếm tiền... Thậm chí còn có cả những vụ án tày trời xảy ra ngay tại bệnh viện ở Thủ đô đó là: trộm cắp cả trẻ sơ sinh...
Nhưng bây giờ, tình hình an ninh trật tự ở các bệnh viện đã khác hẳn, bọn tội phạm chuyên lảng vảng ở các bệnh viện đã được các lực lượng Công an Hà Nội vạch mặt, chỉ tên đưa ra ánh sáng khiến những kẻ có ý định phạm tội tại các bệnh viện đã phải chờn tay.
Dẹp yên nạn móc túi, cò mồi
Không ít người đi bệnh viện đã từng chứng kiến những người ở quê đưa người nhà ra Hà Nội chữa bệnh phải khóc dở mếu dở vì bị trộm cắp mất hết cả tiền bạc lẫn quần áo. Bước chân ra cửa là tiền đối với những người quanh năm quanh quẩn ở lũy tre làng đã là nỗi lo. Người nhà bệnh tình đến mức không thể ở nhà được nữa mới chịu đi bệnh viện.
Vay giật, vay nóng, anh em họ hàng, bán lợn, bán thóc gom góp được mấy đồng dồn cả đưa người đi viện nhưng mới chân ướt chân ráo, còn chưa lo xong thủ tục để người nhà nhập viện thì ôi thôi cái bọc tiền đùm dúm mang đi đã biến mất. Khóc dở mếu dở, nhưng biết kêu ai.
Bọn tội phạm hoạt động ở các bệnh viện thì ngày càng tinh vi, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe để trộm cắp, lừa đảo người bệnh. Chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, không cần biết những người ốm đã khánh kiệt vì bệnh tật, chúng chỉ cần có tiền. Đặc biệt là những người bệnh ở tỉnh xa về các bệnh viện Trung ương để điều trị.
Bất kể ban đêm hay ban ngày, bất kể trong phòng bệnh hay ở cầu thang máy, kiểu gì bọn tội phạm cũng tìm cách móc được tiền của người bệnh. Đã thế lại còn đám cò mồi lại vây ve chèo kéo khiến người bệnh nhiều khi toát cả mồ hôi không biết đường nào mà lần.
Nhưng chuyện đó bây giờ đã khác. Sau khi thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ANTT giữa CATP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô và đặc biệt là từ khi triển khai các chốt Cảnh sát Bảo vệ (CSBV) tại 9 bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội, điều dễ nhận thấy đó là tình hình ANTT đã được đảm bảo, người dân không còn phải nơm nớp lo sợ bị trộm cắp móc túi.
Tại các cổng bệnh viện không còn cảnh những quán cóc nhếch nhác, hàng rong chèo kéo mời chào, nạn cò mồi, móc túi đã dần được dẹp yên.
7h sáng ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt ở tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Dù chưa đến giờ làm việc nhưng lượng người đổ về đây để khám chữa bệnh đã tăng lên một cách nhanh chóng.
Đứng quan sát từ trên vỉa hè tuyến đường Phủ Doãn trước cửa Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi nhận thấy lẫn trong dòng người tấp nập ra vào bệnh viện, nổi bật sắc áo cảnh phục màu xanh lá mạ quen thuộc của chiến sĩ Cảnh sát Bảo vệ đang bắt đầu ca trực của mình.
Đối với những người ít khi ra vào Bệnh viện Việt - Đức thì đây thực sự là một điều bất ngờ, tuy nhiên đối với đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y tá và lực lượng bảo vệ của bệnh viện thì hình ảnh này đã thành quen thuộc từ hơn một tháng qua.
Chốt trực tại bệnh viện Việt Đức là một trong các chốt trực được triển khai tại 9 bệnh viện vốn được coi là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự gồm bệnh viện Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương, Phụ sản Hà Nội, bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ở mỗi chốt trực này đều có 3 chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát Bảo vệ và hỗ trợ tư pháp - Công an TP Hà Nội. Theo kế hoạch đã được Ban Giám đốc CATP phê duyệt, phòng Cảnh sát bảo vệ sẽ bố trí 3 ca trực, thời gian bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc ca cuối vào 22h30 hàng ngày.
Nhập cuộc cùng các chiến sĩ bảo vệ
Để hiểu được rõ hơn công việc của các chiến sỹ tại chốt bảo vệ, chúng tôi đã "nhập cuộc" cùng với các chiến sĩ thuộc Đại đội 1 Phòng CSBV đang chốt trực tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi tiến hành hội ý nhanh, ca trực buổi sáng của các anh bắt đầu.
