Nhờ người mang thai, tôi có phải thứ đàn bà hư hỏng?
Tôi không bị vô sinh. Nhưng bác sỹ nói, ở tuổi này, tôi mang thai là không đơn giản. Bác sỹ gợi ý, chúng tôi có thể thụ tinh nhân tạo, ghép vào một người khác để nhờ mang thai. Tuyệt vời! Tôi nhận ra đoạn cuối này thực sự có hậu.
Các anh chị kính mến!
Tôi đã từng nghĩ mình là một phụ nữ độc thân cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ở tuổi hai mươi, tôi thích mỗi tuần có một chàng trai tới đưa rước mình đến sân khấu biểu diễn. Ở tuổi ba mươi, tôi thích hẹn hò với những người đàn ông chững chạc, đã có gia đình, không ràng buộc hôn nhân với mình. Ở tuổi bốn mươi, bất chợt tôi gặp một người đàn ông yêu mình thực sự. Tôi cưới và chồng tôi mơ ước có một đứa con…
Tôi vốn được giới làm nghề gọi là người đàn bà không tuổi. Vóc người nhỏ nhắn, nét mặt như một thiếu nữ, trên phim ảnh tôi thường được đóng những vai tiểu thư. Chồng tôi cũng nói, khi thấy tôi trên tivi, anh nghĩ tôi mới hơn hai mươi tuổi. Còn khi tôi đứng trên sân khấu hát, tôi cũng được coi là ca sỹ thách thức thời gian, không chỉ bởi chất giọng tươi sáng mà còn bởi tôi luôn mặc những bộ trang phục hết sức gợi cảm. Tôi đã giữ hình ảnh đó thật lâu, đến mức tất cả mọi người mặc định phải như vậy mới là tôi. Tôi nghĩ mình phải có bổn phận giữ lại hình ảnh đó.
Thực ra mà nói, tôi có những điều sâu kín, có chút hận đàn ông. Cộng thêm bản tính thích phiêu lưu, tôi trở thành một “ma nữ” trên tình trường. Mối tình đầu tiên của tôi là một chàng ca sỹ đẹp trai ở Hà Nội. Khi ấy, anh là niềm mơ ước của những cô gái trong thành phố này. Vẻ ngoài bảnh bao, nhà phố cổ, khi 90% dân cư thành phố đạp xe thì anh đã có xe Peugeot chạy đón tôi đi diễn tại các tụ điểm trung tâm. Chúng tôi song ca với nhau, những bản tình ca nhẹ nhàng vui vẻ. Ngày ấy dân mình hồn nhiên, thích những điều giải trí đơn thuần, có chút gì đó hướng thiện.
Chúng tôi nhanh chóng thành một cặp bài trùng. Tình yêu đến như một điều tất yếu. Mười bảy tuổi, tôi nào biết gì đâu. Hạnh phúc đến ngộp thở. Anh đặc biệt thích ăn phở và mỗi lúc chở tôi ăn phở đường tàu đêm, anh lại bảo em là bát phở của đời anh. Tôi nghe, lăn ra cười, nhưng thấy vui. Tôi trao đời con gái cho anh một cái roẹt! Không toan tính. Tôi không hề biết, có vài trăm bát phở của đời anh, được anh thay đổi mỗi ngày. Khi có bầu, tôi nói với anh, anh mới tá hỏa tam tinh. Lúc đó mẹ anh xuất hiện. Bà nói rằng, con trai bà đã dạm ngõ một cô gái khác, con nhà quyền thế, chỉ chờ cô kia đi du học về là làm đám cưới thôi. Nếu tôi cương quyết để lại cái thai thì cứ giữ mà nuôi, bà sẽ chu cấp nuôi con. Nhưng chuyện cưới xin là không thể có. Tôi khóc ròng rã, suy nghĩ suốt ba đêm, cuối cùng quyết định gặp bà, nhờ dẫn đi phá thai chui.
