Nhớ màu áo tím
Suốt quãng đời đi học, tuy không là học sinh xuất sắc nhưng với bản tính chăm ngoan nên tôi vẫn được nhiều thầy cô thương mến. Cô giáo Võ Thị Trung dạy lớp Nhất trường Tiểu học Chánh Hưng năm 1967, giờ là lớp 5 trường cấp 1 và 2 Hưng Phú A quận 8, TP. HCM là người để lại trong lòng tôi nhiều tình cảm sâu sắc và ấn tượng tốt đẹp nhất.
Hơn 1 tuần nhập học, cô chọn tôi làm lớp trưởng. Cô giáo tôi khoảng 25 tuổi, da hơi ngâm, vóc dáng cân đối, gương mặt xinh đẹp, nụ cười hiền hòa, dáng điệu nghiêm trang nhưng không thiếu phần dịu dàng, vui vẻ. Trong mắt tôi cô là hình ảnh cô tiên tuyệt vời nhất.
Có lần tôi ngây thơ hỏi cô: “ Sao cô hay mặc áo tím quá vậy?”. Cô bình thản đáp: “ Màu tím là màu buồn, cô thích màu tím vì cô đâu còn cha mẹ để mà vui”. Không hiểu tại sao tôi lại hỏi ngớ ngẩn như thế rồi lặng lẽ bỏ đi sau khi nghe cô trả lời. Tôi chỉ thấy buồn khi nghe ai nhắc đến tiếng cha mà tôi thiếu thốn, chớ có hiểu gì về nghĩa buồn của màu tím đâu.
Lên lớp 6 tôi phải chuyển sang trường khác. Khi trở về thăm trường cũ, cô hẹn lần sau sẽ chở tôi về nhà cô chơi. Hôm đó, cô nấu cơm trưa cho tôi ăn, tặng tôi một tấm hình rồi nhờ bác xe ôm quen chở tôi về nhà. Sau này tôi mới biết đó là lần chia tay trước khi cô kết hôn rồi theo chồng về tỉnh lỵ. Lá thư đầu tiên viết cho cô tôi áp dụng đúng nguyên tắc bài luận văn cô đã dạy, kèm theo câu “Em chẳng biết viết gì”. Cô hồi âm cho tôi một lần rồi bặt tin luôn. Năm lớp 7, từ khi xa cô tôi lại mơ ước được làm cô Trung thứ hai mặc chiếc áo dài tím đứng giữa đám học trò bé nhỏ.
Và tôi đã làm cô giáo được 12 năm. Không chỉ có hoa hồng, lắm lúc tôi cũng buồn chán vì học sinh, đồng nghiệp. Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, hình ảnh cô giáo Trung với những chiếc áo dài mới, chạy chiếc xe velo trông ung dung, nhàn hạ quá xa vời với cuộc sống của tôi. Rồi vì hoàn cảnh gia đình tôi đã rẽ sang hướng khác.
Những kỹ vật của cô tôi còn giữ được đến tận bây giờ, ngoài lá thư và tấm ảnh còn có 3 Bảng Danh Dự hạng nhất màu đỏ, 3 Bảng Danh Dự hạng nhì màu xanh dương. Nét chữ của cô tròn trịa, nắn nót chữ hoa vào những chữ cái đầu và tô đậm tên tôi thật đẹp. Những tấm vải nhỏ màu trắng đã ngã vàng nhưng chỉ màu xanh đỏ vẫn còn tươi tắn với những đường may, thêu cơ bản cô đã cầm tay tôi chỉ dẫn tỉ mỉ từng mũi kim.
Những bài tập làm văn giờ nhìn lại tôi thấy thật buồn cười và xa lạ với nét chữ chưa được đẹp của mình ngày đó. Cô sửa cho tôi từng từ chưa chính xác, từng câu viết chưa đúng văn phạm với những lời nhận xét cặn kẽ. Tôi luôn được điểm 7 và 8, số điểm cao nhất của hai môn học này vào thời đó.
Video đang HOT
Năm 1980, bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo và cũng được trúng giải một cuộc thi. Phần đầu tôi có viết về cô. Nếu đọc được hẳn cô mừng lắm. Năm 2001, tôi gửi hình cô và được chọn đăng trong mục “Tấm ảnh yêu thích”. Cả hai lần tôi đều hy vọng cô sẽ liên lạc với tôi về địa chỉ tòa soạn nhưng tôi đều thất vọng.