Theo sự phân công của Thượng sỹ Phạm Đức Hiếu, tổ trưởng tổ công tác, 2 chiến sỹ trong sắc phục công an với đầy đủ các công cụ hỗ trợ phối hợp cùng tổ bảo vệ của bệnh viện làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông đô thị ở cả bên trong và cả phía bên ngoài cửa bệnh viện.
Riêng Thượng sỹ Hiếu sẽ hóa trang để bao quát tình hình chung và nắm tình hình ở các khu vực trong bệnh viện. Dẫn tôi "khảo sát" một vòng quanh các khu vực của bệnh viện, khi tới khu vực dành cho bệnh nhân chờ khám bệnh, bằng con mắt nghiệp vụ Thượng sĩ Phạm Đức Hiếu phát hiện 2 đối tượng nghi là cò bán máu đang ngồi ở khu vực khá kín đáo.
Tuy chưa có những biểu hiện chèo kéo, tiếp cận bệnh nhân, nhưng ngay lập tức thông tin này được báo cho lực lượng bảo vệ của bệnh viện tới tiếp cận, hỏi han nhắc nhở và "mời" các đối tượng này ra khỏi khuôn viên của bệnh viện.
Một trong những khu vực được các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo vệ tại các bệnh viện đặc biệt quan tâm, đó là khu vực thu viện phí của bệnh viện. Những đối tượng trộm cắp, móc túi thường tìm cách tiếp cận khu vực này bởi trong lúc người dân chuẩn bị tiền để thanh toán viện phí thường có nhiều sơ hở nên các đối tượng dễ ra tay hành động.
Trong thời gian buổi sáng, tình hình ở khu vực này khá yên ổn, tuy nhiên Thượng sĩ Phạm Đức Hiếu cho biết vẫn không thể chủ quan. Những ngày gần đây, theo quan sát của anh, có một nhóm đối tượng khoảng gần 20 người do một người phụ nữ cầm đầu, có nhiều biểu hiện nghi vấn về hành vi trộm cắp móc túi thường lảng vảng ở khu vực này, tổ công tác của anh vẫn đang tích cực theo dõi nếu có hành động vi phạm pháp luật sẽ lập tức thông báo cho đồng đội và tổ bảo vệ nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ.
Đi cùng với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng - Đội phó Đội bảo vệ Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ ngày có thêm chốt Cảnh sát Bảo vệ đặt tại bệnh viện, lực lượng bảo vệ đặt tại bệnh viện của chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Tình hình an ninh trật tự tại bệnh viện đã được cải thiện đáng kể, có màu áo của lực lượng công an, tình trạng trộm cắp, các loại cò không còn dám chèo kéo ngang nhiên như trước.
Sau gần 1 tháng thực hiện công tác bảo vệ các bệnh viện lớn của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ, với sự vào cuộc trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát bảo vệ cùng sự chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP và bảo vệ các bệnh viện, các lực lượng đã phát hiện và bắt giữ 9 đối tượng cò mồi trong khu vực bệnh viện, bàn giao cho CAP xử lý.
Ngoài việc bắt đối tượng trộm cắp tài sản bàn giao cho CAP Hàng Trống xử lý còn có 2 vụ các đối tượng trộm cắp tài sản có giá trị lớn, đã được truy xét kịp thời trả lại tài sản cho người bị hại. Bên cạnh đó, các chốt của lực lượng còn ngăn chặn kịp thời 2 vụ gây rối trật tự công cộng tại cổng bệnh viện, và 2 vụ hủy hoại tài sản do người nhà của bệnh nhân gây ra.
Từ khi có các anh công an
Nếu như trước đây, mỗi lần có dịp đi qua những con đường trước cửa những bệnh viện lớn như tuyến đường Phủ Doãn qua cổng bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản, tuyến đường Giải Phóng qua cổng Bệnh viện Bạch Mai... người dân đi đường đều không khỏi bức xúc, khó chịu vì tình trạng ùn tắc giao thông do hoạt động của các tài xế xe ôm, các lái xe taxi đón trả khách sai quy định.
