Nhớ Trần Lập, lửa nóng ươm than hồng
Chiến đấu với bệnh tật tới phút cuối cùng bằng tinh thần mạnh mẽ, Trần Lập đã sống và cống hiến cho cuộc đời cả âm nhạc và nhân cách con người.
Cách đây 3 năm, cũng vào khoảng thời gian này, trong một café quen, Trần Lập nói rằng anh đang viết tự truyện. Anh bắt tôi đoán tên của cuốn sách. Tôi, nhăn mặt vì hai chữ lão thành đầy dự báo: “tự truyện”, nhưng vẫn đùa anh: “Dark side of The Wall?” (nhại tên album Dark side of the moon của Pink Floyd). Anh cười hiền, mắt nheo, đã rõ chân chim: “Chú đoán gần đúng đúng rồi đấy.”
Bên kia Bức Tường ra đời không lâu sau đó. Tôi chưa có dịp nào nói với anh tôi đọc không hết nửa cuốn. Những gì tôi cần biết về Trần Lập, tôi không tìm trong sách, dẫu là tự tay anh viết.
Tôi thích nhạc rock. Anh là một rocker nổi tiếng. Nhưng anh và tôi không có mối quan hệ giữa thần tượng và người hâm mộ. Tôi chụp hình anh biểu diễn trong một đêm Rock Storm năm 2008. Chương trình anh làm đạo diễn. Tôi lên mạng, viết blog chê anh đánh mất mình trong chính bài hát anh viết. Đó là những năm tháng anh rời xa Bức Tường.
Một người coi trọng truyền thông như anh, chắc chắn sẽ đọc. Tôi tặc lưỡi.
Từ đó, anh hẹn tôi uống cà phê thường xuyên. Tôi bất ngờ. Chưa một buổi cà phê nào anh hay tôi nhắc về chuyện ấy. Khi thì đơn giản là những câu chuyện phiếm về âm nhạc, thú chơi. Lúc phức tạp lại là những dự án dang dở mà anh ấp ủ. Có những dự án mà anh muốn lôi kéo cả tôi tham gia. Trái với vẻ ngoài gai góc xù xì, Trần Lập mà tôi biết trước nhất là một người nhiệt tâm cầu thị.
Một khoảng lặng của Trần Lập bên cây đàn guitar. Ảnh: Đoàn Bách
Tuy thế, không dễ cảm mến Trần Lập nếu mới tiếp xúc. Nhiều người nói ở anh có sự trịnh trọng mà đa phần dân nghe, chơi rock ở Việt Nam không ưa. Tôi thì nghĩ, chính xác hơn, đó là sự thận trọng. Khi cùng lúc gánh vai nhiều món tình yêu to nặng, gia đình và đam mê riêng, bạn có thể ngông nghênh? Đấy là chưa kể, Trần Lập ý thức rất rõ trách nhiệm của anh lên cái-gọi-là nhạc rock Việt trong mắt các nhà quản lý văn hóa.
Chơi lâu với anh mới thấy, dù ở cuộc chơi nào, Trần Lập cũng giữ cân bằng tuyệt vời. Tất cả bạn bè của anh đều rõ. Chính khả năng ấy giúp Bức Tường quay trở lại sân khấu và đạt được những dấu ấn đại chúng nhất định, nếu không muốn nói là thành công nối tiếp, với một tạo hình khác hẳn trong diện mạo lẫn chuyên môn.
Trần Lập năm 2010. Ảnh: Đoàn Bách
Video đang HOT
Đánh giá về thành công trong âm nhạc của anh và Bức Tường, có ý kiến cho rằng đó là do may mắn (Ô! Chúng ta có thể đạt được điều gì lại không cần một chút vận may?).
May mắn là thứ bạn không được liệt kê khi nói về những ai tự tay làm nên. Nhạc rock nói riêng và bối cảnh âm nhạc đương đại Việt Nam, trường hợp thành công của Bức Tường sẽ là duy nhất. Nhờ có Trần Lập. Anh sinh ra để thành công với nhạc rock trong môi trường này.
Thẩm mỹ và tư duy cho phép Trần Lập thử sức ở nhiều lĩnh vực ngoài âm nhạc. Đó là thiết kế, đạo diễn – nhà sản xuất, dẫn chương trình – giám khảo truyền hình… Đáng quý ở chỗ, đa nghệ nhưng ở sân chơi nào anh cũng để lại được ít nhiều dấu ấn nhờ thái độ chuyện nghiệp và sự nghiêm túc hiếm có.
“Đừng sống giống như hòn đá…” – anh đã viết. Tôi thì thấy anh đã sống như một bông hồng thủy tinh trong bài hát của mình. Đẹp đẽ kiểu biểu tượng và mỏng manh. Số phận đã cho anh nhiều và cũng nghiệt ngã cướp lại khi đang căng đầy nhất. Nhưng thứ mà số phận không tài nào lấy đi được của Trần Lập đó là nguồn cảm hứng mà anh đã truyền lửa suốt sự nghiệp của mình. Đó là những ca khúc, những đứa con tinh thần của anh, đã và sẽ được hát qua nhiều thế hệ sau anh. Đó là thời khắc anh đè cơn đau và hát những ca khúc của mình giữa vòng tay gia đình và bè bạn. Cho lần thắp lửa cuối cùng. Mà tôi tin rằng, bất cứ ai có mặt trong vạn người đêm Giảng Võ đó, đều không thể nào quên.
