Nhọc nhằn ở “xóm ngô khoai”
Những tòa nhà chọc trời như Keangnam, khu đô thị Mỹ Đình bao bọc thành phố, bao bọc luôn cả những túp lều lúp xúp của người dân “ xóm ngô khoai” Đồng Bát, Mai Dịch. Khi Hà Nội chìm trong giấc ngủ, những xe ngô lặng lẽ quay về nơi xóm trọ. Và có ai biết, đằng sau những xe ngô ấy là bao mảnh đời cơ cực…
Lem luốc “đời ngô”
Hà Nội trời trở đông, những xe ba gác nghi ngút khói ngô luộc, sắn luộc…lại tỏa đi mọi nẻo của phố phường. Có ai biết được những vòng quay bánh xe ấy xuất phát từ một xóm trọ tồi tàn, cái xóm lam lũ hơn 100 nóc phòng trọ quây quần lại bên nhau, được gọi là “xóm ngô khoai” nơi Đồng Bát, Mai Dịch, Cầu Giấy. “Đi buôn có bạn, đi bán có phường” , người dân xóm ấy đều đi ra từ cổng làng Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo chân một xe bán ngô, chúng tôi vào sâu trong xóm. Chị Phan Thị Lựu (43 tuổi) cùng con gái Nguyễn Thị Xuân (17 tuổi) rời quê ra ngoài này đi bán ngô đã được hơn 3 năm nay. Chị Lựu cho biết ở quê giờ ruộng bán gần hết, đất canh tác không còn. Người dân làng Ải trôi dạt vào tận trong Nam. Nhưng rồi miền Nam đông đúc, “người khôn của khó” khiến họ không bám trụ nổi. Dân Ải lại sắm sanh xe ba gác đi buôn ngô, sắn luộc. Lúc đầu là một vài nhà, sau đó thì cả xóm cùng đi. Vì nếu không đi, thì biết làm gì bây giờ?
Bên xe ngô
Xóm trọ tồi tàn, rác thải chất đầy ngay từ ngõ vào. Nhìn vào những mái lều lúp xúp, nếu không có bóng dáng con người xuất hiện trong đó, người ta còn nhầm tưởng đó là bãi rác. Xóm ngô khoai có hơn 100 phòng trọ chia thành 3 xóm nhỏ: xóm trên, xóm giữa, xóm dưới. Mỗi xóm hơn 30 nóc phòng trọ quây quần lại với nhau. Gọi là phòng trọ cho sang, chứ thực chất đó là những túp lều được quây lại bằng cót, ván gỗ, nóc lợp đủ thứ trên đời: bờ- rô xi- măng, nilon, thậm chí cái băng rôn ” Đại lễ nghìn năm Thăng Long” cũng được tận dụng che chắn một góc tường. Đó là những phòng trọ “bình dân” giá 300 nghìn. Phòng trọ “hạng sang” hơn một chút thì giá từ 400 nghìn đến 600 nghìn. Mùa đông thì gió thênh thang, mùa hè thì nóng đến ngạt thở. Họ chấp nhận ở trong những phòng trọ không bằng mái nhà tranh nghèo ở quê, tất cả vì vật lộn với miếng cơm, manh áo của mình.
Một bắp ngô họ lời được từ hai đến ba nghìn, một ngày cùng lắm bán được gần trăm bắp, đó là chưa kể đến chi phí than đốt, rồi những ngày mưa gió, không bán được hàng…còn tiền thuê trọ, ăn uống. Giữa đất Thủ đô, trong những khu trọ ổ chuột như cái xóm này, dùng nước giếng khoan từ lòng đất lên, cặn váng đen sì…mà vẫn bị “chặt chém” 80 nghìn/người/tháng, 4 nghìn/số điện. Đó là chưa kể đến những bệnh tật luôn rình rập quanh họ. Thậm chí họ không biết chính xác khu này khi nào giải phóng để nhường chỗ cho những nhà cao tầng mọc lên. Cả xóm có nguy cơ ” ra đường” bất cứ khi nào. Họ vẫn mặc kệ, vẫn ăn đời ở kiếp với cái xóm trọ này.
