Nhọc nhằn phận ‘trai vẫy’
Nhắc đến “ phố vẫy” ở Hà Nội, người ta thường nghĩ đến những con phố mà hằng đêm các cô gái “bán hoa” vẫn thường hay qua lại vẫy khách. Tuy nhiên, Hà Nội cũng có những “phố vẫy” mà ở đó toàn là con trai, tuổi đời còn rất trẻ.
Công việc chính của những chàng trai này là “đón lõng”, rồi “túm cổ” và “dí” người đi đường vào quán hàng của họ. Chính vì thế mà xung quanh “nghề” đặc biệt này đã có không ít chuyện bi hài.
Mê hồn trận “phố vẫy”
Phải đến một số con phố nổi tiếng về ăn uống tại Hà Nội như: Trúc Bạch, Đặng Văn Ngữ, Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Lê Đức Thọ… mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn khó nói khi muốn đường đường, chính chính đi qua những con phố này. Xe vừa trờ tới ngã ba Đặng Văn Ngữ – Hồ Đắc Di, ngay lập tức đã có hàng chục anh chàng lao ra nhiệt tình lôi và mời. Chưa kịp phản ứng, một anh chàng nói giọng Thanh Hóa đã nhanh như cắt chặn ngay đầu xe, hai chân dang rộng kẹp lấy bánh xe vào giữa, một tay cầm lấy ghi đông, một tay thò ra phía trước định tắt máy, miệng không quên: “Phố 2 anh ơi! Cà phê phố 2″.
Những anh chàng ở xa hơn thì như một quán tính, đứng hẳn ra lòng đường, hai tay giang rộng như đón lõng và không quên mời chào: “Cà phê anh ơi. Bát Bảo đi anh ơi…”. Nhìn thấy quán Phố 2 không còn ghế trống, chúng tôi vọt xe lên phía trước nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Càng thấy xe qua, các anh chàng này càng thi nhau lao ra, người giữ ghi đông, người nắm đuôi xe khiến chúng tôi “ tiến thoái lưỡng nan”. Không còn đường lui, buộc lòng chúng tôi phải chọn một quán để vào.
Phố Đặng Văn Ngữ vốn nổi tiếng là “phố cà phê” vì đoạn đường giáp hồ Hồ Đắc Di này chỉ chưa đầy 400 m nhưng đã có tới trên dưới 20 quán cà phê mọc san sát nhau. Đó cũng là lý do khiến lực lượng “ trai vẫy” ở đây chiếm vị trí thứ hai sau phố “chân gà nướng” Lê Đức Thọ. Ở đây, mỗi quán có ít nhất 2 nhân viên nam, đại đa số đều trong độ tuổi từ 16 – 25, đến từ rất nhiều vùng quê khác nhau.
2 nhân viên vừa thực hiện chức năng “đón lõng” hay còn gọi là “vẫy khách” vừa kiêm luôn bảo vệ. Vì quán phục vụ khách từ sớm tinh mơ cho tới đêm khuya nên lực lượng “trai vẫy” ở đây trực chiến liên tục. Họ ăn uống, sinh hoạt và giao lưu với nhau ngay bên vỉa hè cho đến khi quán đóng cửa, nghỉ bán hàng thì họ mới hết việc.
Khác với Đặng Văn Ngữ, phố “chân gà nướng” Lê Đức Thọ dù mới hình thành cách đây chưa đầy một năm và chủ yếu hoạt động về đêm nhưng lại có đội quân “trai vẫy” đông nhất Hà Nội. Một số ít trong đó là sinh viên đi làm thêm, còn lại là lao động tự do. Do đoạn đường Lê Đức Thọ rộng, lại là đường hai chiều nên lực lượng “trai vẫy” ở đây có nhiều đất vùng vẫy hơn. Họ chiếm dụng tới cả nửa lòng đường để hoạt động và sẵn sàng “chặn” bất cứ đầu xe nào nếu “bắt được tín hiệu” có nhu cầu ăn uống.
