Nhớ tiếng gọi đò
Nhà tôi ở bờ Bắc sông Vu Gia (Quảng Nam), còn huyện lỵ nằm phía bờ Nam nên chuyện đi lại khó khăn thập phần, nhất là vào mùa mưa lụt. Trước năm 1995, học sinh cấp 3 (thời của tôi là cấp 2) quê tôi phải ở trọ nhà bà con hoặc quen biết bên bờ Nam chứ không thể đi về hằng ngày được bởi đò giang cách trở.
Mỗi làng có dăm ba ngôi nhà ngói là nhiều, trong đó phân nửa là nhà ngói quà (mái lợp ngói, vách bằng phên tre trét cứt trâu), còn lại là nhà tranh, phên tre, cột bằng gốc tre. Nhà nào có được cái chuồng cu (4 cây cột gỗ ghép mộng xuyên trính ở gian giữa), còn lại là tranh tre đã thuộc vào hạng khá giả. Đò ngang là chiếc ghe đan trét dầu rái. Người chèo đò là dân vạn chài ven sông. Người trong làng đi đò không phải trả tiền, tới mùa họ đến nhà lấy lúa. Tôi không nhớ bao nhiêu song nghèo cả làng, cả xã chắc họ cũng nghèo theo. Mấy người con gia đình vạn chài đi học với tôi hồi nhỏ, dường như tới lớp ba rồi nghỉ. Tôi biết tóm lưỡi câu, cắm câu là nhờ những người bạn ấy.
Ảnh : TRẦN CHÍ KÔNG
Sau ngày giải phóng, người dân vạn chài ở quê tôi được cấp đất ruộng như người trên bờ nên cuộc sống họ dần dần khá lên nhờ có thêm nghề làm cá và đưa đò. Mưa ở quê tôi cứ sùi sụt suốt ngày nên đường lầy lội, có nơi bùn ngập ống quyển. Hồi nhỏ, mẹ tôi phải nhờ mấy anh lớn hơn trong xóm cõng giúp khi tôi đi học mà gặp phải những chỗ bùn sâu. Hòa bình lập lại, đường làng quê tôi cũng thế. Và đến thời điểm ấy, tôi mới hiểu thế nào là “mưa đen trời thối đất”. Bây giờ, mỗi lần nghĩ về quê nhà, tôi vẫn nhớ đến những mái nhà tranh với khói lam chiều, nhớ những ngày “mưa đen trời thối đất”, nhớ gian bếp nhà ai trong mùa mưa lụt vừa để nấu ăn vừa chất củi rều (những cành khô trôi từ thượng nguồn xuống) xung quanh ông kiềng cho khô để làm chất đốt nên khói mịt mù…
Trời tháng 10 khoảng 4-5 giờ chiều là đã tối om. Đường trơn như thoa mỡ mà ai cũng vội vội vàng vàng. Tới bến sông thấy nước đục ngầu chảy xiết nhưng vẫn tin mình sẽ được đến nhà. Bên kia sông, mấy ánh đèn dầu trong nhà hắt ra lập lòe cứ như ánh đuốc ma trơi. Gió rít trên đầu, nước dập dềnh trước mặt và khản giọng kêu đò. Nếu nghe tiếng mái dầm hoặc con sào đụng vào be ghe lộp cộp là mừng; còn chỉ có tiếng gió, tiếng mưa quất vào ruộng dâu, vào bờ tre thì tiếp tục… đò ơi! Nghe tiếng người chèo đò hoặc người trong gia đình băng gió vọng tới báo nước chảy xiết đò qua không được thì phải quay trở lại tìm nhà người quen tá túc qua đêm.
