Nhọc nhằn đời phu gốm
Ở làng gốm Bát Tràng, khó có công việc nào nhọc nhằn và “vắt mũi bỏ miệng” như việc gánh đất thuê và bốc vác.
Muốn kiếm được đồng tiền, người ta phải đánh đổi nhiều, đổ nhiều mồ hôi, công sức ra như thế nào
Dũi lút mình vào khói bụi từ khi trời sáng đến lúc nhập nhoạng hoàng hôn, số tiền mà một cửu vạn, một phu gốm kiếm được đôi khi cũng chỉ đủ để đắp đổi lấy miếng cơm.
Thân cò lặn lội
Những công việc nặng nhọc đòi hỏi nhiều sức vóc ấy, lẽ ra phải của cánh đàn ông sức dài vai rộng, nhưng ở làng gốm Bát Tràng, lực lượng cửu vạn nữ đông đúc không kém gì nam giới. Có gia đình hết đời mẹ tới đời con tiếp nối làm nghề cửu vạn. Bát cơm, manh áo của họ cũng vơi đầy theo những bước thăng trầm làng gốm.
Phần lớn nữ cửu vạn ở đây đều xuất thân từ những gia đình lao động nghèo, không có vốn liếng, đất sản xuất, lẫn trình độ văn hóa thấp, nên đành chấp nhận chọn công việc nặng nhọc, bán sức lao động để kiếm tiền. Những đồng tiền nhuốm đầy mồ hôi và nước mắt ấy, sẽ giúp họ trang trải được chi tiêu trong gia đình, con cái có điều kiện học hành.
Từ nhào trộn đất đến dập khuôn, phơi khô, sấy khô, cắt gọt, tráng men, vẽ họa tiết rồi mới cho vào lò nung, hầu hết các công đoạn trên đều nặng nhọc. Mỗi khi vào mùa vụ, công việc vất vả cứ nối tiếp nhau qua bao tháng ngày không dứt, cả người thợ lẫn phu gốm gần như không có ngày nhàn rỗi.
Sáng nào cũng vậy, từ lúc mặt trời “chưa mở mắt”, chị Thảo (ở Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) đã phải lụi cụi trở dậy buộc mớ đồ nghề gồm thúng mủng, quang gánh lên xe đạp. Rồi mất thêm hơn 2 giờ đánh vật với “con ngựa sắt” chị mới tới được nơi làm việc. Nhà 4 miệng ăn, chồng bệnh tật, mình chị là lao động chính. Từ 2 năm nay, ngày nào chị cũng phải “tập thể dục” trên hành trình Phú Lãm – Bát Tràng – Phú Lãm dài hơn 100km. Chỉ cần tính sơ sơ trong khoảng thời gian ấy, quãng đường Thảo lặn lội mưu sinh cũng đủ… xuyên Việt đến 2 lần. Thật khó tưởng tượng, người đàn bà với vóc dáng nhỏ bé ấy lại có một nguồn năng lượng phi thường như thế.
Thảo kể, mỗi ngày chị kiếm được từ 150 – 200 ngàn đồng từ việc khuân vác, kéo, đẩy hàng cho các chủ hàng ở chợ. Hôm nào đông khách còn đỡ, chứ hôm vắng khách, ế ẩm thì tiền công chị thu được cũng chỉ đủ đong vài cân gạo, mua mớ rau, mớ tép cho gia đình. Nghề của chị, ráo mồ hôi là cũng hết tiền.
Video đang HOT
Thảo bảo, là phụ nữ, ai chả muốn tìm được công việc có thu nhập ổn định và môi trường lao động an toàn, phù hợp với sức khỏe của mình, nhưng cực chẳng đã mới phải làm cái nghề này để mưu sinh. Bởi, Phú Lãm quê chị, đất quê cha đã không mênh mông thì chớ, cả chục năm nay, hết nhà máy, xí nghiệp này đến dự án kia cứ bóc tuốt tuột bờ xôi ruộng mật của làng, của xã lên, đẩy những người nông dân như chị lên bờ… thất nghiệp. Nhà có mấy sào ruộng, quá trình đô thị hóa lấy đi hơn nửa, tất cả tiền từ đóng học cho con đến ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình đều trông vào cái nghề “vắt mũi bỏ mồm” của Thảo.
