Nhóm bạn trẻ băng sông, vượt hàng trăm cây số dựng trường cho học sinh vùng cao Quảng Nam
Từ Đà Nẵng, nhóm bạn trẻ trong câu lạc bộ Bạn Thương Nhau nhiều năm qua vượt hàng trăm cây số lên huyện vùng cao Quảng Nam dựng lên cả chục điểm trường.
Băng sông xóa điểm trường tạm
Tháng 10, nước sông Tranh cuộn trào những con sóng dập dềnh. Tự bao đời, khúc sông uốn một đường vòng cung vẫn dùng dằng “cô lập” dân làng Tắc Rối. Để qua trung tâm xã, 41 hộ dân Tắc Rối chỉ có một cách duy nhất là sang sông thì phải lụy đò.
Đường sá gian nan lại “gánh” thêm nỗi lo “núi đè”, cách đây không lâu, đồng bào Ca Dong nơi đây đành khăn gói thực hiện cuộc di dân.
Làng mới cách làng cũ tầm 2 cây số giúp bà con quẳng đi nỗi lo sạt lở núi. Nhưng khúc sông Tranh chia cắt Tắc Rối vẫn còn đó, như sợi dây quấn riết lấy cái nghèo, cái khó.
Sông Tranh chia cắt làng Tắc Rối.
“Thương nhất là lũ trẻ. Khi chuyển về làng mới, các em phải học tạm bợ ở nhà dân. Không có điện, việc dạy và học thậm chí phụ thuộc vào thời tiết. Khi có sương mù hay mưa xuống thì việc học của các em bị gián đoạn”, thầy Nguyễn Bảo Toàn (giáo viên tiểu học tại điểm trường Tắc Rối) chia sẻ.
Cảm thương hoàn cảnh trên của các em nhỏ, tháng 8 vừa qua, từ TP Đà Nẵng, hàng chục thành viên trong câu lạc bộ Bạn Thương Nhau lặn lội vượt hàng trăm cây số lên huyện miền núi Nam Trà My.
Chỉ vài ngày sau chuyến tiền trạm, các bạn trẻ bao năm trời theo đuổi con đường thiện nguyện quyết định thuê xe vận chuyển hàng tấn vật liệu xây dựng.
Video đang HOT
Điểm dừng của chuyến xe chở đầy ắp tình yêu thương này không nơi nào khác là Tắc Rối xa xôi hẻo lánh.
Điểm trường Tắc Rối được xây dựng khang trang.
Nhắc đến câu chuyện dựng điểm trường ở Tắc Rối, anh Nguyễn Bình Nam (chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn Thương Nhau) cho hay, sau khi vận động kinh phí được 470 triệu đồng, câu lạc bộ quyết định đầu tư xây 2 phòng học, nhà ở giáo viên, phòng bếp và một số công trình phụ trợ khác.
Điểm trường mới vừa khánh thành vào đầu tháng 10 vừa qua giúp 39 em học sinh cấp mẫu giáo và tiểu học ở Tắc Rối có điều kiện học tập tốt hơn.
6 năm, chung tay dựng xây 12 điểm trường
Trường Tắc Rối khánh thành trong niềm vui khôn xiết của thầy và trò. Lúc này ở một xã khác của huyện Nam Trà My, câu lạc bộ Bạn Thương Nhau cũng đang dốc sức hoàn thành một điểm trường khác.
Đó là điểm trường Măng Lùng (xã Trà Linh). Dự kiến, điểm trường tọa lạc tận độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển này sẽ được bàn giao trong tháng 11 tới.
6 năm qua, câu lạc bộ Bạn Thương Nhau chung tay xây dựng 12 điểm trường ở Nam Trà My.
“Thủ lĩnh” câu lạc bộ Bạn Thương Nhau nhẩm tính, ngoài 2 điểm trường vừa và sắp khánh thành nêu trên, 6 năm qua, nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng chung tay dựng 10 điểm trường khác ở huyện miền núi Nam Trà My.
“Tình cờ trong một chuyến phát quà từ thiện, câu lạc bộ biết đến điểm trường Nước Ui (trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai). Lúc ấy, các phòng học xập xệ và bàn ghế cũng rệu rã.
Về dưới xuôi, hàng chục thành viên trong câu lạc bộ bàn bạc và chung sức kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ xây trường. Năm 2013, chúng tôi khởi công xây dựng điểm trường này và sứ mệnh xóa điểm trường tạm như một tôn chỉ hoạt động của câu lạc bộ”, anh Nam vui vẻ nói.
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết rất cảm kích trước tấm lòng của các thành viên trong câu lạc bộ Bạn Thương Nhau. Nhờ sự chung tay, góp sức của các bạn mà địa phương dần xóa bỏ những điểm trường tạm và dựng lên các mái trường kiên cố.
Theo VTC
Cá chết xếp lớp, người nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện hoang mang
Chứng kiến cảnh hàng tấn cá tự nhiên chết nổi xếp lớp, những người nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 thấp thỏm âu lo.
Một tuần trở lại đây, khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) xuất hiện hiện tượng cá chết dày đặc, nổi trắng mặt hồ. Lượng cá chết lên tới hàng tấn và phần lớn là cá rô phi.
Cá tự nhiên ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chết xếp lớp và trôi dạt vào bờ.
Đến thời điểm hiện tại, tình trạng cá chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, một lượng lớn xác cá đang trong giai đoạn phân hủy, trôi dạt vào trong bờ, bốc mùi hôi thối, khiến môi trường ô nhiễm.
Chứng kiến cảnh cá tự nhiên chết xếp lớp, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè ở đập phụ thủy điện Sông Tranh 2 không khỏi lo lắng.
Ông Lê Thịnh Bảo (69 tuổi, trú thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) cho hay, gia đình có tổng cộng 6 lồng bè nuôi cá (chủ yếu là cá diêu hồng, cá trê) tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Những ngày vừa qua, cá rô phi chết dày đặc xuất hiện bên ngoài các lồng bè khiến gia đình ông rơi vào trạng thái thấp thỏm không yên.
Chứng kiến cảnh cá tự nhiên chết không rõ nguyên nhân, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè lo lắng.
"Hiện tại, ở lòng hồ thủy điện này có tổng cộng 14 hộ nuôi cá lồng bè. Chứng kiến tình trạng cá tự nhiên chết không rõ nguyên nhân, chúng tôi thực sự lo lắng cho cá trong các lồng bè của mình", ông Bảo giãi bày.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My đã cử cán bộ kỹ thuật lên lòng hồ thủy điện để kiểm tra.
"Chúng tôi vừa lấy mẫu nước gửi đi kiểm tra nhằm truy tìm nguyên nhân khiến cá tự nhiên chết, đồng thời hướng dẫn các hộ dân nuôi cá lồng bè những biện pháp để bảo vệ cá của mình", ông Thiệu nói.
THANH BA
Theo VTC
Kỳ công bảo tồn "quốc bảo" sâm Ngọc Linh trên đỉnh mây mù Giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ, nhiều lúc cái lạnh giá như thấu buốt vào tim can, những chàng trai Xê Đăng vẫn miệt mài bám núi, bám rừng vun trồng, chăm sóc, tuần tra, bảo vệ. Họ ăn, ngủ cùng rừng để bảo tồn giống sâm "quốc bảo" của Việt Nam. Nhân giống cây sâm Cách trung tâm hành chính huyện...