Ca sỹ, diễn viên có chút tiếng tăm mà lại bị tiếng ăn cơm trước kẻng thì khó sống lắm. Với lại tôi đâu muốn nhốt đời mình vào mấy chuyện con cái sớm như vậy. Tôi còn quá trẻ và lại lắm ước mơ. Tôi trở lại căn nhà có cây hoa ngọc lan trước cửa. Mẹ anh cười mãn nguyện, khen tôi ngoan biết nghe lời. Chuyện êm xuôi, dù tôi cảm thấy vụ phá thai là một cơn đau xuyên thấu trời. Nhưng nói thật lòng, xong chuyện tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tôi bắt đầu ghét những gã đàn ông lẻm mép, nói những câu trăng hoa. Tôi cũng chẳng tin có gã đàn ông nào có ý định cưới mình. Chẳng qua là họ muốn lên giường với tôi mà thôi. Nếu thế, ai hợp nhãn, thì đồng ý.
Video đang HOT
Những năm tháng ấy, bố tôi đi công tác triền miên ở miền Nam. Tôi sống với những người họ hàng và ai ở với tôi sẽ được bố tôi gửi tiền về hàng tháng. Tôi chợt nhận ra mình cũng đã bước sang tuổi 18, sau cú ngã đầu đời, tôi muốn đi chơi với bố. Vậy là tôi bắt tàu lửa vào Nam. Không ngờ, tôi quyết định ở lại thành phố này, trở thành công dân chính thức, tiếp tục làm nghệ sỹ.
Mối tình thứ hai của tôi với một nhạc sỹ (hình như đời tôi phải gắn với một nhân vật có chữ “sĩ”). Anh không đẹp, nhưng có tài, cũng ít nói lời bay bướm. Anh hay viết thư cho tôi. Và không bao giờ ghen. Tình yêu của tôi với anh như một tình yêu sách vở, tiểu thuyết. Không có chuyện tình dục. Anh hơn tôi hai mươi tuổi, chín chắn và sâu sắc. Anh viết cho tôi những bản nhạc say đắm, mà nhiều khi chỉ người trong cuộc mới hiểu vì sao lại có những ngôn từ này trong những cảnh huống này.
-Tôi biết, tôi trân trọng anh. Nhưng tôi là một cô gái tuổi đôi mươi, xung quanh nhiều đàn ông đẹp. Tôi không thể yêu bằng những nốt nhạc và nụ hôn phớt trên môi. Tôi biết anh có những niềm riêng, không tiện nói. Tôi yêu anh bằng tinh thần. Nhưng tôi trao thân mình cho những người đàn ông mạnh mẽ. Tôi nghĩ là anh cũng biết. Thi thoảng thấy anh quăng bể cái ly, ý như là giận lắm, rồi dịu lậi rất nhanh. Hôm sau thế nào anh cũng viết cho tôi một lá thư, để ở cửa nhà tôi.
Về sau, khi mọi thứ qua đi, tôi đếm được khoảng 200 lá thư. Hiện giờ tôi không giữ nữa, tôi muốn quên đi, nên nó thuộc về sở hữu của một người cô họ. Với tình yêu này, tôi dành trọn một niềm trân trọng. Tôi có chút ân hận, là trong những ngày cuối của cuộc tình, dù anh năn nỉ tôi nhiều lần, nhưng tôi không bao giờ đến ngôi nhà có lá me bay đầy cửa ấy nữa. Tôi dứt bỏ tình anh với chút tự ái của một cô gái ít nhiều có thành đạt, xuất hiện trên màn ảnh nhỏ và vẫn đi hát đều đặn tại các phòng trà. Tôi đã không còn giữ lại gì…
Như một thói quen, tôi đã không có người đàn ông nào là của riêng mình trong nhiều năm. Khi có chút danh tiếng và nhan sắc trên trung bình, bạn không khó để chọn một người đàn ông để đi ăn, đi chơi và làm tình. Nhưng để bạn yêu họ thật lòng, thì chính bạn ngần ngừ không muốn. Giống như giữa một tiệc buffet đủ món, không lẽ bạn giữ chắc một món duy nhất rồi ngắc ngứ ở miếng cuối cùng? Bạn sẽ muốn thử món này một chút, món kia một chút. Đàn ông cũng vậy đấy! Ngược lại, những gã đàn ông mà bạn chọn đó, cũng có hàng chục lựa chọn khác nhau, với tâm lý y chang bạn. Vậy thì điều gì khiến hai người đến với nhau? Đó chính là tình dục và một chút hồi hộp vụng trộm.
