Nhớ mùa lúa nổi, con trâu trên đồng ngày càng cô độc, hiếm hoi
Dù có bao năm tháng xa rời với mùi bùn, đồng rạ nhưng hình ảnh những mùa lúa nổi vẫn dịu dàng trôi qua miền nhớ như dòng sông đong đầy kỷ niệm quê hương.
Lúa mùa có một đặc tính sinh học độc đáo đó là trổ không theo ngày tuổi mà theo hiệu ứng quang cảm ánh sáng. Nên có giống nhạy cảm mạnh với ánh mặt trời bắt đầu trổ sớm như giống: Sa Quay, Nếp Thơm, Hà Tiên; còn muộn hơn được gọi chính vụ có: Ba Bụi, Than Tàu, Trắng Lùn, Ba Vội, Ba Túc,…
Dòng đời lúa mùa “đi vắt” 2 mùa mưa nắng, mùa nước nổi và mùa tết nhứt, nên cái giống lúa này hầu như đã gói trọn vẹn đời sống văn hóa đồng bằng kể cả người Kinh và người Khmer Nam Bộ.
Con trâu trên đồng ngày càng trở nên hiếm hoi, cô độc.
Nhưng nội cái chuyện chuẩn bị làm đồng, nuôi mạ, dọn đất thôi đã là biết bao nhiêu nét đẹp của tình đất tình người, chân phương gắn liền với thời tiết, đất trời, vậy nên có một niềm tin tín ngưỡng xuất phát từ nền văn hóa lúa nước để lại mãi cho đời sau, cho dù lúa mùa đã biệt hình, biệt dạng từ lâu trên đồng đất quê mình.
Hồi xưa, ngoại có hơn 40 công ruộng nhưng nó ở tuốt trong miệt Tri Tôn, canh tác vô ra phiền phức nên khi lớn tuổi ngoại cho người ta mướn.
Vậy nên với cái máu đam mê ruộng đồng cấy gặt, tôi phải xin theo làm phụ người ta cho vui, nhiều khi cũng có tiền công vui lắm. Rộn ràng nhất hạng lúc chuẩn bị làm đồng, mịt mùng khói phủ như cả bầu trời trên cao đổ hết khói mây xuống ruộng.
Nhưng với người lớn, đây là thời điểm cực kỳ quan trọng, phải kỹ lưỡng từng chút một cho tới những kiêng cữ tâm linh cốt sao không để sơ sảy một vụ mùa trước mặt. Sao vậy?
Bởi 1 năm 12 tháng, 365 ngày mà chỉ có 1 vụ mùa, nếu thất bát một trận coi như đói cả năm sau, dân gian mới có câu “thất mùa một năm nghèo ba năm” là vậy.
Ngay khi mới lọt lòng, những đứa trẻ đã được trao truyền những kinh nghiệm mùa màng, thấm đẫm văn hóa nông nghiệp từ trong câu hát, lời ru chất chứa bao nhiêu là tình yêu đất đai, kỹ năng lao động, rồi lớn dần lên lại tiếp thu, kế thừa và phát triển cả một gia tài văn hóa ứng xử với đồng ruộng, thiên nhiên.
Rõ ràng, trồng lúa mùa xưa của ông bà mình là hình thức sản xuất thuận theo tự nhiên. Cả quá trình sản xuất, cây lúa và con người cùng nương theo những quy luật tự nhiên, ứng xử hợp lẽ theo từng diễn biến của thời tiết.
Những nông cụ ngày xưa: bộ trục, bừa cỏ… giờ đã trở thành… “đồ cổ”.
Mùa mưa đến, hột lúa mọc ngoài đồng, con cá bắt đầu kéo bầy lên ruộng mà sinh sôi nảy nở, con người cũng ra đồng chăm sóc cây lúa, để bắt con cá mà ăn, cây lúa lớn cao theo con nước nổi.