Video đang HOT
Năm 1995, vùng B (các xã thuộc huyện Đại Lộc nằm bờ Bắc sông Vu Gia) được Liên Hiệp Quốc tài trợ kinh phí cải tạo đồng ruộng, mở đường, xây cầu qua sông. Liền đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam tiến hành bê-tông hóa đường nông thôn. Bến đò quê tôi được cầu Quảng Huế bắc ngang qua nối đường trải nhựa chạy khắp vùng. Từ đó, đời sống tinh thần, vật chất của bà con quê tôi khá lên thấy rõ. Bây giờ, xe hơi lên xuống ào ào. Mùa mưa lụt, xe cũng chạy vào tới tận nhà, giày dép chẳng phải xách tay lội bùn như trước. Đêm hôm, dù có mưa gió bão bùng, người hai bên bờ sông Vu Gia vẫn qua lại bình thường – điều mà trước năm 1995 nằm mơ cũng không thấy. Người chèo đò năm xưa vẫn ở nơi bến sông ấy nhưng nhà cửa khang trang, đẹp đẽ; lắm người ở phố thị không bằng. Đã đôi lần, tôi về đứng trước cổng nhà anh, thấy dấu tích của bến cũ mà tưởng đến tiếng gọi đò trong đêm vắng…
Quê tôi bây giờ không còn nhà tranh, có nhiều nhà cao tầng. Và dưới những mái nhà ấy, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng học bài, vẫn thấy làn khói thơm lan ra chuẩn bị cho bữa cơm chiều…
Theo VNE
... Mà sao không gọi đò
Có những con đường khác nhau để trở về làng. Nhưng bến đò quê cho tôi nhiều hơn cả sự trở về thông thường. Về mặt không gian, con đò đưa tôi qua sông về với làng mình. Nhưng về mặt thời gian, con đò đưa tôi vào bất tận những ký ức và những năm tháng trong sáng, thiêng liêng tôi lớn lên trong cái làng nghèo khó và xa xôi ấy.
Bây giờ thi thoảng về quê, tôi vẫn ra bến sông. Người đàn bà lái đò chẳng cần hỏi tôi câu gì. Chị tháo chiếc dây buộc đò và bảo: "Ông lên đò đi". Chị biết tôi không có việc gì bên kia sông mà chỉ là tôi muốn sang bờ bên ấy, đứng đó và nhìn về phía làng tôi tẫm bóng cây ở sau con đê. Tôi muốn đi ngược lại thời gian để được sống lại một lần nữa và một lần nữa được mang cảm giác của những người xa quê trở về trong một ngày cuối năm. Đó là những ngày nắng hanh chợt hừng lên và cả triền sông làng quê rực vàng hoa cải. Đứng ở bên này sông, cho dù không nhận rõ mặt những cô gái làng đang rửa lá dong xanh dưới bến để chuẩn bị gói bánh chưng thì tôi vẫn cảm thấy hơi ấm thân thương của những giọng nói và những gương mặt người làng từ phía ấy tràn vào tôi.
Ảnh: Trương Vững
Cứ vào những ngày giáp Tết, bến sông làng tôi lại vang tiếng cười của những cô gái ra sông gánh nước và rửa lá dong. Những ngày đó, người qua đò nhiều hơn. Chủ yếu là người làng đi làm ăn, sinh sống ở xa trở về quê ăn Tết. Và tôi là một trong những người đó. Khi con đò cập bến, tôi lại nghe giọng nói quen thuộc của người lái đò già: "Cậu về quê ăn Tết?". Người lái đò già đã mất nhiều năm trước, người con dâu của ông tiếp tục công việc đưa người qua sông. Nghe nói, người ta sẽ xây một cây cầu qua sông Đáy cách bến đò làng tôi chừng một cây số để nối liền với con đường liên tỉnh. Có cây cầu, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn biết bao nhiêu. Nhưng cho dù sau này không còn bến đò nữa thì tôi cũng biết rằng: Có một bến đò quê vẫn mãi mãi vang tiếng gọi đò trong những buổi chiều cuối năm rực vàng hoa cải và tiếng mái chèo khỏa nước. Và con đò ấy luôn luôn chở tôi vào thế giới của những nhớ thương da diết.