Ở tuổi ba mươi, người Việt Nam, dù là đàn ông thì cũng đã tính cuộc vuông tròn với vợ con rồi. Nhưng đi ăn tiệc sẽ để vợ ở nhà. Và sẽ chỉ ngủ với vợ trên chiếc giường cưới đặt kín bưng trong phòng ngủ. Vợ anh ta sẽ không biết được chồng mình ra ngoài ăn gì, ngủ với ai. Thì đó là khoảng thời gian lý thú dành cho những người như tôi. Tôi là mẫu người tình lý tưởng, không ràng buộc và chỉ đến với nhau khi thấy vui. Tôi thực sự không nhớ, mình đã có bao nhiêu người tình. Chỉ biết rằng, càng về sau tôi càng ít ngủ với đàn ông Việt. Tôi thích những người đàn ông ngoại quốc, rắn chắc, khỏe mạnh và đầy lý tính. Họ không bị sự mủi lòng can thiệp. Và, họ thực sự biết cách để chiều chuộng một người phụ nữ ở trên giường.
Tôi quên mất rằng, hình như đã lâu rồi, tôi không còn thấy lo sợ rằng mình có thể có thai. Tôi đã không còn thấy điều đó nữa. Thâm chí có lúc tôi nghĩ, chắc cú phá thai đầu đời khiến tôi trở thành người phụ nữ vô sinh. Vô sinh, với một phụ nữ thật khủng khiếp. Nhưng với những người đã chọn cuộc sống như hành trình để vui chơi và tận hưởng như tôi, thì nó không còn là vấn đề kinh hoàng. Tôi chưa đi khám bác sỹ, nhưng tôi nghĩ, thôi thì việc mình đã làm thì có thế nào mình cũng sẽ tự gánh chịu. Việc sống đời son rỗi, tôi sẽ kéo dài tuổi trẻ, và hình ảnh tôi cũng thật hoàn hảo trong mắt công chúng của mình.
Tôi gặp chồng tôi trong một bữa tiệc từ thiện, tôi là khách mời còn anh làm chủ. Tôi không có ý định quen anh, nhưng chính sự ân cần và quyết tâm chinh phục của anh đã khiến cô gái tự do trong tôi quay gót, chấp nhận một cuộc sống có hôn nhân. Nói chuyện yêu đương ở tuổi ngoài 40 thì hơi kỳ cục, nhất là với một người đã không còn tin vào tình yêu như tôi. Nhưng quả thật, anh tạo cho tôi cảm giác mình thực sự là phụ nữ và tôi muốn làm mọi điều với anh, kể cả việc mà tôi đã lãng quên, là sinh một đứa con.
Tôi và anh dẫn nhau qua Singapore khám bệnh. Tất nhiên, ai đi bác sỹ cũng mang về một rổ bệnh và một rổ thuốc, uống đến vài năm. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là trái với lo ngại của tôi, cơ thể tôi vẫn hoàn toàn bình thường, tôi không bị vô sinh. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Nhưng bác sỹ nói, ở tuổi này, tôi mang thai là không đơn giản. Bác sỹ gợi ý, chúng tôi có thể thụ tinh nhân tạo, ghép vào một người khác để nhờ mang thai. Tuyệt vời! Tôi nhận ra đoạn cuối này thực sự có hậu.
Cuộc phẫu thuật cấy ghép diễn ra suốt một năm trời, vì trước khi có bầu chúng tôi cần có những liệu pháp để cơ thể khỏe mạnh và sản sinh được những hạt giống tốt nhất. Chúng tôi đi lại giữa Singapore – Việt Nam rất nhiễu lần. Mang thai giúp chúng tôi là một phụ nữ tại Thái Lan. Một hợp đồng khép kín. Vị bác sỹ Singapore qua Thái Lan để thực hiện những công đoạn quan trọng của một cuộc phẫu thuật. Và cuối cùng, cuộc cấy ghép đã thành công. Một đứa con khỏe mạnh sẽ ra đời.