Tuy nhiên, cũng không ít khách dù không có nhu cầu ăn uống nhưng vẫn bị “vướng bẫy” ở đây như thường. Theo quan sát, phần đa ở đây là quán nhậu nên lượng khách mỗi đêm khá đông. Mỗi quán có thể lên tới hàng chục nhân viên phục vụ và các nhân viên này sẽ thay nhau vẫy khách từ 5 giờ chiều cho đến 12 giờ khuya.
Lẻo mép nhanh nhẹn Liều = Lương cao
Khách chưa kịp xuống xe một “trai vẫy” đã nhanh nhảu nắm lấy đuôi xe để dắt vào quán
Nhiều nhân viên tâm sự rằng, làm “nghề” này không có bí quyết gì mà làm lâu sẽ quen, sẽ tự biết cách tránh xe, biết nhìn người nào ăn hay không. Và đã vào làm ở đây là phải nhanh nhẹn và lẻo mép thì mới “sống” được. “Công việc vẫy, đón khách không khó nhọc nhưng đòi hỏi phải biết cách chèo kéo khách hàng thì mới có thể trụ được. Bởi vậy, nhiều lúc biết là đứng giữa đường thế này rất nguy hiểm nhưng chúng em cũng buộc phải liều” – Thắng, quê ở Thái Nguyên, cho biết.
Ngoài liều lĩnh ra thì một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với đội quân “trai vẫy” ở các phố ăn uống đó là chịu nghe chửi. Không bắt được khách thì bị chủ quán chửi. Bắt không đúng khách cũng bị khách văng tục và nếu không vừa ý khách cũng bị khách mắng chẳng tiếc lời. Ấy thế nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Thậm chí, không may “đụng” phải đầu gấu, giang hồ còn bị “táng” thẳng vào mặt không thương tiếc.
Video đang HOT
Lê Văn Việt (21 tuổi) – nhân viên quán phở cuốn ở Trúc Bạch vén vết thương đang lên da non ở đầu phân trần: “Cách đây hơn một tháng em vô tình vớ phải hai thằng đầu gấu, vừa kịp giữ được xe chúng lại thì một thằng ngồi phía sau cởi mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu làm em ngất tại chỗ. Chỉ đến khi bà chủ chạy ra xin chúng mới ngừng đánh. Hậu quả em bị khâu 6 mũi và phải nghỉ làm ở nhà một tháng để dưỡng thương. Tai nạn như của em là chuyện cơm bữa, làm nghề này mà không bị đánh mới là chuyện lạ”.
Tình cảnh chung của đại đa số thanh niên làm “trai vẫy” ở các phố này là vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn… “Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải làm vì không còn cách nào khác, mỗi người mỗi nghề mà. Tuy nhiên, vẫn sợ nhất là gặp phải bọn đầu gấu, nó mà “oánh” thì chỉ có te tua. Ngoài ra, nhiều người bình thường nhưng cũng ghê gớm lắm, sẵn sàng tung “nước bọt” vào mặt bọn em nếu vô tình bị chặn xe lại” – Kiên (Phú Thọ) nhân viên một quán ốc ở đường Lê Đức Thọ cho biết thêm.
Thực tế, do số lượng quán ở các phố ăn uống này đều nằm san sát nhau nên doanh thu chủ yếu của quán phụ thuộc phần nhiều vào đội quân “trai vẫy”. Quán nào tuyển được nhiều “lính thiện nghệ”, biết cách bắt khách thì doanh thu của quán sẽ tăng lên rất nhiều. Tất nhiên, lương và thưởng của lực lượng “trai vẫy” cũng sẽ tăng lên nếu bắt được nhiều khách trong tháng, do đó ai làm ở đây cũng phải cố gắng hết mình.
Theo Trần Minh Long (23 tuổi, quê Nghệ An) – nhân viên quán cà phê Bát Bảo (Đặng Văn Ngữ), hàng tháng cậu được trả mức lương cứng là 1,4 triệu đồng, bao ăn ở. Ngoài ra, cậu còn được hưởng thêm một khoản gọi là thù lao vẫy khách nữa. Đây cũng chính là lý do khiến tình trạng giành giật khách giữa các quán liên tục xảy ra. Nhiều “trai vẫy” sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay với cả bạn bè, đồng hương vì họ dám cướp khách của mình.
