Nhóm đào giếng cứu bé gái không nhận là anh hùng
Cứu được bé Tú Anh, nhóm thợ đào giếng kiệt sức, nằm nghỉ tại hiện trường một lúc rồi lặng lẽ ra về. Các anh “không dám nhận là anh hùng, vì đó là việc cần làm ngay”.
Ngày 7/8, chị Trần Thị Nguyên (37 tuổi), mẹ bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, hiện sức khỏe của cháu đã ổn định. Tuy nhiên, Tú Anh vẫn còn khá hoảng loạn, sợ gặp người lạ và đêm ngủ thường giật mình kêu cứu.
Theo chị Nguyên, chiều 4/6, khi đang ở chỗ làm thì người quen gọi điện thoại báo bé Tú Anh bị té xuống giếng sâu hàng chục mét, nguy hiểm tính mạng. Người mẹ tức tốc chạy về tìm cách cứu con.
“Nghe tiếng nó kêu cứu thảm thiết đó khiến tim tôi thắt lại, có lúc ngất đi vì sợ mất con. Khi nhóm cứu hộ đưa được Tú Anh lên, tôi hạnh phúc vô bờ”, người mẹ nói.
Chị Trần Thị Nguyên chăm sóc con gái. Ảnh: Trường Nguyên.
Theo người dân xung quanh, chồng chị Nguyên mất khi bé Tú Anh chỉ mới 1 tuổi, thiếu phụ cố nén đau thương làm lụng nuôi con nhỏ. Người mẹ trẻ kể, thời điểm Tú Anh được đưa lên mặt đất, chị chỉ biết chạy theo con tới bệnh viện mà quên cả việc cảm ơn nhóm thợ đào giếng và lực lượng cứu hộ.
“Hôm qua đến giờ tôi luôn ở bên chăm sóc bé, chưa sắp xếp được thời gian đi cảm ơn nhóm ân nhân. Đợi khi con khỏe, tôi tìm cách liên lạc và đưa bé đến tạ ơn những người thợ đào giếng đã tận tâm cứu giúp”.
Tiếp xúc với phóng viên, anh Trần Lê Phương (32 tuổi, quê Tây Ninh, trú phường Bình Chuẩn, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), thợ đào giếng cứu bé Tú Anh tỏ ra e ngại chuyện “tung hô anh và nhóm đồng nghiệp là người hùng”.
Anh nói: “Đó là việc nghĩa, nên dù không ai trả công thì chúng tôi cũng làm. Nhìn cảnh mẹ Tú Anh ngất lên ngất xuống, gọi tên con khiến chúng tôi cầm lòng không được. Chú Út Cam nói bất cứ giá nào cũng phải cứu được bé gái dù có nguy hiểm, mệt nhọc thế nào”.
Thợ đào giếng Trần Lê Phương tả lại động tác nhoài người cứu được bé Tú Anh. Ảnh: Trường Nguyên.
Anh Phương kể, lúc đó khoảng 22h, gia đình chuẩn bị đi ngủ thì chú Út Cam (chú bên vợ anh Phương) điện thoại báo “nguy lắm rồi, lấy đồ đi cứu người liền”. Anh lập tức lấy đồ nghề rồi lên xe chạy đi gặp chú để bàn tính.
Nhóm bốn người thợ đào giếng do ông Phan Văn Cam (Út Cam, 51 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, thị xã Tân Uyên) dẫn đầu đến hiện trường.
Ông Cam cho biết, một người phụ nữ có mặt tại hiện trường biết chuyện lực lượng cứu hộ cần tìm người đào giếng lành nghề nên giới thiệu nhóm ông.
Anh Phương nói: “Thời điểm ôm được bé vào lòng tôi mừng và hạnh phúc đến phát khóc vì biết nạn nhân đã được cứu an toàn. Nhóm thợ được mọi người khen ngợi, tung hô anh hùng, nhưng chúng tôi không dám nhận vì là việc nghĩa, ai trong tình huống đó cũng gắng hết sức”.