Video đang HOT
Tồi tàn xóm trọ
Đều đều như vòng quay kim đồng hồ, sáng 7h nhận ngô, chặt ngô, luộc ngô rồi 2h, cả xóm bắt đầu ” xuất kích”, tỏa đi khắp mọi nẻo của phố phường Hà Nội, nửa đêm 12h lại í ới rong xe về, họ đi thành đoàn, thành tốp. Xe ngô nào nhẹ nhàng vì bán hết thì đêm đó có thể nằm duỗi chân mà ngủ ngon, còn không bán hết thì lại ăn ngô, ăn sắn trừ cơm. Thậm chí nhiều quá, ăn không nổi đành phải đổ đi
Lắm nỗi nhọc nhằn
Nếu hỏi người bán ngô luộc sợ nhất điều gì? Họ sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng: sợ… Công an, vì nhiều khi đang đứng bán mà có xe Công an, họ lại hò nhau ầm ĩ ” Công an kìa, chạy đi!” . Thế là dù đang giao ngô cho khách, họ cũng bỏ mặc khách ngẩn ngơ với túi ngô trên tay chưa kịp trả tiền, mà gò lưng đẩy xe ngô chạy mất. Khi Công an đi qua rồi thì đẩy xe quay về đứng bán tiếp. Hú vía! Có hôm chạy không kịp, bị thu mất cả xe ngô mà không làm gì được thì coi như tháng đó đi làm không công.
Một nỗi sợ nữa là dân nghiện. Xóm trọ tồi tàn, cửa nẻo hớ hênh, dù có chốt chỉ cần đẩy nhẹ là chốt bung đằng chốt, cửa long đằng cửa.
Bác Lễ (65 tuổi) bán ở khu Phạm Văn Đồng, trời lạnh nên cố bán khuya một chút. Bạn hàng đã về hết, ông còn nấn ná ở lại bán thêm cho hết ngô, dành dụm ít tiền gửi vào Nam mua quà mừng thằng cháu nội đầy tháng. Ai ngờ bị một toán bốn, năm thằng thanh niên quây lại “xin” tiền. Van xin chúng cũng không tha cho, lại còn bị đánh một trận. Ai biết cũng xót xa, vẫn còn may là xe ngô với bình ắc – quy không bị chúng lấy mất. Nhưng số tiền bán ngô cả buổi tối và hơn chục bắp ngô luộc còn chưa bán hết đã bị chúng cướp sạch. Những chuyện như vậy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Họ coi đó là “sinh nghề tử nghiệp” rồi, không tránh vào đâu được, chỉ có thể dặn dò nhau cẩn thận hơn và dù gối mỏi, chân chồn bởi cả ngày đứng, đạp xe, họ vẫn cố nán lại thêm dăm mười phút, đợi nhau cùng về.
Hướng về mặt trời
Chị Lựu bị sỏi thận đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa có tiền đi mổ lấy viên sỏi ra. “Chi phí cao quá cô ơi, tôi không kham nổi, nên cứ để mấy năm nay thế rồi, thành ra cũng quen. Còn phải để dành tiền cho cái Xuân cuối năm lấy chồng nữa”. Chồng cô bé sinh năm 1985, cũng đi bán ngô dạo. Vậy là cái nghề này – nó là cái nghiệp gắn vào bao thế hệ người làng Ải rồi. Trong xóm không thiếu những thanh niên sinh năm 1992, 1993, thậm chí là 1996. Các em bỏ học từ lớp 5, lớp 6 để theo anh chị, cô chú ra ngoài này thuê nhà trọ, đi bán ngô dạo.
Nguyễn Minh Hùng vừa nấu cơm, vừa kể chuyện về công việc của mình
Nhưng ở cái xóm lam lũ ấy, vẫn còn nhiều mầm học nảy nở và trưởng thành.
Vợ chồng nhà anh Quân – chị Hương ra đây đã hơn 2 năm, hai đứa con trứng gà trứng vịt, đứa lớn năm tuổi, đứa nhỏ ba tuổi gửi cho ông bà ngoại chăm sóc và cho đi nhà trẻ. Chị Hương nghẹn ngào khi nói đến hai đứa con: “Nhà chị nghèo quá, đất ruộng không có, hai vợ chồng không đi bán ngô thì lấy gì nuôi con hở em. Thôi thì chịu khổ cũng nhất thiết phải cho con đi học đầy đủ”. Còn bao nhiêu đứa trẻ trong xóm ngô khoai, theo chân bố mẹ ra ngoài này, ngày ngày quanh quẩn bên ngô, khoai, sắn…thay vì nhà trẻ, sân chơi, bạn bè…Không biết tương lai cả một thế hệ làng Ải sẽ thế nào, hay lại cũng sẽ gắn bó với những vòng quay đều đều của chiếc xe ba gác chở ngô ?