Nhiều “trai vẫy” ở phố Đặng Văn Ngữ vẫn còn rỉ tai nhau câu chuyện bi hài của một cậu tên Phong quê ở Nghệ An. Phong có vẻ ngoài điển trai, lại rất nhanh nhẹn nên dù mới ra làm nhưng đã “vẫy” được rất nhiều khách về cho quán mình. Có lần, vì không biết khách đó là khách quen của quán bên cạnh nên Phong ra “vẫy” và khách đồng ý vào quán của anh.
Tuy nhiên, tối hôm đó khi đang đi chơi với bạn gái về đến gần hồ Hồ Đắc Di thì Phong bị 3 thanh niên đuổi theo. Nhìn lại Phong phát hiện người đuổi đánh mình chính là nhân viên của quán bên cạnh. Vừa đuổi theo, chúng vừa hô hoán: “Đánh cho nó chừa cái tội cướp khách. Đánh cho chết m… nó đi”. Sợ quá, cô bạn gái nhảy xuống nấp ở mép hồ, còn Phong thì bị đánh gãy tay, phải đi bó bột.
Rất nhiều “trai vẫy” tâm sự họ sẽ không gắn bó với “nghề” này lâu dài vì nhiều khi thấy xấu hổ và nguy hiểm. Tuy nhiên, muốn có tìm được một nghề gì đó khác thì họ phải có thời gian và cũng phải tích lũy được một số tiền rồi mới tính đến.
Theo GiađinhNet
'Phố vẫy' ở Hà thành
Hà Nội có những phố bán hàng ăn đặc biệt náo loạn bởi hoạt động... vẫy, chặn xe bắt khách. Đội quân ở những "phố vẫy" chỉ làm mỗi một việc là đứng vẫy rồi "túm cổ" khách lại, lôi vào trong nhà hàng của họ.
Thoát vào "mắt"
Chúng tôi đố nhau đi qua đoạn phố vẫy bờ hồ Trúc Bạch mà không bị "tóm". Đám con trai có vẻ nắm được phần thắng lắm, kêu có chiến thuật, còn bảo: "Các bà ì ạch, mắt lại liếc ngang liếc ngửa, mới bị chúng nó tóm. Còn mắt nhìn thẳng, không tỏ ra tìm kiếm gì, mồm ngậm thêm cái tăm, ra điều vừa ăn xong rồi thì không thằng nào "vẫy" hay "tóm" nổi các bà đâu".
Nếu không ngậm tăm...
Ba chiếc xe máy chúng tôi đồng loạt lao lên. Dù hai đứa con gái chúng tôi đã không nhìn ngang, tốc độ cũng lớn, cỡ 40km/h, đi qua nhà hàng phở cuốn của họ cũng không hề giảm tốc, ấy thế mà hai anh chàng tóc vừa vàng, vừa đỏ vẫn lao ra.
Tất nhiên, tôi phải phanh lại, anh chàng chặn xe tôi nhảy ngoắt một chân tránh bánh xe trước của tôi rất điệu nghệ. Xe dừng hẳn, cậu ta đứng dạng luôn hai chân qua cái bánh xe, tì cả tay lên ghi đông, một tay vòng lên sờ sờ định tắt chìa khóa điện. Cô bạn tôi cũng bị tóm, ra sức "trình bày" là không có nhu cầu ăn.
Đang thầm thán phục hai anh bạn vì khả năng thoát vòng vây quá tốt, thì thấy cả người cả xe lầm lụi quay ngược đầu. Xe đã vào tay tay thợ vẫy, hai anh chàng lút cút đi sau. Hai anh bạn chậc lưỡi: Thôi, vào ăn cho nó xong. Bọn này đông quá, không thoát được.
"Thiên la địa võng..."
Một cậu thợ vẫy nhe răng: "Các anh có mà thoát vào "mắt". Từ đây lên đến cái cột điện kia kìa, toàn là người nhà em cả. Mà ăn nhà em ngon, anh chị cứ phải đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, em mời trước, cứ là vào nhà em trước. Đấy, anh chị vào đi. Đưa xe đây, không phải khóa". Thợ vẫy giằng lấy cái xe máy của tôi, ủn tôi từ trên xe xuống, lừ lừ dắt đi.