Video đang HOT
Hết mùa mưa, chuyển sang mùa khô, cây lúa trổ bông, cánh đồng như nghiêng chắt sạch nước, con cá cũng theo đó quay trở về với sông rạch, những cánh đồng chuyển sang chín vàng, con người lại rộn ràng đón mùa thu hoạch. Những hạt ngọc trời chảy về đầy bồ, là nguồn sống ấm no cho mỗi gia đình.
Những ngày đầu chuẩn bị vụ mùa, muộn lắm cũng là khi bầu trời vần vũ chuẩn bị sa mưa đầu mùa, là phải lo trải rơm ở góc ruộng bằng phẳng rồi đốt rơm đó là nơi để làm mạ. Đám cháy nhiều khi tràn lan ra cả cánh đồng mịt mù khói lửa.
Những hột lúa giống thường được chọn từ đám ruộng nhà mình, chọn lúa cội đập riêng cho vào bao cất giữ, có người lựa từng bó, lựa từng bông thấy hột lúa có đuôi là chuyển qua lúa thịt.
Mỗi giạ lúa giống gieo mạ, cấy ra được cỡ 4 công tầm cắt. Sau nhiều năm, hễ thấy ruộng người khác trúng hơn, ngon cơm hơn, thì chuẩn bị… rượu mồi đến nhà người ta òn ĩ mà xin đổi giống.
Cái khâu đầu tiên lo giống rồi thì tính chuyện trâu cày. Hồi đó, nhà nào có ruộng nhiều chưa hẳn có trâu; nhưng nhà nào có trâu đương nhiên là có ruộng.
Mỗi cặp trâu trưởng thành thì cày giỏi được khoảng 50 công đất. Người ta chuộng trâu cái vì chúng siêng năng và dễ nghe lời hơn, còn trâu cổ 10 ông trở chứng hết 9 ông. Muốn xài được thì phải thiến cho bớt hung hãn.
Trâu đực 5 tuổi bắt đầu lên cổ, trâu cái 5 tuổi cũng bắt đầu sinh sản. Trước khi cấy mạ, bắt đầu vai trò của những con trâu mới thấy chúng quý giá, quan trọng thế nào đối với nông dân; đa phần là không có trâu nên phải đi đặt mối trước ngày cày, bừa, trục, trạc.
Việc cày mướn cho người khác gồm cả trục 2 tác chiếc (1 tác chiếc là 1 lượt), để chủ đất làm cỏ (chế, lạng bằng phẳng) và 1 tác đôi để chủ ruộng bắt đầu cấy. Một công đất cày, thường thiếu lại đến khi lúa chín, chủ đất trả chủ trâu là 2 giạ lúa.
Còn nhiều công việc trên đồng, dọn đất, cấy mạ, thu hoạch… mỗi giai đoạn nó gắn liền với tiết trời, với sự chuyển mùa, theo đó mà con người cũng có những sinh hoạt đổi thay làm thành một nếp riêng tích lũy nhiều kinh nghiệm dân gian trong đó.
Đơn giản gọi là những hình ảnh kỷ niệm, sâu xa hơn đó là cả một nền văn hóa lúa mùa đã cặm rễ, ăn sâu trên đồng đất quê mình. Lâu lâu thấy nhớ thì nhắc chừng chừng và cũng có những ước mơ, lúa mùa sẽ lại nổi trên những cánh đồng no nước miền Tây.
Theo Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long)
Nghịch cảnh miền Tây: Đã tới mùa nhưng nước không nổi, dân lo âu
Hằng năm, từ đầu tháng 6, nước lũ ở thượng nguồn sông Mekong đổ về cũng là lúc các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL vào mùa nước nổi. Giăng lưới, câu, đặt dớn, lọp... là những nghề "ăn theo" mùa lũ, tạo ra sinh kế cho rất nhiều cư dân vùng biên giới. Nhưng năm nay, mọi chuyện không diễn ra theo quy luật như thế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong tương lai.