Công việc thường ngày
Vợ chồng Thảo có hai đứa con, thằng lớn học lớp 11, người gầy nhẳng như cái que mà lúc nào cũng nhèo nhẹo đòi mẹ cho bỏ học để kiếm tiền. Thương con chị không đặng. Bởi chị nghĩ, đời mình đã khổ, cố gắng thêm chút ít để con cái bớt phần lam lũ. Thế cho nên, mới ngoài 30 tuổi mà Thảo đã hom hem chả khác gì ngoại tứ tuần. Khuôn mặt chị sạm đi vì nắng gió, đôi tay chai sần, khô khốc, chi chít những vết rạn chân chim…
“Do mình từ nhỏ chỉ quen với ruộng đồng, trình độ, bằng cấp thì không có nên cũng chả biết kiếm việc gì. Mấy lần theo chúng bạn đi làm công nhân may nhưng bữa đực bữa cái, tiền công ăn theo sản phẩm, thu nhập èo uột chả đủ sống mới phải bỏ để làm cái nghề cửu vạn. Chứ đàn bà con gái, chả ai muốn tay chân bầm dập, vai hết rỉ máu lại chai sạn thế này…”, chị Thảo ngậm ngùi chia sẻ.
Kiếm cơm nơi đất khách
Quả thật, nếu không chứng kiến tận mắt thì cũng khó để hình dung nổi công việc vất vả của cánh nữ cửu vạn làng gốm Bát Tràng. Một chiếc xe cút kít cao chất ngất những sọt bằng nhựa, bên trong là ang, chậu, ly, cốc, chén; một đôi quang gánh xếp đầy lọ hoa, lộc bình, chậu cảnh nặng từ vài chục đến hàng trăm cân đè nặng lên đôi vai của các bà, các chị. Toàn hàng dễ vỡ, chỉ cần sơ sẩy một chút trong khâu vận chuyển, họ có thể phải đền đến cả mấy tháng lương. Bởi trong số hàng hóa đó, có những chiếc bình, chiếc lọ gốm giá đến vài triệu đến vài chục triệu, con số mà nằm mơ người cửu vạn cũng không nghĩ mình dành dụm được.
Dưới cái nắng chói chang đầu hạ, bà Hạnh lầm lũi đẩy chiếc xe cút kít ghé vào thùng xe tải chờ xuống hàng. Chiếc xe dường như quá sức đối với người đàn bà 51 tuổi, quê mùa, lam lũ ấy. Tính đến nay, bà đã có thâm niên làm cửu vạn 9 năm ở làng gốm Bát Tràng. Dáng bà nhỏ thó, lưng còng gập, hậu quả của nhiều năm gánh gồng, lam lũ. Nhìn bà ậm è xếp từng bao hàng lên xe, người ta có cảm giác tấm lưng già nua kia như oằn xuống và nó có thể gẫy gập bất cứ lúc nào.
Gốm, thành quả của biết bao giọt mồ hôi
Bà kể, quê bà mãi Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà nghèo lại đông anh em nên mãi ngoài 30 tuổi bà mới lập gia đình. Gia cảnh nhà chồng cũng gianh tre nứa lá, cũng đói khát chạy ăn từng bữa. Lấy nhau được mấy năm thì 3 đứa con lần lượt ra đời. Cái đói, cái nghèo ghì sát đất. Đồng đất tứ bề cát trắng, bà có khéo co kéo cũng chả đủ ăn. Khi đứa con út mới tấp tểnh tập đi, bà theo bạn bè ra Hà Nội làm thuê.