Tôi hỏi với theo: "Em ơi, còn vé xe thì sao?" liền bị ném cho một câu: "Mất làm sao được".
Đầu nhà mày nhưng "đít" nhà tao
Mấy hôm sau chúng tôi lại tiếp tục công cuộc "giao lưu" với thợ vẫy. Lần này, chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn, nhưng không ngờ lại lọt vào một vụ cãi nhau như chém chả. Một cậu chặn ghi đông, một cậu túm đít xe lôi lại. Đằng trước: "Nhà em chị ơi, 72". Đằng sau: "70 chị ơi. Em mời chị trước. 70 chị ơi". Ối giời ơi, thế ra cậu lôi đằng trước, với cậu giằng đằng sau, lại không ở cùng một quán hàng. Thế là tôi cứ ngồi trên xe, một chân chống xuống đất. Cứ đằng trước lôi lên, thì đằng sau lại lôi xuống. Cứ thế, tiến lên vài phân lại lùi xuống vài phân, không thấy có biểu hiện nào của sự nhường nhịn lui bước.
... khi đi qua thế nào bạn cũng bị tóm.
Xe cộ phía sau bắt đầu đông đúc, ùn tắc cục bộ, còi xe máy, ô tô bim bíp nhức cả đầu. Vẫn đu lên, giật xuống. Lúc này, hai chị chủ nhà hàng 70 và 72 bắt đầu "xung trận". 72 nhảy bổ từ trong quán ra: - Khách đi qua nhà mày rồi, sang địa phận nhà tao rồi, mày có bỏ ra không? - Khách chưa đi sang đến nhà mày, vẫn ở phần nhà tao. - Mày mù à, không thấy đầu xe sang nhà tao rồi à? - Mày mù thì có, đầu nhà mày nhưng "đít" nhà tao...Cứ thế, hai bà chủ với hai tay thợ vẫy, cứ kéo tôi lên, lại giật tôi xuống.
Tôi làm ra vẻ rất khổ sở: Thế bây giờ ăn nhà nào đây? Thôi nhé, không nhà nào nữa nhé. Tất nhiên là chẳng đời nào họ chịu buông tôi ra.
Hai bà chủ quán đang từ chuyện tranh nhau một khách hàng là tôi, quay ra rỉa rói nhau về đủ thứ chuyện khác trên đời: nào là chuyện đã không cho mồi nhờ than tổ ong, còn ăn cắp cả nguyên viên đang cháy dở, nào là chuyện thuê gánh nước, con mụ gánh nước thuê ghi nhầm số lượng nhà nọ vào nhà kia... Vừa nói to, vừa nói bậy, hai bà chủ hàng cứ thế xỉa xói nhau. Lạ cái đang cao trào, văn chửi tuôn như cháo chảy, mà họ luôn miệng nhắc: Khách kìa con. Ấy là nhắc tay thợ vẫy, tóm những người đi qua đường.
Sau chừng 20 phút đồng hồ thì tôi đưa ra giải pháp là mua ốc nhồi luộc nhà 70, còn mua khoai tây chiên nhà 72. Tổng số tiền phải trả cho cả hai nhà hàng hết có chưa đầy 50 nghìn đồng. Với số tiền nhỏ như vậy, giỏi lắm, họ lãi được một nửa là cùng, nghĩa là chừng hơn chục bạc mỗi nhà, nhưng họ vẫn quyết tâm "vặt" cho bằng được, bất chấp tắc đường, bất chấp phải cãi chửi nhau, bất chấp sự khó chịu của khách đi đường.
Vẫy kiểu... sóng
Kiểu vẫy khách đẹp nhất, và điềm đạm nhất, có lẽ phải kể đến phố vẫy Láng Hòa Lạc. Đặc trưng của cung đường này có lẽ là vừa rộng, vừa nhiều xe ô tô to, nên thợ vẫy không xông ra tóm bừa như trong các phố nội thành Hà Nội. Những thợ vẫy ở đoạn đường Láng Hòa Lạc có một kiểu vẫy rất riêng, có thể gọi là rất nghệ thuật, nếu không tập luyện thì không vẫy được như thế. Ấy là họ vẫy cả cánh tay, từ bả vai, xuống đến từng đầu ngón tay, chuyển động rất mềm mại như làn sóng.