Dân làm nghề "hạ bạc" lo lắng
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đi dọc tuyến biên giới An Giang, Đồng Tháp. Những năm trước, đây là lúc nước lũ đã tràn đồng: những cánh đồng ngoài đê bao trắng xóa nước, trên đó là cảnh đánh bắt của người dân.
Giờ đây, cũng dọc những cánh đồng đó là đồng ruộng nứt nẻ, những chiếc ghe nằm chỏng trơ trên bãi bồi hoặc những chiếc dớn cao cách mặt nước cả mét. Ven những tuyến lộ về các trung tâm xã, cảnh mua bán cá đồng náo nhiệt không còn mà thay vào đó là những căn nhà "cao cẳng" chất đầy ngư lưới cụ dưới sàn khô ráo và ngăn nắp.
Những căn nhà ở vùng biên giới An Phú (An Giang) cất cao né lũ giờ nằm trơ trọi trên cao.
Tiếc 5 cái dớn dài hơn 1.000m để trong sàn nhà, ông Trần Văn Trân, ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), kể mọi năm tháng này, trên đồng nước đã ngập sâu hơn 1m. Sàn nhà ông nước cũng lên lé đé. Nước lên nhanh, lúa ngoài đê bà con thu hoạch không kịp phải nhờ bộ đội cắt giúp.
Nhưng theo ông Trân, quan trọng nhất là nước lên có cá để đánh bắt cải thiện đời sống mà đến giờ nước vẫn chưa đổ về làm bà con ai cũng lo lắng.
"Mọi năm, mùa đánh bắt, tôi làm nhỏ cũng dư khoảng 15 triệu đồng có tiền chi phí phân thuốc cho vụ lúa sau. Năm nay, tôi cũng chuẩn bị 5 cái dớn dự định có nước ra đồng đặt kiếm cá mà giờ chỉ để không...! Bà con ở đây phần lớn sống nhờ vào nghề đánh bắt cá mùa nước nổi, năm nay không có nước coi như trắng tay"- ông Trân nói.
Ở gần đó, anh Đỗ Văn Hùng vừa kiểm tra lại giàn lưới vừa nói: "Những người theo nghề đánh bắt cá toàn là hộ nghèo, không đất nên chỉ biết giăng câu, giăng lưới. Năm nay, đồng không có nước người sống bằng nghề con cá cũng chẳng biết làm gì khác".
Anh Hùng cho biết thêm gia đình anh không đất, 4 miệng ăn hằng ngày trông chờ vào nghề đẩy xe bán rau cải của vợ anh dọc theo tuyến lộ xã. Anh từng đi ra tỉnh khác làm nhưng vẫn trông đến mùa nước nổi trở về quê kiếm sống để gần vợ con.
Cũng dọc theo tuyến đường về xã Vĩnh Hội Đông, những năm trước đây là thời điểm bà con mang cá linh non ra bán rất nhiều, giờ chỉ bán toàn cá nuôi. Chị Phạm Thị Thúy, thương lái chuyên thu mua cá ở huyện An Phú, cho biết: "Mọi năm giờ là lúc tôi tập trung mua cá linh non mỗi ngày từ 100-150 kg, bán lại lời hơn 300.000 đồng. Năm nay không có cá linh nên tôi chuyển qua mua cá nuôi bán lại lời chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/ngày".
Ông Trần Văn Trân tỏ ra tiếc rẻ vì những cái dớn được ông chuẩn bị sẵn nhưng chưa có cơ hội mang đi đặt bắt cá.
Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, cho biết toàn xã có khoảng 100 hộ sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi.
"Xã còn rất nhiều hộ thuộc diện nghèo khó nên nghề đánh bắt cá giúp họ cải thiện đời sống rất nhiều. Hằng năm, vào mùa này mỗi hộ sau khi trừ hết chi phí cũng kiếm vài chục triệu đồng. Nhiều hộ đã chuẩn bị sẵn phương tiện để đánh bắt, giờ nước không về thì họ gặp khó khăn thật sự. Mà ngư lưới cụ treo trên giàn không sử dụng cũng sẽ hư hỏng hết"- ông Phương nói.
