Nhớ những chuyến tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh công tác nước ngoài
Đại tá, Nhà văn, Nghệ sĩ ưu tú Chi Phan, nguyên Trưởng ban biên tập Truyền hình Quân đội nhân dân kể lại kỷ niệm tháp tùng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh thăm hữu nghị một số nước vào những năm 1990, khi Đại tướng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, như nén tâm nhang gửi tới nguyên Chủ tịch nước.
Những năm 90 của thế kỷ trước, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị một số nước, trong đó có Liên Xô, Bulgaria (tháng 6.1989) và Cuba (tháng 2.1990).
Hồi đó, tôi là Trưởng ban biên tập Truyền hình Quân đội Nhân dân, được trên cử đi theo Đoàn, lấy tài liệu tuyên truyền trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam; viết tin, bài cho Thông tấn xã Quân sự và báo Quân đội nhân dân.
Thấy tôi một mình làm nhiều việc nên Bộ trưởng Lê Đức Anh nhắc nhở các đồng chí Cục trưởng Đối ngoại Bộ Quốc phòng, phiên dịch và thư ký riêng của ông quan tâm, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1989. Ảnh: VGP/Chi Phan
Ngày đầu thăm Liên Xô, Đại tướng dẫn đầu Đoàn tới viếng Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ ở giữa thủ đô Moscow. Ông cho chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đi theo con đường của Lenin và của Cách mạng tháng Mười, và nhân dân ta, quân đội ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.
Đoàn Đại biểu Quân sự Việt Nam còn đến thăm một số Quân binh chủng, học viện, nhà trường và thăm 2 thành phố lịch sử: St. Petersburg và Volgograd. Ở đâu, Đoàn cũng được nhân dân và quân đội đón tiếp nồng nhiệt. Khi chia tay, Đại tướng Lê Đức Anh thân tình nói với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Dmitry Yazov: “Nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam mãi mãi biết ơn sự ủng hộ chí tình, sự giúp đỡ to lớn và quý báu về tinh thần và vật chất mà nhân dân, lực lượng vũ trang Xô Viết đã giành cho Việt Nam trong những năm tháng vô cùng khó khăn, ác liệt của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước. Chúng tôi hy vọng, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng giữa hai nước, hai quân đội sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và ngày càng có hiệu quả”.
Cũng trong dịp này, tháng 6.1989, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Bulgaria. Sau khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Dobri Dzhurov, Đoàn đi thăm ba thành phố lớn là Sophia, Plovdiv và thành phố cảng Varna.
Đặc biệt, tại Varna, Đoàn đã đến thăm Đại học Hải quân nhân dân mang tên Nikola Vaptsarov, một nhà thơ, nhà cách mạng nổi tiếng, từng học ở đây và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phát xít. Nhà trường cho biết: Ở đây từng có nhiều học viên Việt Nam theo học; hầu hết họ đều học giỏi và để lại những kỷ niệm cho trường. Cảm động hơn, có một số sĩ quan Việt Nam sau khi tốt nghiệp về nước, ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa; có người đã anh dũng hy sinh.
Nhà trường còn cho Đoàn trực tiếp gặp một học viên Việt Nam đang học tại đây là anh Nguyễn Đức Lưu, 27 tuổi, quê Hải Dương đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đại tướng Lê Đức Anh vui vẻ bắt tay Nguyễn Đức Lưu và chúc anh thành công…
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh gặp đồng chí Raul Castro tại Cuba năm 1990. Ảnh: VGP/Chi Phan
Đối với Việt Nam, Bộ Quốc phòng Bulgaria đã giúp ta đào tạo được 200 sĩ quan không quân, pháo binh, hải quân, tăng thiết giáp. Đó là tình hữu nghị có tính truyền thống giữa Việt Nam và Bulgaria.
Video đang HOT
Trước khi chia tay, Đại tướng Lê Đức Anh xiết chặt tay Bộ trưởng D. Dzhurov nói: “Giờ đây, hy vọng rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển”.
Tháng 2.1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị Cuba. Đoàn “quá giang” qua Liên Xô và sân bay quốc tế Canada rồi mới tới Hòn đảo Tự do Cuba.
Thời gian thăm và làm việc tuy ngắn nhưng Đoàn đã được bạn bố trí cho đi nhiều nơi, chứng kiến những khó khăn do chính sách “cấm vận” của Mỹ và tinh thần đấu tranh kiên cường để bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng, nhân dân và quân đội Cuba.