Tôi không muốn nói với công chúng rằng, mình đang mang thai. Nhưng cách ăn mặc và thái độ của tôi tạo cho họ cảm giác như vậy. Cho đến khi con tôi ở tháng thứ 5 thì tôi lặng lẽ đi nước ngoài, chờ đến kỳ người phụ nữ kia sinh nở để đón con về. Thi thoảng vẫn có thông tin về tôi, chuẩn bị sinh con và rồi, khi tôi về nước thì con tôi cũng đã đầy tháng. Tôi nghĩ rằng, kịch bản của mình đã hoàn hảo. Vẹn cả mọi đường.
Cho đến ngày hôm qua…
Một email được gửi đến, từ một người vô danh. Nhưng tất cả hành trình của tôi, những gì tôi đã làm, đều được kể tường tận chi tiết. Người vô danh nói tôi là một người đàn bà hư hỏng, bạc bẽo với chính đứa con của mình. Tôi đã không sinh con với tình mẫu tử thực sự mà việc có đứa con để nhằm níu giữ một người đàn ông ngoại quốc. Người vô danh nói, có thể ngày nào đó sẽ công khai mọi chuyện về tôi với truyền thông.
Tôi hư hỏng thật sao?
Lời người biên tập
Chào chị! Sinh một đứa con là hành trình gian khó nhưng hạnh phúc của một người mẹ. Tôi áng chừng có khoảng 95% phụ nữ trên mặt đất này muốn và hạnh phúc khi làm điều đó. Có thể chị là 5% còn lại. Mỗi người một cuộc sống, xã hội bây giờ đã đủ cởi mở để chấp nhận những dị biệt. Việc chị nhờ người mang thai hộ cũng không có gì lớn, thậm chí nó đang là xu hướng của các ngôi sao giàu có mà lại lười phải mang nặng đẻ đau. Chị đã chọn con đường đó thì phải chấp nhận những rủi ro (con đường nào cũng có rủi ro mà chị).
Việc một ai đó muốn công khai chuyện đó, lỗi không phải tại chị nhờ người mang thai, mà lỗi tại cách chị diễn vở kịch hoàn hảo. Tất nhiên, người ta sẽ chỉ trích chị nhiều, nhưng chị đã đủ già dặn để hiểu được chuyện mất – còn trong những tình huống như vậy. Việc chị cần làm lúc này, tôi nghĩ, là chăm sóc và yêu thương con thật đủ đầy. Và chị cũng cần tính đền tình huống, một ngày nào đó con chị sẽ hỏi, mẹ ơi có phải mẹ nhờ người mang thai con hay không? Câu hỏi này cũng không dễ trả lời chút nào! Mong chị sáng suốt và an lành!
Theo ANTD
Mê tiền, cả nhà chồng dồn ép tôi bỏ thai
Cả gia đình chồng mở miệng ra bảo không có tiền nên ép tôi phải bỏ thai. Ngay cả khi tôi đã hứa sẽ lo đám cưới cho em chồng thì bố chồng tôi vẫn một mực khuyên phá. Ông lo ngại cho giới tính đứa bé. Nhỡ sinh con gái nữa thì nuôi cũng 'phí'.
Thật sự tôi thấy lấy chồng không khác gì đánh bạc. Bất kể bạn là ai, xinh đẹp, giàu có thế nào thì nguy cơ đen đủi vẫn như nhau. Tôi là một cô gái như thế, đã từng bước vào nhà chồng với bao kiêu hãnh nhưng cuối cùng lại hóa kẻ trắng tay. Nhà tôi tuy không có mẹ chồng vô duyên như nhà bạn nhưng cả nhà chồng tôi lại quá ư tham tiền.
