Nhóm 9X vừa đi học, vừa bán hàng online dành tiền cho trò nghèo
Họ không giàu, đa số vẫn còn đang đi học nhưng họ thay phiên nhau bán hàng trên trang online của nhóm, ai rảnh rỗi thì tranh thủ đi giao hàng mà không thuê shipper để tăng lợi nhuận.
Khi tiền lời bán hàng được “hòm hòm”, họ lại lên kế hoạch làm chuyến từ thiện đến các ngôi trường nghèo hẻo lánh…
Trường tiểu học Bà Râu là một ngôi trường nghèo nằm ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. 100% học sinh của trường là trẻ em dân tộc Raglai.
Thầy Tài Đại Điều – phó hiệu trưởng phụ trách trường, cho hay: “Trường này có 636 học sinh thì có đến 165 em thuộc hộ nghèo, còn lại là cận nghèo và khó khăn”.
Nhóm Dấu chân kết nối nấu một bữa ăn cho tất cả học sinh trường tiểu học Bà Râu
Các em chăm đi học vì đến trường được… ăn cơm, được chế độ nuôi dưỡng của nhà nước. Thế cho nên, những thức ngon vật lạ, những trò giải trí hiện đại ở các thành phố lớn đối với các em rất lạ lẫm.
Cuối tuần qua lại là một dịp rất khác, ngôi trường trở nên rộn ràng, nhộn nhịp hơn hẳn. Sân trường rộn rã tiếng cười, tiếng nói của các em học sinh, của thầy cô giáo và hơn 50 bạn trẻ, tuổi từ 20 đến 22 của nhóm Dấu chân kết nối đến từ TPHCM. Họ mang đến cho học sinh còn chịu khá nhiều thiệt thòi ngôi trường này những niềm vui, nụ cười và tình yêu thương.
Trò chơi nhảy bao bố làm các em học sinh thích thú
Các em học sinh Raglai được các anh chị nhóm Dấu chân kết nối tổ chức cho chơi những trò chơi dân gian kéo co, ném lon, ném vòng, nhảy bao bố, nhảy sạp…
Những bé trai đầu tóc bù xù sẽ được cắt tóc, làm móng tay sạch sẽ. Các em chơi đã đời rồi còn được các anh chị nấu cho bữa cơm trưa ngon lành.
100 em có gia đình khó khăn nhất còn được tặng quà, nhiều em còn được tặng xe đạp để đi học. Tối đến còn được các anh chị phục vụ buổi biểu diễn văn nghệ “hoành tráng” như ở thành phố…
Video đang HOT
Các em được cắt tỉa tóc
Các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi được nhận quà
Điều đặc biệt là toàn bộ kinh phí của chương trình khoảng 60 triệu đồng là số tiền mà nhóm Dấu chân kết nối đã thu được khi tổ chức bán hàng online trong 3 tuần liền với các mặt hàng ăn vặt như bánh tráng, cơm cháy…
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hồng (23 tuổi, trưởng nhóm Dấu chân kết nối) chia sẻ: “Nhóm em phần lớn là còn đi học và đi làm nên bán hàng online là thuận tiện và phù hợp nhất nên nhóm quyết định bán hàng online những mặt hàng ăn vặt…
Các bạn trẻ ở thành phố tự tay kiếm tiền để làm từ thiện, tự bỏ công sức nấu ăn cho các em học sinh nghèo
Tổ chức lửa trại cho các em
Tụi em bỏ công sức, thời gian và xăng xe để đi giao hàng chứ không thuê shipper để lấy công làm lời và toàn bộ số tiền bán được sẽ dùng vào mục đích làm từ thiện”.
Theo Hồng, nhờ hoạt động bán hàng online mà nhóm Dấu chân kết nối có nguồn kinh phí ổn định để thực hiện các chương trình từ thiện và đến nay nhóm đã tổ chức được 6 chương trình Nụ cười tôi yêu.
Mục tiêu của nhóm là mang lại niềm vui, niềm tin, tạo hứng thú và điều kiện cho các em học sinh nghèo vui bước tới trường, không có em nào phải bỏ học giữa chừng, để các em có một tương lai tươi sáng hơn.
“Ngày trước, em cũng là một học sinh nghèo được nhận sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội mà em có thể vững bước tới trường, học xong đại học và có công việc ổn định như ngày hôm này.
