Nhọc nhằn mưu sinh trong rét buốt ở chợ đêm Hà Nội
Mưu sinh tại chợ đêm Hà Nội, những người lao động nghèo kiếm sống ở Thủ đô quá quen thuộc với đêm đông rét cắt da.
23 giờ khuya, Hà Nội vắng lặng và tê tái trong giá lạnh, cầu Long Biên hun hút gió, dưới gầm cầu rực sáng ánh đèn và huyên náo tiếng người, tiếng còi xe, tiếng thùng xốp, thùng các tông rơi lịch bịch trên xe kéo sắt. Đó là lúc bắt đầu ngày làm việc của người lao động tại chợ đầu mối rau củ quả Long Biên.
Đêm Hà Nội quay quắt trong giá lạnh, dưới gầm cầu Long Biên, một ngày mưu sinh của người lao động mới bắt đầu – Ảnh: Thúy Hằng
Ngồi bó gối dưới một mái hiên ngoài cổng chợ, anh Phùng Văn Minh, 45 tuổi, quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc thi thoảng lại dụi dụi đôi chân không tất, không giày dưới nền gạch. 10 đầu ngón chân chằng chịt những vết cứa nứt nẻ bắt đầu cảm nhận được cái buốt cóng của thời tiết.
Anh Minh đã gồng gánh ở chợ đêm Long Biên tròn 20 năm, đồ nghề là một chiếc đòn gánh trên đó mờ nhòe vết sơn ghi tên và số điện thoại. Nhà có 2 con trai, 1 con gái, tất cả đều đang học đại học. Anh Minh vừa gồng gánh thuê, vừa nuôi bò ở quê, vợ cũng trồng trọt kiếm thêm, thế nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Có lúc các con thúc tiền học gần chục triệu, lại phải bán một con bò, hết bò thì đi vay”, anh Minh chia sẻ.
Nghĩ về các con ngoan, đứa nào cũng học giỏi giúp anh Minh quên đi được vất vả, giá lạnh và những lần bị hàng đổ vào què chân, ngã dúi dụi khi đang gánh hàng đến chảy máu ròng ròng ở tay và đầu.
Vừa có tiếng gọi từ xa, người đàn ông nhỏ thó bật dậy như lò xo, xấp xấp ngửa ngửa chạy ào lại một xe tải vừa cập chợ.
0 giờ sáng…
“Tránh ra, tránh ra nào!”, anh thanh niên 27 tuổi hô lớn khi chiếc xe kéo trên đó ngạo nghễ 15 thùng táo đang tiến lại. Một vòng dây thừng có lồng đoạn ống nhựa bơm nước được khoác qua manh áo cộc, hai tay bấu chặt càng xe, chị vợ đẩy xe từ đằng sau, hai dáng nhỏ liêu xiêu len được xe táo ra cổng chợ. Đó là hai vợ chồng anh Cường, quê ở Ân Thi, Hưng Yên, làm ở chợ đêm này đã được 6 năm, dân lao động ở chợ đêm Long Biên cho biết.
Những người phụ nữ mòn mỏi chờ có người thuê làm cửu vạn ở chợ đêm Long Biên trong đêm giá rét – Ảnh: Thúy Hằng
Dưới cây cầu trăm tuổi này là ngàn số phận hàng đêm đi tìm kiếm hạnh phúc được no ấm của mình và các con nơi miền quê xa lắc – Ảnh: Thúy Hằng
Trong lờ mờ ánh sáng dưới gầm cầu Long Biên, rất đông lao động nghèo đang ngóng đợi được thuê làm cửu vạn, nhưng thời gian gần đây, chợ vắng hơn, có người cả đêm không ai thuê – Ảnh: Thúy Hằng
Có khoảng 300 xe kéo tay ở chợ đêm Long Biên, mỗi xe kéo có hai người làm, chưa kể hàng trăm người chuyên bốc hàng từ trên xe xuống, người chuyên gánh hàng bằng đòn gánh, dây thừng, người bán xôi nóng, bánh mỳ. Chợ đêm là nơi mưu sinh của cả ngàn con người khắp các tỉnh thành.
Video đang HOT
2 giờ sáng…
Hà Nội tê tái hơn khi sương đang xuống nhiều hơn. Chị Hoa, 55 tuổi, quê ở huyện Phù Cừ, Hưng Yên ăn vội ăn vàng hộp xôi, mắt vẫn không ngừng để ý các xe hàng xung quanh xem có ai gọi.
Làm cửu vạn ở chợ đêm Long Biên được 11 năm, ngày nhiều chị Hoa được 200.000 đồng tiền bán sức lao động, ngày ít được 50.000, có ngày chỉ được 20.000 đồng, vừa đủ tiền ăn hộp cơm trưa hôm sau.
