Nhớ hương bánh thuẩn, bánh in
Mỗi dịp xuân về là tôi lại nhớ đến những cái tết xưa. Những cái tết không có tràn đầy các loại bánh trái đóng gói trang trọng như bây giờ, mà chỉ có những loại bánh tự tay người trong nhà làm ra, như bánh in, bánh thuẩn…
Bánh thuẩn
Trong nhà, chị gái tôi là người siêng năng và thích nấu nướng nhất. Mỗi dịp tết đến là chị bắt đầu soạn đồ dùng làm bánh, lục đục đi mua nguyên liệu. Nào là khuôn làm bánh thuẩn, khuôn làm bánh in, đi đặt trứng gà từ tận trong quê; rồi mua đủ loại đậu khô chuẩn bị phơi, rang làm bột ngũ cốc để làm bánh in; bột nếp làm bánh lăn; mua than nướng bánh… mất cả tháng trời cho khâu chuẩn bị.
Còn cách tết chừng nửa tháng, nhà tôi bắt đầu la liệt những dụng cụ làm bánh. Chúng tôi đứa được phân công đi xay đậu thành bột ngũ cốc, đứa thì ngồi canh ở tiệm đánh trứng để người ta đánh trứng cho dậy. Thời ấy, cái gì cũng phải mang ra tiệm xay. Những loại máy móc để xay đậu, đánh trứng hiếm nhà nào có. Ai có thì tết là mùa bội thu, bởi ngày nào cũng từng hàng dài, hàng dài người đến xếp hàng để xay bột, đánh trứng, tiền đếm không nghỉ tay…
Bánh in – Ảnh: Diệu Hiền
Video đang HOT
Thường tôi hay xung phong đánh trứng hơn là đi xay bột ngũ cốc. Đơn giản vì ở nơi xay bột, người ta không có các bà, các chị làm bánh thuẩn cho khách. Nhiều người quá bận rộn, lại vụng nên chỉ việc mang bột, trứng, đường ra tiệm để đánh, ngồi đợi người ta làm bánh luôn tại chỗ rồi trả tiền, lấy bánh về.
Những mẻ bánh đầu thể nào cũng được mời ăn thử. Vì vậy mà cứ ngồi cạnh và im lặng chờ đợi, là sẽ có phần. Bánh thuẩn vừa lấy xuống từ bếp than, mềm, thơm và ngon tuyệt…
Đậu đã xay và trứng đã đánh mang về cho chị. Tối đó, chị tập trung lại, bắt đầu làm bánh thuẩn, rồi in bánh in. Chị làm thành thục không thua gì mấy bà ngoài hàng. Dĩ nhiên những mẻ bánh đầu tiên để đong đo liều lượng, đều là những mẻ bánh thử nghiệm, nên chúng tôi rất háo hức chờ đợi.
Bánh ra lò, còn nóng hôi hổi, đứa nào cũng ghé miệng vô cắn, ngon không chi bằng. Đến giờ nhớ lại, đầu lưỡi vẫn còn đọng vị ngọt tê người. Những mẻ bánh đẹp, chị lẳng lặng xếp cẩn thận từng cái lên chiếc mâm đã lót sẵn giấy, miệng răn đe: “Đây là bánh cúng, không được đụng tay vô!”.
Và chúng tôi phải chờ đợi, đến khi kết thúc mẻ bánh, phụ chị dọn dẹp, chị thấy ngoan, vậy là phát thêm cho một, hai cái ăn đỡ thèm. Thích nhất là vào tối giao thừa, sau khi cúng xong, má dọn các loại bánh trước mặt chị em tôi, ăn cho đến khi nào no căng cả bụng mới chịu lò dò đi ngủ…
Theo TNO
Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn
Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món... tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn.
Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn
Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) để mua sắm các món đồ cần thiết cho gia đình. Giống như khu chợ ông Tạ nổi tiếng bán hàng miền Bắc, chợ Bà Hoa có bán đầy đủ tất cả các mặt hàng đặc trưng của người Trung. Đến đây vào những ngày này, bạn sẽ có cảm giác thân quen như đang đi một ngôi chợ quê nào đó. Tất cả hàng cho ngày tết từ bánh chưng, bánh tét cho đến củ kiệu, dưa món... tưởng như chỉ có ở chợ quê đều bán đầy đủ trong ngôi chợ này.
Bánh chưng, bánh tét được bán nhiều ở chợ Bà Hoa trong những ngày này. Mổi đòn bánh tét như trong hình có giá 50.000 đồng. Riêng bánh chưng thì có giá 60.000 đồng cho loại bánh 1 kg. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong những ngày tháng Chạp, mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung để cúng ông bà. Nắm bắt được nhu cầu đó, các hàng quán ở trong ngôi chợ này bắt đầu nhận đặt bánh chưng, bánh tét ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Bạn có thể dễ dàng đặt mua bánh nấu chín sẵn hoặc bánh đang còn sống để về nhà tự nấu.
Có bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Củ kiệu tươi được chất thành từng đống to trong chợ, chỉ việc mua về, lột vỏ, phơi nắng cho héo trước khi ngâm chua. Với những người không có thời gian, đã có củ kiệu phơi sẵn hay những hũ củ kiệu thành phẩm rất đẹp mắt và ngon miệng, hợp khẩu vị.
Các nguyên liệu để làm dưa món đều được bán sẵn ở đây như: cà rốt, củ cải, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, ớt khô... Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài củ kiệu, dưa món cũng được bán rất nhiều. Món ăn là sự pha trộn các nguyên liệu như đu đủ, cà rốt, củ kiệu, dưa leo, củ cải.... ăn hơi giòn và có vị chua ngọt rất ngon miệng. Từng loại nguyên liệu được chế biến sẵn, bà nội trợ chỉ cần mua về, pha trộn thêm với các gia vị khác là đã có dưa món ngon để dùng cho gia đình trong dịp Tết.
Bánh thuẫn đặc trưng của người miền Trung cũng được bán rất nhiều ở chợ. Từng chiếc bánh còn nóng hổi trên khuôn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh thuẫn cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh to bằng nắm tay, mặt bánh nở bung ra như cánh hoa với màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh thuẫn là món ăn để người miền Trung dùng đãi khách cùng với các loại bánh mứt khác trong ngày Tết. Vào những ngày này, các hàng bánh thuẫn có rất nhiều trong chợ. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cả quá trình đổ bánh thuẫn, từ khâu đánh bột, đổ vào khuôn cho đến khi bánh chín vàng tỏa mùi thơm nức.
Ngoài các mặt hàng đặc trưng kể trên, ở đây còn có bánh in, bánh tổ, măng khô, chả giò, bánh rò, bánh ít lá gai... đều là những món ăn phổ biến trong dịp Tết của người miền Trung.
Khánh Hòa
Theo VNE
Ẩm thực ngày Tết - nét đẹp văn hóa của 3 miền. Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Tết là dịp để mọi người được trở về...