Tới hiện trường, những người thợ thấy lực lượng cứu hộ dùng máy xúc đào sâu khoảng 6 m đất cạnh nơi bé Tú Anh rơi xuống và bị mắc kẹt. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, nhóm thợ đề nghị dừng xúc đất để không gây nguy hiểm tính mạng bé gái.
“Khu vực này đất pha cát, hơi yếu nên máy xúc có thể gây sụt hoặc rơi đất đá trúng Tú Anh, khiến bé tuột thêm thì không còn hy vọng cứu được”, anh Phương giải thích.
Sau khi bàn bạc, xác định bé Tú Anh đang kẹt ở độ sâu khoảng 12 m, ông Cam đề nghị cho nhóm thợ đào một giếng song với giếng bé gái bị rơi. Theo anh Phương, giếng nơi bé Tú Anh gặp nạn rộng 40 cm, sâu 80 m và bé mắc kẹt tại đoạn cách mặt đất 12 m. Nhóm quyết định đào giếng song song, rộng 80 cm, cách nơi bé gái gặp nạn 20 cm.
Video đang HOT
Chiếc giếng song song do nhóm thợ ông Cam đào để giải cứu bé Tú Anh: Ảnh: Ngọc An.
Anh Phương giải thích, nếu dùng máy xúc thì lượng đất đá phải xúc sẽ rất lớn, tốn nhiều thời gian, trong khi nhóm anh đào giếng nhỏ song song, đất đá ít hơn nhiều, lại không gây chấn động nguy hiểm.
Bốn người thay phiên nhau đào và kéo đất, xuống càng sâu thì càng mệt vì thiếu không khí. Mọi nhát cuốc bổ xuống, những người thợ đều cẩn trọng hết sức có thể vì chỉ một chút sơ xuất có thể khiến bé gái gặp nguy hiểm.
Họ “rón rén” từng nhát cuốc một, vừa trò chuyện trấn an Tú Anh vì bé liên tục khóc đòi được đưa lên.
Người thợ đào giếng 32 tuổi kể: “Tôi nói lớn &’con chờ chú chút xíu nữa nhé, chú sắp tới ẵm con lên rồi, chút xíu nữa thôi’. Tú Anh cũng trả lời lại là &’cứu con chú ơi, con đau tay lắm, con sợ lắm’. Những lời nói của bé khiến chúng tôi thắt tim”.
Theo anh Phương, dù nhỏ tuổi và hoảng loạn nhưng Tú Anh rất thông minh. Khi dây được cứu hộ đưa xuống, Tú Anh buộc rất chắc vào tay mình.
“Lúc tiếp cận bé, tôi thấy sợi dây được buộc rất chắc vào tay phải rồi vòng thêm vào tay trái, phía trên là đường ống sữa được truyền xuống. Chính điều này khiến Tú Anh không bị rơi thêm nữa”.
Thời điểm giải cứu bé gái 7 tuổi vào rạng sáng 5/8. Ảnh: H.P.
Theo anh, đào càng xuống sâu thì ai cũng kiệt sức nhưng không dám thay người vì sợ mất thời gian. Ai có con nhỏ trong tình trạng này sẽ hiểu cảm giác của người mẹ đang khóc ngất chờ con, nên nhóm thợ càng cố gắng. Ông Út Cam dù đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn làm việc liên tục không ngừng nghỉ.
Đào đến khoảng 12 m, anh Phương biết chắc đã tới nơi bé gái mắc kẹt. Để đảm bảo an toàn cho Tú Anh, nhóm thợ quyết định đào thêm để tiếp cận nạn nhân từ phía chân, đề phòng bị “hụt” bé. Khi vượt qua điểm bé gái mắc kẹt, nhóm hội ý với lực lượng cứu hộ phía trên.
Nhóm thợ đào một đường thông sang giếng bên cạnh, anh Phương là người đầu tiên thấy và ôm cháu lên mặt đất.
Người thợ đào giếng nhớ lại: “Lúc này bé đang treo lơ lửng, nếu cháu không buộc dây chắc vào tay thì đã tuột xuống tiếp rồi. Tú Anh quay lưng vào ống nhựa, phần đầu bị kẹt dính vào một cục đá. Lúc gặp tôi bé khóc thét lên rồi ngất xỉu”.