Chợ đêm này đã nuôi lớn 2 con trai của chị Hoa vào Đại học, có nghề nghiệp đàng hoàng. “Cậu cả về quê làm, lấy vợ, có cháu rồi. Ông nội ở nhà chăm. Thằng bé đang học năm cuối Đại học Y, ở trọ với mẹ, có nơi đã nhận cháu vì nó toàn điểm giỏi”, người phụ nữ mộc mạc có những niềm an ủi ngọt ngào như thế để quên đi đêm đông, tay buốt cóng và những gánh hàng nặng trĩu vai.
Chợ đêm Hà Nội, nhọc nhằn số phận của hàng ngàn kiếp người đang lặng lẽ đi kiếm tìm những mảnh hạnh phúc bé nhỏ cho chính mình và các con nơi quê nghèo tít tắp…
Những hình ảnh được Thanh Niên Online ghi lại tại chợ đầu mối rau củ quả Long Biên, Hà Nội đêm 12, rạng sáng ngày 13.12.
Chị Yến, 50 tuổi nhà ở Phú Gia, Phú Thượng, quận Tây Hồ len lỏi giữa chợ đêm Long Biên bán xôi cho người lao động – Ảnh: Thúy Hằng
Những xe hàng cao ngất ngưởng, sơ suất một chút người lao động có thể gặp tai nạn – Ảnh: Thúy Hằng
Mòn mỏi chờ có người thuê mình – Ảnh: Thúy Hằng
Đôi chân của người lao động ở chợ đêm Long Biên – Ảnh: Thúy Hằng
Chị Hoa ăn vội vàng hộp xôi và đọc lại tờ giấy ghi lại những thùng hàng đã gánh được giữa ca làm việc – Ảnh: Thúy Hằng
Áo phong phanh, chân không giày tất mưu sinh trong đêm rét mướt – Ảnh: Thúy Hằng
Chủ hàng trong quần áo ấm, giày, khăn ấm ngồi thống kê hàng hóa…
… và người lao động gánh hàng thuê với áo mỏng, đôi chân trần, không giày, không tất – Ảnh: Thúy Hằng
Thúy Hằng
Theo Thanhnien
Lạ lẫm chợ đêm mở rộng trong lòng phố cổ Hà Nội
Dọc tuyến chợ đêm mở rộng trong lòng khu phố cổ Hà Nội, những địa điểm có công trình kiến trúc văn hóa và lịch sử giá trị như bừng tỉnh với hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại và truyền thống. Tất cả đều miễn phí.
Hòa mình vào dòng người nhộn nhịp trên tuyến phố đi bộ mở rộng (nằm trong khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội), gia đình chị Hoàng Nga không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ. Sống ở trung tâm TPHCM, hai con chị không lạ lẫm với những hội chợ đêm hay những hội chợ theo mùa. Tuy nhiên, với họ, cảm nhận tại điểm du lịch đặc biệt của Hà Nội lần này hoàn toàn mới mẻ.
Băng qua tuyến phố chợ đêm quen thuộc Hàng Đào - Đồng Xuân với những mặt hàng thời trang chủ yếu dành cho giới trẻ, tuyến phố du lịch mới: Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện thực sự khiến người đến Hà Nội hài lòng về những trải nghiệm rất riêng về văn hóa, đặc biệt là phong cách ẩm thực khu phố cổ.
Tuyến phố cổ đi bộ mở rộng thu hút đông đảo khách du lịch vào cuối tuần
Liên tục đi lại, kiểm tra nắm bắt từng hoạt động của từng tuyến phố vào 3 đêm cuối tuần, ông Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, những địa điểm có công trình kiến trúc văn hóa và lịch sử giá trị như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, các đền Bạch Mã, đình Quán Đế, đền Hương Tượng... đã được "đánh thức" không chỉ nhờ hệ thống chiếu sáng lung linh, huyền ảo, mà còn bằng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại và truyền thống. Tất cả đều miễn phí.
Cùng đó, các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ hát xẩm, chầu văn, ca trù... không chỉ khiến khách nước ngoài thích thú mà cũng thu hút được rất đông đảo người dân Hà Nội. Giờ đây, những giai điệu cổ trong dân gian không còn xa lạ với người trẻ Hà Nội nữa. Nhịp đàn, lời phách trong bài hát chầu văn đã ngấm dần đến mê hoặc không ít người thành thị.
Ở một góc phố khác, không gian biểu diễn nhạc Jazz cũng được bố trí ngay trên hè phố. Các nhóm nghệ sĩ đường phố thả hồn phục vụ cho những ai yêu thích nghệ thuật đương đại.