Lúc đầu bà được một hàng cơm dưới đường Xuân Thủy, Cầu Giấy nhận vào làm rửa bát, lau chùi bàn ghế với mức lương 800 nghìn/tháng, chủ nuôi ăn ngày hai bữa. Làm được vài tháng bà xin nghỉ. Không phải bà sợ cái cảnh từ sáng sớm đến tối mịt đánh vật với chồng xoong nồi, bát đĩa lấm lem dầu mỡ, mà là bà không chịu nổi cái cảnh mỗi ngày dăm lần bị cô chủ quán đáng tuổi con, tuổi cháu lăng mạ, xúc phạm mình. Từ đó, bà “dạt” về Bát Tràng làm phu gốm.
Mấy ngày đầu, do công việc chưa quen nên chân tay bà rụng rời, toàn thân đau nhức. Đó là chưa kể đến chuyện phải “nhờ vả”, “mối lái” mới có được việc làm. Bởi ở đâu cũng vậy, miếng cơm manh áo đôi khi khiến những người phụ nữ dù có chân yếu tay mềm đến đâu cũng sẵn sàng lao vào nhau giành giật. Đã không ít lần bà định bỏ về quê, nhưng nghĩ về thì lấy gì mà nuôi miệng, nuôi con, nên bà đành ở lại.
Đàn ông tha hương đã khổ, phụ nữ kiếm sống xa quê như bà Hạnh còn khổ hơn nhiều. Bởi, bên cạnh những hạn chế về sức khoẻ, bà còn phải đối mặt với trăm ngàn những đắng cay, tủi nhục. Tuổi cao, sức yếu, mỗi khi làm không vừa ý chủ hàng, bà lại phải chịu không ít lời nhiếc móc, khó nghe. Thậm chí, nhiều chủ hàng sau khi thuê xong thì nợ tiền bốc vác. Lâu dần không nhắc thành quên, mà có đòi bà cũng chỉ dám nhẹ nhàng không có “sợ các ông ấy phật lòng, lần sau thuê người khác”. Phận đàn bà, lại đất khách quê người, nhiều khi bà Hạnh phải nuốt chặt vào lòng những cực nhọc, tủi hờn trong suốt 9 năm qua.
Bà bảo, chỉ cần nghĩ đến chuyện con cái ngoan ngoãn, học hành nên người, thì bà có vất vả bao nhiêu cũng cam lòng. Chỉ khi nhắc đến con, mắt người đàn bà thậm khổ này mới bừng sáng lên đôi chút. “Nhờ giời, mấy đứa con tôi đều chăm ngoan, học giỏi. Lúc tôi bắt đầu ra Hà Nội, đứa con gái lớn mới lên lớp 4, giờ cháu đang sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Thủy lợi. Còn hai cháu ở nhà, một lớp 12, một lên lớp 9. Đứa nào cuối năm cũng được giấy khen. Tôi đang cố dành dụm để hè này “thưởng” cho chúng nó chuyến ra Hà Nội thăm lăng Bác. Tính thì vậy, nhưng chả biết có làm được không, bởi mỗi tháng nguyên trả tiền thuê nhà, lo ăn uống cho hai mẹ con ở ngoài này cũng ngốn mất vài triệu, lại còn phải gửi về quê…”, mắt bà Hạnh lại đăm chiêu, sầm tối.
Bất chợt, như sực nhớ ra điều gì đó, bà Hạnh tất tả cất bước đi. Nhìn khuôn mặt bà như thể người đang tự trách mình mải chơi, quên khuấy nỗi lo cơm áo. Thế nên, để bù lại khoảng thời gian vàng ngọc vừa lãng phí, bà cố gắng đẩy nhanh chiếc xe cút kít về phía chợ. Bóng bà bé nhỏ, dần lẩn khuất giữa lô xô người và hàng hóa. Trời đã bắt đầu đổ về chiều…
Theo xahoi
Các chính sách có hiệu lực từ 1/5/2013
Thanh toán bảo hiểm 6 tháng cho lao động nữ nghỉ thai sản, lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, nâng mức cảnh báo tác hại thuốc lá, buộc nhà hàng, khách sản nổi trang bị đủ phao cứu sinh... Đây là những quy định, chính sách chính thức được áp dụng từ 1/5/2013.