Có thể nhiều người cùng làm ta mất niềm tin, nhưng chỉ cần một người có thể giúp ta lấy lại lòng tin trong cuộc sống. Dù không còn nối nghiệp cô nhưng cô vẫn là một trong số ít người giúp tôi giữ được niềm tin, vượt qua bao sóng gió cuộc đời để tiếp tục sống tốt. Và những lúc vui hay buồn cũng dễ làm tôi chạnh lòng nhớ đến cô với hơi ấm yêu thương.
Theo người lao động
Em nhắm mắt thật chặt, giữ giấc mơ ở lại
Và em mơ thấy những ngày xưa đó... Trong giấc mơ, em như bé lại.
Và em thấy mình ngày ấy... áo dài buộc ngang lưng, bì bõm giữa cổng trường ngập nước... Nhìn thấy anh, vênh mặt: Không cần giúp.
Em thấy mình ngày ấy... cầm thước gỗ đuổi đánh bọn con trai dám nói xấu lớp trưởng là em... Anh nhìn thấy em vẫn cố thanh minh: Ai bảo chúng nó bảo em ngỗ nghịch.
Em được thấy mình ngày ấy... công kênh trên vai mấy thằng bạn sau trận bóng nữ đại thắng. Mắt lem nhem nước mưa vẫn nhìn anh thách thức: Thấy chưa, em giỏi lắm.
Được thấy mình trong khoảnh khắc... áp mặt vào tấm lưng chắc chắn của anh khi anh gò chân cõng em với cái chân đau từ sân bóng vào phòng y tế... Gạt tay anh và nói: Không sao, đã bảo không sao mà.
Em nhắm mắt thật chặt, giữ giấc mơ ở lại để cứ được sống nơi những trong veo ngày ấy.
Em chỉ muốn nhắm mắt ngủ mãi để giấc mơ không tan biến (Ảnh minh họa)
Ngày anh lén nắm tay dắt đi trong đám đông chen lấn, không dám quay lại nhìn em... bỗng lúc ấy em thấy tim mình chững lại... Và cúi mặt giấu đi chút thẹn thùng.
Ngày anh đạp xe 15 cây số với một con bé nặng gần 50 cân... để ngắm nhật thực trên núi. Nhật thực chẳng thấy đâu... chỉ thấy lưng áo anh ướt đẫm. Trong em, lần đầu rộn lên một chút gì lạ lắm!
Và ngày hôm ấy, hôm trước ngày anh ra thủ đô nhập học... gốc phượng quen thuộc, anh nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên má em... rất nhẹ, rất khẽ. Em vùng vằng bỏ chạy mà tủm tỉm cười trên suốt đường về nhà...
Những khi buồn, em sẽ ngồi bên cửa sổ, đợi mưa và đợi anh (Ảnh minh họa)
Anh đi rồi, sân trường ngập nắng, hình như ít mưa hơn hẳn, những lá thư tay thưa dần, những cuộc điện thoại cũng vội vã và cửa sổ chat luôn im lìm.
Em một mình tìm lại góc phượng xưa, ngẩn ngơ nghĩ về nụ hôn hôm ấy... thấy má mình nóng ran... Lâu rồi em chỉ lướt qua nơi này không dừng lại.
Em một mình ôm quả bóng màu cam, lặng lẽ nơi sân bóng giờ tan học... Bơ vơ. Lâu rồi em không chơi bóng nữa.
Em một mình đạp xe lên những bậc thang núi đá. Không nhật thực, cũng không anh. Và một mình trở về trên con đường mưa loang loáng, em khóc, nước mắt tan đi trong những hạt mưa bay... Đó là lần cuối em quay lại nơi ấy, lần cuối em đi tìm mưa, tìm anh.
Ít lâu sau em ra Hà Nội nhập học, cũng biết tin anh đã cách xa em cả nửa vòng trái đất, ở một nơi xa xôi nào đó trên quả địa cầu hẳn anh cũng lưu giữ những kỉ niệm học trò trong veo ấy cho một ngày mưa ngọt lành.
Còn em nhẹ gói những hạt mưa mang tên anh đặt vào một ngăn sâu của trái tim mình. Để những lúc em mỏi mệt, em lại ngồi bên cửa sổ... đợi mưa... Những cảm xúc thuở học trò mát lành ấy lại dịu dàng tưới mát trái tim em.
Theo Tiin
Tôi đã yêu cô giáo Thật khó có thể quên những kỷ niệm trong sáng, đẹp đẽ trong khi còn là sinh viên. Kỷ niệm theo ta trong mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ và mỗi bận hàn huyên với bạn bè cùng khóa khi gặp lại nhau. Kỷ niệm khơi dậy trong ta sự hồn nhiên, bồng bột của tuổi trẻ và trở nên yêu đời hơn...