Cả cái xóm ngô khoai này, không ai không nhắc đến bà Ứng – bà già hơn 70 tuổi bị bệnh tim vẫn ngày ngày đẩy xe ngô đi bán dạo khắp đường Xuân Thủy, đường Phạm Văn Đồng, đêm khuya lại đứng gần cổng Đại học Quốc gia…Có lần xe ngô bị Công an bắt, bà lên cơn đau tim, lăn đùng ra ngất, ai nấy hốt hoảng đưa đi cấp cứu, mấy chú Công an cũng không dám bắt xe ngô nữa. Bà đạp xe bán ngô dạo đã hơn 4 năm nay để nuôi anh con trai học Học viện Quân y. Nghe nói con trai bà trắng trẻo, thư sinh lắm, nhưng thi thoảng mới thấy xuất hiện trong xóm vào cuối tuần.
Nguyễn Minh Hùng (SN 1990) đang học năm thứ 2 Học viện Hành chính. Bao nhiêu năm làm sinh viên thì Hùng có bấy nhiêu năm đi bán ngô dạo. Hùng ở trọ một mình, ngoài sách vở đi học như bao sinh viên khác, phòng trọ của Hùng còn là “đại bản doanh” chứa ngô, khoai… cho những xe ngô từ chiều đến đêm của cậu. Hùng cho biết đi học một buổi, còn một buổi đi bán ngô. Kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình, Hùng gãi đầu gãi tai “Nhiều khi đi bán ngô gặp bạn học ngại lắm chị ạ. Lúc đầu em toàn phải bịt khẩu trang, đội mũ che kín mặt. Sau bị các bạn bắt gặp nhiều quá nên cũng hết ngại luôn. Thỉnh thoảng bạn bè còn rủ nhau đến mua ngô giúp cho nữa”. Trên gương mặt của chàng trai trẻ ấy, nụ cười luôn luôn thường trực. Hùng dự định đi bán ngô dạo đến khi nào ra trường thì thôi, vì em muốn dành tiền học thêm văn bằng 2 chuyên ngành Luật.
Hùng nói: “Em tin không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời chị ạ”. Tôi hy vọng, rồi tương lai của chàng trai ấy cũng như người dân cái xóm ngô khoai sẽ tươi sáng hơn, không phải gắn bó đời đời kiếp kiếp với những vòng quay của bánh xe ba gác đầy ngô khoai nữa.
Theo Báo Công Lý
Nhọc nhằn mưu sinh bằng "quán cơm bụi di động
Người Hà Nội vốn khá thân thuộc với những gánh hàng rong ngày ngày vẫn qua lại trên những con phố bán hoa quả, bún miến... Nhưng thời gian gần đây, ở một số điểm công cộng người ta còn bắt gặp những gánh cơm di động.
Một "quán cơm di động" ở gần Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Phương Chi/Vietnam )
Cơ động
Mới tang tảng sáng, chị Lài đã tỉnh dậy. Sau khi và vội bát mì tôm nghi ngút khói được úp trong lúc... đánh răng, chị xách làn, cuốc bộ ra chợ để bắt đầu công việc. Sà vào những hàng thịt, cá, rau... đã quá đỗi quen thuộc mỗi ngày, chị nhanh chóng lựa cho mình những thực phẩm thiết yếu để về nấu nướng.
Về đến nhà mới hơn 6 giờ, chị Lài đánh thức chồng dậy để đi làm. Sau đó, người phụ nữ này cặm cụi nhặt rau, thái thịt và nấu nướng bên chiếc bếp than lúc nào cũng rực lửa.
Độ chừng 10 giờ, khi những món ăn đã hoàn tất, chị đem chúng cho vào những chiếc hộp nhựa, âu sành đã để sẵn trong chiếc khay nhựa lớn rồi chở đến cổng bệnh viện Ung bướu (bệnh viện K) bày bán.
Đa phần khách hàng của chị Lài đều là người nhà bệnh nhân và ở quê. Họ mua cơm của chị Lài cũng vì rẻ và tiện lợi. Rẻ là ở chỗ, cùng với một số tiền như vậy, nhưng nếu mua trong hàng quán, chắc chắn sẽ không có nhiều thức ăn như của những người bán rong vì họ không phải trả tiền thuê cửa hàng. Thêm vào đó, thức ăn do tay chị Lài nấu lại rất dễ ăn...
Anh Trần Văn Cừu (Lý Nhân, Hà Nam)-một thực khách thường xuyên của chị Lài cho hay, anh phải tá túc lại bệnh viện vì cơn bạo bệnh của vợ. Cửa hàng cơm bụi quanh bệnh viện cũng nhiều, song anh luôn đợi chị Lài bởi vừa rẻ, vừa ngon.