Thợ vẫy bị đáp trả bằng "ánh mắt hình viên đạn"
Khúc này cong lên, thì khúc kia cúp xuống. Từ xa đi lại, có thể nhìn thấy cả dãy những người đứng vẫy tay, giống như những con sóng biển, hay như những cánh chim hải âu. Từ khi mở rộng đường, quán xá lùi xa tít vào bên trong, chỉ còn thấy rất ít những "cánh chim hải âu" đứng vẫy vẫy.
Sợ nhất vẫy nhầm đầu gấu
Hồi đầu, trên đường Cao Bá Quát chỉ có quán lẩu số 36 của vợ chồng nhà Huyền đen - Hùng Anh. Sau thấy vợ chồng nhà này đắt hàng quá, hàng xóm liền đua nhau mở ra, cũng bán lẩu. Và để "tóm" được nhiều khách, các quán hàng này bắt đầu phải sử dụng thợ vẫy.
Một thợ vẫy "bắt" ở quê lên, có thể là Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An được trả tiền công vẫy một tối là 50 nghìn đồng, nuôi ăn ở. Kỹ năng vẫy cũng chẳng có gì ngoài phải nhanh mắt, nhanh chân. Vẫy thì sao cũng được, đưa tay lên ngoáy ngoáy, có thể cả bàn tay, cũng có thể chỉ hai ba ngón tay. Nhưng cánh tay dứt khoát phải giang thẳng, và chụp xuống đầu xe người ta phải thật chính xác.
Theo quán tính, cứ có người lao ra, thế nào khách cũng phải phanh lại, thời điểm này, phải dứt khoát luôn, vừa chặn vừa tắt khóa điện. Những tai nạn đôi khi cũng xảy ra, nhưng nhiều nhất vẫn là bị ăn đòn vì vẫy phải... đầu gấu.
Khoa, 19 tuổi, quê ở Thanh Hóa, lắc lắc đầu ngán ngẩm: Họ táng thẳng vào đầu vào mặt mình bất cứ thứ gì họ đang cầm trên tay. Cũng phải thôi, mình gây cho họ khó chịu, thì họ phải phản ứng. Có lần, em bị nguyên cả cái ống nước của người ngồi sau phang tới tấp vào người.
Có lần thì bị người ta quất cả túi đồ ăn rau dưa, người ta đi rồi, mới thấy mùi mắm tôm nồng nặc. Lần nào vẫy phải mấy anh đầu gấu thì có khi chủ hàng phải xin cho. Còn bị chửi thì nhiều lắm, họ chửi cho rát mặt, nhưng nghe họ chửi còn hơn nghe bà chủ chửi. Tôi hỏi Khoa về bảo hiểm y tế, em ngỡ ngàng hỏi tôi cái đấy là cái gì? Em làm nghề vẫy thì có được mua bảo hiểm không? Rồi Khoa tặc lưỡi: Thôi chị ơi, lương tháng có 1 triệu rưỡi, mua bảo hiểm nữa thì còn bao nhiêu. Nếu đang vẫy mà gặp tai nạn thì nghỉ vài hôm, bao giờ khỏi thì lại ra đường vẫy.
Nhiều người bảo, đi qua phố vẫy, nhớ ngậm tăm, để "nó" biết mình ăn xong rồi, không vẫy, không "tóm" mình nữa. Nhưng tiêu chí của đội quân này là: vẫy nhầm còn hơn bỏ sót.
Theo Bee
Nhọc nhằn cuộc mưu sinh trên bãi vàng Dưới dòng Kroong (Kon Tum) đang trơ đáy vì thủy điện, hàng trăm người dân nghèo khó vẫn hì hục từ tờ mờ sáng đến sẩm tối trong cái lạnh run người để ngụp lặn đào bới kiếm vàng. Hình ảnh những người phụ nữ, những thiếu niên đang ngâm mình dưới con nước bạc là một dấu lặng buồn về cuộc mưu...