Đại tướng Raul Castro, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cuba tiếp đoàn. Đồng chí xúc động nói: “Cứ mỗi lần gặp, các đồng chí lại giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn vấn đề chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Trong những tháng năm khó khăn này, kẻ thù o ép, răn đe, gây chiến tranh xâm lược. Các đồng chí đã đến tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc…”
Trước những lời nói chí tình của bạn, Bộ trưởng Lê Đức Anh bày tỏ: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba và Việt Nam chống kẻ thù chung đã từ lâu gắn bó hai nước bằng quan hệ mẫu mực. Đó là tình đoàn kết anh em chiến đấu cùng chung chiến hào; khi chiến thắng cũng như lúc gặp khó khăn”.
Trong những ngày ở thăm, bạn bố trí cho Đoàn thăm một số học viện, nhà trường, đơn vị và địa phương… Nơi nào cũng để lại những ấn tượng sâu sắc về tình hữu nghị gắn bó Việt Nam-Cuba.
Ngày cuối cùng thăm Hòn đảo Tự do, Đoàn được tiếp kiến Chủ tịch Fidel Castro. Đồng chí nói: “Giờ đây, Cuba tiếp tục suy nghĩ làm cách mạng và bảo vệ cách mạng. Vì thế, những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước rất có ích cho Cuba”.
Đại tướng Lê Đức Anh xúc động nói lời chia tay: “Xin thưa Chủ tịch, vì lợi ích của hai nước, hai quân đội; vì lợi ích của hòa bình và chủ nghĩa xã hội, chúng tôi nguyện làm hết sức mình cho cây Việt Nam-Cuba mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững…”
Theo Đại tá, Nhà văn, NSƯT Chi Phan (Báo điện tử Chính Phủ)
Vị tướng toàn tài Lê Đức Anh qua lời kể nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng toàn tài.
99 năm tuổi đời, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại những dấu ấn quan trọng. Ông là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta .
Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng: Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài. Khi được giao nhiệm vụ chính trị, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Đồng thời, là người luôn sát cánh cùng các nhà lãnh đạo khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
PV. Thưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong suốt cuộc đời, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho đất nước. Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, ông đánh giá đâu là những dấu ấn nổi bật nhất của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một cán bộ toàn tài, cả cuộc đời công tác của ông luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị.
Cả thời gian rất dài, đồng chí hoạt động trong lĩnh vực quân sự, làm lãnh đạo nhiều cấp khác nhau, chủ yếu là gắn bó với vùng đất quê hương Nam bộ, Quân khu 9, Quân khu 7 và cơ quan lãnh đạo toàn miền.
Khi là vị tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài, năng nổ, sốc vác, lập được nhiều chiến công gắn bó với các đơn vị quân và dân ở các vùng, các đơn vị và đồng chí phụ trách.
Khi được giao nhiệm vụ chính trị là chính, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Tôi được làm việc với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhiều, biết nhiều về anh là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đầu thập kỷ 1990, vào lúc anh được giao nhiệm vụ Chủ tịch nước. Trong nhiệm vụ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh-người tiền nhiệm của tôi- tôi đã theo sát và có ấn tượng rất sâu sắc về những hoạt động của đồng chí.
Cũng không ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Tổ quốc, kết hợp chính trị và quân sự. Tôi nhớ vào đầu những năm 1990 là thời kỳ quân đội ta, sau nhiệm vụ chính trị quân tình nguyện ở Campuhica thì đã rút về nước, đó là giai đoạn Bộ Quốc phòng có tái cơ cấu tương đối lớn, dù không tuyên truyền rộng.
Giai đoạn đó ra quân rất đông, hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đến Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh hết sức quan tâm tâm đến đời sống của cán bộ chiến sĩ, những người đã lăn lộn trên các mặt trận bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế nay trở về trong điều kiện đầy khó khăn.
Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ thị Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chính sách đối với cán bộ chiến sĩ ra quân hoặc tiếp theo là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Thời kỳ đó đã có nhiều chính sách được ban hành hoặc hỗ trợ tích cực để bớt khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ ra quân đầu những năm 1990. Anh em được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện đi lại, học hành, sản xuất.
