Nhớ thương xôi bắp đậu đen quê nhà
Gió bấc thổi từng cơn. Mưa rơi rào rạt lùa qua xóm núi. Mới hơn năm giờ chiều mà đã tối trời. Hơi lạnh ùa vào theo tiếng cửa cọt kẹt, mùi xôi bắp đậu đen thoảng từ chái bếp bốc vào tận chõng tre nơi tôi nằm.
Lâu quá rồi tôi mới được thưởng thức lại xôi đậu bắp của mợ – món quà vặt dấu yêu một thời tuổi thơ. Đôi bàn tay thô ráp, sần sùi của mợ quanh năm hết chăm đám ruộng, bãi khoai ngoài đồng lại quay sang đàn heo, đàn gà trong vườn, ấy vậy mà không bỏ một vụ bắp nào.
Ra giêng, trời đã ngưng hẳn những cơn mưa phùn, dáng gầy của mợ thấp thoáng trong đám rẫy sau nhà đang căng dây phân luống trồng bắp. Qua mấy bận tỉa lá, bắt sâu, khum lưng kéo từng gàu nước dưới suối lên tắm mát cho đám bắp xanh mơn rồi cũng đến ngày trái già. Chị em tôi xúm xít rủ nhau phụ mợ bẻ bắp.
Trước khi nấu, mợ loại bỏ hạt bắp sâu hoặc mốc, vo sạch, vớt bỏ hạt nổi lên mặt nước. Sau đó cho bắp vào nước vôi đã hòa tan luộc chừng nửa tiếng. Nhanh tay đổ ra một cái rổ tre sít lỗ đợi cho bắp nguội, chà xát đến khi vỏ bong hết. Đãi bỏ vỏ rồi xả nước lại nhiều lần cho bắp thật sạch, hết mùi vôi.
Tiếp theo, cho đậu đen đã luộc hấp cách thủy lửa lớn cùng với bắp. Nhắc nồi xôi bắp đặt cạnh đống tro hồng, mợ tất tả hết rang lại giã đậu phộng, cho tới khi hạt muối, đậu quyện vào nhau, nhỏ như cám gạo. Với đôi đũa cắm trong chiếc ống tre góc bếp, mợ xới đều bắp, đậu đen rồi đong thành từng chén đầy. Mợ cẩn thận rải muối đậu lên trên sao cho vừa khẩu vị.
Mười năm rồi kể từ ngày chị em tôi bỏ núi, bỏ nương rẫy theo ba má về phố, mợ vẫn giữ cách chế biến xôi bắp “gia truyền”, giống như chái bếp xưa giờ cũng còn chiếc ấm đất, chày cối, thúng mủng… và cả bao bắp khô treo lủng lẳng bám mạng nhện. Dù có đi đến phương trời nào chị em tôi vẫn mong ngóng ngày được tìm về với hương vị xôi bắp đậu đen quê nhà.
Theo Thanhnien
Hướng dẫn làm bột ngũ cốc cho người già
Sự kết hợp hoàn hảo của đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, gạo lứt, hạt sen và hạt ý dĩ sẽ giúp cho người lớn tuổi có được sức đề kháng chống lại bệnh tật tuổi già.
Video đang HOT
Hạt đậu trắng. Ảnh minh họa.
Nguyên vật liệu
- 500g đậu trắng.
- 500g đậu đen.
- 500g đậu xanh.
- 500g đậu đỏ.
- 500g gạo lứt tẻ.
- 200g mè đen.
- 200g hạt sen khô.
- 200g hạt ý dĩ (bo bo).
- Máy xay sinh tố/máy xay bột.
- Chảo rang.
- Rây/giá lọc bột.
- Bát tô.
- Hộp đựng bột.
Lưu ý: Các loại đậu, nên chọn loại hạt nhỏ, đều, bóng, mẩy, không lẫn tạp chất. Gạo lứt, chọn gạo nguyên vỏ cám, hạt mầm, đều hạt. Mè chọn hạt bóng, đều.
Hạt ý dĩ. Ảnh minh họa.
Cách làm
- Các loại đậu mua về phải đãi kĩ, lựa bỏ hạt đậu hư, lép, sạn.
- Gạo lứt, mè đen sàng sạch rồi vo, để ráo.
- Hạt sen, hạt ý dĩ vo sạch, để ráo.
- Sau đó đem các loại đậu, mè đen, hạt sen, hạt ỹ dĩ và gạo lứt phơi ở nắng khoảng 2 tiếng.
- Rang các loại đậu, mè đen, hạt ý dĩ, hạt sen và gạo lứt với lửa nhỏ liu riu trong 10 phút cho đậu chín và thơm.
- Sau khi rang xong, các loại hạt vào trong vải để đậu chín thêm và thơm hơn. Đến khi đậu thật nguội thì dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay bột xay nhuyễn thành bột.
- Để đảm bảo các loại hạt được xay đều, mịn thì chỉ nên xay một lượng nhỏ trong một lần và thực hiện làm nhiều lần. Sau khi xay xong, cho bột lọc qua rây để lấy lớp bột mịn và cho tiếp phần bột to vào xay lại lần nữa cho mịn hẳn.
- Bảo quản bột trong lọ/hũ sạch, kín và để ở nơi khô ráo để dùng dần.
Bột ngũ cốc. Ảnh minh họa.
Cách dùng
- Pha 4 - 5 muỗng với chút nước nguội đánh sền sệt rồi cho nước mới đun sôi vào khuấy đều. Uống ngày 3 cốc, pha với đường hoặc sữa ông thọ (đối với người không mắc bệnh tiểu đường). Nên uống sau khi ăn 30 phút (tốt nhất vào bữa sáng và bữa tối, uống lúc nóng).
Theo Lương Ngọc/Khoa học & Phát triển
Thương nhớ cà đắng núi rừng Cà đắng là một trong những món ăn lần đầu phải nếm vị đắng dần dần thành quen dễ gây ghiền. Món ăn từ cà đắng là niềm tự hào của các dân tộc như: Ê đê, M'Nông, Gia Rai,... Trái cà đắng Đặt chân đến đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ cùng con người chân chất, dân dã nhưng vô cùng mến...