Thì tại thời điểm này những tình trạng trên đã được giảm thiểu một cách đáng kể. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng của Công an thành phố Hà Nội. Tại 9 bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đều có sự xuất hiện, chốt trực của các chiến sỹ cảnh sát Giao thông. Lực lượng này phối hợp cùng CSBV cũng như lực lượng công an phường đã làm tốt công tác đảm bảo về TTATGT.
Thiếu úy Trần Khánh Tùng, cán bộ đội Cảnh sát Giao thông số 1 Phòng Cảnh sát giao thông CATP chốt trực tại khu vực trước cổng Bệnh viện Việt Đức cho biết: Lực lượng Cảnh sát giao thông được phân công thực hiện nhiệm vụ theo 2 kíp, buổi sáng từ 6h đến 10h, buổi chiều từ 15h đến 19h.
Trước đây thường diễn ra tình trạng các lái xe taxi vẫn hay xếp hàng "hành quân" trước cổng bệnh viện để đón bắt khách gây ra tình trạng ùn tắc giao thông thậm chí cản trở các xe cấp cứu ra vào bệnh viện. Tuy nhiên kể từ khi lực lượng Cảnh sát Giao thông cắm chốt ở đây, chúng tôi đã tiến hành xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm gây cản trở, ùn tắc giao thông...".
Ngoài thời gian kíp trực của lực lượng Cảnh sát Giao thông, các lực lượng Công an phường và Cảnh sát Bảo vệ luôn hỗ trợ trong việc hướng dẫn các phương tiện ra, vào bệnh viện đảm bảo TTGT, tránh gây ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Khi được hỏi, bà Bùi Thúy Hằng, một người dân sống tại khu vực phố Phủ Doãn cho chúng tôi biết: Tuyến phố Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn có 2 bệnh viện lớn là Việt Đức và Phụ sản Trung ương, từ khi có các anh công an được triển khai về các chốt ở cổng các bệnh viện tình hình giao thông đã thông thoáng rất nhiều, không còn xảy ra hiện tượng ùn tắc nữa.
Theo quan sát của chúng tôi khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã thông thoáng hơn rất nhiều, không còn tình trạng xe taxi, xe ôm, dàn hàng 2, hàng 3 để chèo kéo khách gây mất trật tự an toàn giao thông như trước đây.
Trung sĩ Dương Bình Minh, cán bộ Đại đội 2, Phòng Cảnh sát Bảo vệ chốt chặn tại khu vực vòng ngoài Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong hơn một tháng qua sau khi có sự phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông đội 4 - phòng CSGT Công an TP Hà Nội chốt chặn tại đây chúng tôi đã kiên quyết tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm nên tình trạng vi phạm đã giảm đi nhiều.
Có thể thấy, cùng với lực lượng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát trật tự và công an các quận, huyện, việc tăng cường các chốt trực của Phòng Cảnh sát Bảo vệ cũng như Phòng Cảnh sát Giao thông tại 9 bệnh viện đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Trao đổi với chúng tôi Thượng tá Phùng Anh Lê, Trưởng Phòng Cảnh sát Bảo vệ - Công an TP Hà Nội cho biết, với tình thần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội, Chỉ huy phòng đã quán triệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất tới các CBCS trong đơn vị để thực hiện kế hoạch của Công an thành phố. Trong hơn một tháng qua, tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện vốn rất phức tạp trước đây đã được thay đổi đáng kể.
Thầy thuốc nhân dân - Bác sĩ CKII Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đánh giá môi trường làm việc ở bệnh viện đã an toàn hơn, bệnh nhân cảm thấy yên tâm hơn khi CAHN triển khai thêm lực lượng Cảnh sát Bảo vệ chốt trực tại bệnh viện.
Theo ghi nhận với việc thực hiện mô hình "cắm chốt" bảo vệ tại các bệnh viện, lực lượng Công an Hà Nội đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội.
Để làm được điều này, lực lượng công an sẽ phải vất vả nhiều hơn, nhưng đổi lại những người bệnh lại được yên tâm hơn, và không còn nớp nớp nỗi lo mỗi khi phải bước chân vào các bệnh viện.
Theo Duy Minh
An ninh thủ đô
Bia rượu 'tàn phá' dân nhậu khủng khiếp như thế nào? - Ai cũng biết lạm dụng bia rượu sẽ gây ra vô vàn tác hại. Nhưng hậu quả ghê gớm của bia rượu, thậm chí dẫn đến tử vong như thế nào thì không phải dân nhậu nào cũng biết! Hậu quả ghê gớm Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu bệnh viện Việt Đức...