Chuyến đi xa đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh và tôi vừa tròn một năm trước. Đó là một hành trình chạy xe máy trên những cung đường Tây Bắc. Chuyến đi ngắn thôi nhưng nỗi nhớ thì dài. Và giờ, anh lại lên đường cho chuyến đi xa nhất của đời người.
Chị Hoa và hai cháu, anh em ban nhạc, bạn bè nghệ sĩ và khán giả, lúc nhớ anh sẽ ươm than hồng kỷ niệm.
Bởi, chỉ có ngọn lửa anh thắp là còn đây mãi.
Theo Zing
Chặng đường thăng trầm của nhạc sĩ Trần Lập
Chặng đường nhiều thăng trầm nhưng vị thế tượng đài rock Việt dành cho Trần Lập và Bước Tường không bao giờ thay đổi.
Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập sinh năm 1974 tại Hà Nội. Trái với vẻ ngoài manly, mạnh mẽ như hiện nay, Trần Lập ngày thơ bé khá hiền lành và nhút nhát.
Trần Lập thời trẻ bắt đầu sự nghiệp âm nhạc khi anh đi hát cho một số sàn nhảy.
Thời là sinh viên, đam mê ca hát, Trần Lập đã âm thầm cho một cuộc chào đời của ban nhạc Bức Tường trong lòng đội văn nghệ Trường Đại học Xây dựng, qua vô vàn khó khăn, chìm nổi, bế tắc, những lần suýt giải tán, từng bước một bước lên đỉnh vinh quang cho tới khi tạm dừng cuộc chơi vào năm 2006 và tái hợp vào năm 2012, rồi năm 2014 lại tái hợp để cho ra mắt album Đất Việt.
Các thành viên của nhóm Bức Tường ngày mới thành lập: ca sĩ/nhạc sĩ Trần Lập và 2 guitar là Trần Tuấn Hùng, Nguyễn Hoàng.
Năm 1996, nhóm được phỏng vấn đầu tiên trên tạp chí Thời trang trẻ.
Suốt 20 năm đó, nhiều lần tan hợp, hợp tan nhưng cho tới hiện tại, Bức Tường vẫn là ban nhạc rock thành công nhất tại Việt Nam, có số lượng fan đông đảo bậc nhất và tạo ra trào lưu nghe, hâm mộ rock trên diện rộng.
Trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên từ năm 1995, Trần Lập đã trở thành một trong những nghệ sĩ nhạc rock Việt Nam chói sáng nhất. Cùng ban nhạc Bức Tường, anh đã tham gia trình diễn hàng trăm sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Trần Lập cũng là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị vượt qua biên giới thể loại nhạc rock để tới với công chúng.
Những bức ký họa của nhạc sĩ Trần Lập do người hâm mộ vẽ tặng.
Năm 1996, nhóm tạo được ấn tượng lần đầu tiên với đông đảo sinh viên và khán giả truyền hình cả nước với ca khúc We are The Wall band tại chương trình SV 96. Dù tạo được nhiều chú ý, song thời điểm này, nhóm cũng nhiều khó khăn. Năm 1998, The Wall trở thành ban nhạc chuyên nghiệp, với dấu mốc là đêm nhạc Khoảnh khắc giao thời. Năm 2000, nhóm chính thức lấy tên là Bức Tường và liên tiếp gặt hái được nhiều thành công, trở thành một trong những ban nhạc rock hàng đầu của Việt Nam thời bấy giờ.
Từ năm 1995 đến năm 2006, Bức Tường đạt khá nhiều thành tích và giải thưởng như: Ban nhạc Sinh viên xuất sắc tại chương trình SV 96, Ban nhạc rock sinh viên ấn tượng năm 1996 do báo Sinh viên Việt Nam bình chọn, Ban nhạc Triển vọng năm 1998 do Hội SVVN bình chọn, Ban nhạc có album ấn tượng nhất năm 2001, Ban nhạc đương đại xuất sắc tại festival âm nhạc của Pháp (2003), Ban nhạc đại diện sự kiện văn hoá Việt Nam năm 2003 do báo chí bình chọn, Ban nhạc thành công nhất năm 2004 do báo chí bình chọn, Ban nhạc Hardrock xuất sắc tại Đại hội Rock Việt I năm 2004, Ban nhạc có nhiều cống hiến cho Rock Việt năm 2004, ....
Sau những thành công đạt được, ngày 2 tháng 12 năm 2006, Bức Tường tạm chia tay khán giả với liveshow mang tên The last Saturday diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ thu hút 20.000 người hâm mộ tham gia (đông nhất trong số các liveshow của Bức Tường). Dù tuyên bố tạm dừng cuộc chơi, song tình yêu dành cho âm nhạc của các thành viên Bức Tường vẫn còn âm ỉ. Sau khi tạm chia tay Bức tường, Trần Lập cưới vợ và vui vầy với gia đình nhỏ của mình.
Các thành viên của nhóm Bức tường năm 2014. Lúc này cả nhóm âm thầm tái hợp để cùng sản xuất album Đất Việt ra mắt khán giả và tháng 12/2014.
Ngày 4/11/2015, công chúng bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ Trần Lập bị bệnh ung thư và càng cảm phục hơn cách vợ chồng anh bình thản đối mặt và thể hiện quyết tâm chống chọi với bệnh tật.
Theo Nguyễn An/Báo Lao Động