Nhọc nhằn trẻ em mưu sinh trên cánh đồng muối
Nghề làm muối là một nghề rất nặng nhọc, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe thật tốt. Nhưng tại cánh đồng muối xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), lao động lại chủ yếu là những đứa trẻ…
Chúng tôi về xã Kỳ Hà trong những ngày hè bỏng rát, dưới cái nắng nóng gay gắt lên đến 40 độ C, cùng với vị mặn của gió biển làm cho không khí oi bức đến ngộp thở. Giữa cánh đồng muối, hàng chục đứa trẻ nghèo đang nai lưng, cố vắt chút sức “non nớt” để đối lấy vài chục ngàn kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Các em mưu sinh dưới cái nắng 40 độ C
12h trưa, giữa cái nắng đến 40 độ C, trên những thửa ruộng muối trắng xóa, hàng chục thân hình gầy guộc, đen nhẻm đang cố xúc đất, múc nước, gom tảng muối để hy vọng có được vài chục nghìn đưa về cho bố mẹ.
Em Nguyễn Đình Bảo (SN 2000) trú tại thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh cho biết: “Cứ đến mùa hè được nghỉ học em và các bạn trong xã đều ra cánh đồng muối để làm muối phụ giúp bố mẹ. Bố em đi biển cả tuần mới về nên em phải đi làm giúp mẹ”.
Mỗi ngày phải thức dậy từ lúc 4h sáng rồi phải đến tối mịt mới được về nhà, phải làm việc hết sức nhưng mỗi đứa trẻ ở đây chỉ được trả công từ 25 – 30 nghìn đồng.
Là chị cả trong gia đình có 4 anh chị em, bố lại mất sớm nên em Lê Thị Huyền mới 13 tuổi những đã trở thành một lao động chính trong gia đình.
“Một mình mẹ đã bươn chải vất vả để nuôi 4 anh chị em em. Em phải ra cánh đồng muối cùng mẹ để làm việc, góp tiền để đong gạo và mua sách vở áo quần cho năm học mới chú à. Nếu không đi làm như thế này thì lấy đâu ra tiền để cho chúng em đi học…” – em Huyền tâm sự.
Đang ngồi uống cốc nước lọc trong giờ “giải lao”, em Lê Văn Tuấn (SN 1999) chia sẻ: “Nhà em có 3 anh em cùng với mẹ làm nghề muối, mỗi ngày cả 4 người làm việc từ 4h sáng đến 6h chiều cũng được hơn 1 tạ muối, bán đi cũng được 170 nghìn. Chia ra thì mỗi người được hơn 40 ngàn tiền công”.
Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Nghề muối là một nghề nặng nhọc nhất, phải lao động giữa cái nắng đến 40 độ C, nắng càng to thì càng làm được nhiều muối. Do đặc thù vùng quê biển nên đàn ông đi biển hết, còn lao động trên cánh đồng muối chủ yếu là trẻ em và phụ nữ”.
Rời cánh đồng muối với cái nắng mặn chát, chúng tôi không sao quên được những ánh mắt trong veo lấm mồ hôi, nhưng thân hình bé nhỏ đen sạm đang vắt kiệt sức giữa cánh đồng muối.
Video đang HOT
Có nhiều em chỉ mới 10 tuổi
Tất cả các em đều mong muốn có thể gành bớt gánh nặng cho bố mẹ
Phút nghỉ ngơi của em Tuấn.
Anh Tấn – Văn Dũng
Theo Dantri
Gặp thanh niên trả lại 200 triệu nhặt được cho người TQ
"Người Trung Quốc sang Việt Nam làm việc cũng giống như người Việt sang các nước khác lao động, cuộc sống cũng rất khó khăn, số tiền đó rất đáng giá với họ. Và tôi muốn cho họ thấy người Việt mình rất thân thiện, luôn mong muốn hòa bình" - anh Đào Hữu Ý (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), người trả lại 200 triệu đồng cho một người TQ đánh rơi chia sẻ.
"Mừng vì mình là người nhặt được tiền"
Trong thời gian gần đây, bạn đọc cũng như cư dân mạng hết lời tán thưởng, khâm phục về hành động của anh Đào Hữu Ý (SN 1984, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khi nhặt được một túi xách chứa 200 triệu đồng của một người mang quốc tịch Trung Quốc đánh rơi.
Trong một chuyến công tác, vô tình gặp anh Đào Hữu Ý, biết chúng tôi có ý tìm hiểu về hành động trả tiền, anh Ý rất vui vẻ trò chuyện.
Anh Đào Hữu Ý (trái) và Jiang Qin Lin khoác tay nhau, rất thân thiện. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh cho biết đang là cán bộ công tác tại Hội đồng bồi thường tái định cư giải phóng mặt bằng của huyện Kỳ Anh.
Nhấp ngụm nước, anh Ý kể tiếp, hôm đó là chiều ngày 11/5, sau khi đi làm về, anh cùng một số người bạn rủ nhau vào quán cafe Phú Sơn (Khu phố Hưng Lợi - Thị trấn Kỳ Anh) uống nước.
Khi ra về, anh phát hiện một túi xách màu nâu đánh rơi trước cổng quán.
Tò mò nên mở chiếc túi để kiểm tra, anh bất ngờ khi thấy bên trong túi có một cục tiền được gói cẩn thận.