Em mong muốn cùng với các bạn trong nhóm lan tỏa tinh thần này đến các em học sinh nghèo, giúp các em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, để có tương lai tốt đẹp và có thể tiếp tục nâng đỡ giúp đỡ những người khó khăn khác”, Hồng chia sẻ thêm.
Trong đôi mắt và nụ cười rạng rỡ niềm vui, em Katơ Thị Mỹ Linh (lớp 4, trường Tiểu học Bà Râu) hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên em thấy có đoàn từ thiện về trường mà tổ chức nhiều hoạt động vui như thế này.
Em và các bạn được chơi nhiều trò chơi rất là vui, được ăn cơm ngon, được xem văn nghệ hay. Em cũng được nhận quà nữa. Em sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa và sau này lớn lên có thể làm được những điều tốt đẹp như các anh chị!”.
Còn với Hồng, cô gái trẻ cho rằng: “Tụi em nghĩ là ai cũng đều có thể làm việc thiện, tùy theo khả năng của mình, không cứ phải giàu mới có thể làm từ thiện!”.
Theo Đức An (Dân Trí)
Cụ ông Thanh Hóa quyết bảo vệ bằng được 7.000 con chim
Từ 15 con cò đầu tiên, sau 41 năm đồi chim cò của ông Phạm Văn Của ở Thanh Hóa tăng lên trên 7.000 con.
Khoảng đồi hơn hai hecta của gia đình ông Phạm Văn Của, người dân tộc Mường ở thôn Thọ Liên (Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) từ lâu là nơi lưu trú của 5.000-7.000 con cò, chim các loại.
85 tuổi, ông Của 41 năm gìn giữ khoảng không yên lặng để níu chân các loài chim. Năm 1978, 15 con cò thường tìm về đồi cao sau nhà ngủ đêm, từ đó gia đình ông quyết giữ không cho săn bắn. Đồi thuộc diện tích đất canh tác của gia đình, trước chỉ có cây gỗ và cây bụi, một phần trồng sắn. Để thu hút chim cò về, gia đình trồng thêm cây luồng, tre. Hàng tuần ông cùng con cháu đi phát quang tầng lá thấp để tiện cho quá trình theo dõi vào vệ chim.
Dù quanh đồi đã được rào kín, cao hơn một mét nhưng vẫn còn tình trạng trộm chim. Vì thế, ông Của luôn đi kiểm tra, đoạn nào bị phá là rào lại ngay.
Hàng ngày chim rời đi ăn từ rất sớm, chiều từ 5h30 bắt đầu trở về ngủ. Ông Của cho hay, năm 1999-2000 cò về ngày một nhiều, khu đồi cò ngày trước rộng gần 4 hecta, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 2 hecta do quá trình mở rộng đường Hồ Chí Minh.
Chiều tối, những con cò đầu tiên bay về thám thính mức độ an toàn, sau đó từng tốp vài trăm, đến vài nghìn con cùng về và bay lượn trên trời nhiều vòng rồi mới tìm chỗ đậu, ông Của cho biết.
Những tán cây cao nhất trên đồi gần nhà ông Của được chim chọn là nơi đậu để ngủ đêm.
Ngay sau khi chim về ngủ, ông lại đi soi đèn để kiểm tra khu vực sống, theo dõi xem những loài chim gì về ở. "Đồi chủ yếu là cò, có một tháng trong năm chim bồ nông di trú ngủ tạm. Ngoài ra còn có những loại chim rừng về ở", ông nói.
Phân chim cũng là dấu hiệu để nhận biết chim khỏe, yếu và thức ăn hàng ngày của chúng có đầy đủ hay không.
Chỉ sau khi quanh đồi không còn tiếng động thì ông Của mới trở về nhà ăn cơm tối. Dù phải hy sinh cả đồi cây rộng lớn cho đàn cò có nơi trú ngụ, lại ngày đêm bảo vệ đàn cò, ông Của không thấy thiệt. Tình yêu của ông với đàn chim trời lúc nào cũng vẹn nguyên.
Theo Ngọc Thành (VnExpress)
Cậu bé đạp xe 100km thăm em: "Cái lý của tình thương" Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em. Chuyện cậu bé con ở huyện Vân Hồ, Sơn La, cứ thế đạp xe về Hà Nội để thăm đứa em bé bỏng của mình phải đi...