Tôi kết hôn 4 năm và đã có một bé gái 3 tuổi. Tôi bị tử cung đôi nên mang thai và sinh con đều rất khó. Tuy vậy tôi vẫn muốn có thêm tập 2. Tôi sợ nếu nhỡ có con một rồi nhỡ chẳng may nó mắc bệnh hay gặp tai nạn hay giới tính không rõ ràng thì chỉ có nước tuyệt tự.
Tôi may mắn có thai lần 2. Có thể nói đây là cái phúc mà không phải phụ nữ nào như tôi cũng có được. Nhưng đáp lại cái "trời cho" này chỉ là những gáo nước lạnh từ nhà chồng.
Tin tôi hạnh phúc khi mang thai lần 2 nhanh chóng được lan ra và trở thành tin buồn. Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán và mong đợi của tôi.
Đầu tiên là chị chồng. Chị ấy phân tích rằng nào dưỡng thai tốn kém, sinh khó rồi nuôi mệt. Mẹ chồng tôi còn bổ sung vào: "Gia đình hiện đại chỉ cần một con là đủ".
Ban đầu tôi nghĩ mọi người lo lắng vì chuyện tử cung đôi của mình nên ra sức hứa hẹn thề thốt sẽ tự dưỡng thai rồi đặt kế hoạch sinh nở. Bằng chứng là bé đầu tuy hơi khó sinh nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường.
Nhưng cuối cùng chị chồng tôi cũng thốt lên: "Vấn đề không phải là sinh khó hay ai chăm sóc mà là tiền, tiền, tiền biết không?". Những chữ cuối được nhấn mạnh khiến tôi nhận ra nguyên nhân thật sự đằng sau sự phản đối này.
Mọi người biết vì sao chuyện tôi sinh thêm con lại ảnh hưởng đến mẹ và chị chồng như thế không? Vì họ chính là tầm gửi, ăn bám mình từ mấy năm nay. Đành rằng ai cũng cần tiền nhưng cái tham ấy còn phải cân đối và nhường bước cho lòng tự trọng nữa. Nhưng họ thì không. Chân lý nào cũng không bằng "Tiền là số 1".
Một người là dân nội trợ, một người vừa ly thân lại mất việc nên chỉ biết ăn bám nhà mẹ đẻ. Và điểm chung của hai người đàn bà này nhà tôi là không làm ra tiền nhưng cực thích tiêu tiền. Mẹ chồng tôi có sở thích chưng diện, khoe mẽ và tụ tập bạn bè. Mỗi lần bà ra ngoài đều phải thật đẹp. Không chỉ là đồ mới mà còn phải là đồ hiệu, nếu không thì cũng là hàng fake 1.
Bà không ngồi quán bình dân, nếu đó không phải là nhà hàng hay quán cà phê sang trọng thì bà không bao giờ vào. Bà cũng khéo giữ sĩ diện bằng cách chiêu đãi bạn bè thường xuyên. Hóa đơn nhà hàng không bao giờ dưới 1 triệu đồng.
Nhưng bà chưa một lần chi tiêu cân nhắc và thấy xót tiền. Chỉ đơn giản vì đấy là tiền của tôi. Bà viện lý do: "Tao giữ con cho mày thì mày phải trả công cho tao". Nhưng mỗi tháng tôi phải trả công đến vài lần như thế. Trong khi đó, số giờ bà giữ cháu chưa quá 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Kế đến là cô chị chồng quý hóa của tôi. Cô ta cũng có con trai học lớp 3. Cho dù đã 8 tuổi nhưng nó vẫn uống sữa và ăn thức ăn của con gái tôi. Cô ta không bao giờ để ý đến chế độ dinh dưỡng của con mà chỉ tìm cách bòn rút và miễn là con cô ta no bụng.
Thằng bé còn khá ngây thơ nhưng lại bị mẹ tiêm nhiễm cho thói xin xỏ và ăn cắp vặt. Nó thường vào phòng tôi, thấy sữa uống sữa, thấy bánh lấy bánh, thậm chí áo quần, nước hoa của tôi nó cũng lấy nốt. Hai mẹ con nó như cơn bão, đi đến đâu là đồ đạc tôi hư hao đến đấy.
