Nhóm bị cáo lập khống dự án trồng rừng chiếm đoạt hơn 800 tỷ lĩnh án
Sau 3 ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng nay (18.4), TAND TP.Hà Nội đã tuyên án với 11 bị cáo trong vụ án lập khống dự án trồng rừng ở Nghệ An để chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng.
11 bị cáo gồm: Trịnh Khánh Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng – Công ty Tân Hồng); Đỗ Đức Hưng (sinh năm 1956, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank, Chi nhánh Hồng Hà); Trương Đăng Dần (sinh năm 1974, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà); Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1963, Kế toán trưởng Công ty Tân Hồng); Đỗ Thị Minh Hiền (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà); Đinh Văn Hải (sinh năm 1972, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng); Trần Hữu Tuân (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giang Linh); Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thái An); Đỗ Hữu Bách (sinh năm 1973, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng); Nguyễn Văn Thúy và Đinh Minh Đạo (cùng là cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Hồng Hà) bị Viện KSNDTC truy tố về các tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án tại tòa.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2009, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Nghệ An, của ngân hàng, Trịnh Khánh Hồng với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hồng đã lập dự án, lập hồ sơ vay vốn 20,5 triệu USD (tương đương hơn 380 tỷ đồng) của Ngân hàng Agribank để trồng rừng nguyên liệu.
Tuy nhiên khi đã vay được vốn, Hồng không thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích riêng. Để che giấu hành vi, Hồng đã gian dối, tạo dụng ra 965 chứng từ chi tiền khống cho các hộ dân để trồng rừng.
Đến nay, Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng vay của ngân hàng nói trên. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động do đầu tư kinh doanh không hiệu quả, sử dụng vốn trái mục đích dẫn đến khó khăn trong hoạt động tài chính, phát sinh nhiều khoản tiền nợ đến hạn phải tra.
Để có tiền trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân, Hồng cùng với sự giúp sức các bị cáo khác trong vụ án đã có hành vi gian dối, sử dụng các chứng thư bảo lãnh không hợp pháp, qua đó chiếm đoạt các doanh nghiệp hơn 281 tỷ đồng. Đồng thời, Hồng còn câu kết với một số doanh nghiệp khác lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích trả các khoản nợ cũ, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tổng cộng, Trịnh Khánh Hồng và các đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng và đối tác số tiền hơn 863 tỷ đồng.
Trong vụ án này, 5 bị cáo nguyên là cán bộ của chi nhánh ngân hàng Agribank Hồng Hà, mặc dù biết rõ công ty của Trịnh Khánh Hồng khó khăn về tài chính không có tiền trả nợ đến hạn nhưng vì mong muốn không phát sinh nợ xấu để không bị kỷ luật nên đã ký các bảo lãnh để Hồng đi huy động vốn lấy tiền trả nợ cho ngân hàng.
Cụ thể, bị cáo Đỗ Đức Hưng, nguyên Giám đốc chi nhánh đã ký 15 chứng thư bảo lãnh thanh toán vượt quyền phán quyết, không có hồ sơ, không thu phí, không theo dõi trên hệ thống sổ sách, không đúng với quy định của Nhà nước cũng như của ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho Hồng lừa đảo hơn 281 tỷ đồng của các doanh nghiệp.
Hành vi pham tội của Hưng đã bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Hưng cùng 4 cán bộ cấp dưới của mình đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay tín dụng, chỉ đạo cấp dưới cho vay đảo nợ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 581 tỷ đồng.
Với hành vi này, Hưng và các đồng phạm đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tại phiên tòa, các bị cáo cơ bản khai nhận hành vi phạm tội của mình, biết ăn năn hối hận và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX cho rằng các bị cáo cơ bản đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo và người bị hại khác cũng như phù hợp với các tài liệu truy tố.
