Nhớ hương vị mắm cáy Xuân Sơn
Khi nhắc đến đặc sản đất Đông Triều, chắc hẳn rất nhiều người nghĩ ngay đến rươi hoặc na. Nhưng ở đây còn một đặc sản nức tiếng khó quên, mang hương vị đồng quê là mắm cáy Xuân Sơn.
Một khi đã thưởng thức, chắc hẳn bạn không thể quên vị hơi chát mà thơm nức, ngọt vị cáy sông của món quà quê ý nghĩa, vốn là món ăn truyền thống không thể thiếu dịp Tết trong bất cứ gia đình nào ở Xuân Sơn (Đông Triều).
Khu Xuân Cầm (xã Xuân Sơn, Đông Triều) được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng khá đặc biệt của vùng quê lúa, phú thêm cho dòng sông Cầm chảy ngang qua. Nhờ đó mà nơi đây mắm cáy đã trở thành sản vật ngon tuyệt, hơn bất cứ vùng nào ở địa phương này.
Mắm cáy dân dã mà ngon khó quên.
Vì thế mà, từ bao đời nay trên mâm cơm thường ngày của mỗi gia đình ở đây, bát mắm cáy sóng sánh màu nâu hồng, thêm chút chanh đã trở thành thứ nước chấm không thể thiếu. Với mùi hương đặc trưng, mắm cáy không lẫn với bất kỳ loại chấm nào khác. Bữa cơm giản dị với vài ngọn rau lang, rau muống luộc hay vài quả cà, dưa muối chấm cùng bát mắm cáy thôi cũng đủ để thực khách phương xa nhớ mãi không quên.
Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, chủ nhà hàng Ẩm thực sông Cầm Trung Thành (Đông Triều), người gắn bó cả tuổi thơ ở vùng đất này kể: Khi sinh ra, chúng tôi đã thấy các cụ, bố mẹ mình làm mắm cáy, mắm rươi. Có lẽ chất đất và dòng sông 2 nước chảy qua xã Xuân Sơn là một trong những yếu tố trời phú khiến con cáy và các sản phẩm chế biến từ cáy trở nên nức tiếng, ghi vào kí ức không quên của bao thực khách.
Qua thời gian, chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản và bàn tay khéo léo, kinh nghiệm truyền lại, được đúc kết thêm qua nhiều thế hệ mà mắm cáy Xuân Sơn ngày càng ngon hơn, trở thành đặc sản khó quên trong lòng thực khách.
Cáy sông Xuân Sơn dịp cuối năm to, béo, dày thịt, là nguyên liệu tốt chế biến mắm cáy.
Theo những hộ dân có kinh nghiệm thì mắm cáy được chế biến rất đơn giản từ muối và cáy, một loài giáp xác sống trong hang dưới nước hay trên những cánh đồng, hình dạng giống cua nhưng nhỏ hơn nhiều, có màu nâu đen. Vào tháng 3 khi hoa mướp trổ bông, cà cho lứa đầu tiên thì cáy bắt đầu lên và có nhiều vụ quanh năm.
Video đang HOT
Ở Xuân Sơn, người dân đào ao, tháo nước sông vào ao để cáy sinh trưởng. Tuy nhiên, bắt cáy không phải dễ, cần sự khéo léo vì chúng rất nhanh, có động là chạy vào hang. Để bắt được cáy thường có 3 cách: Câu cáy bằng những cần câu dài từ 1-2 mét, đi móc lỗ cáy hoặc dùng lờ đơm cáy, là cách phổ biến cho số lượng cáy nhiều. Thịt cáy ngọt nên có thể lấy thịt hoặc làm mắm ăn quanh năm. Với những người nông dân “một nắng hai sương” vất vả sớm hôm thì bữa cơm chỉ cần bát canh rau đay mồng tơi nấu cáy hay đĩa rau luộc chấm kèm mắm cáy là đủ mùi vị và dinh dưỡng
Để làm ra được một hũ mắm cáy ngon, bên cạnh việc chọn được nguyên liệu tươi ngon thì còn cần đến sự khéo léo, tinh tế của người chế biến. “Cáy ngon và hợp nhất làm mắm là dịp cuối năm khi cáy nhiều, to, dày thịt và béo.
Cáy sau khi đánh bắt được ngâm với nước muối khoảng 30 phút, vớt ra để ráo nước và bỏ phần mai, yếm chứa nhiều ruột bẩn. Phần gạch cáy được giữ lại. Trộn cáy với muối hạt theo tỷ lệ 3:1 (3 bát cáy tương ứng với 1 bát muối).
Hỗn hợp trên được đem vào giã nhuyễn trong cối đá, cho tiếp gạch cáy vào trộn đều rồi đổ tất cả vào chum vại sành hoặc lọ thủy tinh. Thêm một lớp muối phía trên phần thịt cáy giã nhuyễn rồi đậy kín nắp. Đem ra phơi nắng vào ban ngày và sương vào ban đêm”, chị Phượng chia sẻ về bí quyết làm mắm cáy ngon.
Mắm cáy là thức chấm không thể thiếu trong nhiều món ăn ở Xuân Sơn.
Để tăng thêm mùi thơm, vị ngọt cho mắm cáy, nhiều người chế biến còn cho thêm cơm nếp, thính gạo nếp và một vài lát dứa. Những người làm mắm kỳ công để những chum mắm nơi khô ráo, thoáng mát ít nhất 6 tháng, có khi đến cả năm mới được một mẻ mắm thơm ngon.