Anh Phương nhoài người qua lỗ thông giữa 2 giếng, kéo bé gái về phía mình, ôm chắc vào lòng rồi trèo một mạch lên mặt đất. Xung quanh nhiều tiếng reo hò cổ vũ, nhưng người đàn ông không nghe thấy, trong đầu anh chỉ suy nghĩ làm sao đưa được bé nhanh nhất đến chỗ lực lượng y tế.
Nhóm thợ đào giếng được UBND huyện Tân Uyên khen thưởng sau khi cứu được bé Tú Anh. Ảnh: Trường Nguyên.
Anh Phương nói: “Thời điểm ôm được bé vào lòng tôi mừng và hạnh phúc đến phát khóc vì biết nạn nhân đã được an toàn. Nhóm thợ được mọi người khen ngợi, tung hô anh hùng, nhưng chúng tôi không dám nhận vì là việc nghĩa, ai trong tình huống đó cũng gắng hết sức”.
Giải cứu được bé Tú Anh, anh Phương gần như kiệt sức, đi không nổi phải nằm vật ở hiện trường vài phút mới khỏe lại. Nhóm thợ đào giếng lặng lẽ tắm rửa sơ qua rồi về nhà nghỉ ngơi, khi trời sáng thì tiếp tục đi làm.
Nhiều người hỏi có được thưởng gì không, bao nhiêu khiến cả nhóm cảm thấy buồn. “Chúng tôi cứu hộ vì mình có khả năng làm được việc đó, không toan tính hay mưu lợi, càng không nghĩ mình là anh hùng cứu người gì cả”, anh Phương tâm sự.
Nơi bé gái 7 tuổi rơi xuống và mắc kẹt 8 giờ đang được lực lượng chức năng phong tỏa, điều tra. Ảnh: Ngọc An.
Theo nhóm thợ, công việc đào giếng rất nặng nhọc, tiền công không cao nhưng đối diện với nhiều nguy hiểm. Thu nhập khá bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày và rất tiết kiệm mới có thể lo cho con cái ăn học.
Người thợ cho biết, tiền công tùy vào độ sâu và to của giếng. Nhóm của anh có khi được thuê đào hố sâu đến gần 15 m, thiếu không khí phải mang theo máy quạt để tạo gió. “Bảy năm đi đào giếng, may mắn tôi chưa gặp sự cố gì. Chú Út là người có kinh nghiệm 20 năm, đôi khi cũng bị sự cố như đất đá từ trên rơi xuống trúng người”.
Theo Tri Thức Trẻ
Gặp bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng sâu vừa được cứu sống
Bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng sâu hơn 40m vừa được cứu sống đêm qua đã tỉnh táo, nhưng tâm lý vẫn còn rất bất an, hoảng sợ.
Gia đình bé gái rơi xuống giếng sâu không trách chủ đất
Như tin đã đưa, khoảng 16h30 ngày 4/8, cháu Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, trú tại ấp Tân An, xã Tân Phước Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) chơi đùa cùng một số bạn thì sẩy chân rơi xuống giếng đóng công nghiệp có đường kính gần 40 cm. Bé Anh bị kẹt ở độ sâu hơn 10m.
Ngay sau khi sự việc bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng sâu xảy ra, hơn 100 cảnh sát cứu hộ - cứu nạn Sở PCCC tỉnh Bình Dương đã có mặt tại hiện trường cùng với nhiều phương tiện tiến hành đào đất, cứu bé gái. Sau hơn 8 tiếng khẩn trương đào đất không ngừng nghỉ cùng nhiều biện pháp tiếp ô xy, đồ ăn và trấn an tinh thần bé gái, đến 1h35 ngày 5/8, cháu Anh đã được đưa lên mặt đất.