Do đó có đủ cơ sở kết tội các bị cáo phạm tội như VKS quy kết, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Từ phân tích trên, HĐXX quyết định tuyên phạt các bị cáo Trịnh Khánh Hồng 20 năm Lừa đảo tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chung thân Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt chung cho hai tội danh là tù chung thân; Đỗ Đức Hưng 13 năm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt chung cho hai tội danh là 23 năm tù; Trương Đăng Dần 6 năm tù về tội Lừa đảo chiểm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt chung cho hai tội danh là 12 năm tù; Nguyễn Văn Mạnh bị tuyên phạt 11 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo Đỗ Thị Minh Hiền, Đinh Văn Hải, Trần Hữu Tuân, Nguyễn Thị Mỹ và Đỗ Hữu Bách bị tuyên phạt các mức án từ 5 năm đến 7 năm về tội Lừa đảo chiểm đoạt tài sản; Nguyễn Văn Thúy bị tuyên phạt 6 năm Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng; bị cáo Đinh Minh Đạo bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng.
Theo Mạnh Hùng (Công Lý)
Tổng giám đốc chiếm đoạt 860 tỷ đồng của ngân hàng, doanh nghiệp
Với sai phạm và giúp đỡ của giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội, ông Hồng đã vay và chiếm đoạt hơn 860 tỷ đồng.
Ngày 12/4, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Trịnh Khánh Hồng (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng) và 10 đồng phạm (nguyên cán bộ công ty và cựu giám đốc, nhân viên chi nhánh một ngân hàng) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Dự kiến phiên xử diễn ra trong 3 ngày.
Ông Hồng (hàng đầu, bên trái) và các đồng phạm tại tòa.
Theo cáo buộc, năm 2008-2009, Công ty Tân Hồng kinh doanh thua lỗ, nhưng Hồng chỉ đạo Nguyễn Văn Mạnh (kế toán trưởng) ký các báo cáo tài chính sai sự thật đảm bảo điều kiện vay. Hồng "vẽ" ra dự án tổng mức vốn là hơn 33 triệu USD, vốn tự có là 12,5 triệu USD để chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội cho vay hơn 20 triệu USD với mục tiêu trồng rừng nguyên liệu.
Lúc đó, giám đốc chi nhánh Đỗ Đức Hưng ký tờ trình lên lãnh đạo ngân hàng để được phê duyệt cho vay vượt mức phán quyết và được đồng ý. Từ ngày 15/12/2009 đến ngày 2/6/2010, chi nhánh ngân hàng này đã giải ngân 20,5 triệu USD cho công ty Tân Hồng khi không có tài sản thế chấp... Công ty này đã rút ngoại tệ, bán được 380 tỷ đồng.
Ông Hồng chỉ sử dụng 4,6 tỷ đồng để mua phân bón, cây giống; còn lại trả nợ ngân hàng 102,3 tỷ đồng; sử dụng vào dự án, mục đích khác là 33,4 tỷ đồng, nhận tiền mặt 239 triệu đồng. Hành vi của ông Hồng và Mạnh bị quy kết lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến nay, Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng vay của ngân hàng nói trên.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động do đầu tư kinh doanh không hiệu quả, sử dụng vốn trái mục đích dẫn đến công ty khó khăn trong hoạt động tài chính, phát sinh nhiều khoản tiền nợ đến hạn phải trả.
Để có tiền trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân, Hồng cùng với sự giúp sức các bị cáo khác đã gian dối, sử dụng các chứng thư bảo lãnh không hợp pháp, qua đó chiếm đoạt của các doanh nghiệp hơn 280 tỷ đồng. Ngoài ra, Hồng còn câu kết với một số doanh nghiệp khác lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng nhằm trả các khoản nợ cũ, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.
Tổng cộng, Trịnh Khánh Hồng và đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng và đối tác số tiền hơn 860 tỷ đồng.
Trong vụ án này, 5 người nguyên là cán bộ của chi nhánh ngân hàng, mặc dù biết rõ công ty không có tiền trả nợ đến hạn nhưng vì mong muốn không phát sinh nợ xấu để không bị kỷ luật nên đã ký các bảo lãnh để Hồng đi huy động vốn lấy tiền trả nợ cho ngân hàng.
Trong đó, giám đốc chi nhánh Hưng đã ký 15 chứng thư bảo lãnh thanh toán vượt quyền phán quyết, không có hồ sơ, không thu phí, không theo dõi trên hệ thống sổ sách, không đúng với quy định của Nhà nước cũng như của ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho Hồng chiếm đoạt tiền. Ông Hưng đồng phạm với Hồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, với việc cho vay 380 tỷ đồng với Công ty Tân Hồng, ông Hưng còn vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Việt Dũng
Theo VNE