Ẩm thực phố cổ luôn thu hút đông đảo bạn trẻ
Khi hòa mình trong không gian văn hóa, tận mắt chứng kiến những đám đông khán giả không phân biệt quốc gia, tuổi tác cùng đắm say theo làn điệu chầu văn trong một lễ giá đồng hay lắc lư và hát theo những bản rock rộn ràng, mới thấy hết sức quyến rũ của nghệ thuật khi gắn với du lịch.
Dọc phố Tạ Hiện lại luôn thu hút đông đảo khách quen người thành phố đến thưởng thức các món ăn nổi tiếng ở những quán hàng quen. Hình ảnh hàng nhóm "ông Tây, bà đầm" hồn nhiên ăn phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng, chè phố cổ... giờ cũng quen mắt người bán hàng. Theo ông Sơn, cùng với quá trình sắp xếp hàng quán gọn gàng, chọn lựa giới thiệu những tinh hoa ẩm thực của Hà Nội, yêu cầu đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu đối với các hộ kinh doanh.
Cùng đó, tại tuyến phố đi bộ mở rộng, ngoài các dãy phố ẩm thực, các cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Khách du lịch lựa chọn cho mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kim hoàn truyền thống tiêu biểu cho văn hóa đất nước Việt Nam và nét riêng của Hà Nội. Ngay cả việc nghỉ chân của khách cũng bước đầu được tính đếm bằng cách sắp xếp những chiếc ghế tại một số điểm phù hợp.
Với một vòng dịch vụ khép kín, giờ đây khách du lịch khi đến với phố cổ Hà Nội đã được thỏa nguyện "ngắm nhìn - nghe - mua sắm - thưởng thức" rất riêng.
Cũng gắn bó với nhiều năm với từng con phố, ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân - cho biết: Đề án "Mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội" của quận Hoàn Kiếm đã được UBND Thành phố phê duyệt thông qua ngày 30/12/2013. Không dễ dàng như những gì đã tính toán trên giấy, để có được kết quả như hiện nay, đơn vị này đã phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.
"Hiện Công ty đã xây dựng 7 phương án chi tiết đảm bảo cho tuyến phố đi bộ mở rộng hoạt động ổn định gồm: Phương án đảm bảo an ninh trật tự; phòng chống cháy nổ; phân luồng giao thông và bố trí điểm giao thông tĩnh; tổ chức duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường; đầu tư cơ sở vật chất; phương án tài chính và sắp xếp hộ kinh doanh. Đến nay các phương án nêu trên vẫn tiếp tục được hoàn thiện và tiếp thu ý kiến từ các cơ quan của quận và thành phố" - ông Thủy cho biết.
Đội xe điện hoạt động hết công xuất đưa, đón khách tham quan phố cổ Hà Nội.
Cùng đó, bài toán nan giải về giao thông tĩnh ở tuyến phố đi bộ đã được giải quyết, Quận đang thực hiện thí điểm tận dụng gầm cầu Chương Dương tổ chức trông giữ xe máy các tối cuối tuần; tăng cường kiểm tra xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Theo đó, hơn 2.000 xe máy của người dân trong khu vực phố đi bộ đã được dán tem để được đem ra bãi gửi miễn phí, nhường vỉa hè để các tổ chức các hoạt động kinh doanh khác. Cùng đó, các chốt giao thông được thiết lập nhằm chấn chỉnh một bước căn bản tình trạng lộn xộn trong trật tự giao thông, thiếu văn minh đô thị tại các tuyến phố.
Mọi việc còn đang bắt đầu, dù vậy, đằng sau kết quả Hà Nội đã có thêm điểm du lịch văn hóa đặc trưng là tấm lòng của những người yêu và gắn bó Hà Nội, cùng trăn trở với những quyết tâm đổi mới. Giống như câu chuyện người dân Cù Lao Chàm (Quảng Nam) quyết chung sức xây dựng hòn đảo du lịch không rác thải, người dân Hội An đồng lòng xây dựng thành phố không khói thuốc lá...
Theo thông báo từ TP Hà Nội, thời gian hoạt động của tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội vào 3 tối cuối tuần (Thứ Sáu, Thứ Bẩy, Chủ Nhật). Giờ hoạt động: Mùa hè từ 19h - 24h. Mùa đông 18h - 24h.
Thanh Thanh
Theo Dantri
Vụ tử vong khi đu dây qua sông: Đu dây là con đường mưu sinh duy nhất! Sau cái chết thương tâm của ông Chua khi đang đu dây qua sông, người dân xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) dù bàng hoàng xót thương nhưng vẫn tiếp tục... đu dây. Bởi đó là con đường duy nhất giúp họ mưu sinh kiếm sống. Đu dây qua sông, vợ bị thương, chồng tử nạn Năm 1976, gia đình ông...