Sáng 5/8, chúng tôi vào bệnh viện thăm cháu Tú Anh. Trên giường bệnh tại Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, cháu Tú Anh đã tỉnh táo nhưng vẫn còn khá hốt hoảng, phải cần sự trấn an của mẹ và bà ngoại ngồi túc trực cạnh bên. Hai cánh tay và một bên gò má của cháu Tú Anh bị thương tích mà theo chị Nguyên - mẹ của cháu - có thể do bị cọ sát vào thành hố khá hẹp.
Bé Tú Anh đã tỉnh táo tại BV đa khoa tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên theo người thân cháu Anh, bé vẫn còn rất hoảng sợ sau những gì đã phải trải qua.
Bà ngoại của cháu Tú Anh chia sẻ: "Đây là tai nạn hi hữu mà không ai có thể ngờ tới được nên gia đình tôi cũng không trách gì chủ đất. Phần miệng cái hố sâu đó rất nhỏ, không ai nghĩ rằng có thể lọt được người dù là đứa nhỏ. Tuy nhiên, có thể do cháu tôi thể trạng gầy và ôm vào phần ống trơn nên nó mới tuột được xuống dưới".
Theo chị Nguyên thì các bác sĩ nói rằng con của chị không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ bị xây sát và bệnh viện tiếp tục theo dõi để điều trị, có thể một vài ngày tới sẽ xuất viện.
"Con tôi sống sót là nhờ lực lượng công an cũng như tấm lòng của người dân và cả... ông trời. Sáng nay, nhiều ban ngành đến thăm hỏi khiến tôi và người thân hết sức cảm động và bày tỏ lòng cảm ơn", chị Nguyên bày tỏ.
Đêm dài cứu cháu bé
Sáng 5/8, cả ấp Tân An, xã Tân Phước Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn còn bàng hoàng sau vụ tai nạn vô cùng hi hữu khiến bé Tú Anh rơi xuống giếng khoan công nghiệp vừa xảy ra trên địa bàn.
Anh Phạm Văn Chiến - người ở sát khu đất xảy ra tai nạn và là người đầu tiên có mặt cứu cháu Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi) - kể lại: "Lúc đó khoảng gần 16h30 ngày 4/8, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng con gái lớn là Phạm Lê Tiểu Hồng cùng nhiều đứa nhỏ ở xóm la to cầu cứu, báo cháu Tú Anh rơi xuống giếng".
Phần miệng giếng khoan chỉ rộng gần 40cm nhưng bé gái 7 tuổi không may trượt chân và ôm phần ống nước tuột sâu phía dưới.
Lực lượng cứu hộ phải điều động xe xúc đến múc đất xung quanh tạo khoảng trống và liên tục bom oxy, tiếp sữa, nước... để cứu cháu bé
Theo lời kể của cháu Hồng - con anh Chiến - thì nhóm trẻ gần 10 đứa ra chơi đùa ở khu đất trống nói trên thì bất ngờ bé Tú Anh trượt đất sình, lọt xuống hố nhỏ và sâu có ống nước trồi lên trên.
Ngay khi nghe tin, anh Chiến nhanh chóng chạy ra xem thì nghe tiếng cháu Tú Anh gọi "dượng ba ơi cứu con". Lúc này, rất đông người dân cùng chạy đến và dùng dây thả xuống để cháu Tú Anh nắm trèo lên nhưng bất thành.
"Có thể khoảng trống phía dưới quá nhỏ, thiếu oxy gây ngộp khiến cháu bé lịm dần, không thể nắm dây được nên chúng tôi vô cùng lo lắng, vội gọi báo lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp", anh Chiến kể lại.
Chỉ gần 10 phút sau, hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng như cảnh sát PCCC, cứu hộ cứu nạn công an tỉnh Bình Dương, nhân viên y tế bệnh viện Đa khoa tỉnh... đã có mặt và triển khai mọi công tác để tìm cách cứu sống cháu bé. Không khí xung quanh hiện trường vô cùng nghẹt thở trước sinh mạng đứa bé đang hết sức mong manh dưới hố sâu thẳm. Lực lượng cứu hộ đã thực hiện công việc tiếp oxy liên tục để duy trì sự sống, trong khi chỉ huy cứu hộ điều động nhiều xe xúc, xe chuyên dùng đến để múc đất sớm tiếp cận cháu bé.
