Nhớ xuân xưa
Có lẽ dù bao nhiêu tuổi, người ta vẫn cứ nôn nao mong đợi tết như món quà của cuộc đời.
Dù là cái tết nghèo đơn sơ hay sung túc đủ đầy thì tết vẫn là niềm vui của mỗi người, mỗi nhà. Với tôi, ký ức về những mùa xuân cũ quá chan chứa và ngọt ngào đến mức mỗi cái tết là một lần nhớ, một lần ngoái đầu hồi tưởng.
Nhớ những mùa xuân nước sông xanh trong như ngọc bích, lũ trẻ chúng tôi hay đắm mình trong dòng nước ấy đến khi móp cả chân tay mà vẫn chưa chịu rời. Dòng sông mùa xuân không chỉ đẹp mà còn mang bao điều thú vị. Những chiếc ghe lớn, nhỏ chở bông cúc, vạn thọ, mai vàng, dưa hấu, bưởi xanh, quýt hồng… nối đuôi nhau xuôi ngược để phục vụ bà con. Những tiếng í ới gọi nhau, những âm thanh rộn ràng, vui vẻ… Mùi thơm của mẻ bánh bông lan mới ra lò thoảng trong gió, quyện cùng hương nếp mới nhà ai ngâm chuẩn bị gói bánh tét…
Bọn trẻ con cứ xúm xít quanh mẹ và các bà, các dì. Đứa nào cũng ngóng trông được dúi cho mẩu bánh vụn hay nắm đậu xanh thơm phức nấu với đường thốt nốt và nước cốt dừa béo ngậy. Hay chỉ để chờ được sai vặt và được tự tay gói cái bánh tét nhỏ xíu làm đồ chơi suốt mấy ngày tết. Tôi mê mẩn hình ảnh những chùm bánh tét treo trên vách bếp những ngày cuối năm cũ đầu năm mới. Gần như gian bếp mỗi gia đình đều có ít nhất vài ba hũ đựng chuối xiêm ngào đường, mứt dừa, mứt gừng hay bánh in, bánh kẹp… Nhà khá giả thì có khi làm cả chục món, cứ nhìn là muốn ăn.
Video đang HOT
Rồi khi xa quê, tết là điều gì đó rất thiêng liêng níu gọi tôi về. Tết bao hàm cả mái ấm gia đình, những gương mặt thân quen của bà con lối xóm, cây mai già trước sân… Thậm chí là lời quan tâm dễ thương “về ăn tết đó hen” của bà thím, bà cô chẳng mấy thân quen khi thấy bóng ta lướt qua con đường quê.
Dòng sông bao năm nay đã không còn xanh trong mà nhuốm màu bùn vì bao thứ rác thải… thì sông vẫn có một hấp lực riêng níu gọi người về. Ngồi lặng nhìn dòng nước trôi, thư thái nhấp ngụm trà, thấy đời người ngắn chẳng tày gang. Mỗi cái tết qua là đoạn đời ta ngắn lại, nhưng tình yêu thương và niềm vui xuân thì vẫn cứ thiết tha. Nhớ mẹ ngày xưa thường vuốt tóc tôi, nói rằng tết của trẻ con mới thật sự là niềm hạnh phúc không biên giới. Còn tết của người lớn, niềm vui đã bị giới hạn mất rồi. Cho đến bây giờ, tôi mới thấm thía lời mẹ nói. Người trưởng thành, trách nhiệm và những lo toan đè nặng trên vai. Niềm vui xuân vẫn thế, nhưng nó không chỉ đơn giản là mong tấm áo đẹp, có nhiều bao lì xì hay được đi chơi… nên tết không chỉ có niềm vui.
Giờ cuộc sống tiện nghi, mọi thứ đều có sẵn ngoài chợ hay siêu thị, chỉ cần có tiền là có thể rinh ngay về nhà. Vậy mà, sau tết mọi thứ vẫn còn đó, có khi đem ra rồi lại đem vào, không ai buồn đụng đến. Nhớ khay bánh mứt xưa chỉ lèo tèo mấy món mà chưa có năm nào “trụ” nổi đến mùng Bảy tết. Khách đến, lại xếp thêm cho đầy vào, cả chủ lẫn khách đều hào hứng thưởng thức. Còn bây giờ, gần như nhà nào cũng có khay bánh mứt đãi khách sang trọng và bắt mắt, nhưng hầu như ít ai động đến. Mai vàng đã rụng hết mà khay bánh vẫn còn nguyên.