Cũng theo kinh nghiệm của chị Phượng, mắm cáy muốn ngon thì cáy giã tay sẽ ngon hơn xay nhuyễn bằng máy vốn đang dần phổ biến. Dù cáy xay sẽ cho mắm nhanh hơn, trông mịn, bắt mắt hơn nhưng mắm giã thì thịt cáy, chân cáy sẽ có thời gian ngấu, tiết ra chất ngọt thay vì xay nhuyễn thành mắm.
Mắm cáy lúc này có màu vàng ruộm, mở ra đã nức mùi, ăn đậm đà đến khó quên. Thứ nước chấm này để ăn quanh năm hay để dành tặng những vị khách quý tới thăm nhà. Một lần ăn bữa cơm dân dã, giản dị với đĩa rau muống hay rau lang luộc chấm mắm cáy Xuân Sơn sẽ thấm vị ngọt, thơm của mắm cáy, thêm hiểu tấm lòng và sự nhiệt tình của người dân sống bên dòng sông Cầm.
Bánh vo - vị ngon khó quên của người Hà Tĩnh
Mấy ai về mảnh đất Hà Tĩnh mà khi ra đi không nhớ miếng kẹo cu đơ, bánh đa vừng, bưởi Phúc Trạch hay mực nhảy Vũng Áng.
Người dân Cẩm Xuyên cũng vậy, dù có đi đâu xa, làm gì cũng nhớ mãi hương vị dân dã như chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ của món quà quê mang tên bánh vo.
Bánh vo là thức quà xuất hiện từ rất lâu đời ở khắp các vùng quê ở huyện Cẩm Xuyên. Món bánh được làm từ bột gạo trắng dân dã, mộc mạc, thấm đượm hồn quê này đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây. Gạo phải được ngâm từ đêm hôm trước rồi xay mịn, sau đó quấy liên tục để bột dẻo, quánh, mịn.
Có đến hơn 30 năm làm bánh Vo, bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Thăng) chia sẻ: Món bánh vo tuy đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 4 tiếng cho tất cả các công đoạn.
Nếu giáo bột là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi người làm bánh phải đánh đều tay, bột được đều, sánh và không bị cháy, thì vắt bánh lại là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Mẻ bột sau khi để nguội sẽ được vắt tròn, tạo nên những chiếc bánh nhỏ nhắn, có màu trắng tinh của bột.
Bánh sau khi được vắt xong sẽ được cho vào nồi để hấp, thời gian hấp mỗi mẻ bánh từ 30-45 phút. Muốn bánh được chín đều, giữ được mùi thơm của gạo, người làm bánh phải cho đều lửa để bánh không bị chín quá. Như vậy sẽ giữ được mùi thơm của gạo quê đặc trưng vùng đất Cẩm Xuyên.
Để có thể hấp chín những chiếc bánh, những người làm bánh vo như bà Vân phải dùng chiếc nồi cỡ lớn mới có thể đựng hết được. Công đoạn này yêu cầu lửa phải to, vì vậy người nấu cũng phải theo dõi thường xuyên để tránh bánh bị cháy.
Gia vị đi kèm với bánh vo thường được sử dụng gồm bột canh, hành lá, mỡ lợn (dùng mỡ lợn sẽ có mùi thơm hơn, béo hơn). Sau khi bánh chín nóng, người ta sẽ dùng hành lá rắc lên những chiếc bánh để tạo hương vị thơm ngon, không có cảm giác ngấy của bột và thêm nữa là màu xanh của hành lá sẽ làm nên nét hấp dẫn cho từng chiếc bánh
Người ta khoái ăn bánh vo với bát nước mắm đủ vị. Ăn miếng bánh mềm dẻo, người ta cảm nhận được hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị thơm, bùi của gia vị.
Món quà quê này thường được bán ở các chợ quê của Cẩm Xuyên như chợ Trường (xã Cẩm Thăng), chợ Gon (xã Cẩm Phúc), chợ Gọ (xã Cẩm Nam) với giá 10 chiếc/ 5.000 đồng. Bình dị, dân dã lại thơm ngon, bổ dưỡng, những chiếc bánh vo đã trở thành một phần ấu thơ của nhiều đứa trẻ sống tại mảnh đất này.
Bên những chiếc bánh vo, mỗi người trong gia đình, trong thôn xóm thật đầm ấm tình thân trong những câu chuyện làm ăn, chuyện gia đình, trồng trọt. "Nhiều khi chúng tôi ăn bánh vo thay cơm, không đòi hỏi phải có nhiều thức ăn mà cũng ngon, no bụng, rẻ tiền. Chả thế mà nhiều khi đi đâu xa quê, thứ quà bánh khiến lòng day dứt muốn về chỉ có thể là món bánh vo này mà thôi" - chị Đặng Nguyệt Nga (xã Cẩm Thăng) chia sẻ.
Nước mắm - món quà của biển quê nhà Làng tôi cách biển không xa nên bữa ăn hàng ngày có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu nước mắm. Ngày ngày, bất kể nắng hay mưa, những người phụ nữ của các làng làm nghề biển, chân trần vượt qua những con đường cát trắng dài lóa mắt đi bán nước mắm ở các làng quê làm ruộng lân...