Nhóm chuyên gia Liên hợp quốc kêu gọi các nước công nhận Nhà nước Palestine
Ngày 3/6, một nhóm chuyên gia Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các nước công nhận Nhà nước Palestine độc lập, qua đó đảm bảo hòa bình ở Trung Đông.
Trẻ em Palestine tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 3/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Lời kêu gọi được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy chính thức công nhận Nhà nước Palestine.
Các chuyên gia, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền ở vùng lãnh thổ Palestine, cho biết công nhận Nhà nước Palestine có ý nghĩa rất quan trọng vì thế giới cần thừa nhận các quyền của người dân Palestine và cuộc đấu tranh của họ hướng tới tự do và độc lập.
Tuyên bố của nhóm chuyên gia cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza và Israel không tiến hành thêm chiến dịch quân sự tại Rafah; nhấn mạnh đây chính là điều kiện tiên quyết cho hòa bình lâu dài ở Palestine. Tuyên bố khẳng định: “Hai nhà nước vẫn là giải pháp quốc tế duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh cho cả Palestine và Israel”.
Cho đến nay, tổng cộng đã có 145 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine, bao gồm nhiều nước Trung Đông, châu Phi và châu Á.
Hôm 30/5, Thủ tướng Slovenia Robert Golob cho biết chính phủ nước này đã thông qua quyết định công nhận Nhà nước Palestine, tiếp sau động thái tương tự của các nước Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy. Quyết định trên của Chính phủ Slovenia cần phải được Quốc hội nước này thông qua.
Đại Hội đồng Y tế Thế giới nhất trí trao thêm quyền cho Palestine
Tại khóa họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 77 ngày 31/5, các nước đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về việc trao thêm quyền cho Palestine trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tương tự như động thái trước đó của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Chuyển người bị thương vào bệnh viện ở Rafah, Dải Gaza, sau các cuộc không kích của Israel ngày 26/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng cộng 101 trong tổng số 177 nước có quyền biểu quyết đã ủng hộ dự thảo nghị quyết trong khi 5 nước phản đối. Dự thảo nghị quyết do một nhóm, chủ yếu là các nước Arab, Hồi giáo, cùng Trung Quốc, Nicaragua và Venezuela đưa ra, kêu gọi trao cho Palestine - vốn có tư cách quan sát viên tại WHO, gần như tất cả các quyền tương tự các thành viên chính thức.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, do lo ngại việc bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên của Palestine có thể khiến nguồn tài trợ của Mỹ cho WHO tự động bị đình chỉ, nên các nước thông qua nghị quyết trao thêm quyền cho Palestine, trong đó có việc cho phép đại biểu của Palestine được ngồi chung với các thành viên chính thức, quyền được đưa ra đề xuất và sửa đổi. Tuy nhiên, nghị quyết nêu rõ Palestine - với tư cách là một quốc gia quan sát viên, không có quyền bỏ phiếu trong Đại Hội đồng Y tế hoặc đưa ra ứng cử viên vào các cơ quan của WHO.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, WHA lần thứ 77 cũng thông qua nghị quyết hối thúc WHO hành động để giải quyết nhu cầu y tế ngày càng tăng cao ở Dải Gaza.
Theo nhiều nguồn tin, các nước đã ủng hộ với tỷ lệ áp đảo dự thảo nghị quyết kêu gọi tổ chức hội nghị tài trợ nhu cầu y tế tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời kiến nghị đưa ra nhiều báo cáo hơn về tình hình "thảm khốc" ở Dải Gaza và "hành vi phá hủy vô cớ" của Israel đối với "các cơ sở y tế".
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu chỉ được thông qua, sau khi Israel đảm bảo văn kiện có nội dung mở rộng, trong đó có việc kêu gọi trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ tại Gaza.
Israel thừa nhận "sai lầm tai hại" sau vụ tấn công Rafah Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/5 thừa nhận "sai lầm tai hại" đã được thực hiện trong một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, thiêu rụi một khu trại dành cho người Palestine mà theo các quan chức địa phương đã giết chết ít nhất 45 người. Vụ tấn công của Israel thiêu rụi khu...