"Nói về vệ sinh thì bây giờ trong quán chắc gì đã khá hơn hả chú? Bây giờ chỉ có tự trồng rau, chế biến lấy thì may ra...," anh Cừu chép miệng khi nói về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bởi tính nhanh gọn và đơn giản nên cách bán cơm của chị Lài và một số người khác là rất linh hoạt. Người thì cho đồ đạc vào thúng, quẩy trên vai, người thì cho vào khay rồi bê... Khi có khách, họ đặt xuống đất và nhanh chóng đưa cơm, thức ăn, canh... vào hộp nhựa và không quên "đính kèm" một chiếc thìa nhựa, đôi đũa...
Nhọc nhằn
Theo quan sát của phóng viên Vietnam , những "quán cơm" này thường mọc gần một số bệnh viện, bên trong bến xe ở khu vực trung tâm thành phố - nơi mà những căn nhà mặt tiền có giá thuê ngất ngưởng. Và, nó thường được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu chứ không dành cho địa chỉ bán "cơm bụi."
Sau khi đã bán gần hết số cơm và thức ăn đem theo, chị Lài bảo với phóng viên-khi ấy đang trong vai một thực khách ngồi ăn trên vỉa hè-rằng nghề cơm bụi di động này vất vả lắm.
Quê chị Lài ở Khoái Châu (Hưng Yên), cuộc sống đồng áng vất vả, anh chị lại không có nghề phụ nên rất vất vả trong việc nuôi các con ăn học. Sau này, có mấy người cùng quê rủ lên Hà Nội buôn bán, chị Lài đã đi theo được vài năm rồi kéo chồng lên làm chung. Thế rồi, vợ đi buôn bán hoa, chồng đi làm cửu vạn nên cũng có đồng ra đồng vào, mua được xe máy để tiện đi lại và có tiền cho con ăn học.
Mấy tháng trước, khi đi bán hàng qua một số bệnh viện, chị Lài thấy có một số người bán cơm di động. Thấy nghề này có vẻ kiếm ra tiền hơn, chị quyết định chuyển nghề, cho dù biết sẽ vất vả hơn nhiều so với đi bán hoa rong.
Cái vất vả ấy, không chỉ là câu chuyện chuẩn bị hàng hóa ra sao, mà còn cả những lần bị lực lượng giữ trật tự công cộng "lùa" chạy "tuột dép." Thêm vào đó, nếu "lớ ngớ" mà lấn chiếm địa bàn hoạt động, cũng dễ xảy ra tranh chấp.
Một người bán cơm ở bệnh viện Việt Đức kể, khi mới bán hàng, chị đã sang trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để "bầy hàng." Chưa ấm chỗ, chị đã được một người phụ nữ "nhắc khéo" về việc phải... dịch chuyển hàng hóa xuống đoạn vỉa hè khác cách xa cổng bệnh viện. Khi chị chưa kịp thực hiện, thì đã có một thanh niên nhìn "rất gớm" đứng cạnh khiến chị phải vội vàng làm theo.
Sau đó, chị lựa chọn "điểm đỗ" cho mình ở gần Bệnh viện Việt Đức [điểm nối ngã tư Phủ Doãn, Tràng Thi-pv], song ban đầu cũng khá dè dặt.
Chị Thành, một người bán "cơm bụi di động" ở bến xe phía Nam thì kể, có lần chị đã gặp những đối tượng "dặt dẹo" đến mua cơm, xong rồi đi thẳng mà chẳng trả tiền, hoặc trả rất ít mà chị cũng phải "ngậm tăm" mà bán.
Tuy nhiên, cho dù vất vả đến mấy thì chị Thành cũng như nhiều người khác vẫn phải bê thùng cơm đi bán hàng ngày, cũng bởi nghề này đem lại cuộc sống khấm khá hơn cũng như giải quyết công việc cho họ trong những lúc nông nhàn./.
Theo TTXVN
Phận đời lênh đênh theo những chuyến...bùn "Lặn xuống mới biết mình đang ở nơi mà bốn mặt đều là rác, mùi hôi theo mũi miệng đi cả vào ruột đấy chứ. Những ngày đó thì bộ đồ tui mặc chẳng lúc nào khô, vì cứ đi được 15 phút lại bị mắc kẹt", ông Ba Giờ kể. Chiếc xà lan đang chạy bỗng kêu soàn soạt rồi đi chậm...