Những ngày cận tết, lòng lại bồi hồi nhớ những mùa xuân cũ, nhớ những người thân giờ đã thành quá vãng. Thầm mong, tất cả những ai còn đang ngược xuôi tất tả sẽ được về tổ ấm đón tết bên người thân, để những mùa xuân của đời người là những hội ngộ hân hoan…
Phạm Thư
Theo phunuonline.com.vn
Xót xa con gái khi bị ông bà ghẻ lạnh là 'cháu rơi'
Anh Trung đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh đứa con gái của mình bị chính bố mẹ anh ghẻ lạnh. Mọi việc bắt đầu từ lỗi lầm của anh, nhưng hậu quả thì con anh lại gánh chịu.
Năm 2014, trong một lần va chạm với vợ, anh đã vội vã qua đêm với một cô gái làm cùng cơ quan. Chuyện vỡ lở khi cô có thai và vợ anh biết chuyện. Ly hôn, phải rời mái ấm gia đình bấy lâu nay và đứa con trai mà anh hết mực thương yêu, lòng anh đau đớn. Thế nhưng, vợ anh nhất quyết không tha thứ. Đằng nào cũng không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân, anh chấp nhận ly hôn và đi bước nữa với cô gái đã có con với anh.
Ôm con trong lòng mà anh ao ước con cũng được ông bà yêu chiều như những đứa cháu khác -Ảnh minh họa
Người vợ thứ hai này không được bố mẹ anh và cả gia đình chấp nhận. Mặc dù đã sinh cho anh một cô con gái xinh xắn nhưng chị bị "cấm cửa" về nhà bố mẹ chồng. Anh Trung cũng không dám mang vợ con về nhà thăm bố mẹ đẻ cho đến khi bé Thủy Tiên được tròn 2 tuổi. Lần đầu tiên được nhìn mặt ông bà nội, bé Thủy Tiên chỉ nhận được cái liếc mắt ghẻ lạnh.
Thỉnh thoảng, anh Trung vẫn đưa con về thăm ông bà, dù không hắt hủi cháu nhưng ông bà cũng vẫn tỏ thái độ phân biệt so với những đứa cháu khác, đặc biệt là đứa con của anh Trung với vợ cả. Bố mẹ anh luôn cho rằng, con lớn của anh mới là đứa trẻ thiệt thòi khi bị bố bỏ rơi để đến với người khác cho nên nó phải được yêu thương, cưng chiều. Bố mẹ anh coi cô con dâu thứ hai như một tội đồ làm cho cháu đích tôn của ông bà phải chịu thiệt thòi.
Chưa bao giờ Thủy Tiên được ông bà bồng bế, mua cho cái áo mới hay phần miếng ăn ngon, Tết đến nếu có mừng tuổi thì cũng ít hơn những đứa cháu khác. Thỉnh thoảng, ông bà còn "nói xấu" con dâu hờ trước mặt cháu kiểu như: "Mẹ mày là đứa tranh vợ cướp chồng". Đến nhà ông bà vào mỗi cuối tuần nhưng Thủy Tiên chỉ lủi thủi chơi một mình với cái điện thoại, chờ đến giờ ăn cơm rồi mừng rỡ khi đến giờ được về nhà với mẹ.
Nhìn con bị phân biệt đối xử, không ít lần, anh Trung phải nuốt nước mắt vào trong. Đã có thời gian anh Trung giận bố mẹ mà không sang thăm ông bà nữa, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng là lỗi của mình cho nên anh lại kiên trì đưa con sang chơi, hy vọng một ngày nào đó bố mẹ anh sẽ chấp nhận đứa "cháu rơi" này, để con anh có đầy đủ tình yêu thương ruột thịt.
Lên 10 tuổi, Thủy Tiên dần ý thức được dần sự ghẻ lạnh của ông bà nên cũng không muốn cùng bố sang thăm ông bà vào mỗi cuối tuần. Con bé dường như sống thu mình lại, chỉ biết có mẹ và bố. Nhiều lần, anh Trung thuyết phục con cùng sang chơi với ông bà nhưng con bé nhất định không đi, anh vừa bực vừa lo, không biết khi lớn lên, con bé ý thức được hết mọi chuyện thì tình cảm với ông bà có còn không? Anh sợ nhất là con anh coi ông bà nội như người dưng.
Theo phunuvietnam.vn
Dù còn hận thù ngút trời nhưng khi tình cờ gặp lại người cũ, anh nói một câu khiến tôi thảng thốt phân vân Tôi có nên làm lại từ đầu và đặt niềm tin lại vào người cũ sau bao nhiêu đau khổ? Gửi Xương Rồng, Năm nay tôi 33 tuổi, có một con trai 6 tuổi và đã ly hôn được 2 năm nay. Chồng cũ tôi là một kẻ lăng nhăng, ngoại tình liên tục ngay trong lúc tôi mang thai và nuôi con...