Nguy cơ xâm nhập mặn
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, cho biết mực nước các sông trên địa bàn tỉnh An Giang dao động chủ yếu theo thủy triều, chịu ảnh hưởng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong và việc vận hành công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc Kiên Giang.
Theo ông Ninh, từ giữa tháng 6 đến nay, mực nước cao nhất/thấp nhất ngày đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn báo động 1 (tại Tân Châu: 3,5m; Châu Đốc: 3m), thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2018, thời gian xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.
"Tuy it co kha năng xuât hiên lu lơn, nhưng tiêm ân nguy cơ cường suất lũ lên nhanh do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong"- ông Ninh cảnh báo.
Tuyến kinh Bảy Xã - nơi lũ về sớm nhất ở An Giang đến giờ nước vẫn thấp hơn mặt ruộng phía trên rất nhiều. Ảnh: Bình Nguyên.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cũng cho biết một năm trung bình sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ m3, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về.
"Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán"- ông Thiện nói.
Ông Thiện khuyến cáo đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.
"Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn, vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô ích. Đó là vì những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra....", ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau, nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong.
Sản xuất sẽ khó khăn
Trước nguy cơ năm nay không có mùa nước nổi, ngoài chuyện trước mắt không đánh bắt cá được thì hệ lụy sản xuất mới là điều mà hầu hết nông dân ở vùng đầu nguồn lo âu. Ông Trần Văn Trân cho biết, ông có 20 công ruộng, trong đó 10 công nằm ngoài đê bao thường ngập nước và làm đạt năng suất rất cao sau mùa nước nổi. Nhưng tình hình năm nay khiến ông rất bất an.
"Tôi lo nhất là vụ đông xuân tới, nước không tràn đồng sẽ không có phù sa, lúa bị giảm năng suất. Ngoài ra mầm bệnh trên ruộng không được rửa trôi sẽ có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là chuột phá hại"- ông Trân nói.
Ông Huỳnh Công Phương cũng cùng quan điểm và lo lắng vụ lúa tới vì nước không về chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm trong khi chi phí sản xuất tăng, đặc biệt sẽ có một lượng lớn lao động tiếp tục dịch chuyển về các tỉnh khác để kiếm việc làm làm xáo trộn đời sống xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về thì trước mắt bà con nuôi thủy sản như tôm càng xanh, cá lóc sẽ gặp khó khăn. Nhiều người đã nuôi con giống trong ao, chuẩn bị thả ra đồng khi nước lên, nhưng nếu nước không lên ngập đồng thì không thả ra được. Hoặc nếu thả thì phải bơm nước, nhưng nước bơm lên không phải là nước lũ và không có thức ăn tự nhiên trong đó, như vậy chi phí thức ăn sẽ tăng cao.
"Năm nay mùa lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ giảm, cuộc mưu sinh của những người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn. Sau một năm khô hạn như thế thì năm sau dù có lũ trở lại cá vẫn sẽ ít vì chưa kịp phục hồi"- ông Thiện nói.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, mực nước trên sông Mekong qua ĐBSCL thấp so với cùng kỳ. Đó là chỉ dấu cho thấy mùa lũ sắp tới nếu có cũng sẽ rất thấp và dẫn tới các hệ quả là phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất.
Lũ thấp, phù sa ít, không đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng. Về giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Ngoài ra tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại, trong đó những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra là chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.
Theo Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
HTX nợ nông dân 11 tỷ đồng: Chính quyền hối thúc trả nợ Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cho biết tỉnh đã chỉ đạo huyện Thạnh Hóa phải hối thúc HTX Nông nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú) nhanh chóng thu hồi nợ trả nông dân trong vụ thu mua lúa đông xuân vừa qua. Theo UBND huyện Thạnh Hóa, để sớm làm rõ số nợ của HTX Nông nghiệp Thạnh...