Ngay đầu con đường đất từ bến đò lên mặt đê có một cây đa. Dưới gốc đa là một quán nhỏ bán nước chè xanh và một vài thứ quà quê như bánh khoai, bánh sắn, kẹo vừng hoặc khoai luộc, ngô nướng theo mùa vụ ở làng tôi. Bất cứ ai khi đi xa về qua đò đều vào quán nước trước khi về nhà. Bà bán nước mừng rỡ như đón một người thân trong gia đình mình về ăn Tết. Tôi thường ngồi đó uống một bát nước chè xanh trước khi về nhà. Thực sự, quán nước lợp lá mía đó như chính ngôi nhà của mình. Trong khi tôi uống nước và ngắm nhìn xuống bãi sông vàng hoa cải cuối năm, bà bán nước kể cho tôi nghe những câu chuyện của làng mà những ngày đi làm ăn xa ở thành phố tôi chưa được biết.
Có một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được. Đó là chuyện về bà Đoán làng tôi. Bà chỉ có một người con trai, anh xung phong nhập ngũ bằng được và đã hy sinh, có giấy báo tử trong thời gian chiến tranh. Nhưng bà Đoán vẫn nghĩ con mình sẽ trở về. Thi thoảng, bà Đoán ghé qua quán nước bên bến sông và dặn đi dặn lại bà bán nước rằng nếu anh Đoán về thì phải sai cháu chạy vào báo cho bà ngay lập tức. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng ứa nước mắt. Không chỉ mình bà Đoán, làng tôi còn có nhiều gia đình mà những người con của họ đã đi vào mặt trận từ bến đò quê nhưng không trở về nữa. Trong trường ca Những người lính của làng (NXB Quân đội Nhân dân, 1996), tôi viết về những người lính ra đi từ làng tôi và đã hy sinh, trong đó có một đoạn viết về linh hồn một người lính trở về và nói với người yêu của anh:
Em ơi anh đã trở về
Chim ri gọi bạn chân đê cuối chiều
Mây trời chín một màu rêu
Cánh chim khỏa gió chia đều mênh mông
Anh về một phía bờ sông
Lòng đầy thương nhớ mà không gọi đò
Nhưng tôi tin có những con đò làm bằng mây trắng vẫn đưa linh hồn những người lính đã hy sinh trở về với mẹ mình. Và có lúc đứng bên bến đò quê trong hoàng hôn đang lan dần trên mặt sông ngày cuối năm, tôi như thấy có biết bao người đã khuất nơi xứ người đang trở về đứng bên kia sông và tiếng gọi đò của họ vang trong những ngọn gió đã chớm hơi Xuân ấm áp thổi về làng.
Bến đò quê bây giờ ít người qua nhưng trong lòng những người làng tôi và cá nhân tôi mãi mãi còn một bến đò. Nơi ấy là một vẻ đẹp thôn dã, là một nhớ thương da diết, là những ký ức nhiều khi đau thắt nhưng ấm áp. Thật lạ lùng, lúc nào đặt chân trên con đường dốc từ mặt đê xuống bến làng mình, tôi lại nghe thấy tiếng gọi. Đó không chỉ là tiếng gọi đò. Đó còn là một tiếng gọi khác như thức tỉnh chúng ta khi chúng ta đang đi xa những gì đẹp đẽ và thiêng liêng. Và đôi khi tôi chợt nghe thấy tiếng tôi gọi chính tôi từ phía bờ bên kia.
Theo VNE
Những "siêu" củ quả giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh Nếu bạn đang gặp các triệu chứng kho chịu như đầy hơi, khó tiêu, chán ăn... thì ắt hẳn là hệ tiêu hóa của bạn đang không khỏe mạnh. Để khắc phục tình trạng này, rất đơn gian, bạn hãy tích cực ăn nhiều các loại cử, quả có lợi cho hệ ti 1. Củ cải đỏ Củ cải đường giải quyết rất...