Lúc tôi sinh bé đầu, do phải ở cữ lâu và tốn kém nhiều chi phí, tôi cắt giảm rất nhiều số tiền tiêu của mẹ chồng nên bà cú lắm. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến bà không thích tôi sinh nở lần 2.
Kế đến là anh chồng ki bo kiệt xỉn của tôi. Anh không muốn sinh con vào lúc này. Anh muốn tôi tập trung tiền của để giúp anh hoàn thành luận án tiến sĩ và đút lót để thăng quan tiến chức. Chồng tôi ra ngoài là người đạo mạo phóng khoáng nhưng thật ra cũng chỉ là kẻ ăn bám vợ.
Anh cũng lấy lý do "Một con là đủ" để khuyên tôi bỏ thai. Tôi vừa muốn khóc vừa muốn cười vì chua chát. Làm tiến sĩ làm gì khi có thể nói ra những câu vô đạo đức như thế?
Mọi hi vọng của tôi và cả của đứa bé trong bụng cuối cùng chỉ còn dựa vào ông nội nó. Trong gia đình, bố chồng là người hiểu đạo lý, thương và thông cảm cho tôi. Ông cũng là người có tiếng nói. Tôi hi vọng ông sẽ hiểu và cho phép tôi giữ lại cái thai. Nhưng thật bất hạnh, đến cái hi vọng cuối cùng này cũng sụp đổ.
Sau bao nhiêu ngày im lặng nhìn mọi người ép tôi bỏ con, bố chồng tôi cũng "tuyên bố" một câu y hệt như thế. Lý do ông đưa ra còn đau lòng hơn. Số là em trai chồng tôi và bạn gái nó "ăn cơm trước kẻng" rồi để dính bầu. Bây giờ cái thai cũng được 2-3 tháng. Cả hai gia đình đang lên phương án cưới chạy. Thế nên, ông muốn tập trung lo cho đám cưới sắp tới.
Không nói cũng biết, trách nhiệm phần lớn đè lên đầu tôi. Cả gia đình chồng tôi mở miệng ra là bảo không có tiền nên chuyện lớn nhỏ gì cũng do tôi gánh vác.
Thế nhưng ngay cả khi tôi đã hứa sẽ lo đám cưới cho em chồng thì bố chồng tôi vẫn một mực khuyên phá thai. Ông bảo ông lo ngại cho giới tính đứa bé. Nhỡ sinh con gái nữa thì nuôi cũng "phí".
Tôi á khẩu khi nghe được những lời này từ miệng bố chồng. Người tôi kính trọng và chăm sóc bấy lâu nay chẳng khác gì kẻ đạo đức giả và tham lam như bao người khác. Thật không hiểu "phí" là "phí" như thế nào? Chẳng lẽ trong mắt ông, chỉ cháu trai mới đáng được sống hay sao?
Tôi thật sự kiệt sức khi mới mang thai lại phải sống thế này. Cho dù bịt tai bịt mắt vẫn không thể không nghe, không thể không thấy sự đối xử tệ bạc của mọi người. Lúc đau khổ, tôi quyết tâm sẽ giữ đứa con đến cùng. Nhưng rồi nhìn thái độ của những người xung quanh, tôi lại lung lay và lo lắng không biết liệu con mình sinh ra có được yêu thương?
Tôi mệt mỏi với cả chính sự đấu tranh trong tư tưởng của bản thân mình. Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên để tôi thêm mạnh mẽ hơn.
Theo Eva
Cay đắng vì chồng bạc tình Đến nước này thì bố mẹ Hoài cũng đành để cô ly dị chồng. Vợ có bệnh, chồng chạy làng "Cái ngữ đàn ông mắt trắng môi thâm ấy bạc bẽo lắm, con lấy nó thì khổ cả đời", mẹ Hoài khuyên như vậy sau lần chị đưa Bảo, người yêu, về ra mắt. Bạn bè chị cũng can, không chỉ vì cái...