Nhọc nhằn đời nữ diêm dân
Vào những ngày này, chúng tôi về vùng biển ĐBSCL, đúng thời điểm diêm dân vào vụ thu hoạch muối. Ở đó, trong cái nắng hơn 35 độ của đất trời miền Tây Nam bộ…
Có lẽ, chẳng có nghề nào vất vả và lắm rủi ro như nghề làm muối.
Ở đó, trong cái nắng hơn 35 độ của đất trời miền Tây Nam bộ, có những giọt mồ hôi mặn chát, những đôi chân trần nặng nhọc giữa những vuông muối rộng mênh mông…
Đời muối mặn
Song cái nắng cùng những cơn gió chướng có thể khiến cho người lạ khó chịu, nhưng với diêm dân nơi đây lại coi như báo hiệu ông trời ưu ái, bởi nắng nóng thế này thì đồng nghĩa với việc được mùa muối…
Video đang HOT
Chị Đặng Thu Thủy ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) kéo con lăn nén ruộng muối.
Theo quan sát của chúng tôi, làm muối là một công việc vô cùng vất vả, cực nhọc. Nhưng kỳ lạ là đa phần những người làm muối lại là phụ nữ. Rất ít khi giữa cái nắng chang chang ấy, chúng tôi bắt gặp những đôi vai lực lưỡng đàn ông, mặc dù nhiều công đoạn của hạt muối cần có họ.
Giữa buổi trưa trong cái gió lồng lộng có thể thổi bay mọi thứ ở vùng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), họ quần quật mấy tháng liền nhưng hạt muối làm ra chỉ đủ trang trải sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của mỗi gia đình. Nghề làm muối cơ cực trăm bề, hễ muối được mùa thì giá quá thấp, còn muối mất mùa thì giá lại đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba. Nên diêm dân cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn nghèo khó.
Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng một nhóm nữ diêm dân. Chị Đặng Thu Thủy ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) đã gắn bó hơn 20 năm với ruộng muối vùng biển này cho biết, trên nền bùn đất, diêm dân phải lấy dụng cụ làm nén để đất có thể cứng như…xi măng, bằng phẳng như sân bóng thì muối mới có thể kết tinh, tạo thành từng mảng lớn được, chứ nếu lẫn bùn, bụi bẩn còn thì chất lượng muối sẽ kém đi rất nhiều.
“Trong khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch, diêm dân cũng thường xuyên ở bên ruộng muối của mình để kiểm tra chất lượng muối, tránh bị những tạp chất khác lẫn vào” – chị Thủy nói.
Thế nhưng, nghề muối không đơn giản thế, làm được hạt muối, cũng lắm nhọc nhằn. Chị Lâm Ngọc Sang nữ diêm dân HTX muối Doanh Điền, xã Điền Hải (Đông Hải) bộc bạch, nghề muối vất vả lắm. Hằng ngày, vợ chồng phải vác và gánh gần 300 gánh từ đồng muối về nhà kho với quãng đường trên 100m, tính ra mỗi ngày có cả chục tấn muối đã đi qua đôi vai gầy này.
Nữ diêm dân Lâm Ngọc Sang (áo đen) ở ấp Doanh Điền (xã Điền Hải – Đông Hải) vất vả gánh muối thuê.
Nhưng vất vả không phải là điều duy nhất những nữ diêm dân này phải gánh chịu. “Bởi cái quan trọng nhất chính là sự tàn phai nhan sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe do muối mặn gây ra. Muối mặn lắm, nó ngấm vào chân, tay và da dù đã mặc quần áo dày, quấn thêm bao găng ở ngoài nhưng lớp da vẫn bị bong tróc, bủng beo nhìn rất hãi” – chị Sang chia sẻ.
“Nướng” mình trong nắng
Có lẽ, chẳng có nghề nào vất vả và lắm rủi ro như nghề làm muối. Diêm dân ở cánh đồng muối Bảo Thuận, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre), mỗi ngày ra đồng làm muối là một phen “đánh bạc với trời”. Trong khi người khác tìm chỗ trú, tránh né cái nắng gay gắt, họ lại “nướng” mình trong nắng cháy. Nắng càng to, họ càng mừng.