PV. Trên cương vị Chủ tịch nước, một sáng kiến quan trọng của ông Lê Đức Anh khi đó được nhân dân đón nhận đó là phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ đạo các cơ quan quốc phòng và các cơ quan chính sách của nhà nước xem xét một cách tích cực, đề xuất chủ trương Đảng và Nhà nước ban hành quy định về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chính trong thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch nước, việc xem xét để tuyên dương các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn quốc được làm rất chu đáo, kịp thời. Năm 1995, chính xác là tháng 12/1994, chúng ta đã tổ chức Lễ tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc rất long trọng và xúc động lòng người.
Chính sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một chính sách đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà cho đến hôm nay, không những thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh mà cả thế hệ sau này đều cảm nhận được vinh dự rất to lớn đối với các bà mẹ đã hy sinh những người con thân yêu của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Nói điều đó để thấy rằng khi là tướng lĩnh cũng như cán bộ lãnh đạo cao cấp thì đồng chí Lê Đức Anh luôn luôn quan tâm đến chiến đấu và chăm lo đời sống và chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ chiến sỹ những gia đình có công với nước một cách chu đáo và ấn tượng.
Hai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Lê Đức Anh tại Phủ Chủ tịch, năm 2004 (Ảnh trong cuốn sách Đại tướng Lê Đức Anh)
PV. Đại tướng Lê Đức Anh còn được coi là "kiến trúc sư" của việc triển khai các biện pháp chiến lược và chiến thuật trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Vậy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao này có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa nguyên Chủ tịch nước?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Tôi ghi nhớ và thán phục đồng chí Lê Đức Anh cũng như đồng chí lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ là giải tỏa bao vây cấm vận để đưa nước ta khỏi thế bao vây, kìm kẹp khổ sở trong thời gian dài trước đó do Mỹ và Trung Quốc phát động, chèn ép đất nước chúng ta.
Những năm đầu thập niên 90, sau khi chúng ta tuyên bố đường lối đổi mới thì cả đổi mới về chính sách đối ngoại, mục tiêu hàng đầu đối ngoại lúc bấy giờ là tháo gỡ bao vây cấm vận.
Muốn tháo gỡ bao vây cấm vận thì trước hết là từ Mỹ và Trung Quốc, rồi đến các tổ chức tài chính tiền tệ khác có liên quan. Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người rất tích cực đóng góp thể hiện lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc và Mỹ để từ thù địch chuyển dần sang trạng thái hợp tác cùng có lợi.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vào những năm đầu thế kỷ trước đã dồn công sức cho việc này rất lớn và đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người đóng góp tích cực, kể cả trong việc cải thiện quan hệ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ.
Điều đó chứng tỏ không chỉ là tướng tài, trong lĩnh vực chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đồng chí là người sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Lê Đức Anh đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc của người lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước chúng ta, vị tướng tài của quân đội và nhân dân ta.
PV. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người sát cánh cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo khác khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước. Vậy ở thời điểm đó có ý nghĩa như nào đối với Việt Nam?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Đầu tiên bắt nguồn từ giải tỏa, bình thường hóa quan hệ với hai nước Trung Quốc và Mỹ. Chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói rõ "đã đóng góp phần của mình vào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ như nào. Ngay từ đầu, đại hội 6, Đảng ta quyết định tiến hành đường lối đổi mới có quán triệt trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ đổi mới kinh tế, xã hội mà đổi mới toàn diện. Không chỉ đổi mới đối nội mà còn đối ngoại.
Đảng, Nhà nước chúng ta lúc đó đã công bố tinh thần "Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới", "Việt Nam muốn tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động liên kết quốc tế và khu vực". Đó là đường lối chung nhất. Ngay cả hội nhập, soi lại mới thấy cả quá trình đi lên nhanh chóng.
Hội nhập, đường lối chung của Đảng phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chính là sức mạnh nhờ hội nhập quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền. Ngày hôm nay đã cho thấy rõ đấy là đường lối đúng đắn và đưa lại tác động vô cùng to lớn đối với dự nghiệp xây dựng phát triển đất nước./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về cuộc trao đổi này!/.
* Tít bài do Dân Việt đặt lại.
Theo Danviet
Nông dân Đoàn Văn Vươn: "Gia đình luôn nhớ ơn Đại tướng Lê Đức Anh" Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Vươn, người nông dân trong vụ cưỡng chế đất đai gây xôn xao dư luận cách đây 7 năm ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, ông và gia đình luôn ghi nhớ ơn của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - người lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ người dân yếu thế...