Thời gian dần trôi và màn đêm buông xuống, dù lực lượng cứu hộ và người thân vẫn liên lạc được với cháu bé dưới độ sâu 10m, nhưng trước giọng nói dần yếu đuối "Con mệt và khó chịu quá" của đứa bé khiến mọi người lo lắng và thêm quyết tâm giải cứu thật nhanh. Sữa, nước liên tục được lực lượng cứu hộ khéo léo đưa xuống để tiếp thêm sức cho cháu Tú Anh, bác sĩ tâm lý cũng thường xuyên đến sát miệng hố để trò chuyện, trấn an tinh thần cháu bé.
Đến 1h30 ngày 5/8, sau gần 10 tiếng đồng hồ bị kẹt dưới giếng sâu, cháu bé 7 tuổi đã được cứu sống.
"Chưa bao giờ tôi chứng kiến cuộc giải cứu nào nghẹt thơ như thế này, cứ như là trong phim", ông Thành - một người dân chứng kiến - kể lại.
20h ngày 4/8, sấm chớp đầy trời, mây đen vần vũ và vài hạt mưa bắt đầu rơi khiến lực lượng cứu hộ và hàng trăm người dân tim như thắt lại. Kịch bản xấu nhất là nếu xảy ra mưa, sự sống và cuộc giải cứu cháu bé sẽ rất mong manh vì nước mưa sẽ ngập vào đường ống nơi cháu Tú Anh đang mắc kẹt.
"Tôi và rất nhiều người đã chắp tay cầu nguyện trời đừng mưa, lực lượng cứu hộ sớm giải cứu được cho cháu. Tội nghiệp nó hiền lành, mồ côi cha từ nhỏ", bà bảy Thành - một người hàng xóm - chia sẻ.
Dường như "ông Trời" hiểu lòng người, mưa đã không xảy ra và để tránh cho việc cháu Tú Anh tiếp tục rơi sâu xuống dưới, lực lượng cưu hộ đã thả dây, kêu cháu quấn vào cánh tay để giữ lại.
Sáng 5/8, lực lượng công an có mặt tại hiện trường để làm công tác khám nghiệm.
Suốt nhiều giờ liền, cả trăm con người thuộc nhiều lực lượng cùng sự hỗ trợ đặc biệt từ người dân địa phương, mỗi người một việc, từ đào đất, tiếp oxy, sữa, nước uống, trấn an tinh thần... Cuối cùng, đến 1h30 sáng 5/8, cháu Tú Anh đã được đưa lên mặt đất. Ngay khi gặp chị Trần Thị Nguyên, cháu gọi "mẹ" rồi ngất xỉu và được các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu, chuyển khẩn cấp về BV đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bà bảy Thành cho biết: Khu đất nói trên do bà bán cho một người dân từ nhiều năm trước và họ đang chuẩn bị xây dựng xưởng sản xuất. Hơn một tháng trước, chủ đất cho khoan giếng công nghiệp để lấy nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Giếng đã khoan xong có độ sâu hơn 40m và miệng giếng chỉ rộng khoảng 40cm.
Bà bảy Thành, chủ đất cũ, kể lại vụ việc.
"Rất may trước khi bị trượt xuống hố, những đứa nhỏ nghịch phá bỏ cục đá khá lớn xuống dưới khiến nó bị kẹt lại ở độ sâu gần 15m và bé Tú Anh té xuống cũng vướng lại ở độ sâu này, nếu không bé rơi thẳng xuống tận đáy giếng thì khó bề sống sót", anh Chiến cho biết.
Theo Kiến Thức
Chính lòng dũng cảm... đã cứu sống bé gái 7 tuổi rơi xuống giếng Đó là nhận định của thiếu tá Bùi Trung Hiếu - Đội trưởng Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Phòng chỉ huy PCCC và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương) - người trực tiếp chỉ huy đào giếng phụ để cứu cháu bé bị rơi xuống giếng khoan ở P.Tân Vĩnh Hiệp (TX. Tân Uyên, Bình Dương)...