Chị Lê Hồng Nhu ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) cho biết, nghề làm muối sợ nhất những cơn mưa bất chợt đến, nhất là vào những ngày khi hạt muối đã tương đối thành hình. Chỉ một cơn mưa, công sức của diêm dân bao ngày nhọc nhằn trên đồng ruộng sẽ tan thành bọt nước, đổ sông đổ bể mà không có cách nào cứu vãn cả.
“Thoạt nhìn qua, nhiều người cứ nghĩ nghề làm muối đơn giản bởi chỉ cần bơm nước biển vào ruộng rồi đợi cho chúng bốc hơi hết là có thể xúc muối mang bán, thu tiền được” – chị Nhu chia sẻ.
Vác, gánh muối dù nặng nhọc, nhưng có rất nhiều chị tham gia công việc vất vả này.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền ở ấp Thạnh Khương, xã Bảo Thuận (Ba Tri) cho hay, những diêm dân như chị có thể bám nghề khoảng 5 – 6 tháng/năm, nếu thời tiết thuận, còn những ngày mưa bão đành “treo ruộng”. Mỗi ngày làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn trên cánh đồng, thu về được khoảng 100.000 đồng. Đấy là còn đỡ, chứ hôm nào sắp đến lúc thu muối, trời ập mưa một cơn, coi như hôm ấy chả có xu nào.
“Cực lắm, cả ruộng muối này đều trông vào mỗi mình tôi nên dù sức khoẻ yếu vẫn phải cố gắng làm. Chồng tôi tranh thủ đi làm thợ xây kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Những hôm không ra đồng muối, ai thuê gì tôi làm nấy chứ không thì nhà 5 – 6 miệng ăn, khó sống lắm!” – chị Hiền nói.
Muối mặn thì ai cũng biết nhưng ngay trên đồng muối ấy có những mảnh đời, những nỗi vất vả cùng giọt mồ hôi còn mặn hơn cả…muối thì có lẽ ít người biết. Nhiều nữ diêm dân chia sẻ, cái nhọc nhằn, bấp bênh và nguồn thu khiêm tốn từ nghề muối đã khiến những người đàn ông, thanh niên trong làng bỏ đi, đổ về thành phố tìm việc khác, chỉ có cánh phụ nữ ở nhà còn bám trụ lại.
Nhiều chị tâm sự thật lòng, lắm khi thấy vất quá, họ cũng nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng cái nghề muối nó như vận vào mình, cha truyền con nối bao đời rồi, bỏ cũng tiếc. Họ đành bám nghề, bám lấy cánh đồng muốn mặn mòi nơi cửa biển quê hương mà lần hồi mưu sinh.
Tạm biệt những diêm dân vùng biển miền Tây, trong tôi đọng lại hình ảnh những nữ diêm dân bịt kín từ đầu tới chân đang lầm lũi kéo những chiếc cào, nặng gánh trên đồng muối. Ở đó, có những giọt mồ hôi thấm đầy lưng áo vải.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Doanh Điền, xã Điền Hải bộc bạch, với diêm dân cái trách nhiệm làm ra hạt muối, vị mặn cho cuộc đời đã được truyền từ đời này sang đời khác, ăn vào máu mất rồi. Từ khi còn là cậu bé chập chững biết đi, đã chạy tung tăng cùng cha mẹ đi làm muối. Làm muối thực sự đã là một nghề truyền thống, thậm chí vài ba đời cùng làm muối. “Là những con người sinh ra, lớn lên ở biển cả mênh mông thì họ tự biết mình phải có trách nhiệm chắt chiu cho đời những hạt muối mặn như thế. Với họ thì làm muối không đơn thuần chỉ là một nghề mưu sinh, mà còn như một sự trả ơn với biển cả và cuộc đời vậy” – ông Minh nói.
Theo Phương Nghi (NNVN)