Từ thời điểm này, một bộ luật quan trọng, quy mô, có tác động tới hàng chục triệu người dân - Bộ luật Lao động sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Điểm mới nổi bật được ghi nhận trong Bộ luật là quy định chế độ nghỉ thai sản 6 tháng đối với lao động nữ.
Thực tế, quy định nghỉ thai sản 6 tháng đã áp dụng với trường hợp lao động nữ sinh con từ đầu năm 2012 mà khi Bộ luật này có hiệu lực vẫn đang trong thời gian nghỉ theo quy định. Tuy nhiên, những trường hợp này, tạm thời chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho 6 tháng, mà chỉ được nhận của 4 tháng trước. Chính thức từ thời điểm 1/5 này, lao động nữ nghỉ thai sản sẽ được nghỉ trọn 6 tháng với chế độ bảo hiểm đầy đủ trong thời gian nghỉ.
Nghỉ thai sản 6 tháng là chế độ đặc biệt áp dụng để khuyến khích việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Cùng với chế độ nghỉ thai sản 6 tháng, Bộ luật Lao động cũng có nhiều quy định mới khác như chính thức thêm một ngày nghỉ trong kỳ nghỉ Tết âm lịch, nâng tổng số ngày nghỉ dịp này từ 4 lên 5 ngày.
Ngoài ra, trong năm, người lao động còn được nghỉ 5 ngày lễ khác là Tết dương lịch (1/1), ngày giải phóng miền Nam (30/4), ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày Quốc khánh (2/9), ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động, người lao động được bảo vệ với việc bổ sung thêm một hành vi cấm - nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị quấy rối tình dục. Đặc biệt, quy định này hướng đến đối tượng lao động là người giúp việc trong gia đình. Hành vi quấy rối tình dục với lao động là giúp việc trong gia đình bị nghiêm cấm.
Về chính sách tiền lương, theo Bộ luật mới, nhà nước sẽ tổ chức Hội đồng Tiền lương quốc gia để công bố tiền lương tối thiểu làm căn cứ cho chủ sử dụng và người lao động thỏa thuận khi ký hợp đồng lao động.
Hội đồng Tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.
Cùng Bộ luật Lao động sửa đổi, luật "Phòng chống tác hại của thuốc lá" cũng bắt đầu được áp dụng từ 1/5 này. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc.
Cũng từ luật này, Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Y tế và Bộ Công thương chính thức có hiệu lực với quy định trên vỏ bao thuốc lá phải in hình ảnh cảnh báo các nguy hại đến sức khỏe với diện tích tối thiểu 50% bề mặt trước và sau trên mỗi bao bì của thuốc lá, trước đây chỉ quy định là 30%. Các mẫu cảnh báo sức khỏe phải được thay đổi định kỳ 2 năm một lần.
Cũng trong lĩnh vực Y tế, theo thông tư số 07 của Bộ Y tế, từ 1/5/2013, Bộ này yêu cầu nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bản phải hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 6 tháng trở lên.
Một văn bản khác cũng bắt đầu được áp dụng từ thời điểm này là Thông tư số 43/2012 của Bộ GTVT. Theo đó, trong vòng 3 tháng kể từ ngày 1/5/2013, các nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 100% số người trên tàu và phải được bố trí trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng bar một cách phù hợp.
Theo Dantri
Từ 1/5, lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng Từ 1/5, lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng (Ảnh minh họa) Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Cụ thể, Bộ Luật Lao động quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con...