Ngoài ra có một hộ chiếu tên Jiang Qin Lin (SN 1990) cùng một số giấy tờ khác. Anh mang túi vào hỏi một số nhân viên trong quán thì được những người này cho biết, cách đó khoảng 30 phút có một người đi chiếc ô tô màu đen vào uống nước.
"Lúc này trong người tôi cũng có tiền vì vừa nhận lương, sợ mọi người nghĩ không đúng nên tôi đã vào quán để nhờ nhân viên xác nhận là tôi không hề đụng tới số tiền trong túi xách" - anh Ý nói.
Anh Ý liền lấy xe máy chạy đuổi theo hướng đi xã Kỳ Hoa (Huyện Kỳ Anh) hơn 5km.
Suốt quãng đường, anh đảo mắt để chiếc xe màu đen mà nhân viên quán miêu tả sơ qua nhưng không thấy. Sau đó, anh lại chạy ngược hướng khu tái định cư xã Kỳ Lợi những cũng không có kết quả.
Nghĩ người này khi phát hiện mất tiền sẽ quay lại quán tìm nên anh Ý trở lại quán café Phú Sơn. Chờ hơn 30 phút thì thấy một người đàn ông dáng vẻ hốt hoảng nhu đang tìm kiếm thứ gì đó.
"Lúc đó khoảng hơn 19h, tôi trong thấy một người đàn ông đang dáo dác tìm thứ gì đó. Nhìn lại bức ảnh in trên hộ chiếu thấy giống. Tôi liền qua hỏi, người này nói tiếng Việt rất rõ. Qua trao đổi thì đúng là người đã đánh rơi chiếc túi. Khi ấy, họ mừng lắm, cứ cảm ơn rối rít. May mà tôi là người nhặt được túi xách" - anh Ý nhớ lại.
Nhân viên quán café Phú Sơn, Đào Thị Minh Huệ (SN 1995) cho hay, khoảng 17h ngày 11/5, anh Ý mang túi xách vào kiểm tra thì thấy có tiền, ai cũng hốt hoảng.
Sau đó, anh Ý chạy xe đi tìm rồi chờ người đánh rơi để trả lại. Và đó là một người Trung Quốc.
Tôi muốn cho họ biết: Người Việt rất thân thiện
Nói chuyện thì anh mới biết, người này tên là Jiang Qin Lin (SN 1990), là người Trung Quốc, hiện đang làm việc tại dự án Formosa - KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Và khi đó anh mới biết số tiền trong túi là khoảng 200 triệu đồng. (100 triệu đồng và 50 ngàn nhân dân tệ, tương đương 100 triệu đồng tiền Việt).
"Không chỉ anh Jiang Qin Lin mừng khi nhận được lại tiền mà ngay bản thân tôi cũng rất vui. Tiền thì ai cũng cần nhưng không phải do công sức mình làm ra thì lấy cũng không được gì. Niềm vui ấy không kéo dài được, trong khi người mất lại suy sụp" - anh Ý nói.
Sau khi nhận lại số tiền từ tay anh Ý, Jiang Qin Lin đã nhỏ ý đưa cho anh Ý cùng một số nhân viên trong quán cafe 1 triệu đồng để cảm ơn nhưng anh đã từ chối.
Ngày hôm sau (12/5), anh Đào Hữu Ý đã có một bữa ăn trưa với anh Jiang Qin Lin, nhờ đó mà anh Ý mới biết được, khi quay lại quán tìm chiếc túi xách thì hy vọng tìm được tiền là không có mà chỉ muốn xin lại hộ chiếu.
Tuy nhiên, nghĩ trong túi có tiền nên việc xin lại hộ chiếu cũng không còn.
Và anh Jiang Qin Lin cũng rất bất ngờ trước việc làm của anh Đào Hữu Ý, Lin chỉ biết gật đầu, bắt tay rối rít cảm ơn.
Cũng trong bữa ăn, 2 người đã trao đổi về việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng lãnh hải Việt Nam một cách rất cởi mở.
Theo anh Ý, anh Jiang Qin Lin cũng như người dân Trung Quốc không hề đồng ý về hành vi của nhà cầm quyền.
"Đó là việc của chính quyền, chứ Lin cũng như người dân Trung Quốc luôn mong muốn hòa bình, cùng hợp tác, thỏa thuận bằng con đường ngoại giao để cùng nhau phát triển", anh Ý nhắc lại lời của Jiang Qin Lin.
Nói về việc làm của mình, anh Đào Hữu Ý chia sẻ:"Tôi làm việc này không phải để nhận tiền hay lời cảm ơn từ họ mà chỉ muốn nói với họ là con người Việt Nam rất thân thiện, môi trường làm việc ở Việt Nam rất tốt, đáng để đầu tư".
Văn Đức
Theo_VietNamNet
Hàng nghìn người xô xát ở khu kinh tế Vũng Áng Chiều và tối 14/5, hàng nghìn người tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã kéo đến nhà máy Formosa nơi có lượng lớn công nhân Trung Quốc làm việc khiến tình hình hỗn loạn. Ít nhất một người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Sáng nay, trao đổi với VnExpress, ông Bùi Đình Quang (Phó giám đốc Công an tỉnh...